Xã hội phát triển, mọi người dần trở nên quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe, chế độ ăn uống và dinh dưỡng. Điều đó kéo theo nhu cầu học và nghiên cứu về ngành dinh dưỡng ngày càng tăng cao. Tuy là ngành học mới nhưng ngành dinh dưỡng được đánh giá là tiềm năng và có nhiều cơ hội việc làm. Để tìm hiểu kỹ hơn về ngành học này: Học ngành dinh dưỡng ở đâu? Học dinh dưỡng ra làm gì?,… hãy tham khảo bài viết dưới đây từ Huongnghiepcdm.edu.vn nhé!
Ngành dinh dưỡng là gì?
Ngành dinh dưỡng, hay dinh dưỡng học, nghiên cứu về cách thức ăn và thức uống ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta. Nó xem xét các quá trình sinh lý và sinh hóa liên quan đến dinh dưỡng và cách các chất trong thực phẩm cung cấp năng lượng hoặc được chuyển hóa thành các mô của cơ thể.
Dinh dưỡng là một ngành khoa học ứng dụng, vì vậy Hotcourses.vn tin rằng những sinh viên nghiên cứu về dinh dưỡng có thể được tuyển dụng trong nhiều vai trò khoa học khác nhau, bao gồm cả những vai trò liên quan đến ngành công nghiệp thực phẩm, y tế công cộng hoặc truyền thông.
Ngành dinh dưỡng học gì?
Ngành dinh dưỡng trang bị cho sinh viên các kiến thức về vai trò, chức năng cũng như sự thiết yếu của yếu tố dinh dưỡng đối với sức khỏe con người. Đồng thời, bạn cũng được học về quá trình vận hành hấp thụ – chuyển hóa chúng trong cơ thể mỗi người. Từ những kiến thức đó, sinh viên tốt nghiệp ngành dinh dưỡng có thể đưa ra các tư vấn, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng bệnh nhân.
Dưới đây là danh sách các môn học của khoá học Thạc sĩ về dinh dưỡng tại đại học Leeds, Vương Quốc Anh mà bạn có thể tham khảo:
-
Chế độ ăn uống và sức khỏe tim mạch
-
Tác động của việc chế biến thực phẩm đến chất lượng dinh dưỡng
-
Dinh dưỡng: Chính sách và thực hành
-
Béo phì và Dinh dưỡng trong thế kỷ 21
-
Dinh dưỡng trong cuộc sống
-
Dinh dưỡng ứng dụng
-
Dị ứng thực phẩm và không dung nạp thực phẩm (môn học tự chọn)
-
Thực Phẩm Chức Năng (môn học tự chọn)
-
Thực phẩm và Ung thư (môn học tự chọn)
-
Chuyển hóa năng lượng và bệnh tim mạch (môn học tự chọn)
Vì sao nên học dinh dưỡng?
Trong đời sống ngày càng phát triển như hiện nay, những phạm trù liên quan đến sức khỏe, trong đó có dinh dưỡng, sẽ được chú trọng hơn bao giờ hết. Theo quy định của Bộ Y Tế Việt Nam năm 2020, hoạt động dinh dưỡng phải được thực hiện như sau: Nếu bệnh viện hơn 100 giường bệnh thì phải thành lập Khoa Dinh dưỡng, trong đó cứ 100 giường bệnh thì phải có tối thiểu ít nhất 1 cán bộ thực hiện chuyên môn về dinh dưỡng. Điều đó cho thấy mức độ cần thiết của lực lượng lao động trong lĩnh vực dinh dưỡng.
Hơn nữa, Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS) cho biết kể từ tháng 5 năm 2021, các chuyên gia dinh dưỡng có mức lương trung bình hàng năm là 61.650 USD mỗi năm, với trình độ học vấn và đào tạo điển hình là bằng cử nhân.
Có 73.000 việc làm chuyên gia dinh dưỡng vào năm 2020 và con số đó dự kiến sẽ tăng 11% từ năm 2020 đến năm 2030, cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của tất cả các ngành nghề là 8%.
Bạn có phù hợp với dinh dưỡng học?
Nếu có các phẩm chất và kỹ năng sau đây, Hotcourses.vn tin rằng bạn sẽ phù hợp với ngành Dinh dưỡng học:
-
Đồng cảm và thấu hiểu: Là một chuyên gia dinh dưỡng, bạn sẽ phải làm việc, thăm khám và tư vấn cho nhiều người có nguồn gốc khác nhau và trong nhiều môi trường khác nhau. Vì thế, thấu hiểu và quan tâm đến hoàn cảnh của họ là một đặc tính quan trọng của nghề này.
