Ngành kiểm toán có sự phát triển ổn định, mức thu nhập tốt cùng những cơ hội phát triển công việc rộng mở. Vậy chính xác thì ngành kiểm toán là gì và có ảnh hưởng tới kinh tế xã hội như thế nào? Bài viết này của Huongnghiepcdm.edu.vn sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát và chi tiết về ngành kế toán kiểm toán nếu bạn muốn dấn thân vào lĩnh vực này.
Kiểm toán là gì?
Kiểm toán là quá trình thu thập, đánh giá và xác thực những con số báo cáo tài chính do bộ phận kế toán cung cấp. Từ đó, đội ngũ kiểm toán sẽ đưa ra nhận định về thực trạng hoạt động tài chính của doanh nghiệp hoặc tổ chức. Để làm được việc trên, kiểm toán viên sẽ dùng các phương pháp đối chiếu, diễn giải thông tin, điều tra, quan sát, kiểm kê và thử nghiệm để xác minh tính đúng đắn của tài liệu và tính hợp pháp của các báo cáo tài chính của công ty hay tổ chức đó.
Kiểm toán gồm nhiều lĩnh vực như kiểm toán về thông tin, kiểm toán hiệu quả, kiểm toán tính quy tắc và kiểm toán hiệu năng. Phân loại kiểm toán theo chủ thể sẽ có ba loại:
-
Kiểm toán Nhà nước: Được thực hiện theo quy định pháp luật và do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Đối tượng của kiểm toán nhà nước là các doanh nghiệp trực thuộc nhà nước.
-
Kiểm toán độc lập: Được tiến hành bởi các kiểm toán viên tại các công ty độc lập chuyên về dịch vụ kiểm toán. Ngoài việc kiểm toán những báo cáo tài chính như thông thường, các công ty kiểm toán độc lập còn có các dịch vụ khác về tài chính và kinh tế tùy theo yêu cầu của khách hàng. Đây là loại kiểm toán nhận được sự tin cậy từ bên thứ ba hay những nhà đầu tư.
-
Kiểm toán nội bộ: Là những kiểm toán viên trong nội bộ một công ty, tổ chức thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của các thành viên Hội đồng quản trị hoặc Ban giám đốc. Những báo cáo kiểm toán thường chỉ được sử dụng trong nội bộ công ty.
Sự khác nhau giữa kế toán và kiểm toán
Kế toán và kiểm toán có 3 điểm khác nhau cơ bản như sau:
-
Kế toán trình bày thông tin cụ thể về các giao dịch và tài sản trong tổ chức còn kiểm toán sẽ kiểm tra và xác nhận độ chính xác của những số liệu đó.
-
Kế toán là hoạt động diễn ra liên tục quanh năm suốt tháng, trong khi kiểm toán được thực hiện định kỳ theo từng mốc thời gian cụ thể.
-
Thời điểm kế toán kết thúc (chốt sổ tháng/ quý/ năm) thì kiểm toán mới bắt đầu vào cuộc.
Ngành kiểm toán học gì?
Sinh viên theo học ngành kiểm toán sẽ được trang bị khối kiến thức về thu thập, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua các nghiệp vụ của kế toán như:
-
Tính toán chi phí
-
Làm dự toán
-
Phân bổ ngân sách
-
Quản lý doanh thu
Sinh viên được trang bị các kỹ năng chuyên môn cần thiết như đọc báo cáo tài chính, phân tích tài chính, các kỹ năng thương lượng, đàm phán,… Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được trang bị thêm các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, ngoại ngữ, tin học, lập kế hoạch, giải quyết tình huống trong Kế toán – Kiểm toán,… để tự tin hòa nhập vào môi trường làm việc thực tế.
Nếu bạn có tầm nhìn và tham vọng tiến xa hơn trong lĩnh vực tài chính thì nên đầu tư vào các chứng chỉ kế kiểm quốc tế uy tín như: CAT (Certified Accounting Technician), ACCA (The Association of Chartered Certified Accountants), CPA (Certified Public Accountants)… Chúng được ví như những “tấm hộ chiếu” vào thị trường kế toán kiểm toán quốc tế.
Hotcourses.vn
Học ngành kiểm toán thi khối gì?
Tại Việt Nam, ngành kiểm toán được xét tuyển theo nhiều khối thi khác nhau, bao gồm:
-
A00: Toán, Lý, Hóa
-
A01: Toán, Lý, Anh
-
D01: Toán, Ngữ văn, Anh
-
C01: Toán, Ngữ văn, Vật lý
-
C03: Toán, Ngữ văn, Hóa học
-
A10: Toán, Địa lý, Ngữ văn
-
D07: Toán, Hóa học, Anh
-
C04: Toán, Sinh học, Ngữ văn
Ngoài ra, điều kiện xét tuyển ngành kiểm toán theo từng khối thi được quy định cụ thể tại đề án tuyển sinh của từng trường đại học, cao đẳng.
Học ngành kiểm toán ở đâu?
