Ngôn ngữ Anh là ngành học phổ biến nhưng không có nghĩa lĩnh vực này đã “bão hòa” như nhận định của một số người. Thực tế thì số lượng người chọn học Ngôn ngữ Anh đông đảo là thế nhưng có mấy ai đủ kiên trì và nỗ lực để sở hữu trình độ vượt bật hơn người? Mời bạn tìm hiểu kỹ hơn về ngành Ngôn ngữ Anh qua bài viết của Huongnghiepcdm.edu.vn.
Ngôn ngữ Anh là gì?
Ngôn ngữ Anh (English Studies) là ngành học nghiên cứu về các phương pháp học tập loại ngôn ngữ phổ biến, ở đây là tiếng Anh. Thế giới có đến 1,5 tỷ người sử dụng tiếng Anh để giao tiếp, hiện tại tiếng Anh là ngôn ngữ chính tại 50 nước và có hàng trăm đất nước khác chọn Anh ngữ là ngôn ngữ thứ 2. Đồng thời đây còn là ngành nghiên cứu về lịch sử, con người, văn hóa của các quốc gia, dân tộc sử dụng tiếng Anh trên thế giới.
Trong quá trình đào tạo, sinh viên còn được trang bị thêm các kiến thức bộ trở về kinh tế, tài chính, du lịch, sự kiện, giảng dạy… để đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm hiện nay.
Ngành Ngôn ngữ Anh học gì?
Hiện nay tại các trường đại học, cao đẳng có xu hướng ngành Ngôn ngữ Anh thành 3 mảng chính:
-
Tiếng Anh thương mại: Theo học chuyên ngành này, sinh viên được đào tạo kiến thức tiếng Anh chuyên sâu thuộc lĩnh vực kinh tế như thương mại, kinh doanh. Ngoài ra, các bạn còn được chú trọng đào tạo những kỹ năng như: kỹ năng truyền thông và giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, năng lực hợp tác, quản lý, thuyết phục, đàm phán…
-
Tiếng Anh biên – phiên dịch: Chuyên ngành này đào tạo những kiến thức về ngôn ngữ Anh như văn phong, từ vựng, ngữ pháp, kiến thức về văn hóa, văn minh ở các nước sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các bạn còn được trau dồi các kỹ năng như: biên phiên dịch, thủ thuật dịch thuật, vốn ngữ pháp đặc thù các thuật ngữ cơ bản về các lĩnh vực chuyên ngành để diễn đạt thông tin chính xác và chi tiết với ngôn ngữ gốc.
-
Tiếng Anh sư phạm: Khi học chuyên ngành này, bên cạnh kiến thức về tiếng Anh như từ vựng, ngữ pháp phục vụ cho nhu cầu giảng dạy, sinh viên còn được trang bị kiến thức về giáo dục, tâm lý giảng dạy ở các trường trung học, cao đẳng, đại học.
Nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành ngôn ngữ Anh tập trung đào tạo chuyên ngữ. Điều này có nghĩa các môn như: Phonetics and Phonology (ngữ âm – âm vị học), Morphology and Syntax (ngữ pháp học), Semantics (ngữ nghĩa học), Translation, hay Interpretation học sẽ chuyên sâu hơn. Ngoài ra, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh thông thường cần phải học ngôn ngữ thứ 2 như: Nhật, Hoa, Hàn, Pháp…
Bên cạnh đó, các môn học chính của ngành Ngôn ngữ Anh gồm Biên dịch, Phiên dịch, Đất nước học Anh – Mỹ, Phương pháp giảng dạy tiếng Anh, tiếng Anh ngoại giao, Chính sách đối ngoại Việt Nam, Quan hệ kinh tế quốc tế, Truyền thông quốc tế, Kỹ năng thuyết trình, Kỹ năng đàm phán, Kỹ năng quản lý và lãnh đạo… Ngoài ra, sinh viên được trang bị các kỹ năng mềm, kỹ năng nghiệp vụ như đàm phán, thuyết trình, tư duy phản biện, quản lý lãnh đạo và nghiên cứu khoa học.
Ngành Ngôn ngữ Anh thường có ba mục đích đào tạo chính là giúp người học sử dụng tiếng Anh chính xác, đào sâu phân tích vẻ đẹp của tiếng Anh và cuối cùng là dùng tiếng Anh như một công cụ để kiếm sống.
