Marketing là một trong những ngành học phổ biến bậc nhất và không bao giờ lỗi thời vì đây là khâu quan trọng không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động kinh doanh nào.
Marketing là gì?
Marketing là tên gọi chung của tất cả những hoạt động do người bán hàng hoặc doanh nghiệp thực hiện nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua hàng để thu về lợi nhuận. Cụ thể hơn, Marketing tập trung vào nghiên cứu nhu cầu và mong muốn của khách hàng, phân tích thị trường, phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ, tạo lập chiến lược tiếp thị, xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiếp thị sản phẩm để thu hút và giữ chân khách hàng, cuối cùng là tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Marketing giúp xác định và đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua việc tạo ra giá trị và tạo dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Ví dụ như bạn vào siêu thị mua sắm thì vô tình thấy quầy trưng bày sản phẩm xúc xích vừa mới ra mắt với chương trình ăn thử miễn phí. Bạn đến ăn thử một lát xúc xích thì thấy hợp khẩu vị nên quyết định mua một gói xúc xích mang về. Trong trường hợp này, việc thương hiệu xúc xích dựng quầy trưng bày, cho bạn ăn thử rồi cuối cùng bán hàng cho bạn chính là hoạt động marketing. Hay việc người bán hàng làm livestream, giới thiệu sản phẩm, tương tác với khách để chốt đơn hàng cũng được gọi chung là hoạt động marketing.
Bạn có thể thấy được để bán được hàng có rất nhiều cách nên marketing nhìn chung là một lĩnh vực rất rộng. Nếu thắc mắc marketing thuộc nhóm ngành nào thì: Ngành marketing thuộc nhóm ngành đào tạo kinh doanh trong các trường Đại học. Đây là ngành sẽ cung cấp cho những sinh viên theo học những kiến thức chuyên sâu về: cách nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khách hàng, xây dựng và phát triển các mối quan hệ, thiết kế chương trình phân phối sản phẩm, tổ chức phân phối sản phẩm,…. Nếu tìm hiểu sâu xa hơn, bạn sẽ biết Marketing còn có mối liên hệ tương hỗ với hai lĩnh vực khác là PR (public relations) và Quảng cáo (Advertising).
Tại sao nên du học Marketing?
Lựa chọn học tập đa dạng
Vì Marketing là ngành học phổ biến nên hầu như trường đại học nào cũng có chương trình đào tạo. Khi chọn học Marketing, bạn sẽ có vô vàn lựa chọn để cân nhắc xem học ở đâu phù hợp với điều kiện tài chính của gia đình trải dài từ Âu sang Á. Ngay cả khi bạn không có khả năng học đại học thì vẫn có nhiều khóa học ngắn hạn hoặc các chương trình tự học trên Coursera hay Udemy để bạn tham khảo.
Nguy cơ thất nghiệp thấp
Dù kinh tế có suy thoái đến đâu thì các công ty hoặc doanh nghiệp vẫn phải thuê người làm các công việc marketing vì đây là hoạt động quan trọng đem lại lợi nhuận cho công ty nên sau tốt nghiệp bạn sẽ có nhiều cơ hội việc làm. Không những thế, với kiến thức marketing, bạn hoàn toàn có thể học thêm quản trị kinh doanh để tự gầy dựng doanh nghiệp cho mình.
Ngành của… mọi ngành
Với kiến thức marketing, bạn có thể dấn thân vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Nếu bạn muốn gia nhập thế giới giải trí, hãy làm marketing phim. Nếu bạn thích lĩnh vực sức khỏe, cứ thoải mái nộp hồ sơ cho vị trí marketing tại các trung tâm thể dục. Còn bạn lỡ mê môi trường làm đẹp xa hoa thì các thương hiệu mỹ phẩm luôn chờ đón hồ sơ của bạn.
Ngành Marketing cần học những môn gì?
Trong quá trình học, ngoài những kiến thức nền cần thiết về kinh tế, kinh doanh hay thậm chí là tâm lý tiêu dùng thì bạn sẽ còn được hướng dẫn cách lên kế hoạch cho một chiến dịch marketing cụ thể như phân tích thị trường, lên ý tưởng thực hiện chiến dịch, phân bổ ngân sách, thực hiện kế hoạch và đánh giá hiệu quả. Nghe thì đơn giản nhưng từng bước trong việc lên kế hoạch marketing có 1001 cách thực hiện tùy vào từng trường hợp cụ thể nên bạn phải tìm hiểu cặn kẽ để có thể áp dụng đúng cách.
Ngoài kiến thức Marketing, bạn có thể sẽ được giới thiệu thêm về các ngành liên quan như Quảng cáo, Quan hệ công chúng hay Tổ chức sự kiện vì người học Marketing hoàn toàn có thể đá chéo sân sang các lĩnh vực này.
