Ngành Công nghệ tài chính (Fintech) đang tăng trưởng nhanh chóng theo cấp số nhân. Đây là thời điểm “vàng” để gặt hái nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở khi bạn theo đuổi ngành học này. Vậy ngành công nghệ tài chính Fintech là gì? Học ngành công nghệ tài chính ra làm gì? Để có câu trả lời đầy đủ, cụ thể và chính xác nhất thì mời bạn cùng Huongnghiepcdm.edu.vn tìm hiểu qua thông tin bài viết dưới đây!
Công nghệ tài chính Fintech là gì?
Công nghệ tài chính hay tiếng Anh là Fintech, là sự kết hợp của “finance” và “technology”. Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, các dịch vụ tài chính trở nên linh hoạt, tiện lợi và phù hợp hơn cho các công ty và cá nhân trong các lĩnh vực như ngân hàng, cho vay, thanh toán, huy động vốn từ cộng đồng và đầu tư. Fintech còn bao gồm những khía cạnh có lẽ bạn đã từng một lần nghe qua như blockchain, big data (dữ liệu lớn) hay đồng tiền ảo bitcoin.
Công nghệ tài chính thực chất đã hiện diện trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Chẳng hạn như bạn có thể gửi tiền hoặc đăng ký thẻ tín dụng từ điện thoại thông minh của mình mà không cần đến chi nhánh ngân hàng. Bạn có thể đã sử dụng Fintech để huy động tiền cho một tổ chức mới thành lập hay quản lý các khoản đầu tư của mình mà không cần sự hỗ trợ của cố vấn tài chính.
Ngành công nghệ tài chính học gì?
Sinh viên sẽ được trang bị lý thuyết, kỹ thuật và tư duy phản biện trong việc áp dụng công nghệ vào các dịch vụ tài chính trong ngành Fintech. Những môn học trọng tâm của ngành này bao gồm:
-
Nghiên cứu về dữ liệu lớn và trí tuệ kinh doanh: phát triển khả năng thiết kế và triển khai các ứng dụng cơ sở dữ liệu, dữ liệu lớn và phân tích để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Sinh viên tìm hiểu các vấn đề và công nghệ liên quan đến việc triển khai, hỗ trợ cơ sở dữ liệu quy mô lớn và các dịch vụ cần thiết để duy trì và truy cập kho dữ liệu.
-
Kỹ thuật về ngôn ngữ lập trình thông minh (Python) và máy học (Machine learning): sử dụng các kỹ thuật tính toán, xây dựng thuật toán và hệ thống thích ứng linh hoạt với nhiều trường hợp.
-
Nhu cầu và trải nghiệm của người dùng: tập trung thiết kế trải nghiệm người dùng và xây dựng tạo mẫu phần mềm để phát triển dịch vụ Fintech phù hợp.
-
Kinh doanh kỹ thuật số: tìm hiểu về những lợi ích và tác động của các công nghệ kỹ thuật số lên các công ty khởi nghiệp.
Vì sao nên học ngành công nghệ tài chính?
Sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ trong những thập kỷ gần đây đã mang đến những tác động mạnh mẽ đến tất cả các yếu tố của nền kinh tế và tài chính toàn cầu. Kết quả là, sự ra đời của Fintech đã tạo ra các dịch vụ tài chính mới đồng thời đe dọa các mô hình kinh doanh truyền thống của các ngân hàng. Trong đó đáng chú ý nhất là các ứng dụng ngân hàng đã dần thay thế các hình thức chuyển tiền mặt, thanh toán hóa đơn, thanh toán qua internet,… Đời sống xã hội ngày càng hiện đại, con người càng mong muốn những dịch vụ công nghệ tiện lợi mang lại tiện ích và hiệu quả. Do đó, tiềm năng của ngành công nghệ tài chính và kinh doanh số trong tương lai là rất lớn.
Theo thống kê của Statista, doanh thu ngành Fintech toàn thế giới đạt 17 tỷ USD vào năm 2020 và đã tăng lên hơn 10 lần vào năm 2023 (176,35 tỷ USD) và dự kiến sẽ đạt 311,11 tỷ USD vào năm 2028. Với tốc độ tăng trưởng vượt bậc như hiện nay, Fintech chính là ngành có xu hướng dẫn dắt nền tài chính toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Bạn có phù hợp với ngành công nghệ tài chính?
Bạn nên học Fintech nếu sở hữu những tố chất và kỹ năng dưới đây:
-
Quan tâm đến lĩnh vực tài chính, công nghệ và kỹ thuật
-
Có khả năng tư duy logic, sáng tạo, tỉ mỉ, kiên nhẫn
-
Sẵn sàng đối mặt với thử thách và muốn tạo ra những thay đổi đáng kể trong công ty Fintech
-
Có kiến thức nhất định về toán học và kỹ năng máy tính
hotcourses.vn
Học ngành công nghệ tài chính ở đâu?
Công nghệ tài chính và kinh doanh số hiện nay vẫn là một ngành còn khá mới ở Việt Nam. Các trường đại học đào tạo lĩnh vực ngân hàng, tài chính đã bắt đầu mở rộng những ngành học nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực của ngành này, bao gồm: ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Kinh tế Luật TPHCM, ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF), ĐH Ngân hàng TPHCM.