1. Sử dụng tiếng Anh chính xác:
Trước khi có thể dùng tiếng Anh một cách bóng bẩy thì bạn cần phải sử dụng đúng cách nên ngành Ngôn ngữ Anh sẽ trang bị cho bạn các kiến thức cơ bản và chi tiết nhất có thể của cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Chẳng hạn nghe người bản xứ nói chuyện phải biết họ luyến láy chỗ nào để hiểu đúng nghĩa. Khi nói thì phải phát âm rõ ràng để đối phương không hiểu lầm. Đọc một văn bản bạn cần phải nắm được ý chính của tác giả và viết một câu văn hay bài luận thì phải đảm bảo đúng ngữ pháp, chính tả và dấu câu.
2. Phân tích vẻ đẹp của tiếng Anh:
Sau khi có nền tảng tiếng Anh tốt thì bạn sẽ được khám phá sâu hơn về vẻ đẹp của tiếng Anh thông qua các tác phẩm văn học, thơ ca hay âm nhạc tương tự như ngày xưa bạn học Ngữ Văn thời cấp ba. Học ngôn ngữ nào cũng thế, bạn phải sở hữu vốn liếng từ ngữ và cả kinh nghiệm sống nhất định về các lĩnh vực khác trong cuộc sống như chính trị, xã hội, khoa học,… thì mới có thể hiểu được sự tinh tế trong cách dùng từ của tác giả.
Ngôn ngữ gắn liền với đời sống nên hiểu biết của bạn càng nhiều thì vốn từ của bạn càng dồi dào. Vì lẽ đó nên trong chương trình học Ngôn ngữ Anh ngoài các tác phẩm nghệ thuật bất hủ của Anh hay Mỹ thì bạn sẽ được đọc thêm vô số tài liệu chuyên ngành khác. Nhờ được đọc các bài viết với chủ đề đa dạng mà sau khi tốt nghiệp bạn sẽ có kiến thức nền tảng tốt để có thể phát triển thêm.
3. Công cụ kiếm sống:
Kết thúc quá trình củng cố nền móng tiếng Anh vững chắc thì bạn sẽ được học cách để khai thác các kiến thức đã học cho việc kiếm sống. Lúc này bạn sẽ được học các kỹ năng chuyên môn như giảng dạy tiếng Anh, biên phiên dịch, viết lách hay nói trước công chúng. Các kỹ năng này sẽ giúp bạn kiếm tiền nên tất nhiên yêu cầu sẽ phải cao hơn chứ không dừng lại ở mức cơ bản. Chẳng hạn như dạy tiếng Anh đúng thôi chưa đủ mà phải sinh động và lôi kéo người học; viết không chỉ cần đúng cấu trúc mà còn phải hấp dẫn, dễ đọc và khuyến khích người khác mua hàng; hay nói chuyện không chỉ rõ ràng mà còn phải thuyết phục và có duyên.
Những kỹ năng trên đều cần thời gian để luyện tập nên ngành học sẽ chỉ đưa cho bạn các tiêu chuẩn đánh giá còn mỗi sinh viên có nhiệm vụ phải tự nỗ lực mày mò để có được bản sắc riêng của mình trong việc sử dụng ngôn ngữ nhằm cạnh tranh với người khác. Hàng ngàn hàng vạn người sử dụng tiếng Anh mỗi ngày thì bạn buộc phải tìm ra được phong cách riêng để không bị lu mờ và giành được nhiều cơ hội trong nghề nghiệp.
Tại sao nên học Ngành Ngôn ngữ Anh?
Công cụ không bao giờ bị lỗi thời
Dù thời thế có thay đổi ra sao thì tiếng Anh vẫn luôn được xem trọng và mang lại lợi ích cho thế giới. Nếu bạn không chịu khó trau dồi và luyện tập ngôn ngữ hàng ngày thì chắc chắn sẽ bị “lụt nghề” nhưng bản thân tiếng Anh lúc nào cũng có chỗ đứng nhất định trong thị trường lao động. Chẳng hạn như các trung tâm luyện thi IELTS hay TOEFL tại Việt Nam bao năm qua vẫn sôi động và nhộn nhịp. Các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày một nhiều nên chắc chắn sẽ ưu tiên tuyển dụng các nhân sự biết tiếng Anh. Các doanh nghiệp trong nước muốn mở rộng thị trường hoạt động ra quốc tế vẫn cần nhân lực sõi tiếng Anh để đàm phán và thương thảo. Ngay cả khi bạn muốn ở lại nước ngoài để làm việc thì tiếng Anh thượng thừa là điều bắt buộc để bạn đủ sức cạnh tranh với dân bản địa.
