Kinh tế là một ngành học vô cùng rộng lớn và bao hàm nhiều chuyên ngành khác nhau. Thông thường, sinh viên ngành kinh tế sẽ được tìm hiểu về các chủ đề cốt lõi như kinh tế vi mô, vĩ mô, kinh tế lượng hay lịch sử lý thuyết kinh tế. Sau đó, sinh viên có thể lựa chọn chuyên ngành cụ thể để tìm hiểu sâu hơn. Trong bài viết này, cùng tìm hiểu về các chuyên ngành phổ biến trong ngành kinh tế cũng như triển vọng công việc bạn có thể theo đuổi sau khi tốt nghiệp.
> Phân biệt ngành Kinh tế, Tài chính và Quản trị Kinh doanh
> Bạn phù hợp với ngành Quản trị Kinh doanh hay Kinh tế học?
Kinh tế phát triển (Development economics)
Kinh tế học phát triển là chuyên ngành lý tưởng cho những ai quan tâm đến việc nghiên cứu những thách thức do tình trạng nghèo đói trên thế giới đặt ra, những lo ngại về các vấn đề liên quan đến nghèo đói đang được các tổ chức quốc tế chú trọng và cách các công cụ kinh tế học có thể được sử dụng để giải quyết thách thức này. Bạn cũng có thể lựa chọn tập trung vào chuyên ngành kinh tế phát triển trong một khu vực thế giới cụ thể.
Kinh tế học phát triển sử dụng lý thuyết kinh tế để xem xét cách thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm, hiểu được sự bất bình đẳng và cải thiện phân phối của cải. Nghiên cứu trong lĩnh vực này có thể xem xét các vấn đề như tái cấu trúc thị trường, can thiệp quốc tế, phong tục và chính trị địa phương, các khía cạnh đa chiều của nghèo đói và các cách tiếp cận khác nhau để đo lường sự phát triển.
Sinh viên có thể làm gì sau khi ra trường?
-
Nhà kinh tế phát triển: Bạn có thể làm việc trong lĩnh vực phát triển kinh tế và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Các chuyên gia kinh tế phát triển điều hành và giám sát các nghiên cứu nhằm giải quyết những bài toán kinh tế đặt ra. Bạn có thể làm việc cho chính phủ, các bộ ngành, tổ chức phi chính phủ hoặc doanh nghiệp tư nhân.
-
Nghiên cứu và giảng dạy về kinh tế phát triển: Bạn có thể làm việc ở các vị trí nghiên cứu, giảng dạy tại trường đại học và viện nghiên cứu trên khắp thế giới.
Hành vi tổ chức (Organizational behavior)
Hành vi tổ chức là chuyên ngành nghiên cứu cách các cá nhân cư xử trong một tổ chức và cách hành vi tại nơi làm việc có thể bị ảnh hưởng. Ngành kinh tế này nhằm góp phần phát triển các nguyên tắc giao tiếp, giải quyết vấn đề và ra quyết định hiệu quả.
Hành vi tổ chức dựa trên hiểu biết sâu sắc từ nhiều lĩnh vực bao gồm lý thuyết quản lý, tâm lý xã hội, xã hội học, nhân học và nghiên cứu truyền thông. Sinh viên chuyên về hành vi tổ chức sẽ xem xét các lý thuyết khác nhau và các case studies điển hình, ví dụ như phân tích chiến lược tạo động lực khác nhau, cấu trúc tổ chức và cách tiếp cận đối với sự đa dạng của lực lượng lao động.
Sinh viên có thể làm gì sau khi ra trường?
-
Nhà phân tích/ tư vấn quản lý: tư vấn cho các tổ chức về cách cải thiện lợi nhuận, hiệu suất và hiệu quả hoạt động. Một số chuyên gia tư vấn tập trung vào hành vi tổ chức và tư vấn chuyên sâu về khía cạnh con người của hoạt động kinh doanh, bao gồm quản lý sự thay đổi, cải thiện năng suất và phát triển nguồn nhân lực.
-
Chuyên gia nhân sự: làm việc với ban lãnh đạo điều hành về việc hoạch định nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thay đổi trong tổ chức.
-
Quản lý đào tạo và phát triển: xác định, lập kế hoạch và thực hiện các sáng kiến để nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ của nhân viên.
Kinh tế quốc tế (International economics)
Chuyên ngành kinh tế quốc tế đề cập đến việc nghiên cứu các lực lượng quốc tế ảnh hưởng thế nào đến các điều kiện trong nước của một nền kinh tế và định hình mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia. Nói cách khác, chuyên ngành này nghiên cứu sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia và những ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế.
