Nếu bạn yêu thích tìm tòi những câu chuyện thú vị để chia sẻ với mọi người thì rất có thể ngành báo chí là con đường bạn nên theo đuổi. Ngành báo chí học ở đâu? Ra trường làm gì? Mời bạn cùng tìm hiểu ngành báo chí qua bài viết sau đây của Huongnghiepcdm.edu.vn nhé.
Ngành báo chí là gì?
Ngành báo chí là lĩnh vực truyền thông chuyên nghiệp, nhằm thu thập, xử lý và truyền tải thông tin đến công chúng. Báo chí không chỉ giới hạn trong việc xuất bản báo in mà còn bao gồm các phương tiện truyền thông khác như báo điện tử, truyền hình, phát thanh và cả các nền tảng truyền thông kỹ thuật số như báo mạng, chương trình thời sự, blog và mạng xã hội. Công việc của người làm báo là cung cấp thông tin đa dạng về các sự kiện, vấn đề xã hội, và giải trí đến công chúng một cách chính xác và đáng tin cậy.
Nội dung báo chí cũng không nhất thiết chỉ có định dạng văn bản mà còn có thể là bộ ảnh, video hay thậm chí là âm thanh trên đài radio. Chỉ cần đáp ứng tiêu chí cung cấp thông tin cho độc giả thì nội dung thuộc bất kỳ định dạng nào trên mọi nền tảng đều được xem là một phần của lĩnh vực báo chí.
Vì lẽ đó nên khi nhắc đến báo chí, ngoài công việc phóng viên săn tin cho tòa soạn còn có những công việc khác như phát thanh viên truyền hình, phát thanh viên truyền thanh, blogger, biên tập viên, nhiếp ảnh gia và vô vàn các đầu việc liên quan. Nếu theo đuổi con đường báo chí, bạn sẽ có nhiều lựa chọn để cân nhắc cho con đường sự nghiệp của mình.
Làm nhà báo có gì vui?
Người đầu tiên biết tin sốt dẻo
Làm báo đòi hỏi phải có câu chuyện hoặc thông tin để kể nên bạn luôn phải chủ động tìm kiếm và quan sát những điều thú vị xung quanh chủ đề mình theo đuổi. Từ đó bạn sẽ có xu hướng nắm bắt thông tin mới nhanh hơn người thường. Sau khi làm việc một thời gian và dần tạo được uy tín, bạn sẽ không cần tốn thời gian tìm kiếm tin tức nhiều như xưa mà người khác sẽ chủ động cung cấp thông tin cho bạn để chia sẻ với công chúng. Càng có tên tuổi trong nghề, cơ hội bạn nhanh chóng tiếp cận được với thông tin sốt dẻo càng cao.
Gặp gỡ nhiều nhân vật thú vị
Câu chuyện nào cũng đều có các nhân vật trong đó nên khi làm báo bạn sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều mảnh đời khác nhau. Nếu bạn chuyên về mục đời sống thì sẽ được gặp gỡ đầy đủ các thành phần trong xã hội. Còn khi bạn chọn theo đuổi chuyên mục giải trí thì hãy sẵn sàng diện kiến với những ngôi sao hàng đầu mà người thường ít có cơ hội gặp mặt.
Cơ hội du lịch nhiều nơi
Nếu bạn chưa biết thì phóng viên chuyên mục bóng đá thường được cử ra nước ngoài tham dự các giải đấu quốc tế để tác nghiệp lấy tin và ảnh. Chỉ xét riêng từng mùa World Cup đều được tổ chức ở một nước nên nếu bạn đảm nhiệm mục thể thao thì cứ mỗi 4 năm lại được vi vu sang xứ lạ một lần. Tuy nhiên, không phải lúc nào tác nghiệp ở nước ngoài cũng đem đến các trải nghiệm hào hứng. Nếu bạn được phân công thực hiện nội dung cho các đề tài “nóng” như tệ nạn xã hội thì sẽ phải đích thân thâm nhập vào một số nơi nguy hiểm để lấy tin.