-
Khả năng giao tiếp và làm việc nhóm: Chuyên gia dinh dưỡng không thể làm việc một mình. Họ phải làm việc cùng với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác như bác sĩ đa khoa, y tá,… Vì thế, bạn cần phải có tinh thần hợp tác để cùng nghiên cứu giải pháp phù hợp nhất cho bệnh nhân.
-
Khả năng toán học: Các nhà dinh dưỡng cần tính toán khá nhiều để xác định lượng chất dinh dưỡng thích hợp cho từng khách hàng bệnh nhân của mình. Các tính toán phổ biến mà chuyên gia dinh dưỡng phải thực hiện hàng ngày có thể kể đến tính lượng calo tiêu thụ, đo chỉ số khối cơ thể (BMI),…
-
Yêu thích khoa học: Các kiến thức khoa học về quá trình sinh học liên quan đến protein, vitamin, chất béo,… là cần thiết đối với nhà dinh dưỡng học. Bạn cần có niềm yêu thích và khả năng tìm hiểu, học hỏi về những kiến thức khoa học này, để đánh giá và hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong các mục tiêu về chế độ ăn uống và sức khỏe của họ.
Học ngành dinh dưỡng ở đâu?
-
Học ngành dinh dưỡng tại Canada: Vấn đề chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và dinh dưỡng được đặc biệt quan tâm ở xứ sở lá phong. Vì thế, ngành dinh dưỡng ở đây cũng được Chính phủ rất chú trọng đầu tư. Bạn có thể lựa chọn Canada làm điểm đến và gửi gắm những năm tháng đại học tại chuyên ngành Dinh dưỡng học ở University of Alberta, University of Ottawa,…
-
Học ngành dinh dưỡng tại Mỹ: Đây là một trong những quốc gia dẫn đầu các chương trình nghiên cứu về dinh dưỡng, cùng với đó là các chương trình đào tạo dinh dưỡng được xây dựng bài bản và liên tục cập nhật những kiến thức mới. Vì thế, đây là một trong những điểm đến lý tưởng nếu bạn mong muốn theo học ngành Dinh dưỡng. Bạn có thể tham khảo ngành dinh dưỡng học tại Ohio State University, Michigan State University,…
-
Học ngành dinh dưỡng tại Úc: Du học ngành Dinh dưỡng ở Úc cũng là một trải nghiệm tuyệt vời bởi chất lượng giảng dạy top đầu thế giới và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp rộng mở. Các trường đại học có tiếng trong ngành Dinh dưỡng tại Úc bao gồm Edith Cowan University, La Trobe University, The University of Sydney,…
-
Học ngành dinh dưỡng tại Anh: Ngành dinh dưỡng cũng là một trong những ngành thế mạnh tại Anh. Du học Anh ngành này sẽ mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp và định cư trong tương lai. Các trường nổi tiếng về đào tạo Dinh dưỡng tại Anh bao gồm University of Glasgow, University of Reading,…
Học dinh dưỡng ra làm gì? Cơ hội việc làm ngành dinh dưỡng
Với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của con người, cơ hội việc làm dành cho các bạn tốt nghiệp ngành dinh dưỡng trở nên rộng mở hơn bao giờ hết. Khi có tấm bằng dinh dưỡng học, Hotcourses.vn gợi ý bạn có thể lựa chọn các công việc:
-
Kỹ thuật viên dinh dưỡng: Các chuyên viên dinh dưỡng thường làm việc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe để đảm bảo bệnh nhân nhận được chế độ ăn phù hợp và đang khỏe mạnh.
-
Chuyên gia giáo dục sức khỏe: Công việc chính của bạn là giúp khách hàng phát triển các chiến lược để cải thiện và duy trì sức khỏe của họ.
-
Kỹ thuật viên khoa học thực phẩm: Công việc này chủ yếu thực hiện các nghiên cứu về thời hạn sử dụng và kiểm tra chất lượng thực phẩm. Họ cũng có thể phát triển sản phẩm mới, chẳng hạn như tạo ra các sản phẩm không chất béo hoặc không đường.
-
Chuyên gia pháp chế: Với tấm bằng dinh dưỡng, bạn có thể làm việc với chính phủ, các công ty dược phẩm,.. để điều phối, chuẩn bị và xem xét tài liệu. Bạn có trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm và tập trung vào sức khỏe cộng đồng từ quan điểm pháp lý.
-
Chuyên gia dinh dưỡng: Bạn có thể làm việc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe để tư vấn, tạo kế hoạch chăm sóc cá nhân và thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh của khách hàng/ bệnh nhân. Các chuyên gia dinh dưỡng thường chuyên về một loại bệnh và tình trạng cụ thể, như bệnh tiểu đường, rối loạn tiêu hóa, rối loạn ăn uống hoặc béo phì.