Nếu bạn thích tham gia các sự kiện và mong muốn tổ chức nên những chương trình tuyệt vời, ngành học tổ chức sự kiện là lựa chọn phù hợp cho bạn. Cùng Huongnghiepcdm.edu.vn tìm hiểu về ngành tổ chức sự kiện, điểm đến du học lý tưởng để theo đuổi ngành tổ chức sự kiện và những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai nhé.
Ngành học tổ chức sự kiện là gì?
Tổ chức sự kiện là ngành học tập trung vào việc tổ chức và lập kế hoạch cho các sự kiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo học một chương trình đào tạo Tổ chức sự kiện sẽ giúp sinh viên có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để quản lý nhiều khía cạnh của sự kiện, bao gồm lập kế hoạch, quảng bá, quản lý ngân sách, tư vấn và thực hiện với các quy mô và mục đích khác nhau. từ một chương trình văn nghệ gây quỹ cấp phường đến cuộc họp của các lãnh đạo cấp cao, hay các giải đấu thể thao cấp quốc tế.
Ngành Tổ chức sự kiện học những gì?
Các khóa học về tổ chức sự kiện sẽ cung cấp cho bạn mọi kiến thức cần thiết, từ quan hệ công chúng đến quản lý rủi ro, lập ngân sách đến thiết kế, trang trí sự kiện,… Một số chủ đề phổ biến nhất trong ngành học tổ chức sự kiện bao gồm:
-
Lập kế hoạch dự án
-
Tổ chức tài chính
-
Kiến thức ngành
-
Quản lý rủi ro
-
Quản lý các bên liên quan
-
Thiết kế sự kiện
Bên cạnh đó, khi theo học ngành tổ chức sự kiện, bạn cũng sẽ được tham gia thực tập thực tế tại chính trường học hoặc trong các cơ quan, doanh nghiệp có mối quan hệ hợp tác với nhà trường. Điều này sẽ giúp bạn có cơ hội phát triển các kỹ năng thực tế phù hợp để làm việc trong ngành event (sự kiện).
Liệu bạn có phù hợp với ngành Tổ chức sự kiện?
Nếu sở hữu những phẩm chất, kỹ năng sau đây thì xin chúc mừng bạn, ngành tổ chức sự kiện chính là ngành nghề phù hợp cho bạn.
Kỹ năng tổ chức công việc tuyệt vời
Kỹ năng tổ chức và hoạch định công việc là yếu tố mà bất kỳ ai làm việc trong ngành sự kiện đều cần rèn luyện. Với tư cách là người lập kế hoạch sự kiện, bạn cần đảm bảo mọi công việc diễn ra suôn sẻ từ khi lập kế hoạch đến khi kết thúc sự kiện, tuân thủ các mốc thời gian, ngân sách và cuộc hẹn cũng như tổ chức tài liệu, hoá đơn và thông tin quan trọng.
Khả năng kết nối và giao tiếp
Khi tổ chức sự kiện, bạn sẽ cần làm việc và kết nối với rất nhiều đối tượng khác nhau như khách hàng, đối tác, các nhà cung cấp,… Vì vậy, khả năng giao tiếp hiệu quả và kết nối với mọi người xung quanh sẽ giúp công việc của bạn suôn sẻ hơn nhiều.
Khả năng sáng tạo
Một trong những yếu tố quyết định thành công cho sự kiện là sự độc đáo, khác biệt và khơi gợi cảm xúc cho những người tham gia. Để làm được điều đó, ngoài việc hoàn thành một danh sách việc cần làm, bạn cần vận dụng khả năng sáng tạo của mình trong công việc tổ chức sự kiện. Sẽ luôn có những cách tuyệt vời để làm những điều khác biệt ngay cả khi bạn bị giới hạn bởi các yêu cầu của khách hàng. Ví dụ: bạn có thể sáng tạo với chủ đề sự kiện, chọn một địa điểm độc đáo hoặc mời một diễn giả truyền cảm hứng.
Tổ chức sự kiện học trường nào?
