Nhu cầu về chỉnh nha cũng như chăm sóc răng miệng ngày càng cao trong cuộc sống hiện đại ngày nay khiến cho chuyên ngành Răng hàm mặt trở thành lựa chọn rất phổ biến cho các bạn trẻ muốn theo đuổi ngành y học. Trong bài viết này Huongnghiepcdm.edu.vn sẽ giới thiệu với các bạn yêu thích y học nói chung và có những quan tâm đặc biệt đến ngành Răng hàm mặt những thông tin đầy đủ đến ngành học này cũng như tương lai nghề nghiệp trong lĩnh vực này.
Ngành răng hàm mặt là gì?
Nha khoa chuyên về nghiên cứu, chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị các bệnh liên quan về răng và khoang miệng như xương hàm, nướu, mạc mô, xương mặt và má. Một số đầu việc của nha sĩ có thể kể đến như niềng răng, thay các bộ phận răng giả, điều chỉnh nội nha như sâu răng, cao răng, nhổ răng. Ngoài ra, tùy vào chuyên ngành mà người học cần nắm rõ các kiến thức về cách kê đơn thuốc và cả những công việc mang tính chất phức tạp như phẫu thuật, gây mê, cấy ghép.
Các chuyên ngành đào tạo răng hàm mặt mà sinh viên có thể lựa chọn bao gồm:
-
Chỉnh nha
-
Chăm sóc răng hàm mặt
-
Phục hình răng
-
Chỉnh răng nội nha
-
X-Quang chỉnh hình miệng
-
Phẫu thuật tháo lắp răng
-
Nha khoa nhi
-
Nha khoa y tế cộng đồng
Mục tiêu của ngành Răng hàm mặt đó là đào tạo được các bác sĩ có y đức, kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp về y khoa, nha khoa, giải quyết được các vấn đề và điều trị các bệnh liên quan đến răng, hàm, mặt cho cá nhân, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ cho mọi người.
>> Các khóa học về răng hàm mặt
Ngành Răng hàm mặt học gì?
Sinh viên theo học ngành RHM sẽ được trang bị toàn diện các kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về y sinh; những kỹ thuật cơ bản trong răng hàm mặt bao gồm: chữa răng, phục hình (tháo lắp và cố định), và nội nha; Các kỹ năng cơ bản cần thiết trong nha chu dự phòng. Bên cạnh các môn học đại cương, trong chương trình đào tạo sinh viên sẽ được học các môn chuyên ngành nâng cao như khớp cắn học, nha chu, chẩn đoán vùng miệng, X quang vùng miệng, kỹ thuật chỉnh nha cùng thực hành về phương pháp thay lắp răng giả, phục hồi răng, thân răng, chỉnh hình răng hàm mặt.
Nếu bạn muốn trở thành một nha sĩ chuyên nghiệp, việc đầu tiên bạn cần làm đó là theo học lấy bằng cử nhân ngành Răng hàm mặt. Đây là cấp độ phổ biến nhất mà các bạn sinh viên nha khoa lựa chọn. Thời gian học thường là 4 năm tùy theo trường học và lĩnh vực mà bạn theo đuổi. Trong quá trình học, để có thể tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn bạn sẽ có thể tham dự một số lớp học trong phòng thí nghiệm như một phần yêu cầu của môn học.
Sau khi tốt nghiệp đại học, bạn có thể tham gia làm việc tại các bệnh viện, phòng khám Răng hàm mặt. Những bạn muốn theo đuổi nghiên cứu chuyên sâu về nha khoa thì có thể tham gia các khóa học bậc sau đại học. Một số trường đại học sẽ đòi hỏi 2- 3 năm kinh nghiệm để bạn có thể theo học các bậc học sau đại học. Hiện nay một số trường đại học quốc tế đã cung cấp các các khóa học bậc Thạc sĩ về khoa học Chỉnh nha hoặc Thạc sĩ Khoa học Nha khoa, thường kéo dài 2-3 năm.
Học ngành răng hàm mặt ở đâu?
Với nhu cầu học và làm việc trong nước, các trường đại học Y Dược hàng đầu Việt Nam đều có chuyên khoa đào tạo ngành nha ở các thành phố lớn như: Hà Nội – Hải Phòng – Huế – Hồ Chí Minh – Cần Thơ,…. Ngoài ra, bạn còn có nhiều sự lựa chọn với các trường đại học ở nước ngoài có chương trình chuyên ngành Răng – Hàm – Mặt chất lượng cao được Huongnghiepcdm.edu.vn gợi ý sau đây:
-
Các khóa đào tạo ngành Răng Hàm Mặt ở Úc
-
Các khóa đào tạo ngành Răng Hàm Mặt ở Canada
-
Các khóa đào tạo ngành Răng Hàm Mặt ở Anh
-
Các khóa đào tạo ngành Răng Hàm Mặt ở Mỹ
-
Các khóa đào tạo ngành Răng Hàm Mặt ở New Zealand
Bạn lưu ý là bấm vào link “Xem [số] khóa học Răng Hàm Mặt” để tìm hiểu thông tin cụ thể về chương trình học ở từng trường.
Nếu bạn có hứng thú du học ngành Răng hàm mặt ở các nước tiên tiến và phát triển cùng bằng cấp quốc tế, hãy liên hệ với các chuyên gia du học IDP giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Mức lương và Cơ hội nghề nghiệp của ngành Răng hàm mặt như thế nào?