Nhiều việc làm phù hợp với Ngành Ngôn ngữ Anh
Hotcourses có bài viết Học Ngành Ngôn ngữ Anh ra làm gì – giới thiệu cho bạn những nghề nghiệp hấp dẫn bạn có thể làm với tấm bằng Ngôn ngữ Anh. Liệt kê sơ sơ thì bạn có thể làm các công việc như giáo viên tiếng Anh, viết báo, chuyên viên quảng cáo, hướng dẫn viên du lịch, biên tập viên,… Bạn đã có vốn ngôn ngữ trong tay thì có thể tự học thêm bất kỳ lĩnh vực nào khác để có thể theo đuổi con đường sự nghiệp mình muốn.
Ngành học an toàn
Tiếng Anh rất hữu dụng trong cuộc sống nên dù bạn không thích ngành học này lắm thì các kiến thức được học không bao giờ trở nên vô nghĩa. Đây chính là lý do Ngôn ngữ Anh thường được lựa chọn bởi các bạn trẻ chưa biết mình thực sự thích gì để tương lai vẫn phần nào được đảm bảo.
>> 10 lý do ngành Ngôn ngữ Anh không hề “vô dụng” như bạn nghĩ
Ai phù hợp với ngành Ngôn ngữ Anh?
Yêu ngôn ngữ
Nếu bạn yêu tiếng Việt thì bạn rất phù hợp để học Ngôn ngữ Anh. Tiếng Việt sẽ góp phần giúp quá trình theo học Ngôn ngữ Anh của bạn trở nên thăng hoa hơn nhờ có sự so sánh, đối chiếu và phân tích sự giống và khác biệt giữa hai ngôn ngữ. Từ đó bạn sẽ vỡ lẽ ra nhiều điều thú vị mà nếu bạn không thích ngôn ngữ nói chung hay tiếng Việt nói riêng sẽ không thể có được.
Thích đọc
Đọc là một kỹ năng rất đỗi quan trọng để bạn nâng cao vốn từ, học hỏi cách lập luận và cải thiện khả năng viết lách. Một người sử dụng ngôn ngữ điêu luyện chắc chắn phải siêng đọc. Nếu bạn thấy mình có sở thích đọc tất tần tật mọi thứ trên đời thì khả năng cao là bạn sẽ có thể tỏa sáng trong lĩnh vực Ngôn ngữ Anh.
Học thiên về các môn xã hội
Ngành Ngôn ngữ Anh thường phù hợp với những bạn học có sở trường trong các môn xã hội hơn là các môn tự nhiên như toán. Đối với những bạn không cảm thấy thoải mái với các con số và phép tính, nhưng lại yêu thích việc đọc, viết và khám phá về văn hóa, lịch sử, và ngôn ngữ, ngành Ngôn ngữ Anh có thể là lựa chọn lý tưởng.
Nên học Ngành Ngôn ngữ Anh ở trường nào?
Ở Việt Nam thì bạn có thể chọn học Ngôn ngữ Anh ở các trường đại học chính quy như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Ngoại ngữ – tin học TP.HCM, Đại học Quốc tế,… Nhưng nếu học ở Việt Nam bạn sẽ trải qua giai đoạn tiếng Anh cơ bản trong các học kỳ đầu nên có thể gây nhàm chán và thời lượng kiến thức chuyên sâu sẽ bị rút ngắn.
Nếu chọn du học ngành Ngôn ngữ Anh thì bạn sẽ được một lợi thế rất lớn là được sống trong môi trường tiếng Anh hàng ngày nên trải nghiệm học tập chắc chắn sẽ thú vị hơn. Ngoài các quốc gia nói tiếng Anh phổ biến như Mỹ, Anh, Úc thì bạn vẫn có thể chọn học ngành Ngôn ngữ Anh ở các quốc gia Châu Á lân cận như Philippines hay Singapore cũng có chất lượng đào tạo tốt.
Dưới đây là một số điểm đến du học có ngành Ngôn ngữ Anh tốt để bạn tham khảo:
-
Các khóa đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh ở Úc
-
Các khóa đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh ở Canada
-
Các khóa đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh ở Anh
-
Các khóa đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh ở Mỹ
-
Các khóa đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh ở New Zealand
Bạn lưu ý là bấm vào link “Xem [số] khóa học Ngôn ngữ Anh” để tìm hiểu thông tin cụ thể về chương trình học ở từng trường. Nếu bạn có thắc mắc về du học ngành Ngôn ngữ Anh, các chuyên gia du học IDP giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh ra làm gì?
