Công nghệ Sinh học thoạt nghe có vẻ xa vời và trừu tượng nhưng thực tế thì ngành học này có vai trò quan trọng trong xã hội. Lĩnh vực này đã đóng góp công lớn trong việc chế tạo ra vaccine bảo vệ sức khỏe con người, trong đó có cả vaccine chống Covid-19. Nếu bạn chưa biết gì về ngành học này thì có thể tham khảo những thông tin quan trọng được Huongnghiepcdm.edu.vn tổng hợp trong bài viết dưới đây.
Công nghệ Sinh học là gì?
Công nghệ Sinh học (Biotechnology) là ngành học nghiên cứu và sử dụng những thực thể sống dựa trên nguyên lý sinh học để chế tạo nên các sản phẩm có ích cho loài người. Công nghệ Sinh học được ứng dụng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống nhưng chủ yếu tập trung vào 4 mảng chính là y dược, nông nghiệp, năng lượng và môi trường.
Trong nông nghiệp, công nghệ sinh học không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn giảm thiểu sử dụng các chất hóa học độc hại, giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Trong y học, việc áp dụng công nghệ sinh học giúp chẩn đoán sớm bệnh tật và phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả hơn.
Với sự tiến bộ không ngừng, công nghệ sinh học đã phân ra thành ba giai đoạn chính trong quá trình phát triển:
-
Công nghệ sinh học truyền thống với việc chế biến các thực phẩm dân dã
-
Công nghệ sinh học cận đại sử dụng công nghệ trong quy trình sản xuất quy mô lớn,
-
Công nghệ sinh học hiện đại với những đột phá về di truyền, tế bào, enzym và vi sinh vật.
Nhìn chung, công nghệ sinh học không chỉ là một lĩnh vực nghiên cứu mà còn là một cánh cửa mở ra cho sự phát triển bền vững của xã hội và bảo vệ môi trường. Sự kết hợp giữa sức sáng tạo và kiến thức khoa học sẽ tiếp tục định hình tương lai của chúng ta, mang lại những giải pháp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới ngày nay và tương lai. Có thể bạn chưa cần biết mình sẽ học gì trong ngành này nhưng đến đây là có thể phần nào hình dung sự nghiệp tương lai của ngành này rất đa dạng và rộng mở.
Ngành Công nghệ Sinh học có hệ đào tạo đa dạng phù hợp với mọi nhu cầu như chương trình cấp chứng nhận, chứng chỉ, bằng Cử nhân, Thạc sĩ hay Tiến sĩ. Ngành này còn cho phép bạn học trực tuyến nhưng đây thường là lựa chọn của những người đã làm việc lâu năm có mong muốn bổ sung kiến thức để ứng dụng ngay vào công việc đang có.
Ngành công nghệ sinh học học gì?
Một số môn bạn sẽ được học trong ngành Công nghệ Sinh học có thể kể đến như:
-
Sinh học phân tử
-
Sinh học tế bào
-
Di truyền học
-
Miễn dịch học
-
Công cụ phân tích sinh học
-
Bào chế thuốc
-
Sinh thái học
Bên cạnh việc học lý thuyết, sinh viên cũng được khuyến khích phát triển các kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, giải quyết tình huống, làm việc nhóm và sáng tạo. Điều này giúp bạn tự tin và linh hoạt khi tiếp cận với môi trường làm việc thực tế sau này.
Quan trọng không chỉ là việc học từ giảng viên và sách vở mà còn là việc thực hành. Sinh viên sẽ được rèn luyện thông qua việc thu thập mẫu, phân tích số liệu và sử dụng các phương pháp thí nghiệm hiện đại, từ đó áp dụng những kiến thức và kỹ năng đã học vào thực tiễn sản xuất và nghiên cứu.
Ai phù hợp với ngành Công nghệ Sinh học?
Nếu bạn sở hữu đủ 3 yếu tố sau thì ngành Công nghệ Sinh học có thể là lựa chọn sự nghiệp tiềm năng:
-
Bạn cần giỏi các môn học mạnh về tư duy gồm Toán, Sinh học và Hóa học thì mới có thể tiến xa trong ngành này.