Bên cạnh đó, ngành công nghệ tài chính đã và đang rất phát triển và được chú trọng đầu tư ở các nước phương Tây. Nếu bạn có ý định du học ngành này thì hãy tham khảo một số điểm đến gợi ý dưới đây:
-
Du học ngành công nghệ tài chính tại Anh: Du học tại Vương quốc Anh đem đến những cơ hội rất lớn cho sinh viên tốt nghiệp ngành Fintech. Bằng cấp về Fintech sẽ trang bị các kỹ năng được yêu cầu nhiều nhất mà các nhà tuyển dụng lớn và nhỏ tìm kiếm trong lĩnh vực chuyên môn cũng như nhiều lĩnh vực khác. Một số điểm đến bạn có thể cân nhắc bao gồm Swansea University, Durham University, University of Gloucestershire,…
-
Du học ngành công nghệ tài chính tại Australia: Úc là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp Fintech năng động nhất thế giới với dự báo tăng trưởng mạnh mẽ. Khi theo học chuyên ngành này, bạn sẽ đạt được bổ sung kiến thức lý thuyết và thực tiễn cấp cao về Fintech, cũng như hiểu biết về các xu hướng công nghệ chính trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. University of Queensland, Macquarie University, Swinburne University of Technology,… là một trong những trường top đầu về đào tạo Fintech.
-
Du học ngành công nghệ tài chính tại Canada: Nếu bạn có niềm đam mê với tài chính và công nghệ thì không nên bỏ qua Canada – một quốc gia với hệ sinh thái Fintech phát triển mạnh mẽ với vô vàn cơ hội phát triển nghề nghiệp. Từ những con phố nhộn nhịp của Toronto đến các trung tâm sầm uất ở Vancouver và Montreal, các trường đại học Canada như University of Toronto, McGill University hay University of Waterloo có rất nhiều chương trình học Fintech để bạn lựa chọn.
Nếu bạn có thắc mắc về du học ngành Công nghệ tài chính, các chuyên gia du học IDP giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Học ngành công nghệ tài chính ra làm gì?
Mức lương trung bình của nhân sự ngành Fintech ở Mỹ là 135.000 USD/năm (khoảng 64,90 USD/giờ). Các vị trí cấp đầu vào bắt đầu dao động ở mức 97.513 USD/năm trong khi hầu hết những người lao động có kinh nghiệm có thể kiếm được tới 190.000 USD/năm.
Dưới đây là những nghề nghiệp phù hợp với sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ tài chính Fintech:
Kỹ sư phần mềm/ Lập trình viên
Kỹ sư phần mềm là một trong những vai trò quan trọng nhất khi nói đến việc đưa công nghệ mới vào cuộc sống. Kỹ sư phần mềm hay các lập trình viên thường chuyên về blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), big data. Ngoài ra, họ cần thành thạo các loại ngôn ngữ lập trình như: Java, Python, C ++, HTML, PHP được vận dụng trong viết mã (code) trên trang web, thiết bị di động và dễ dàng chuyển đổi giữa hai loại này.
Chuyên viên phân tích dữ liệu
Các nhà phân tích dữ liệu lấy thông tin thô, xử lý, phân tích và biến nó thành những thông tin có giá trị cho doanh nghiệp. Những thông tin chi tiết này chủ yếu để giúp công ty nâng cao chất lượng trải nghiệm dịch vụ của khách hàng tốt hơn.
Chuyên gia phân tích tài chính
Nhà phân tích tài chính giúp một công ty nắm bắt những xu hướng và cơ hội thị trường dựa trên thông tin được cung cấp hoặc tự tìm hiểu. Nói chung, bạn sẽ cần có bằng cấp về kế toán hoặc tài chính để thực hiện vai trò này.
Chuyên gia an ninh mạng
Các công ty Fintech xử lý rất nhiều dữ liệu tài chính cá nhân mang tính nhạy cảm nên cần được lưu trữ an toàn. Các chuyên gia an ninh mạng có trách nhiệm đảm bảo các ứng dụng phần mềm và hệ thống được bảo mật để ngăn chặn dữ liệu quan trọng rơi vào tay tin tặc độc hại.
Nhà thiết kế trải nghiệm và giao diện cho người dùng UX / UI
Chuyên viên Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX designer) và Giao diện người dùng (UI designer) xác định cách một ứng dụng phần mềm sẽ trông ra sao và hoạt động như thế nào từ quan điểm của khách hàng. Các ứng dụng phải dễ sử dụng và dễ điều hướng để tối đa hóa sự tương tác của người dùng.
Giám đốc phát triển kinh doanh
Một giám đốc phát triển kinh doanh giám sát và đảm bảo sự phát triển của toàn bộ công ty Fintech ở mọi giai đoạn, từ khi phát triển đến khi ra mắt. Vai trò của họ là đảm bảo cả thành công của sản phẩm và lợi nhuận tài chính tổng thể.
Nhìn chung, công nghệ tài chính là một lĩnh vực có ảnh hưởng đáng kể đến mô hình phát triển toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều trung tâm kinh tế, tài chính và công nghệ quan trọng như Anh, Mỹ, Canada và Úc lại đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực để bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của ngành.
Bài viết được chỉnh sửa bởi Hoàng Thanh Phương vào ngày 09/04/2024.