Một ca phẫu thuật thành công đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của cả một ekip, trong đó luôn có bóng dáng của các bác sĩ gây mê. Không chỉ nằm trong top các vị trí đóng góp vào hệ thống chăm sóc sức khỏe con người, ngành gây mê còn được US News đánh giá có mức lương trung bình cao nhất nước Mỹ, lên đến 271,440 USD/năm vào năm 2022 và tỷ lệ thất nghiệp là -0.7%. Vậy bạn có thắc mắc tại sao ngành này lại mang lại thu nhập đáng mơ ước như thế không? Cùng Huongnghiepcdm.edu.vn tìm đáp án trong bài viết dưới đây nhé
hotcourses.vn
Ngành Gây mê là gì?
Gây mê là một chuyên ngành y tế liên quan đến việc sử dụng thuốc để gây ra sự mất cảm giác hoặc mất nhận thức tạm thời của con người. Chủ yếu, thuốc được sử dụng để ngăn ngừa bệnh nhân cảm thấy đau trong quá trình phẫu thuật hoặc điều trị y tế. Gây mê hoạt động bằng cách làm gián đoạn việc truyền tín hiệu thần kinh đến não, từ đó ngăn ngừa cảm giác đau. Nhờ có bác sĩ gây mê mà bệnh nhân có thể cảm thấy thoải mái trong quá trình phẫu thuật, góp phần mang lại kết quả tốt hơn. Gây mê cũng khiến các phương pháp phẫu thuật phức tạp trở nên khả thi hơn khi bệnh nhân được gây bất động và không cản trở quy trình thực hiện của bác sĩ.
Dù việc điều trị có bao gồm quá trình phẫu thuật hay không phẫu thuật đều cần có sự có mặt của đội ngũ gây mê hồi sức. Ngoài việc gây mê, các bác sĩ gây mê còn chịu trách nhiệm trong việc chăm sóc, theo dõi, và xử lý các vấn đề phát sinh cho bệnh nhân trước, trong và sau cuộc phẫu thuật. Có nhiều loại gây mê khác nhau, bao gồm toàn thân, gây bất tỉnh trong khi phẫu thuật, gây tê cục bộ, gây tê vùng…
Các nhiệm vụ cụ thể của bác sĩ gây mê
Khám và đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân
Bác sĩ gây mê tiến hành đánh giá kỹ lưỡng trước phẫu thuật bao gồm xem xét hồ sơ bệnh án, thực hiện kiểm tra thể chất và đánh giá sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Sau đó sẽ thảo luận cùng bác sĩ phẫu thuật để lên một kế hoạch toàn diện giúp bệnh nhân hồi phục sớm.
Tư vấn về quá trình gây mê
Bệnh nhân sẽ được tư vấn cụ thể về lợi ích và rủi ro của phương pháp gây mê sắp sử dụng. Trước khi kết thúc buổi tư vấn, các bác sĩ sẽ hướng dẫn các vấn đề cần lưu ý như nhịn ăn uống trước phẫu thuật, các bài tập hô hấp, đơn thuốc giảm lo âu… tuỳ thuộc vào thể trạng và bệnh lý của bệnh nhân nhằm tạo tâm trạng thoải mái nhất trước khi bước vào ca mổ.
Gây mê trong suốt quá trình phẫu thuật
Các bác sĩ gây mê cũng chính là người sẽ đưa bệnh nhân vào trạng thái “vô cảm” bằng thuốc phù hợp với tình trạng của bệnh nhân, giúp giảm đau và ổn định sinh lý trong quá trình phẫu thuật.
Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn
Bác sĩ gây mê phải chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ, tránh các điểm tỳ đè lên người bệnh và liên tục theo dõi các chức năng sống quan trọng như nhịp tim, huyết áp, nồng độ oxy và nhiệt độ cơ thể trong suốt quá trình phẫu thuật.
Quản lý đường thở
Bác sĩ sẽ duy trì sự thông thoáng đường thở của bệnh nhân và đảm bảo không khí đầy đủ trong quá trình gây mê để ngăn ngừa tình trạng thiếu oxy (mức oxy thấp).
Tiến hành hồi sức tích cực
Bác sĩ gây mê có quyền đưa ra các quyết định quan trọng trong quá trình phẫu thuật liên quan đến điều chỉnh gây mê, quản lý dịch và ổn định đường huyết để tối ưu hóa kết quả và sự an toàn của bệnh nhân. Trong những trường hợp nguy kịch, họ có thể thực hiện các phương pháp như truyền máu, sử dụng các loại thuốc hồi sức để đảm bảo duy trì các chức năng sống, tạo cơ hội cho các bác sĩ phẫu thuật tập trung vào ca mổ.
