Hiện nay, khi các quốc gia tiến hành quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nhu cầu về sự giao thương toàn cầu diễn ra rất mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, ngành kinh tế đối ngoại trở thành một ngành học phổ biến, thu hút nguồn nhân lực khổng lồ. Vậy kinh tế đối ngoại là gì? Học kinh tế đối ngoại ra làm gì? Cùng Huongnghiepcdm.edu.vn khám phá chi tiết về ngành kinh tế đối ngoại trong bài viết dưới đây.
Ngành kinh tế đối ngoại là gì?
Kinh tế đối ngoại (International Economics) là ngành học nghiên cứu về hoạt động trao đổi, giao thương kinh tế giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau trên toàn thế giới.
Cụ thể hơn thì ngành này đề cập đến mối quan hệ tương tác kinh tế của các quốc gia và ảnh hưởng của các vấn đề quốc tế tới nền kinh tế thế giới nói chung. Ngành kinh tế đối ngoại chủ yếu tập trung nghiên cứu các vấn đề kinh tế và chính trị liên quan đến thương mại quốc tế và tài chính quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.
> Ngành kinh tế gồm những chuyên ngành nào?
Ngành kinh tế đối ngoại học gì?
Như đã đề cập ở trên, kinh tế đối ngoại tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến hoạt động giao thương giữa các quốc gia. Vì tính chất này nên ngành kinh tế đối ngoại sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên môn về:
-
Giao dịch thương mại quốc tế
-
Đàm phán quốc tế để tiến tới ký kết hợp đồng mua bán quốc tế
-
Vận tải và bảo hiểm trong thương mại quốc tế
-
Tài chính và thanh toán quốc tế
-
Các vấn đề về quan hệ kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế
-
Năng lực ngoại ngữ để học tập, nghiên cứu về các hoạt động kinh tế quốc tế
Sau đây là các môn học thường thấy trong chương trình đào tạo của ngành kinh tế đối ngoại tại các trường đại học trên thế giới.
Các môn học bắt buộc:
-
Toán cao cấp
-
Kinh tế vi mô – vĩ mô
-
Kinh tế lượng
-
Tài chính – tiền tệ
-
Thanh toán quốc tế
-
Quan hệ kinh tế quốc tế
-
Đầu tư nước ngoài
-
Giao dịch thương mại quốc tế
-
Vận tải và giao nhận trong ngoại thương
-
Bảo hiểm trong kinh doanh
-
Pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại
Các môn học tự chọn:
-
Sở hữu trí tuệ
-
Thị trường chứng khoán
-
Thuế và hệ thống thuế
-
Nghiệp vụ hải quan
-
Kinh doanh quốc tế
Vì sao nên học ngành kinh tế đối ngoại?
Nếu bạn có niềm đam mê đối với kinh tế và sự trao đổi, giao thương quốc tế thì kinh tế đối ngoại là sự lựa chọn phù hợp dành cho bạn. Ngành kinh tế đối ngoại đem đến cho bạn những giá trị sau:
-
Kiến thức kinh tế và hội nhập quốc tế: Đúng như tên gọi, kinh tế đối ngoại cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên sâu về kinh tế và hội nhập quốc tế quốc tế cùng tư duy chiến lược để đưa ra các chính sách rõ bảo hộ cho quốc gia tham gia vào quá trình giao thương quốc tế. Đây là những nền tảng cực kỳ đắt giá và cần thiết trong nền kinh tế hội nhập sâu rộng ngày nay.
-
Khả năng ngoại ngữ: Bên cạnh kiến thức chuyên môn, bạn cũng sẽ được trang bị năng lực ngoại ngữ thành thạo, đặc biệt là vốn ngoại ngữ liên quan đến các lĩnh vực trong kinh tế đối ngoại. Khả năng ngoại ngữ sẽ là điểm cộng cũng như công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình học tập cũng như công việc của bạn sau này.
-
Cơ hội việc làm rộng mở: Hoạt động trao đổi kinh tế toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bởi vậy, cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp cho các cử nhân kinh tế đối ngoại là vô cùng tiềm năng và rộng mở.
Bạn có phù hợp với ngành kinh tế đối ngoại?
Với những thông tin ở trên, hẳn là bạn đã thấy được một bức tranh tổng quát về ngành kinh tế đối ngoại. Nếu bạn còn đang phân vân liệu mình có phù hợp hay không, hãy cùng tìm hiểu những yêu cầu cần thiết để theo đuổi ngành học này nhé.
Niềm đam mê sâu sắc với lĩnh vực kinh tế và hội nhập quốc tế
Trước khi quyết định theo học ngành kinh tế đối ngoại, bạn cần tìm hiểu kỹ về những khía cạnh mà ngành học này nghiên cứu về. Hãy lựa chọn kinh tế đối ngoại khi bạn đã xác định chắc chắn rằng mình thực sự có hứng thú và đam mê với những lĩnh vực đó.
Tinh thần chủ động, ham học hỏi
Sự chủ động và tinh thần ham học hỏi là yếu tố căn bản giúp bạn lĩnh hội kiến thức, kĩ năng và cơ hội. Bạn cần học tập, nghiên cứu một cách chủ động cùng sự nhiệt huyết, luôn luôn đặt câu hỏi để tìm ra phương thức giải quyết hiệu quả các vấn đề của kinh tế đối ngoại.
Kiên trì, bền bỉ và luôn luôn cố gắng
Trong kinh tế đối ngoại và kinh tế quốc tế, các kiến thức chuyên ngành cùng các vấn đề liên quan sẽ đặt ra nhiều thách thức cho sinh viên theo học. Bạn cần đảm bảo rằng mình có đủ sự kiên trì, bền bỉ cùng tinh thần nỗ lực không ngừng để đối mặt và vượt qua tất cả những khó khăn trong lĩnh vực này.
