Trước khi đặt bút chọn nguyện vọng học ngành Quản trị Nhân sự thì bạn nên tự kiểm tra xem bản thân có hội đủ các yếu tố được liệt kê trong bài viết dưới đây chưa. Nếu chẳng may thiếu những tố chất cần thiết mà không thể tự cải thiện được thì tốt nhất bạn nên chọn hướng đi khác để phát triển sự nghiệp tương lai.
>> Ngành Quản trị Kinh doanh: Mọi điều bạn cần biết
Thích làm việc với con người
Về cơ bản, bộ phận nhân sự có trách nhiệm chính là quản lý con người và là cầu nối giữa nhà tuyển dụng với ứng viên nên nhìn chung bạn sẽ phải tiếp xúc với nhiều người thuộc đủ mọi thành phần trong suốt thời gian theo đuổi sự nghiệp. Một số đầu việc chính thường xuyên tương tác với người khác của bộ phận nhân sự có thể kể đến như tổ chức tuyển dụng, trực tiếp tham gia phỏng vấn, chủ trì chương trình tập huấn thường niên hay triển khai các sự kiện nội bộ của công ty.
Không chỉ thích giao tiếp với người khác, bạn còn phải thấy thoải mái khi đứng ra giải quyết các vấn đề cá nhân có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc của từng thành viên trong công ty. Khi làm việc trong bộ phận nhân sự, bạn nên trang bị cho mình một phong thái thân thiện vừa phải để toàn bộ nhân viên đều sẵn sàng chia sẻ khó khăn họ gặp phải nơi công sở để bạn có thể nhanh chóng giải quyết. Nhìn chung thì những người có tính cách quảng giao, hướng ngoại và sôi nổi sẽ phù hợp với tính chất công việc trong bộ phận nhân sự.
Biết nhìn người
Có một sự thật bạn cần biết là bộ phận nhân sự không trực tiếp đem lại doanh thu cho công ty mà chủ yếu có trách nhiệm “săn” người tài để từ đó gián tiếp mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì lẽ đó nên giá trị của bộ phân nhân sự không nằm ở việc cuối tháng chốt được bao nhiêu đơn hàng mà là khả năng nhìn đúng người và giao đúng việc. Năng lực của bộ phận nhân sự chỉ được đánh giá dựa vào khả năng tuyển chọn được nguồn lao động chất lượng cao với một mức thù lao phù hợp cho công ty. Điều này có nghĩa nếu muốn được trọng dụng trong lĩnh vực nhân sự thì bạn cần phải trau dồi khả năng nhìn người của mình càng sớm càng tốt để không bỏ sót bất kỳ ứng viên tiềm năng nào trong việc đem lại doanh thu tốt cho công ty ở thì tương lai.
Không ngại đương đầu với mọi thay đổi
Loài người vốn dĩ phức tạp nên quản lý con người là công việc tồn tại khá nhiều rủi ro trong việc xảy ra tranh chấp hay xung đột. Hòa giải mâu thuẫn nội bộ là điều bộ phân nhân sự có thể sẽ phải thực hiện không ít thì nhiều trong quá trình làm nghề vì mỗi người mỗi tính trong công việc là chuyện bình thường. Kể cả khi bạn may mắn đầu quân vào một công ty không có quá nhiều cự cãi giữa các phòng ban thì mỗi nhân viên đều có các nhu cầu cá nhân về công việc vào từng thời điểm nhất định. Bộ phận nhân sự lúc này sẽ đứng ra giải quyết đề xuất tăng lương của nhân viên lâu năm, tìm người thay thế nhân viên nghỉ thai sản hay đơn xin nghỉ phép đột xuất của người lao động. Kiên nhẫn, đồng cảm và linh động trong việc xử lý tình huống sẽ giúp người làm quản lý nhân sự vượt qua vô số thử thách mỗi ngày mỗi khác khi đến chỗ làm.
Sẵn sàng ghi nhớ mọi điều luật cần thiết
Bạn không nhất thiết phải có hiểu biết chuyên sâu như một luật sư nhưng cần phải nắm rõ các luật lệ liên quan đến quá trình lao động nói riêng và con người nói chung như thuế, tham nhũng, thai sản, quyền công dân và vô số điều luật khác. Càng biết rõ luật pháp trong môi trường công sở bao nhiêu thì bạn càng có thể nhanh chóng xử lý các tình huống phát sinh bấy nhiêu. Ngoài hiểu rõ luật, bạn còn cần nghiêm túc chấp hành luật pháp để bảo vệ quyền lợi cho người lao động nhưng vẫn giữ hòa khí cho mọi bên liên quan. Nghề nhân sự làm việc với con người phức tạp ở chỗ phải biết hành xử khôn khéo để không ai bị mất lòng khi có mâu thuẫn xảy ra.
>> Ngành Luật: Mọi điều bạn cần biết
Không hành xử theo cảm tính
Khi đứng trước mọi vấn đề liên quan đến nhân viên của tổ chức hoặc doanh nghiệp, bộ phận nhân sự phải luôn giữ tâm thế khách quan hết mức có thể để giải quyết tình huống. Nhân viên có thể giận dữ, hành xử vô lý hay đưa ra các góc nhìn chủ quan nhưng người đứng ở vị trí quản lý nhân sự phải có “cái đầu lạnh” để xem xét vấn đề một cách đa chiều. Cho dù nhân viên có thân thiết với mình cách mấy thì cũng không được để tình cảm che mờ lý trí mà xem nhẹ đạo đức nghề nghiệp. Mỗi khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, bạn đều phải đặt lợi ích của công ty lên hàng đầu. Trong lĩnh vực nhân sự, một mặt bạn phải chủ động gần gũi với nhân viên để nhận được sự tín nhiệm nhưng mặt khác vẫn phải giữ một khoảng cách nhất định để khi có vấn đề xảy ra mới dễ bề xử lý. Vậy nên nếu muốn theo nghề nhân sự bạn hãy chuẩn bị tinh thần phải luôn cân đối các mối quan hệ trong chỗ làm ở mức độ vừa đủ.
>> Danh sách các trường đại học có đào tạo ngành Nhân sự
Nguồn tham khảo: The Best Schools