Kỹ xảo luôn đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các tác phẩm điện ảnh hoặc truyền hình, nhất là các thể loại khoa học viễn tưởng. Nếu bạn đam mê phim ảnh và không ngại phải ngồi hàng giờ liền trước màn hình máy tính thì ngành Kỹ xảo điện ảnh (Visual Effects) hay còn được gọi tắt là VFX, có thể là lựa chọn phù hợp cho hướng đi tương lai của bạn. Cùng Huongnghiepcdm.edu.vn tìm hiểu các thông tin quan trọng về cách trở thành những “phù thuỷ hình ảnh” phía sau màn bạc trong bài viết dưới đây nhé!
>> Nói chuyện nghề cùng các chuyên gia VFX ở nước ngoài
>> Hai góc nhìn cận cảnh về ngành Kỹ xảo điện ảnh (VFX)
Kỹ xảo điện ảnh là gì?
Nếu bạn là một “tín đồ” phim ảnh thì chắc hẳn đã từng xuýt xoa trước những hiệu ứng hình ảnh bắt mắt trong Titanic, Life of Pi hay loạt phim Harry Potter. Những cảnh phim lung linh bạn xem được trong các tác phẩm này hầu hết không thể được quay trực tiếp ngoài đời mà phải được xử lý thông qua công đoạn hậu kỳ. Nhìn chung thì hình ảnh nào không được quay trực tiếp mà được thêm vào sau đó sẽ được gọi là kỹ xảo điện ảnh hay VFX (Visual Effect).
Nhiệm vụ chính của một nghệ sĩ kỹ xảo (VFX Artist) là thiết kế, xây dựng và triển khai các hiệu ứng đặc biệt vào những cảnh quay có phông xanh để phù hợp với nội dung kịch bản và góp phần nâng cao trải nghiệm xem phim của khán giả. Để trở thành nghệ sĩ kỹ xảo phim, bạn có thể bắt đầu theo đuổi bằng Cử nhân trong các lĩnh vực liên quan đến Hoạt Hình (Animation), Đồ Họa Máy Tính (Computer Graphics) hoặc Hiệu Ứng Hình Ảnh (Visual Effect) tại nước ngoài vì hiện tại lĩnh vực này ở Việt Nam chỉ có trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội có chương trình đào tạo chính quy. Ngoài ra, các trung tâm dạy nghề liên quan đến thiết kế đồ hoạ cũng có những khóa học ngắn hạn phục vụ cho nhu cầu thực hành của bạn. Mặc dù không phải công ty nào cũng bắt buộc nhưng có được một nền giáo dục chính quy sẽ là một lợi thế khi đi xin việc.
Du học ngành kỹ xảo điện ảnh chắc chắn sẽ tốn kém hơn ở khoản đầu tư thiết bị. Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ giúp bạn thu nạp được các kiến thức nền một cách quy củ và cả cơ hội việc làm sau tốt nghiệp ở môi trường điện ảnh quốc tế. Các trường đại học ở nước ngoài cũng có cơ sở vật chất hiện đại và tối tân hơn để bạn trải nghiệm một cách đầy đủ về ngành học này. Lĩnh vực VFX rất năng động, vì vậy học tập trong một môi trường luôn cập nhật các công nghệ và kỹ thuật mới nhất là điều cần thiết.
Học gì trong ngành Kỹ xảo điện ảnh?
Trong các năm đầu của ngành, bạn sẽ được học các môn đại cương như kỹ thuật vẽ, lý thuyết màu sắc và nguyên lý thiết kế. Một số môn khác có thể không liên quan trực tiếp đến chuyên ngành như Truyền thông Kỹ thuật số, Kỹ năng Thuyết trình, Văn hóa Đại chúng cũng được giảng dạy. Bạn có thể chủ động chọn học thêm các môn như Toán học, Tiếng Anh, Khoa học xã hội,… trong năm học đại cương để bổ sung thêm các kiến thức nền cần thiết để làm nghề về sau.
Trong các học kỳ chuyên ngành, bạn sẽ được học các môn mà Huongnghiepcdm.edu.vn nghĩ không nên dịch ra tiếng Việt sẽ tốt hơn như:
-
Compositing
-
Concept Development for Visual Effects
-
Digital Compositing I: The Art and Science of Digital Integration
-
Digital Visual Effects
-
3D Color, Lighting and Rendering
-
Introduction to Visual Effects Programming
-
Matte Painting
-
Modeling for Visual Effects
-
Procedural 3-D and Shader Programming
-
Procedural Modeling and Animation Techniques
-
Professional Development for Visual Effects
-
Programming Concepts for Visual Effects
-
Programming Models and Shaders I
-
Survey of Visual Effects
-
Visual Effects Studio I
-
Visual Effects Studio II
-
Visual Effects-Based Cinematography
Nên du học ngành Kỹ xảo điện ảnh ở đâu?