Nghề báo có thử thách gì?
Giờ làm việc không cố định
Thời đại công nghệ bùng nổ nên mọi người không cần phải đợi đến sáng để đọc báo giấy mà chỉ cần lướt Facebook là có thể cập nhật thông tin. Vì lẽ đó nên sự cạnh tranh về thời gian đưa tin ở thời điểm hiện tại là rất lớn. Nếu giữa đêm có tin nóng thì bạn buộc phải thức trắng để lên bài nhanh chóng vì đơn vị nào càng đưa tin nhanh thì mức độ uy tín và lượt xem nhận được lại càng tăng cao. Yêu cầu ngày nào cũng phải có tin cũng đòi hỏi bạn phải “chạy” bài thường xuyên dưới áp lực thời gian không nhỏ.
“Bút sa gà chết”
Báo chí cung cấp thông tin cho độc giả nên có thể nói đây là lĩnh vực nắm trong tay quyền lực mềm không hề nhỏ. Với một bài báo vạch trần tội ác, bạn có thể cứu sống hàng ngàn người nhưng nếu thông tin bạn cung cấp sai lệch có thể sẽ gây thiệt hại rất lớn, thậm chí liên quan đến tính mạng của người khác. Nếu muốn theo nghề báo, bạn cần tập thói quen cẩn trọng với cách mình truyền tải thông tin để sự nghiệp không bị hủy hoại.
Xu hướng báo chí đổi mới liên tục
10 năm trước, không ai nghĩ sẽ có ngày báo mạng dần thay thế báo giấy truyền thống như hôm nay nên bạn có thể thấy ngành báo chí truyền thông biến chuyển không ngừng. Để có thể tồn tại trong nghề, người làm báo cần rèn luyện các kỹ năng làm việc độc lập, linh hoạt và sáng tạo. Bạn không nên chỉ chuyên viết lách mà nên trau dồi thêm các kỹ năng chuyên môn khác như quay video hoặc chụp ảnh để dễ dàng thích nghi với mọi sự biến chuyển của ngành.
Ngành Báo chí học gì?
Ngành Báo chí trình độ đại học đào tạo những cử nhân có kiến thức chuyên môn toàn diện cùng với các kiến thức xã hội bổ trợ cần thiết để thực hành các kỹ năng nghề nghiệp vững vàng trong lĩnh vực báo chí và truyền thông; trang bị cho người học khả năng làm việc và nghiên cứu đa dạng, tư duy năng động, sáng tạo, thích nghi với sự phát triển của báo chí, truyền thông Việt Nam và thế giới.
-
Kiến thức cơ bản về lĩnh vực Báo chí và Truyền thông: Bao gồm lý luận báo chí, nghiệp vụ báo chí, pháp luật báo chí, lịch sử báo chí, và ngôn ngữ báo chí. Điều này giúp sinh viên hiểu rõ hơn về cơ sở lý luận và thực tiễn của ngành.
-
Nghiệp vụ báo chí: Bao gồm các kỹ năng như viết tin, phỏng vấn, tường thuật, nhiếp ảnh, bình luận, phóng sự, biên tập, thiết kế và trình bày báo, và sản xuất tạp chí. Sinh viên được rèn luyện các kỹ năng cụ thể và quan trọng trong việc tạo ra nội dung báo chí chất lượng.
-
Nghiệp vụ báo chí đa phương tiện: Bao gồm sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, tin và phóng sự truyền hình, đối thoại truyền hình, tổ chức và sản xuất nội dung báo trực tuyến. Đào tạo sinh viên về việc làm việc trên nhiều nền tảng truyền thông khác nhau.
-
Kỹ năng viết báo: Đào tạo sinh viên về cách viết báo chí một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Bao gồm viết tin tức, bình luận, phóng sự, và các thể loại bài viết khác.
