Nếu bạn có niềm yêu thích xử lý những con số, hứng thú với cách dòng tiền dịch chuyển và mong muốn có một công việc ổn định sau tốt nghiệp thì Kế toán có thể là ngành học phù hợp. Hầu hết mọi người thường nghĩ học Kế toán chỉ có thể làm kế toán viên nhưng nhờ sự thấu hiểu về cách hoạt động của nguồn tiền trong một doanh nghiệp nên bạn vẫn có nhiều hướng đi khác để phát triển sự nghiệp.
>> 7 nghề nghiệp làm việc với tiền dành cho bạn
Học Kế toán là học gì?
Các ngành học như Kinh tế, Tài chính hay Quản trị Kinh doanh có một số điểm khác nhau nhất định nhưng lại có “ngôn ngữ chung” chính là Kế toán. Định nghĩa một cách đơn giản, kế toán là công việc đo lường, xử lý, ghi chép, tổng hợp và phân tích các hoạt động giao dịch tài chính của một doanh nghiệp hoặc cá nhân. Kế toán là lĩnh vực đòi hỏi phải tính toán sổ sách nhiều nên yêu cầu cơ bản đầu tiên là bạn không ghét Toán. Nếu bạn thích việc sắp xếp mọi thứ và còn là người kỹ tính thì sẽ càng phù hợp với ngành Kế toán vì một sai sót nhỏ do cẩu thả có thể dẫn đến thiệt hại đáng kể.
Các chương trình để theo học ngành Kế toán hiện tại khá đa dạng để bạn lựa chọn. Chẳng hạn như ở Mỹ, bạn có thể chọn học Kế toán để lấy chứng chỉ nghề (Diploma), bằng Cao đẳng (Associate’s Degree), Cử nhân, Thạc sĩ hay Tiến sĩ đều được. Chương trình học chuyên về Kế toán hoặc khóa học Quản trị Kinh doanh tập trung vào Kế toán là hai lựa chọn bạn có thể cân nhắc. Nếu bạn chưa chắc chắn bản thân có phù hợp với Kế toán không thì nên chọn phương án thứ hai để vẫn còn cơ hội chọn chuyên ngành khác phù hợp hơn nếu đổi ý.
Trong chương trình học, bạn sẽ được học cả lý thuyết lẫn thực hành về kỹ thuật tính toán trong công việc và thường là sẽ phải học thêm cách sử dụng một số phần mềm chuyên dụng. Môi trường học ngành Kế toán chủ yếu ở trên giảng đường nếu không tính quá trình thực tập để lấy kinh nghiệm thực tế.
Học Kế toán ở đâu?
Ở Việt Nam, bạn có thể chọn học ngành Kế toán ở Đại học Tài chính – Marketing, Đại học Kinh tế TP.HCM, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội,… với các chương trình học đảm bảo uy tín. Bạn và gia đình cũng có thể chọn hướng đi du học nếu muốn bằng cấp của mình nổi bật hơn trong hành trình tìm việc về sau. Huongnghiepcdm.edu.vn gợi ý một số trường đại học ở nước ngoài có ngành Kế toán chất lượng cho bạn và gia đình tham khảo:
Mỹ:
-
Michigan State University
-
Hofstra University
-
San Mateo Colleges of Silicon Valley
-
Glendale Community College
-
Keiser University
Úc:
-
Australian Catholic University
-
Torrens University Australia
-
Griffith College
-
The University of Sydney
-
University of Tasmania
Canada:
-
York University
-
Ryerson University International College
-
Saskatchewan Polytechnic
-
Centennial College
-
Mohawk College
Anh:
-
Ulster University
-
University of Bristol
-
University of Reading
-
University of Leeds
-
Glasgow Caledonian University
Trong trường hợp bạn cảm thấy khó khăn trong việc chọn trường đại học phù hợp để du học ngành Kế toán thì có thể liên hệ trung tâm IDP để được tư vấn hoàn toàn miễn phí ngay hôm nay.
Có nên theo ngành Kế toán?