-
Không ngại làm việc trong phòng thí nghiệm vì ngành học này đòi hỏi thời lượng đầu tư cho nghiên cứu khá nhiều.
-
Sự cẩn thận và tỉ mỉ là yêu cầu bất thành văn khi chọn học lĩnh vực này đòi hỏi sự chính xác cao này. Sản phẩm bạn làm ra sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sống nên không thể hời hợt và qua loa.
Kỹ năng mềm nào được chú trọng trong ngành Công nghệ Sinh học?
Trong thời gian theo học ngành Công nghệ Sinh học, bạn sẽ được trau dồi các kỹ năng mềm sau:
Giao tiếp
Những phát kiến dựa vào nghiên cứu của bạn chỉ thực sự có hiệu quả khi bạn có thể giải thích công trình của mình một cách đơn giản và dễ hiểu cho tất cả mọi người, từ đồng nghiệp cho đến người tiêu dùng. Đó là lý do ngành học này rất đề cao kỹ năng đọc hiểu, viết lách và trình bày trước công chúng.
Tra cứu
Bạn sẽ được trang bị các cách thức để thu thập dữ liệu và đưa ra kết quả nhằm phục vụ quá trình nghiên cứu trong học tập cũng như làm việc sau này.
Tư duy kinh doanh khởi nghiệp
Các công việc liên quan đến Công nghệ Sinh học thường đến từ những công ty khởi nghiệp muốn phát triển sản phẩm mới để tung ra thị trường. Vậy nên bạn sẽ được học thêm một số khía cạnh liên quan đến kinh doanh để tạo ra được sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
>> Ngành Quản trị Kinh doanh: Học gì? Học ở đâu? Cơ hội nghề nghiệp thế nào?
hotcourses.vn
Nên học Công nghệ Sinh học ở đâu?
Ở Việt Nam, bạn có thể chọn theo học ngành Công nghệ Sinh học tại nhiều trường đại học uy tín như Đại học Khoa học Tự nhiên (Hà Nội và TP.HCM), Đại học Bách khoa (Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM), Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm TP.HCM,… Nếu có điều kiện, bạn hoàn toàn có thể cân nhắc đến việc du học ngành này để có thể tiếp cận với hệ thống cơ sở vật chất tiên tiến nhất cũng như những cơ hội nghề nghiệp mang tính quốc tế.
Dưới đây là một số trường đại học nước ngoài uy tín có giảng dạy ngành Công nghệ Sinh học do Huongnghiepcdm.edu.vn tổng hợp:
-
Các khóa đào tạo ngành Công nghệ Sinh học ở Úc
-
Các khóa đào tạo ngành Công nghệ Sinh học ở Canada
-
Các khóa đào tạo ngành Công nghệ Sinh học ở Anh
-
Các khóa đào tạo ngành Công nghệ Sinh học ở Mỹ
-
Các khóa đào tạo ngành Công nghệ Sinh học ở New Zealand
Bạn lưu ý là bấm vào link “Xem [số] khóa học Công nghệ Sinh học” để tìm hiểu thông tin cụ thể về chương trình học ở từng trường.
Trong trường hợp bạn gặp khó khăn khi chọn trường phù hợp, đừng ngần ngại liên hệ với trung tâm tư vấn IDP để được các chuyên viên giàu kinh nghiệm giúp đỡ hoàn toàn miễn phí.
Cơ hội việc làm trong ngành công nghệ sinh học ra sao?
Tại Việt Nam, ngành Công nghệ sinh học cũng nằm trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ từ nay cho đến năm 2030, nhằm ứng dụng vào các lĩnh vực như y dược, nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường. Một số cơ hội việc làm phổ biến của sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học bạn có thể tham khảo như sau:
Đi dạy
Nếu bạn thích làm việc trong môi trường học đường thì có thể cân nhắc trở thành giáo sư hoặc giảng viên đại học. Yêu cầu cho các công việc này sẽ có khác biệt tùy thuộc vào từng nơi nhưng hầu hết sẽ đòi hỏi bằng Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ với kinh nghiệm chinh chiến trong công việc thực tế. Với công việc này, bạn sẽ chịu trách nhiệm triển khai các dự án nghiên cứu trong khoa, trực tiếp đứng lớp giảng dạy và kèm cặp sinh viên.