-
Sử dụng thiết bị truyền thông báo chí: Bao gồm việc rèn luyện về quay phim, kỹ thuật báo chí, ảnh báo chí và sử dụng các công cụ và thiết bị cần thiết trong quá trình sản xuất nội dung truyền thông.
-
Kiến thức về lý luận chính trị, an ninh quốc phòng, ngoại ngữ và công nghệ thông tin cơ bản: Đây là các kiến thức bổ trợ giúp sinh viên hiểu sâu hơn về một số lĩnh vực liên quan và nâng cao khả năng ứng dụng trong công việc báo chí.
-
Kỹ năng mềm: Bao gồm khả năng thuyết trình, giao tiếp hiệu quả, tư duy phản biện, và làm việc nhóm. Đây là những kỹ năng quan trọng giúp sinh viên thành công không chỉ trong ngành báo chí mà còn trong mọi lĩnh vực khác.
-
Làm việc trong các chuyên ngành cụ thể: Sinh viên có thể chọn học sâu vào một lĩnh vực cụ thể như báo in, báo điện tử, báo hình, truyền thông quảng cáo, và được đào tạo thêm về các kiến thức và kỹ năng phù hợp với lĩnh vực mình quan tâm.
Nếu đi du học, bạn cần có trình độ tiếng Anh vượt trội vì hầu hết các khóa học yêu cầu đạt điểm IELTS 7.0 hoặc TOEFL 79 trở lên. Chương trình đại học thường kéo dài từ 3 đến 4 năm, trong khi chương trình cao học thường chỉ kéo dài từ 1 đến 2 năm. Tại các trường đại học, chương trình đào tạo cung cấp kiến thức nền tảng về tiếp cận và xử lý thông tin, trích dẫn, và quy trình in ấn, xuất bản. Sinh viên cũng được trang bị kỹ năng quản lý và sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng cho các chiến dịch cụ thể. Trong chương trình cao học, sinh viên học sâu về phân tích tin tức, kỹ năng nghiên cứu và tổng hợp. Họ cũng có thể chọn chương trình học chuyên sâu vào một lĩnh vực nhất định trong ngành, như thể thao, truyền thông quốc tế, hoặc điện ảnh. Đây là lựa chọn lý tưởng cho sinh viên đã có kinh nghiệm thực tế trong ngành báo chí và muốn nâng cao trình độ.
hotcourses.vn
Học ngành báo chí cần những tố chất gì?
Để làm tốt trong ngành báo chí, bạn cần có một số tố chất và kỹ năng cơ bản sau:
-
Khả năng viết lách, sáng tạo và tổng hợp thông tin: Nhà báo cần có khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác và súc tích, đồng thời phải sáng tạo để tạo ra những sản phẩm báo chí hấp dẫn và thu hút độc giả.
-
Khả năng giao tiếp tốt và xử lý thông tin nhanh nhạy: Cần có khả năng giao tiếp để tiếp cận nguồn thông tin một cách hiệu quả và xử lý thông tin kịp thời để phản ánh những vấn đề nóng hổi của xã hội.
-
Khả năng tư duy logic, phân tích và đánh giá vấn đề: Cần có khả năng phân tích và đánh giá các vấn đề một cách khách quan, tránh thông tin sai lệch và thiếu chính xác.
-
Làm việc nhóm và độc lập tốt: Nhà báo thường làm việc độc lập nhưng cũng cần có khả năng làm việc nhóm để hoàn thành các dự án chung.
-
Tư duy nghệ thuật: Giúp tạo ra những hình ảnh, ngôn từ, âm thanh ấn tượng để thu hút sự chú ý của công chúng và đưa ra những góc nhìn mới mẻ về các vấn đề trong xã hội.
-
Sự nhanh nhạy với chuyên môn: Cần quan tâm đến các sự kiện và phát hiện vấn đề một cách nhanh nhạy để chọn lọc thông tin và tạo ra tiêu đề hấp dẫn.