Trong bối cảnh các nước mở cửa hội nhập như hiện nay, ngành Ngôn ngữ Anh được xem là một trong những ngành học mang lại cơ hội phát triển lớn. Sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, bạn còn có cơ hội làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như:
-
Giáo viên Tiếng Anh: Trở thành giáo viên tiếng Anh tại các trường phổ thông, trung học, trung tâm ngoại ngữ hoặc các tổ chức giáo dục quốc tế.
-
Biên phiên dịch và phiên dịch: Làm việc trong lĩnh vực dịch thuật, biên dịch cho các tổ chức quốc tế, công ty nước ngoài hoặc tổ chức phi chính phủ.
-
Chuyên viên văn phòng và truyền thông: Làm việc trong các công ty, doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận hoặc cơ quan truyền thông, phụ trách viết và biên tập tài liệu, báo cáo, tin tức.
-
Chuyên viên tư vấn ngôn ngữ và văn hóa: Hỗ trợ các doanh nghiệp hoặc tổ chức trong việc hiểu và tương tác với ngôn ngữ và văn hóa của các thị trường quốc tế.
-
Nhà xuất bản và biên tập viên: Làm việc trong ngành xuất bản, biên tập và sửa đổi các tác phẩm văn học, báo chí, sách, tạp chí.
-
Hướng dẫn viên du lịch: Làm việc trong ngành du lịch và dịch vụ, phục vụ khách hàng quốc tế và tham gia vào các hoạt động liên quan đến du lịch và văn hóa.
-
Ngôn ngữ và nghiên cứu văn hóa: Tham gia vào các dự án nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa, văn học so sánh, hoặc làm việc trong các tổ chức nghiên cứu và giáo dục.
-
Freelancer: Tự làm việc độc lập trong các lĩnh vực như viết lách, dịch thuật, biên tập, hoặc giảng dạy trực tuyến.
Mức lương của ngành Ngôn ngữ Anh là bao nhiêu?
Mức lương của ngành Ngôn ngữ Anh có thể được xem là khá hấp dẫn, đặc biệt là đối với những vị trí có trình độ và kinh nghiệm cao. Theo các thông tin tham khảo, mức lương trung bình cho các nhân viên ngành này dao động từ 400 đến 700 USD/tháng, tương đương khoảng 9 đến 15 triệu VND. Tuy nhiên, đối với các vị trí cao cấp hoặc làm việc tại các công ty toàn cầu, mức lương có thể nâng lên đến 1000 USD/tháng, tương đương khoảng 22 triệu VND hoặc cao hơn nếu có đủ năng lực và kinh nghiệm.
Mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh thường dao động từ 9 đến 15 triệu VNĐ/tháng. Tuy nhiên, điều này có thể cao hơn nếu sinh viên có khả năng tự học và tích lũy kinh nghiệm từ các công việc thêm giờ hoặc thực tập. Xu hướng làm việc tự do cũng đang phát triển trong ngành này, với thu nhập cao và khả năng tự chủ về thời gian làm việc.
Học Ngôn ngữ Anh có cần giỏi tiếng Anh không?
Học Ngôn ngữ Anh đòi hỏi một mức độ khá tốt về tiếng Anh, nhưng không nhất thiết phải là “giỏi” từ ban đầu. Quan trọng hơn là khả năng hiểu và sử dụng tiếng Anh một cách linh hoạt và hiệu quả.
Ở mức độ đầu vào, học Ngôn ngữ Anh thường tập trung vào việc cải thiện cả kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Một học sinh không cần phải thành thạo tiếng Anh từ đầu, nhưng cần phải có lòng đam mê và cam kết để học tập và phát triển khả năng ngôn ngữ của mình.
Khi tiến xa hơn trong chương trình học, cần phải nắm vững các kỹ năng ngôn ngữ phổ biến như ngữ pháp, từ vựng, cũng như hiểu biết sâu rộng về văn hóa và lịch sử liên quan đến ngôn ngữ Anh. Đối với các chuyên ngành cụ thể như biên dịch, phiên dịch, hoặc giảng dạy, việc thành thạo tiếng Anh là điều bắt buộc.
Tóm lại, mặc dù không yêu cầu phải “giỏi” tiếng Anh ngay từ đầu, nhưng việc có một nền tảng tiếng Anh tốt sẽ giúp bạn học và tiến bộ trong ngành Ngôn ngữ Anh một cách hiệu quả hơn.
*Bài viết được điều chỉnh bởi Huongnghiepcdm.edu.vn Editor vào ngày 24 tháng 05 năm 2021.
*Bài viết được cập nhật và chỉnh sửa bởi Võ Quỳnh Hương vào ngày 03/04/2024.