Hiện có rất nhiều trường đại học tại các nước chuyên sản xuất phim ảnh như Anh, Mỹ, Úc, New Zealand, Canada… có các chương trình đào tạo dài hạn từ 1 đến 4 năm. Bạn và gia đình có thể tham khảo một số trường đại học có chương trình đào tạo Kỹ xảo điện ảnh do Huongnghiepcdm.edu.vn gợi ý dưới đây:
-
Các khóa đào tạo ngành Kỹ xảo điện ảnh ở Úc
-
Các khóa đào tạo ngành Kỹ xảo điện ảnh ở Canada
-
Các khóa đào tạo ngành Kỹ xảo điện ảnh ở Anh
-
Các khóa đào tạo ngành Kỹ xảo điện ảnh ở Mỹ
-
Các khóa đào tạo ngành Kỹ xảo điện ảnh ở New Zealand
Nếu bạn cảm thấy hoang mang không biết nên chọn trường đại học nào cho phù hợp thì có thể liên hệ với IDP để được giúp đỡ bởi các chuyên viên tư vấn giàu kinh nghiệm.
Cơ hội làm nghề sau tốt nghiệp
Khi công nghệ ngày càng phát triển, càng nhiều bộ phim ứng dụng kỹ xảo điện ảnh vào xây dựng bối cạnh, thậm chí là nhân vật của toàn bộ phim như Avatar. Điều này cho thấy cơ hội nghề nghiệp trong ngành này ở thị trường lao động quốc tế đang rất rộng mở và du học ngành kỹ xảo điện ảnh. Với mức kinh nghiệm dưới 1 năm, bạn đã có cơ hội nhận được mức lương $56,000 mỗi năm tại Mỹ. Ngoài ra, bạn còn nhận được thêm mức phí liên quan đến tiền thưởng, hoa hồng, chia sẻ lợi nhuận từ công ty lên đến hơn $6,000 mỗi năm tuỳ thuộc vào dự án hoặc công ty mà bạn làm việc. Khi bạn có nhiều năm kinh nghiệm hơn, như từ 7 đến 9 năm, mức lương của bạn có thể đạt được $109,000 tại Mỹ (chưa bao gồm tiền thưởng). Tại Vương quốc Anh, mức lương trung bình cho nghề kỹ xảo điện ảnh là £39,789 mỗi năm tại với khoản phụ cấp thêm bằng tiền mặt bổ sung dao động từ £1,445 đến £6,456.
Còn ở thị trường Việt Nam, trong một vài năm trở lại đây, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều cái tên Việt Nam xuất hiện trong danh sách những người thực hiện các bộ phim bom tấn Hollywood như Transformer, Fast and Furious hay Thế giới khủng long. Sinh viên vừa ra trường và bắt đầu các công việc cụ thể trong lĩnh vực VFX sẽ nhận mức lương thông thường khoảng 9 triệu đồng/tháng. Với những bạn năng lực tốt hơn, con số này có thể dao động 12 – 15 triệu đồng/tháng. Khi bạn đã trở thành senior hay supervisor trong ngành, thu nhập bạn có thể lên đến 50 triệu đồng/ tháng.
Thực tế công việc của ngành Kỹ xảo điện ảnh ra sao?
Trong quá trình sản xuất phim, bộ phận VFX sẽ chịu trách nhiệm cho hai giai đoạn là tiền kỳ (Pre-production) và hậu kỳ (Post-production). Công tác kỹ xảo vào giai đoạn tiền kỳ gồm phác họa ý tưởng của đạo diễn trên trang giấy và có thể sẽ dựng thêm hiệu ứng mô phỏng để minh họa. Nếu cần thiết, bạn còn phải sẽ làm các đạo cụ, tạo mô hình hoặc thiết kế bối cảnh cần thiết để phục vụ công tác quay phim. Dù làm việc ở công đoạn tiền kỳ hay hậu kỳ thì bạn vẫn phải chịu áp lực khá lớn khi phải đáp ứng nhu cầu khắt khe của khách hàng, chạy dự án trong thời gian dài và hầu như phải “cắm trại” ở phòng dựng để hoàn thành sản phẩm đúng thời hạn được giao.
>> Ngành Biên kịch phim Điện ảnh và Truyền hình: Mọi điều bạn cần biết
Bài được viết lại bởi Do An Khang vào ngày 24 tháng 11 năm 2020.
Bài viết được chỉnh sửa bởi Marilyn Giang Nguyen vào ngày 02 tháng 10 năm 2023.