Nếu bạn yêu thích ngành Hàng không nhưng tự cảm thấy bản thân không phù hợp với vị trí phi công hoặc tiếp viên hàng không thì bạn có thể cân nhắc theo đuổi ngành Kỹ thuật Hàng không. Bạn còn đang hoang mang không rõ định nghĩa của ngành, các môn sẽ được học hay các cơ hội nghề nghiệp tương lai? Vậy thì hãy tham khảo bài viết này của Huongnghiepcdm.edu.vn ngay.
Ngành Kỹ thuật hàng không là gì?
Nói về lịch sử hình thành, ngành Kỹ thuật hàng không bắt đầu được khai phá và phát triển vào thế kỷ thứ 19 nên đây được xem là chuyên ngành có tuổi đời trẻ nhất trong khối ngành kỹ sư. Định nghĩa một cách ngắn gọn, ngành Kỹ thuật hàng không (Aerospace engineering) chủ yếu đào tạo cách thức để thiết kế và xây dựng những loại máy móc có thể bay.
Ngành Kỹ thuật hàng không bao gồm hai mảng riêng là Kỹ thuật hàng không dân dụng và Kỹ thuật hàng không vũ trụ. Trong đó, Kỹ thuật hàng không dân dụng có nhiệm vụ thiết kế và tạo ra các loại máy bay để sử dụng trong phạm vi bầu khí quyển của trái đất. Ngược lại, Kỹ thuật hàng không vũ trụ lại tập trung nghiên cứu và phát triển các loại tàu du hành hoặc vệ tinh để sử dụng bên ngoài phạm vi khí quyển.
Thông thường, ngành Kỹ thuật hàng không hệ Cử nhân sẽ được đào tạo trong vòng ba hoặc bốn năm. Đối với một số trường đại học nhất định, họ còn cho phép sinh viên sau khi tốt nghiệp Cử nhân có thể chuyển tiếp thẳng lên Thạc sĩ nên sinh viên có thể sẽ học thêm một hoặc hai năm nữa.
Ngành kỹ thuật hàng không đào tạo những kỹ sư có tay nghề cao với mảng kiến thức rộng, có chất lượng và kỹ năng vững vàng trong các hoạt động sau:
-
Cách quản lý, khai thác, vận hành, sửa chữa máy bay
-
Có khả năng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy bay nhỏ và các phương tiện giao thông lưỡng
- Ứng dụng kỹ thuật hàng không vào hàng hải, cơ khí, điều khiển tự động, xây dựng,..
Ngoài việc nghe giảng trên lớp, sinh viên còn phải thực hiện một số đồ án bắt buộc và tham gia thực hành tại phòng thí nghiệm. Kỹ năng làm việc nhóm và khả năng tự học là những yếu tố cần thiết để theo đuổi ngành Kỹ thuật hàng không.
Tùy thuộc vào từng trường đại học nhất định mà sinh viên có thể được nghe giảng từ những chuyên gia hàng không hàng đầu và thậm chí còn có cơ hội trải nghiệm sử dụng các mô hình máy bay mô phỏng.Sinh viên còn có thể học chuyển tiếp tại một quốc gia khác vào năm ba hoặc năm tư nếu chọn du học ngành này tại những trường có quan hệ đối tác với các trường đại học khác trên thế giới.
>> Câu chuyện sinh viên: Kỹ sư hàng không vũ trụ
Tại sao Kỹ thuật hàng không cần thiết?
Giúp con người có thể dễ dàng di chuyển bằng máy bay
Đóng góp lớn lao nhất của ngành Kỹ thuật hàng không cho đời sống chính là việc chế tạo ra những chiếc máy bay. Máy bay hoàn toàn xứng đáng được xem là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại vì đã giúp con người có thể đi đến bất kỳ đâu trên trái đất trong một khoản thời gian ngắn nhất.