-
Kiến thức đa lĩnh vực: Sự hiểu biết rộng về nhiều lĩnh vực giúp truyền đạt thông tin một cách khách quan và chính xác.
-
Sức khỏe tốt: Công việc của nhà báo thường yêu cầu di chuyển, tiếp xúc nhiều người và làm việc với cường độ cao, vì vậy cần có sức khỏe tốt để theo đuổi ngành báo chí.
Ngành báo chí học ở đâu?
Tại Việt Nam, ngành báo chí được đào tạo tại nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Một số trường đào tạo báo chí uy tín, chất lượng cao, được nhiều sinh viên lựa chọn bao gồm: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Huế, Đại học Văn hóa Hà Nội.
Các thành phố lớn như London hay New York vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của sinh viên báo chí vì đây là nơi tập trung trụ sở chính của hàng loạt các báo, đài, công ty truyền thông hàng đầu thế giới như BBC, CNN, New York Times,… Và đây cũng là những nơi diễn ra thường xuyên các sự kiện, hội thảo, chương trình nghị sự, hoạt động tài chính, kinh tế, thể thao và văn hóa. Nguồn thông tin tại các thành phố này sẽ không bao giờ cạn và cơ hội thực tập cũng luôn rộng mở.
Tuy nhiên bạn không nhất thiết phải đóng đô ở các thành phố này vì các tổ chức báo chí truyền thông lớn vẫn có các trụ sở và văn phòng đại diện ở những thành phố nhỏ hơn. Việc chọn học tại các thành phố nhỏ sẽ giúp bạn tiết kiệm được sinh hoạt phí và mức độ cạnh tranh tìm việc làm hoặc cơ hội thực tập sẽ đỡ gắt gao hơn.
Huongnghiepcdm.edu.vn gợi ý một số trường đại học có chương trình đào tạo ngành Báo Chí nổi bật để bạn tham khảo:
-
Các khóa đào tạo ngành Báo chí ở Úc
-
Các khóa đào tạo ngành Báo chí ở Canada
-
Các khóa đào tạo ngành Báo chí ở Anh
-
Các khóa đào tạo ngành Báo chí ở Mỹ
-
Các khóa đào tạo ngành Báo chí ở New Zealand
Bạn lưu ý là bấm vào link “Xem [số] khóa học Báo chí” để tìm hiểu thông tin cụ thể về chương trình học ở từng trường. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm trường đại học phù hợp thì có thể liên hệ với IDP để đặt lịch hẹn tư vấn hoàn toàn miễn phí.
>> 10 trường đào tạo ngành báo chí có tiếng ở Mỹ
Học ngành báo chí ra làm gì?
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí. Đây là môi trường làm việc đa dạng, cho phép các bạn trẻ có thể lựa chọn các vị trí việc làm khác nhau. Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho các bạn trẻ yêu thích báo chí. Các bạn có thể tự tạo cho mình những kênh truyền thông riêng trên mạng xã hội để chia sẻ thông tin, kiến thức và quan điểm của mình.
Học báo chí ra trường có thể làm rất nhiều nghề, nhưng phổ biến nhất là các vị trí sau:
-
Phóng viên: Thu thập thông tin và đưa tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội, làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền thông, đài phát thanh, truyền hình hoặc các doanh nghiệp, tổ chức.
-
Biên tập viên: Kiểm tra, chỉnh sửa, biên tập các bài viết trước khi đăng tải, xây dựng nội dung, lên kế hoạch xuất bản, phát triển thương hiệu, làm việc tại các cơ quan thông tấn báo chí, xuất bản.
-
Người dẫn chương trình: Dẫn dắt các chương trình phát thanh, truyền hình, đọc bản tin, phỏng vấn, dẫn các chương trình trò chơi, giải trí.