Bạn có thể tham khảo chương trình học Cử nhân ngành Digital Marketing của trường RMIT như sau:
Năm 1:
-
Introduction to Management
-
Business Computing
-
Marketing Principles
-
Business Statistics
-
Digital Business Development
-
Business Discipline Minor
-
Consumer Psychology and Behaviour
Năm 2:
-
Digital Content Creation
-
Marketing Intelligence
-
Digital Marketing Communications
-
Social Media and Mobile Marketing
-
Global Branding
Năm 3:
-
Internship
-
Digital Marketing Strategy and Planning
Nên du học Marketing ở đâu?
Mỹ và Anh là hai quốc gia có nền truyền thông quảng cáo rất phát triển nên nếu có điều kiện thì bạn nên chọn du học tại 2 quốc gia này. Ngoài ra, hotcourses.vn gợi ý cho bạn một số điểm đến du học tiêu biểu có ngành Marketing chất lượng:
-
Các khóa đào tạo ngành Marketing ở Úc
-
Các khóa đào tạo ngành Marketing ở Canada
-
Các khóa đào tạo ngành Marketing ở Anh
-
Các khóa đào tạo ngành Marketing ở Mỹ
-
Các khóa đào tạo ngành Marketing ở New Zealand
Các bạn có thể liên hệ với công ty tư vấn du học IDP để được các chuyên viên giàu kinh nghiệm tư vấn miễn phí về lựa chọn các trường đại học tiềm năng để học Marketing.
Cần kỹ năng gì để học tốt ngành Marketing?
Viết, viết và viết
Bạn nên chuẩn bị tinh thần sẽ phải “múa bút” khá nhiều khi chọn học marketing như viết kế hoạch, viết nội dung marketing và tất nhiên là viết báo cáo. Nếu bạn du học marketing thì phải viết toàn bộ những cái trên hoàn toàn bằng tiếng Anh. Viết là một kỹ năng rất quan trọng không chỉ khi bạn học mà cả trong công việc sau này.
Khả năng giao tiếp tốt
Thuyết trình về kế hoạch marketing của bạn là điều chắc chắn sẽ có trong quá trình học. Nếu bạn là người rụt rè thì nên cố gắng cải thiện vì nếu bạn không có khả năng thuyết phục người khác tin vào tiềm năng của kế hoạch bạn đưa ra thì rất khó có thể thành công trong ngành.
Thường xuyên cập nhật xu hướng
Các kiến thức marketing luôn đổi mới mỗi ngày nên bạn cần chủ động tìm hiểu những biến động trong ngành để luôn đi kịp với thời đại. Việc theo dõi cách người khác làm marketing để học hỏi cái hay và cả cái dở của họ cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc của bạn sau này.
Học marketing ra làm gì?
Nếu chọn đầu quân vào công ty, một số vị trí bạn có thể làm liên quan đến lĩnh vực marketing như sau:
-
Event Planner (Chuyên viên tổ chức sự kiện)
-
Marketing executive (Quản lý thương hiệu): Quản lý mọi hoạt động marketing của một thương hiệu
-
Public Relations Manager (Quản lý Quan hệ công chúng)
-
Advertising account executive (Giám đốc điều hành tài khoản quảng cáo)
-
Market researcher (Nhà nghiên cứu thị trường)
-
PPC specialist (Chuyên viên quản lý chiến quảng cáo online)
Mức thu nhập trung bình trên thị trường Việt Nam cho ngành Marketing có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như ngành nghề, trình độ học vấn, vị trí công việc, cấp bậc, địa điểm làm việc và kinh nghiệm. Bạn trẻ chưa có kinh nghiệm (0-2 năm kinh nghiệm) có mức lương trung bình cho các vị trí công việc entry-level có thể dao động từ khoảng 7-15 triệu VND/tháng. Mức lương có thể tăng từ 25 triệu VND/tháng trở lên nếu bạn đã lên vị trí quản lý.
Trong trường hợp bạn muốn mở lối đi riêng thì có thể trở thành blogger hay content creator với trang web hoặc kênh cá nhân của mình. Nhiều bạn trẻ đã thành công khi chọn con đường sáng tạo nội dung trên mạng và kiếm thu nhập hậu hĩnh từ quảng cáo.
Bài được viết lại bởi Do An Khang vào ngày 7 tháng 8 năm 2019.
Cập nhật bởi Huongnghiepcdm.edu.vn Editor vào ngày 28 tháng 4 năm 2021.
Bài viết được cập nhật và chỉnh sửa bởi Võ Quỳnh Hương vào ngày 05/08/2023.