Giúp cuộc sống loài người phong phú hơn nhờ sản xuất… vệ tinh
Kỹ thuật vệ tinh là một chuyên ngành nhỏ của Kỹ thuật hàng không và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống loài người nhiều hơn bạn nghĩ.. Các vệ tinh nhân tạo cũng phải bay và di chuyển trong không gian nên cũng thuộc phạm trù của Kỹ thuật hàng không. Nếu như không có vệ tinh, chúng ta sẽ không có chương trình dự báo thời tiết mỗi ngày, không thể liên lạc với mọi người bằng điện thoại, không có truyền hình vệ tinh với vô số bộ phim hấp dẫn,…
Giúp loài người chinh phục vũ trụ
Chế tạo những con tàu du hành vũ trụ là một công việc đầy thú vị và thử thách của ngành Kỹ thuật hàng không nhằm thỏa mãn giấc mơ chinh phục vũ trụ bao la của loài người. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa từng phóng con tàu nào vào vũ trụ nên nếu theo đuổi ngành học này thì rất có thể bạn chính là một trong những người tiên phong góp phần thực hiện được điều đó cho nước nhà.
Những yêu cầu đầu vào ngành Kỹ thuật hàng không là gì?
Trước tiên, bạn phải có một niềm đam mê bất tận với các loại máy móc có thể bay. Bên cạnh đó, bạn còn phải rất giỏi hai môn Toán học và Vật lý. Bạn hãy chuẩn bị sẵn tâm lý là các kì thi đầu vào cho ngành này (kể cả học ở Việt Nam hay nước ngoài) đều sẽ có bài kiểm tra kiến thức Toán và Vật lý của bạn. Nếu bạn có ý định đi du học ngành Kỹ thuật hàng không thì tất nhiên bạn phải có thêm chứng chỉ tiếng Anh như IETLS/ TOEFL hoặc một số bằng cấp khác do phía trường nước ngoài yêu cầu.
hotcourses.vn
Các môn học nào được giảng dạy trong ngành Kỹ thuật hàng không?
Giống như với các ngành Kỹ sư khác, trong năm nhất và năm hai của ngành Kỹ thuật hàng không bạn sẽ được học những môn đại cương về Toán, Vật lý, Điện, Cơ như: khí động lực học đại cương (introduction to aerodynamics), phân tích kết cấu đại cương (introduction to structural analysis), các môn học liên quan đến động lực học, kết cấu – vật liệu, thiết kế – điều kiển máy bay, cơ học lưu chất (fluid mechanic), cơ học vật rắn, viễn thông và nhiệt động lực học (thermodynamics).
Sau khi học tổng quan về các khía cạnh của ngành Kỹ thuật hàng không, bạn sẽ phải chọn một lĩnh vực mình thích nhất để theo đuổi chuyên sâu. Một số chuyên ngành có thể kể đến như:
Khí động lực học:
Bạn sẽ được học sâu về mối quan hệ giữa vật thể và môi trường, cụ thể hơn là khi được gắn động cơ thì vật thể sẽ chuyển động như thế nào trong từng môi trường cụ thể.
Khí co dãn học (Aeroelasticity):
Bạn sẽ được học về sự ảnh hưởng của lực quán tính, kết cấu/ độ co dãn và khí động lực lên các mẫu máy bay, cao ốc và bề mặt của một vật nói chung.
Phân tích vật liệu tổng hợp (Composite analysis):
Bạn sẽ được học kĩ hơn về việc phân tích và sử dụng các loại vật liệu tổng hợp có độ bền cao cho từng bộ phận trong máy bay. Mục đích của chuyên ngành ngày là để tạo ra máy bay có khối lượng nhẹ nhưng vẫn đảm bảo kết cấu của nó phải chắc chắn và vững mạnh.
Điện tử hàng không (Avionics):
Chủ yếu bạn sẽ học nâng cao về hệ thống điện và bảng điều khiển trên máy bay, vệ tinh nhân tạo hoặc tàu du hành vũ trụ. Một số bộ phận có thể kể đến như: các thiết bị định hướng, hệ thống tự lái, máy quét ra-đa, hệ thống liên lạc và lưu thông trên không, hộp đen, hệ thống dự báo thời tiết,…
Hệ thống đẩy (Propulsion):
Bạn sẽ học thêm về cơ chuyển động, nhiệt động lực học, ga động lực học và sức bền của vật liệu. Bạn sẽ sử dụng những kiến thức này để điều chỉnh thiết kế và động cơ để máy bay có thể bay được với một lượng nhiên liệu nhất định.