Ngành Kế toán có những lợi thế như sau bạn nên tham khảo:
Lộ trình nghề nghiệp rõ ràng
Đối với các ngành có độ phủ rộng như Ngôn ngữ Anh hay Quản trị Kinh doanh thì bạn có thể sẽ gặp chút khó khăn trong việc xác định hướng đi cho sự nghiệp nhưng với Kế toán thì không lo gặp tình trạng đó. Sau khi tốt nghiệp, công việc bạn có thể chọn làm ngay là trở thành kế toán viên cho doanh nghiệp mà chẳng cần phải đau đầu lựa chọn. Khi mới ra trường bạn cũng chưa có quá nhiều kinh nghiệm nên chọn làm kế toán trong vài năm rồi từ từ chuyển hướng cũng là một lựa chọn phù hợp.
Công việc phát triển ổn định
Kế toán có thể là công việc không quá hào nhoáng thường xuyên được mọi người bàn tán nhưng đây là vị trí luôn cần thiết cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Khi nào công ty còn tồn tại thì vẫn còn cần đến kế toán nên đây là vị trí có khả năng bị sa thải rất thấp vào những đợt cần cắt giảm nhân sự.
Cơ hội nghề nghiệp ở khắp nơi
Một số công việc nhất định sẽ phải chọn địa điểm phù hợp để phát triển sự nghiệp, chẳng hạn như muốn làm phim phải đến Hollywood nhưng với kế toán thì ở đâu cũng có công việc cho bạn chọn. Lý do đơn giản bởi vì chỗ nào cũng có đủ hình thức các doanh nghiệp tư nhân và cơ quan chính phủ nên kế toán viên sẽ luôn có đất sống. Về mặt này thì ngành Kế toán sẽ cho bạn sự linh động mà không phải ngành nghề nào cũng có được.
>> 5 công việc bạn có thể làm từ xa
Có khả năng tự khởi nghiệp
Nhờ có kiến thức trong việc quản lý dòng tiền khi làm nghề kế toán nên bạn sẽ có nhiều lợi thế hơn khi muốn khởi nghiệp về sau. Tất nhiên không phải ai học kế toán ra cũng phù hợp để làm chủ doanh nghiệp nhưng nếu muốn tự kinh doanh thì có kiến thức về kế toán sẽ không bao giờ thừa.
Nhưng cũng có một số “mặt trái” nhất định
Công việc không đòi hỏi nhiều sáng tạo
Kế toán là công việc tiếp xúc với số liệu nhiều nên sẽ có phần khô khan và nhàm chán nếu bạn là người yêu thích công việc sáng tạo. Trước khi chọn học ngành này bạn nên tự hỏi bản thân có thích làm công việc văn phòng, sáng đi chiều về đúng giờ và không có quá nhiều biến động hay không.
Khối lượng công việc thay đổi theo mùa
Trong năm khối lượng công việc của kế toán viên sẽ tăng cao vào những thời điểm cần quyết toán thuế, khen thưởng cuối năm hoặc chỉ đơn giản là công ty ăn nên làm ra cần phải thực hiện nhiều khoản thu chi. Lúc này bạn sẽ phải chấp nhận linh động thay đổi lịch làm việc, thậm chí phải làm tăng ca hoặc cuối tuần để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đúng hạn.
Áp lực không nhỏ
Làm việc với đồng tiền chưa bao giờ là nhàn hạ đầu óc nên bạn cần phải có khả năng chịu áp lực tốt thì mới có thể theo nghề. Vị trí trong nghề của bạn càng cao, như kế toán trưởng chẳng hạn, thì dòng tiền bạn quản lý sẽ càng lớn nên trách nhiệm sẽ nặng nề hơn.
Học Kế toán ra trường làm gì?
Ngoài trở thành kế toán viên, bạn còn có thể áp dụng những gì được học để làm chuyên viên phân tích tài chính, chuyên viên tư vấn tài chính, kiểm toán viên, chuyên viên tín dụng và nhiều vị trí cần kiến thức về tiền khác. Mỗi công việc sẽ có một số yêu cầu riêng cũng như mức lương nhất định nhưng đều có điểm chung là vị trí càng cao thì thu nhập sẽ càng tốt.
Nguồn tham khảo: Rasmussen, Top Universities