Khả năng linh hoạt và sáng tạo
Những kiến thức và vấn đề trong kinh tế đối ngoại luôn luôn thay đổi theo sự chuyển biến không ngừng của nền kinh tế thế giới. Vì vậy bạn cần trang bị cho mình sự sáng tạo cùng khả năng thích ứng nhanh với những biến đổi trong ngành này.
Kinh tế đối ngoại học trường nào?
Có rất nhiều trường đại học đào tạo ngành kinh tế đối ngoại ở cả trong và ngoài nước. Bạn có thể thỏa sức xem xét và lựa chọn ngôi trường phù hợp nhất với năng lực và điều kiện của bản thân. Tại Việt Nam, chương trình đào tạo kinh tế đối ngoại FTU (Đại học Ngoại Thương) và kinh tế đối ngoại NEU (Đại học Kinh tế Quốc dân) là những sự lựa chọn hàng đầu.
Nếu bạn mong muốn đi du học ngành kinh tế đối ngoại, bạn có thể tham khảo một số điểm đến dưới đây:
-
Du học ngành Kinh tế Đối ngoại ở Mỹ: Hoa Kỳ là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới, nên không có gì ngạc nhiên khi ngành kinh tế đối ngoại rất được các trường đại học và cao đẳng chú trọng, như Harvard University, Princeton University, Yale University, Stanford University,…
-
Du học ngành Kinh tế Đối ngoại ở Anh: Vương quốc Anh là một trong những lựa chọn hàng đầu của sinh viên quốc tế có nguyện vọng theo học ngành kinh tế đối ngoại ở bậc đại học hoặc sau đại học. Ở đây cũng có rất nhiều doanh nghiệp lớn với vô vàn cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp từ chương trình cấp bằng Kinh tế của Vương quốc Anh. Một số trường đại học nổi tiếng có thể kể đến như University of Glasgow, Cardiff University, University of Nottingham,…
-
Du học ngành Kinh tế Đối ngoại ở New Zealand: Ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn học kinh tế đối ngoại ở New Zealand nhờ hệ thống giáo dục xuất sắc, môi trường học tập thân thiện và cảnh quan tuyệt đẹp. Đây cũng là một điểm đến lý tưởng cho những ai đang tìm kiếm một nền giáo dục thế giới với chi phí hợp lý. University of Auckland, University of Waikato, Massey University,… là một trong số những lựa chọn hàng đầu.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc chọn trường phù hợp, hãy liên hệ với trung tâm tư vấn du học IDP để được tư vấn và hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.
Sinh viên ngành kinh tế đối ngoại làm gì khi ra trường?
Nhờ kiến thức chuyên sâu về kinh tế và hội nhập quốc tế cùng khả năng ngoại ngữ tốt, cơ hội việc làm ngành kinh tế đối ngoại sau khi ra trường là vô cùng rộng mở. Sau khi ra trường, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại:
Các cơ quan quản lý Nhà nước
Một trong những lựa chọn cho sinh viên ngành kinh tế đối ngoại là làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước. Có rất nhiều vị trí khác nhau, từ chuyên gia kinh tế đối ngoại cho chính phủ trong mảng ngoại giao và quan hệ quốc tế, cho đến chuyên viên phân tích dữ liệu cho các doanh nghiệp. Đây là lựa chọn phù hợp cho những bạn định hướng làm việc trong môi trường của Nhà nước.
Cơ quan nghiên cứu, đào tạo về lĩnh vực kinh tế đối ngoại
Nếu bạn tích lũy được lượng kiến thức chuyên sâu và toàn diện trong suốt quá trình theo học ngành kinh tế đối ngoại, bạn có thể trở thành chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực này. Công việc này sẽ phù hợp với những ai có niềm đam mê với ngành học, đồng thời yêu thích việc truyền đạt, chia sẻ kiến thức cho mọi người.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Những kiến thức về giao dịch thương mại quốc tế, vận tải và thanh toán quốc tế sẽ giúp ích rất nhiều cho những sinh viên có nguyện vọng làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Với lợi thế này, sinh viên ngành kinh tế đối ngoại luôn được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đánh giá cao.
Các công ty và tổ chức quốc tế
Các công ty và tổ chức quốc tế luôn luôn chào đón sinh viên ngành kinh tế đối ngoại với đa dạng vị trí công việc khác nhau, từ kinh doanh, kế toán đến hành chính – nhân sự. Môi trường làm việc này cực kỳ phù hợp với những ai yêu thích tính chất quốc tế, sự trao đổi, giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau.
Các ngân hàng thương mại
Với vốn kiến thức kinh tế – tài chính của mình, sinh viên ngành kinh tế đối ngoại hoàn toàn có thể hoàn thành tốt công việc tại các ngân hàng thương mại. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể đảm nhận các vị trí như chuyên viên tài chính, chuyên viên tín dụng quốc tế,…tại các ngân hàng thương mại.
Nhìn chung, sinh viên kinh tế đối ngoại có cơ hội tiếp cận nhiều cơ hội nghề nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia, ngân hàng và công ty tư vấn. Những vị trí này có thể đầy thách thức nhưng thu nhập lại vô cùng hấp dẫn. Hiện nay, mức lương trung bình của sinh viên tốt nghiệp ngành kinh tế đối ngoại ở Mỹ là 118.064 USD/năm hoặc 56,76 USD/giờ. Mức lương khởi điểm dao động khoảng 82.764 USD/năm trong khi hầu hết những người lao động có kinh nghiệm có thể kiếm được tới 145.380 USD/năm.