Nếu bạn muốn du học ngành tổ chức sự kiện, bạn có thể tham khảo các điểm đến du học phổ biến nhất như Mỹ, Anh Quốc, Úc. Bạn có thể lựa chọn khóa học tổ chức sự kiện tổng quan hay đi sâu vào một lĩnh vực cụ thể như thể thao, thời trang, khách sạn, du lịch,…. Một số chương trình cấp bằng tổ chức sự kiện còn được công nhận bởi một cơ quan hoặc tổ chức quốc gia, đảm bảo rằng khóa học đáp ứng các tiêu chuẩn của ngành.
Cùng tham khảo một số điểm đến du học uy tín đào tạo ngành tổ chức sự kiện trên thế giới:
-
Các khóa đào tạo ngành Tổ chức sự kiện ở Úc
-
Các khóa đào tạo ngành Tổ chức sự kiện ở Canada
-
Các khóa đào tạo ngành Tổ chức sự kiện ở Anh
-
Các khóa đào tạo ngành Tổ chức sự kiện ở Mỹ
-
Các khóa đào tạo ngành Tổ chức sự kiện ở New Zealand
Bạn lưu ý là bấm vào link “Xem [số] khóa học Tổ chức sự kiện” để tìm hiểu thông tin cụ thể về chương trình học ở từng trường.
Nếu bạn muốn tham khảo ý kiến tư vấn từ chuyên gia du học, hãy liên hệ với IDP để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.
Sinh viên ngành Tổ chức sự kiện làm gì khi ra trường?
-
Người tổ chức sự kiện (Event Planner): Bạn sẽ chịu trách nhiệm lập kế hoạch cho sự kiện, từ ý tưởng, chủ đề tổng quan tới những quyết định về địa điểm, hậu cần, ngân sách,…
-
Người quản lý sự kiện (Event Manager): Là một Event Manager, bạn sẽ thay mặt khách hàng của mình và chịu trách nhiệm về từng khía cạnh của sự kiện được tổ chức. Các nhiệm vụ được giao cho người quản lý sự kiện bao gồm từ việc lên ý tưởng, lập kế hoạch, tổ chức và thực hiện một sự kiện một cách chu toàn nhất.
-
Nhà tổ chức triển lãm (Exhibition Organiser): Tương tự như công việc của một nhà tổ chức sự kiện. Sự khác biệt cơ bản là nhà tổ chức triển lãm lập kế hoạch cũng như thực hiện hội chợ và triển lãm.
-
Người trang trí sân khấu (Stage Decorator): Chịu trách nhiệm thiết kế bố cục sân khấu cho sự kiện, bao gồm việc sắp xếp đạo cụ, trang trí sân khấu sao cho phù hợp với chủ đề của sự kiện và làm cho sân khấu nổi bật giữa các yếu tố trang trí khác của địa điểm.
-
Người tổ chức đám cưới (Wedding Planner): Người lập kế hoạch đám cưới giúp khách hàng của mình trong việc tổ chức đám cưới và cung cấp các dịch vụ khác như lập danh sách khách mời, quyết định chủ đề đám cưới, thực đơn cũng như các công việc hậu cần khác.
-
Quản lý Hậu cần (Logistics Manager): Chịu trách nhiệm quản lý việc vận chuyển thiết bị, khách mời và những công tác hậu cần khác cần thiết cho sự kiện.
Mức lương ngành Tổ chức sự kiện là bao nhiêu?
Mức lương của ngành tổ chức sự kiện sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm yêu cầu công việc, ngành nghề, kinh nghiệm, trình độ học vấn và vị trí địa lý. Ở Việt Nam, nhân viên toàn thời gian mới vào ngành (0-2 năm kinh nghiệm) thường có mức lương khởi điểm từ khoảng 6 triệu đến 12 triệu đồng mỗi tháng, tùy thuộc vào vị trí cụ thể và kích thước của công ty. Nhân viên có kinh nghiệm (2-5 năm kinh nghiệm) với mức lương có thể nằm trong khoảng 10 triệu đến 20 triệu đồng/ tháng, tùy thuộc vào kích thước của sự kiện và cấp độ chuyên môn. Theo Glassdoor, mức lương trung bình của các vị trí tổ chức và quản lý sự kiện dao động trong khoảng 48.000 USD – 74.000 USD/ năm ở Mỹ.
Bài viết được viết lại bởi Hoang Thanh Phuong vào ngày 23 tháng 07 năm 2021
*Bài viết được cập nhật và chỉnh sửa bởi Võ Quỳnh Hương vào ngày 11/01/2024.