Phạm vi của kinh tế quốc tế rất rộng vì nó bao gồm nhiều khái niệm khác nhau, chẳng hạn như toàn cầu hóa, lợi ích từ thương mại, mô hình thương mại, cán cân thanh toán và FDI.
Sinh viên có thể làm gì sau khi ra trường?
-
Nhà phân tích kinh tế: Có nhiều vai trò phân tích mà một nhà kinh tế quốc tế có thể đảm nhận: phân tích tài chính – phân tích vốn chủ sở hữu và chứng khoán của doanh nghiệp, phân tích nghiên cứu – tìm hiểu dữ liệu thu thập được như một phần của dự án nghiên cứu, phân tích chính sách – nghiên cứu tác động và độ hiệu quả của các chính sách công.
-
Làm việc trong ngành tài chính: Có kiến thức về các vấn đề quốc tế và hệ thống tiền tệ quốc tế là lợi thế lớn trong ngành tài chính. Bạn có thể làm tại ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm, với vai trò như nhà phân tích tài chính, quản lý tài chính,…
-
Làm việc cho tổ chức toàn cầu: bạn có thể theo đuổi công việc nghiên cứu, thúc đẩy các chính sách cụ thể hoặc điều hướng luật quốc gia và quốc tế được áp dụng cho tài chính. Loại công việc này phù hợp với những người cởi mở và hiểu biết về các quan điểm chính trị và văn hóa khác nhau.
> Những ngôi trường dạy kinh tế tốt nhất châu Âu
> Học bổng ngành kinh tế tại các quốc gia hàng đầu
Kinh tế đô thị (Urban economics)
Khi theo học chuyên ngành về kinh tế đô thị, bạn sẽ sử dụng mô hình kinh tế để nghiên cứu các thành phố và sự phát triển của chúng. Chuyên ngành này yêu cầu việc áp dụng phương pháp luận kinh tế cho các vấn đề liên quan đến chính sách như nhà ở, sử dụng đất, phân biệt chủng tộc, tội phạm và giáo dục. Bạn sẽ xem xét việc kết hợp không gian vào các mô hình kinh tế và tập trung vào việc giải quyết, diễn giải các mô hình kinh tế để hiểu được cách đánh giá các mô hình và cách chúng áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế.
Sinh viên có thể làm gì sau khi ra trường?
-
Nhà quy hoạch đô thị: bạn sẽ tham gia vào việc quản lý thành phố hàng ngày như xác định chính sách giao thông địa phương, đàm phán cách phát triển nhà ở, thực hiện các chính sách về kinh tế tại địa phương.
-
Nghiên cứu chính sách: bạn có thể làm việc cho các tổ chức tư vấn chính sách, nhằm cung cấp thông tin và tư vấn thay đổi chính sách của chính phủ.
-
Tư vấn và lập kế hoạch cho doanh nghiệp: Nếu bạn hứng thú với lĩnh vực thương mại, bạn có thể quan tâm đến việc tư vấn lập kế hoạch và phát triển cho các doanh nghiệp. Bạn có thể làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau như kiến trúc, kỹ thuật, bất động sản hay tư vấn quy hoạch hoặc chính sách.
Kinh tế quản lý (Managerial economics)
Chuyên ngành kinh tế quản lý chủ yếu tập trung vào việc giải quyết các vấn đề kinh doanh và ra quyết định trong doanh nghiệp bằng cách áp dụng lý thuyết và nguyên tắc của kinh tế vi mô và vĩ mô. Chuyên ngành này giúp các nhà quản lý đưa ra quyết định liên quan đến khách hàng, đối thủ cạnh tranh, nhà cung cấp cũng như hoạt động nội bộ của công ty. Nó sử dụng các công cụ thống kê và phân tích để đánh giá lý thuyết kinh tế trong việc giải quyết các vấn đề kinh doanh thực tế.
Sinh viên có thể làm gì sau khi ra trường?
-
Chuyên gia phân tích tài chính: Phân tích dữ liệu tài chính, thống kê và mô hình tài chính của công ty.
-
Cố vấn kinh doanh: Cung cấp lời khuyên tài chính cho các công ty nhằm xây dựng chiến lược kinh doanh và lập kế hoạch kinh doanh hiệu quả
-
Cố vấn đầu tư: Đưa ra các đề xuất và lời khuyên đầu tư với mô hình tài chính.
-
Quản lý rủi ro: Đo lường và đánh giá các rủi ro tài chính liên quan của công ty.
Bài viết được viết lại bởi Hoang Thanh Phuong vào ngày 08 tháng 07 năm 2021.