Kiểm toán có liên quan chặt chẽ với kế toán nên thường được tuyển sinh theo chuyên ngành thuộc kế toán ở nhiều trường. Tuy nhiên, nhận ra sự khác biệt và tầm quan trọng của ngành kiểm toán, hiện nay rất nhiều trường ở Việt Nam đã tách ngành kiểm toán ra để đào tạo riêng. Hầu hết các trường thuộc khối kinh tế đều đào tạo chương trình kiểm toán như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Công nghiệp Hà Nội, Khoa Quốc tế – ĐHQG Hà Nội, ĐH Kinh tế Đà Nẵng, ĐH Kinh tế Huế, ĐH Kinh tế Luật TP Hồ Chí Minh.
Nếu bạn có mong muốn nâng cao cơ hội và khả năng của bản thân thì có thể cân nhắc du học ngành Kiểm toán. Sau đây là những địa điểm du học đầy hứa hẹn:
-
Du học ngành kiểm toán tại Mỹ: Hoa Kỳ là điểm đến phổ biến nhất trên thế giới đối với sinh viên quốc tế. Các trường đại học ở Mỹ luôn thống trị bảng xếp hạng thế giới và quốc gia này cũng sở hữu nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng. Mississippi State University, University of South Carolina, Southern New Hampshire University,… là những cái tên đi đầu về ngành kiểm toán với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại và vô vàn chính sách hỗ trợ sinh viên.
-
Du học ngành kiểm toán tại Anh: Chương trình học ngành kế toán kiểm toán tại Anh sẽ giúp bạn hiểu rõ vai trò, trách nhiệm và công việc của các kiểm toán viên. Từ đó, tiến hành các bước cần thiết để tiến hành kiểm toán hiệu quả. Một số trường top đầu tại đây có thể kể đến như Lancaster University, University of East London, Ulster University,…
-
Du học ngành kiểm toán tại Canada: Theo học tại “xứ sở lá phong đỏ” không chỉ đem đến cho bạn cơ hội trải nghiệm môi trường học tập chất lượng mà còn cung cấp vô vàn kiến thức và kỹ năng cần thiết để bắt đầu và thăng tiến trong lĩnh vực kiểm toán. Ngoài ra, nhu cầu việc làm và mức thu nhập cho nhân sự ngành kiểm toán tại Canada cũng vô cùng hấp dẫn. Conestoga College, Lawrence Kinlin School of Business, Northern College,… là một trong những sự lựa chọn hàng đầu mà bạn có thể cân nhắc.
Nếu bạn có thắc mắc về du học ngành kiểm toán, các chuyên gia du học IDP giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Học ngành kiểm toán ra trường làm gì?
Ngành kiểm toán hiện nay có cơ hội nghề nghiệp lớn và nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Tốt nghiệp ngành kiểm toán, sinh viên có thể đảm nhiệm các công việc và vị trí sau khi ra trường, đó là:
-
Kiểm toán viên
-
Chuyên viên phân tích và tư vấn tài chính – kế toán
-
Chuyên viên giao dịch ngân hàng
-
Kiểm soát viên, thủ quỹ
-
Nghiên cứu viên và giảng dạy kiểm toán – kế toán
-
Tư vấn kế toán, thuế
-
Tư vấn tài chính cho các công ty, doanh nghiệp
-
Quản lý tài chính
-
Kế toán trưởng – trưởng phòng kế toán
-
Giám đốc tài chính – CFO (Chief Financial Officer)
-
Thanh tra kinh tế
Đặc biệt, 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới bạn chắc hẳn sẽ nghe đến ít nhất một lần khi tham gia lĩnh vực này là: Ernst & Young, KPMG, PwC và Deloitte. Big4 là cách gọi quen thuộc của 4 công ty này thể hiện sự đình đám về quy mô, doanh thu lẫn bề dày lịch sử mà rất nhiều bạn học ngành kiểm toán khao khát làm việc ở một trong những nơi này.
Thu nhập trung bình đối với vị trí kiểm toán viên ở Mỹ hiện nay dao động ở mức 54.566 USD/năm, tương đương 26,23 USD/giờ. Các vị trí ít kinh nghiệm có mức lương khoảng 33,150 USD/năm, trong khi hầu hết những người lao động có kinh nghiệm có thể kiếm được tới 97,500 USD/năm.
Những điều bạn cần biết để tham gia ngành kiểm toán
Kiểm toán không phải là nghề tay ngang
Không giống như những ngành nghề linh động khác như IT, Marketing,… kiểm toán là nghề khó có thể theo đuổi theo con đường tay ngang mà bạn buộc phải được đào tạo bài bản qua trường lớp và có chứng chỉ hành nghề. Theo tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 14 Luật Kiểm toán độc lập, kiểm toán viên phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính. Vậy nên nếu dấn thân vào ngành kiểm toán, bạn cần xác định dành nhiều thời gian và công sức lâu dài.
Thận trọng, trung thực và khả năng chịu áp lực lớn
Kiểm toán viên là những người có nhiệm vụ kiểm tra và xác nhận độ chính xác của những số liệu được thống kê bởi kế toán. Vậy nên tính thận trọng là cần thiết và bạn chỉ đưa ra kết luận khi có đủ bằng chứng lẫn lý luận. Để nhận được sự tin tưởng, ngoài năng lực chuyên môn, bạn cũng cần tuân theo những tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, không chịu sự chi phối từ khách hàng, phải đánh giá khách quan và thực tế và quan trọng nhất là thượng tôn pháp luật.
Bài viết được chỉnh sửa bởi tác giả Hoàng Thanh Phương vào ngày 17/04/2024