Kỹ sư y sinh
Công việc của Kỹ sư y sinh là thiết kế và chế tạo các dụng cụ, thiết bị, hệ thống và phần mềm phục vụ cho lĩnh vực y khoa. Một số sản phẩm quen thuộc của công việc này ắt hẳn bạn đã biết là máy chụp X-quang, máy đo điện tâm đồ hay máy siêu âm. Nhìn chung thì tất cả những thiết bị công nghệ bạn thấy trong bệnh viện đều là công sức của các kỹ sư y sinh.
Kỹ sư môi trường
Nhiệm vụ của kỹ sư môi trường là bảo vệ môi trường sống và sức khỏe con người. Nhiệm vụ của vị trí này có thể bao gồm dọn dẹp vùng bị ô nhiễm, thúc đẩy quá trình ban hành luật về môi trường hoặc làm việc với các doanh nghiệp để giảm thiểu chất thải.
Kỹ sư nông nghiệp
Nhiệm vụ chính của vị trí này là tìm cách cải thiện quá trình sản xuất và tối ưu hóa chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp. Kỹ sư nông nghiệp có thể còn sáng tạo nên các loại thực phẩm mới cung cấp cho thị trường.
Kỹ sư hóa học
Công việc này sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm hóa học trong đời sống hàng ngày như xăng dầu, mỹ phẩm, thuốc thang.
Nghiên cứu viên
Bạn có thể làm việc như một nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu hoặc trung tâm của các bộ, ban, ngành hoặc các trường đại học. Các lĩnh vực nghiên cứu có thể bao gồm sinh học thực nghiệm, di truyền học, vi sinh vật học, y sinh, và dược học.
Nhân viên phòng phát triển sản phẩm
Công việc tại các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học như sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, hay các sản phẩm công nghệ sinh học khác cũng là một lựa chọn phổ biến.
Chuyên viên cơ quan quản lý
Ngoài ra, bạn cũng có thể làm việc tại các cơ quan quản lý liên quan đến công nghệ sinh học thuộc các bộ, ban, ngành hoặc các tổ chức phi chính phủ.
Tự mở cơ sở sản xuất
Cuối cùng, nếu bạn có khát khao khởi nghiệp và sự sáng tạo, bạn cũng có thể tự mở cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học. Điều này đòi hỏi sự kiên trì, nắm vững kiến thức chuyên môn và khả năng quản lý kinh doanh.
Thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp Công nghệ Sinh học thế nào?
Đối với sinh viên mới ra trường, dù thu nhập ban đầu khoảng từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng, nhưng bạn sẽ cần rèn luyện kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm để nâng cao thu nhập trong tương lai.
Đối với những người có kinh nghiệm từ 1 đến 3 năm, mức lương thường dao động từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng. Đối với những người có kinh nghiệm trên 5 năm, mức lương có thể từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào năng lực và kinh nghiệm cụ thể của từng cá nhân.
Dù bạn chọn bất kỳ công việc nào liên quan đến ngành Công nghệ Sinh học thì cũng đều là những vị trí mang tính chuyên môn cao. Vì vậy nên mức thu nhập nhìn chung sẽ rủng rỉnh hơn so với những công việc phổ thông khác. Còn mức lương cụ thể ra sao thì sẽ tùy thuộc vào từng công ty, thị trường lao động của mỗi quốc gia và nhất là năng lực cá nhân của bạn. Bạn chỉ cần ghi nhớ một điều rằng ngành Công nghệ Sinh học rất quan trọng với đời sống xã hội nên nếu bạn có thực tài thì chắc chắn nhà tuyển dụng không ngần ngại giữ chân bạn với một mức thu nhập tương xứng.
Nguồn tham khảo: Best Colleges, World Wide Learn
*Bài viết được cập nhật và chỉnh sửa bởi Võ Quỳnh Hương vào ngày 16/04/2024.