Có thể học Kỹ thuật hàng không ở đâu?
Tại Việt Nam, các bạn có thể theo học ngành Kỹ thuật hàng không tại các trường có đào tạo ngành này như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Phòng không – Không quân, Trường Sĩ quan Không quân, Đại học Bách khoa Hồ Chí Minh.
Nếu bạn có ý định du học ngành Kỹ thuật hàng không thì có thể tham khảo các trường đại học uy tín trên hệ thống của Huongnghiepcdm.edu.vn như:
-
Các trường có chương trình Kỹ thuật Hàng không tại Mỹ
-
Các trường có chương trình Kỹ thuật Hàng không tại Anh
Bạn lưu ý nhớ bấm vào link “Xem [số lượng] khóa học…” để xem chi tiết chương trình học cụ thể ở từng trường. Trong trường hợp bạn gặp khó khăn khi chọn trường tiềm năng thì có thể liên hệ với trung tâm tư vấn IDP để được các chuyên viên tư vấn giàu kinh nghiệm giúp đỡ hoàn toàn miễn phí.
Học Kỹ thuật hàng không có thể làm công việc gì?
Kỹ sư hàng không:
Với vị trí này, bạn sẽ sử dụng các nguyên lý khoa học, công nghệ và toán học để nghiên cứu, thiết kế, phát triển, bảo dưỡng và kiểm tra các loại máy bay dân dụng, máy bay quân sự, vệ tinh và thậm chí là cả tàu du hành vũ trụ.
Chuyên viên nghiên cứu hàng không:
Nhiệm vụ chính của công việc này là nghiên cứu để tìm ra những công nghệ, vật liệu, hệ thống hoặc thiết bị mới để phục vụ cho ngành hàng không.
Chuyên viên thiết kế hàng không:
Những người làm công việc này thường giữ nhiệm vụ thiết kế các bộ phận hoặc hệ thống của máy bay cho các công ty chuyên sản xuất các sản phẩm liên quan đến lĩnh vực hàng không.
Chuyên viên bảo dưỡng hàng không:
Trách nhiệm của người làm công việc này là kiểm tra và bảo dưỡng toàn bộ máy bay để đảm bảo tất cả mọi thứ đều có thể hoạt động tốt một cách trơn tru.
Hầu hết các công việc trên đều là công việc toàn thời gian. Với những người làm ở vị trí cấp cao giữ vai trò quản lý toàn bộ mọi thứ thì có thể sẽ phải thường xuyên làm thêm giờ.
Cơ hội nghề nghiệp của ngành Kỹ thuật hàng không ra sao?
Không thể phủ nhận lĩnh vực Hàng không rất cần thiết cho cuộc sống của người dân thế giới nói chung và của người Việt nói riêng. Nhu cầu di chuyển bằng máy bay của người dân càng tăng kéo theo cơ hội việc làm và phát triển của ngành hàng không cũng từ đó ngày một đa dạng. Nếu chọn học ngành này, bạn không cần lo sẽ khó tìm việc. Ngoài ra, bạn còn có nhiều cơ hội để làm việc tại nước ngoài.
Theo khảo sát chung, mức lương trung bình của nhân viên ngành kỹ thuật hàng không tại các hãng hàng không toàn cầu có thể dao động từ khoảng 30.000 USD đến 100.000 USD mỗi năm. Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc, mức lương của kỹ sư hàng không thường cao hơn so với các quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, mức lương của nhân viên ngành kỹ thuật hàng không tại các hãng hàng không toàn cầu cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm, vị trí công việc, trình độ chuyên môn, địa điểm làm việc và thị trường lao động.
Nguồn tham khảo: Top University, CollegeGrad, LiveScience, WonderOpolis…
*Bài viết được cập nhật và chỉnh sửa bởi Võ Quỳnh Hương vào ngày 15/04/2023.