Chăm sóc sau phẫu thuật
Việc hồi phục của bệnh nhân sau ca mổ cũng có sự đóng góp không nhỏ của bác sĩ gây mê. Họ sẽ theo dõi bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt, quản lý mọi phản ứng cấp cứu và đảm bảo quá trình phục hồi suôn sẻ, bao gồm kiểm soát cơn đau và sự thoải mái cho bệnh nhân.
Cần học gì nếu muốn trở thành bác sĩ gây mê tại Mỹ?
Quá trình gây mê có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ sức khỏe của người bệnh trong và sau quá trình mổ. Chính vì vậy, bác sĩ gây mê cần phải nắm vững lý thuyết và kinh nghiệm thực hành lâm sàng để giúp bệnh nhân có cảm giác thoải mái và an toàn trong khi điều trị. Hầu hết các bác sĩ gây mê dành hơn 10 năm để được đào tạo, tuỳ theo chương trình học mà bạn theo đuổi.
Bước 1: Học Cử nhân y tá (Bachelor of Science in Nursing – BSN)
Trước khi trở thành bác sĩ gây mê, bạn phải có bằng cử nhân y tá. Trong chương trình này, bạn sẽ được đào tạo thực hành song song với phát triển các kỹ năng mềm cần thiết trong công việc. Bạn cũng sẽ có cơ hội được thực hành lâm sàng trong đa dạng cơ sở chăm sóc cấp cứu.
Bước 2: Vượt qua kỳ thi cấp phép hành nghề của Hội đồng quốc gia (National Council Licensure Examination – NCLEX)
Sau khi lấy được bằng cử nhân y tá, bạn phải vượt qua kỳ thi NCLEX-RN để đủ điều kiện nhận giấy phép chứng thực y tá. Kỳ thi sẽ do Hội đồng Y tá Quốc gia (NCSBN) tổ chức, bao gồm 75-145 câu hỏi. Thí sinh có tối đa năm giờ để hoàn thành bài kiểm tra trên máy tính. Thông thường sinh viên sẽ bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi NCLEX-RN trong quá trình học Cử nhân, đồng thời làm các bài kiểm tra thực hành để ôn thi.
Bước 3: Làm việc trong môi trường chăm sóc đặc biệt
Sau khi có giấy phép hành nghề y tá, bạn sẽ cần 1-3 năm kinh nghiệm làm việc trong môi trường chăm sóc đặc biệt, chẳng hạn như ICU hoặc phòng cấp cứu. Đây sẽ là cơ hội cho bạn làm quen với kỹ năng đưa ra quyết định và tư duy phản biện. Các y tá trong các cơ sở chăm sóc cấp tính cũng được rèn luyện cách làm việc dưới áp lực.
Bước 4: Học thêm chương trình Tiến sĩ chuyên ngành y tá
Không giống như những lĩnh vực khác chỉ cần bằng Thạc sĩ, bắt đầu từ năm 2025, tại Mỹ, các y tá gây mê cần hoàn thành bằng Tiến sĩ để trở thành Bác sĩ gây mê. Chương trình này thường mất 3 năm, trong đó, sinh viên phải thực hành hơn 2,500 giờ lâm sàng.
Bước 5: Nhận giấy chứng nhận từ NBCRNA
Ngoài ra, ở mỗi tiểu bang, các bác sĩ gây mê phải có chứng nhận từ Ủy ban Chứng nhận Quốc gia cho Y tá Gây mê (National Board of Certification and Recertification for Nurse Anesthetists – NBCRNA). Các ứng viên phải vượt qua một bài kiểm tra 100-170 câu hỏi để đo lường kiến thức và đánh giá kỹ năng với nhiều chủ đề bao gồm khoa học cơ bản, thiết bị vật liệu đo đạc, các nguyên tắc gây mê toàn thân và các thủ tục phẫu thuật.
>> Các chương trình đào tạo ngành gây mê tại Mỹ
Cơ hội nghề nghiệp
Với tình trạng dân số già gia tăng nhanh chóng như hiện nay, nhu cầu về dịch vụ gây mê tại các bệnh viện tư và công tăng lên đáng kể. Theo Cục thống kê lao động Mỹ, tính đến tháng 05.2022, mức lương trung bình mỗi năm cho một Bác sĩ gây mê ở Hoa Kỳ là USD 203,090/ năm. Tại bang California, thu nhập của vị trí này có thể lên đến USD 240,510/ năm – một con số đáng mơ ước cho bao người. Còn tại Việt Nam, một bác sĩ gây mê hồi sức có thể kiếm từ 30 đến 50 triệu/ tháng tùy theo số năm kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện.
Với triển vọng công việc hấp dẫn và mức lương cạnh tranh, ngành gây mê mang lại nhiều cơ hội hứa hẹn cho những ai đam mê chăm sóc sức khỏe con người. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc chọn trường để du học ngành gây mê thì có thể trực tiếp liên hệ với trung tâm IDP để được tư vấn hoàn toàn miễn phí ngay hôm nay nhé!