Ngày này ngoài làn da, mái tóc thì răng miệng là yếu tố được nhiều người quan tâm, chăm chuốt nên nha sĩ hiện nay là một nghề “hái ra tiền”. Theo khảo sát của BBC, mức thu nhập của bác sĩ hoạt động trong ngành Răng – Hàm – Mặt thường cao hơn những nghề khác thuộc lĩnh vực y tế. Cụ thể tại Việt Nam, mức lương học việc sẽ từ 5 – 7 triệu đồng/ tháng. Với những người có kinh nghiệm lâu năm, hoặc có phòng khám răng hàm mặt riêng thì mức thu nhập chắc chắn sẽ không dưới mức 10 triệu đồng/tháng.
Sinh viên vừa ra trường có thể làm việc ở các phòng khám răng hàm mặt, phòng khám nha khoa, các bệnh viện hay các tổ chức phi chính phủ. Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm và muốn chủ động hơn trong công việc, bạn có thể tự mở một phòng khám Răng hàm mặt tư nhân.
Một số công việc chính thức gắn liền với ngành học này là:
-
Bác sĩ nha khoa
-
Trợ lý theo dõi, chăm sóc răng miệng
-
Chuyên viên phục hình răng
-
Kỹ thuật viên Răng hàm mặt
>> Học bổng Y – Dược
Những điều thú vị có thể bạn chưa biết nếu theo đuổi ngành Răng hàm mặt
Không chỉ học kiến thức về răng
Mặc dù ngành Răng hàm mặt chủ yếu liên quan đến việc học về răng miệng nhưng vẫn có một số môn học khác được đề cập trong khóa học. Ví dụ như bạn sẽ tìm hiểu những kiến thức cơ bản về bệnh tật ở người, liều lượng thuốc, tâm lý sức khỏe và kiến thức cơ bản về vật lý liên quan đến vật liệu nha khoa. Khóa học bao gồm nhiều chủ đề có thể được áp dụng để hiểu nha khoa và cải thiện chăm sóc bệnh nhân.
Thuận tay phải là một lợi thế
Nha sĩ, điều dưỡng nha khoa và y sĩ chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt thực hiện khám bệnh nhân có sử dụng ghế máy nha khoa phải thuận tay phải. Lý do là vì các ghế máy nha khoa trong nước hiện nay đều có thiết kế cho người điều trị ngồi bên phải, đa số là cố định và không điều chỉnh sang bên ngược lại. Mặc dù trên thế giới có những dòng máy nha khoa được thiết kế riêng cho người thuận tay trái nhưng tại các cơ sở đào tạo hoặc cơ sở y tế phổ thông không phải lúc nào cũng có trang bị đầy đủ, trừ khi là phòng khám riêng của bạn. Vì vậy, nếu không tập sử dụng được dụng cụ bằng tay phải bạn nên cân nhắc khắc phục.
Sự tỉ mỉ và chính xác không bao giờ thừa thãi
Công việc về Răng hàm mặt đòi hỏi kỹ năng sử dụng các công cụ sắc nhọn và thực hiện ở khoang miệng của bệnh nhân. Có thể thấy các phụ tá nha sĩ/ bác sĩ nha khoa là những người “có tâm của bác sĩ và bàn tay của một kỹ sư”. Đặc biệt với chuyên ngành về kỹ thuật phục hình răng, tạo răng giả thường khá nhỏ tính bằng milimet, đắp sứ, mài nhựa,… đều yêu cầu sự tỉ mỉ và khéo léo nhất định. Ngoài ra, khi tiến hành khám cho bệnh nhân, nha sĩ cần sự tập trung để thực hiện chính xác để tránh hậu quả khôn lường. Có những vấn đề không chỉ nên dựa vào kinh nghiệm mà còn dựa vào phát đồ, x-quang xương hàm của người bệnh như nhổ răng cấm số 6,7,8 hay răng khôn.
Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong Răng hàm mặt
Điều trị nha khoa hiện nay không chỉ dựa trên thăm khám toàn diện và phân tích các dữ liệu hiện có của bệnh nhân. Với sự phát triển của công nghệ thông minh, AI hiện nay đã được đưa vào lĩnh vực này với nhiều mục đích như hỗ trợ đưa ra quyết định trong chỉnh hình răng mặt, phát hiện sâu răng, khảo sát và chẩn đoán các bệnh lý nha chu, thậm chí đề xuất các kế hoạch điều trị. Với sự hỗ trợ từ Trí tuệ nhân tạo, chất lượng chẩn đoán và chữa trị ngày càng cải thiện, song song với mức độ hài lòng của khách hàng.
Tiềm năng từ khách du lịch nước ngoài
Trong hội thảo chuyên đề Phát triển du lịch Nha khoa do Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt Trung ương (Hà Nội) tổ chức, theo thống kê, mỗi năm có gần 100.000 bệnh nhân nước ngoài sang Việt Nam để chữa răng, nguồn thu đem về gần 150 triệu USD. Số lượng bệnh nhân được dự đoán sẽ tăng 2,5 lần mỗi năm trong thời gian tới. Lý do là chi phí làm chăm sóc Răng hàm mặt ở Việt Nam rẻ và dễ tiếp cận hơn các nước phương Tây. Mỗi năm, tính riêng Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt TP.HCM đã tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 500 bệnh nhân người nước ngoài và cũng là lựa chọn đáng tin cậy của hàng ngàn kiều bào đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài.
>> Ngành phẫu thuật thẩm mỹ: Học gì, học ở đâu và cơ hội nghề nghiệp
Bài viết được chỉnh sửa vào ngày 16/04/2024 bởi Võ Quỳnh Hương