-
Nhiếp ảnh gia báo chí: Ghi lại hình ảnh của các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội, cần kỹ năng chụp ảnh, xử lý ảnh và kiến thức về báo chí.
-
Videographer: Quay phim, dựng phim cho các chương trình truyền hình, báo chí, cần kỹ năng quay phim, dựng phim và kiến thức về báo chí.
Ngoài ra, sinh viên ngành báo chí ra trường cũng có thể làm việc trong các lĩnh vực khác như:
-
Giảng viên: Trở thành giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
-
Nghiên cứu viên: Làm việc tại các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu về báo chí, truyền thông.
-
Chuyên viên tư vấn: Làm việc tại các công ty tư vấn truyền thông, marketing.
-
Chuyên viên viết lách: Làm việc tại các công ty, doanh nghiệp với vai trò là nhà sáng tạo nội dung, biên tập nội dung.
-
Sáng tạo nội dung: Tạo ra nội dung độc đáo trên các kênh truyền thông trực tuyến, nội dung quảng cáo, content marketing.
Khi nhắc đến công nghệ thông tin, mọi người chỉ chú ý đến phần “công nghệ” mà quên mất “thông tin” cũng có vị thế ngang hàng nên các công việc liên quan đến báo chí luôn có đất dụng võ trong thời đại này. Ngoài việc đầu quân vào các tòa soạn chính thống, bạn còn có thể chọn làm việc ở những công ty truyền thông quảng cáo hay thậm chí tự thành lập một trang thông tin của riêng mình trên nền tảng mạng xã hội. Nội dung bạn sản xuất càng thu hút độc giả thì lợi nhuận bạn thu về từ quảng cáo càng lớn.
Với các kỹ năng chuyên môn như thu thập tin tức, viết lách, chụp ảnh và sản xuất video của một người xuất thân từ ngành báo thì bạn có thể yên tâm là không bao giờ sợ thất nghiệp. Thời thế có thay đổi thế nào thì công chúng vẫn luôn tích cực tiêu thụ các sản phẩm nghe nhìn.
Thu nhập của nghề báo như thế nào?
Mức lương trong ngành này thường tùy thuộc vào công việc bạn chọn và cơ quan bạn cộng tác. Nếu bạn chọn làm tại các đài truyền hình lớn hay tòa soạn lâu năm thì thu nhập chắc chắn không nhỏ. Theo khảo sát của Báo Tuổi Trẻ, lương cơ bản của nhà báo tại Việt Nam dao động từ 5 triệu đến 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, những nhà báo có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm dày dặn có thể nhận được mức lương cao hơn, lên đến 20 triệu đồng/tháng hoặc hơn.
Ngoài lương cơ bản, các nhà báo còn có thể nhận được các khoản thu nhập khác như tiền nhuận bút, tiền thưởng, tiền cộng tác. Những nhà báo làm việc ở các cơ quan báo chí lớn, có tiếng tăm thì thu nhập có thể cao hơn rất nhiều so với những cơ quan nhỏ, địa phương.
Để có thu nhập cao, nhà báo cần phải có trình độ chuyên môn tốt, kinh nghiệm làm việc và khả năng sáng tạo. Mức lương cụ thể của các vị trí như viên chức, biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên sẽ được áp dụng theo các quy định của pháp luật, thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông, và phụ thuộc vào hệ số và nhóm chức danh công việc. Cụ thể:
-
Biên tập viên hạng 1,Biên dịch viên hạng 1, Phóng viên hạng 1, Đạo diễn truyền hình hạng 1, có hệ số loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ 6,2-8,0 mức lương là từ 9.238.000 đến 11.920.000 đồng/tháng.
-
Biên tập viên hạng 2, Biên dịch viên hạng 2, Phóng viên hạng 2, Đạo diễn truyền hình hạng 2, có hệ số loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ 4,4-6,78 mức lương là từ 6.556.000 đến 10.102.000 đồng/tháng.
-
Biên tập viên hạng 3, Biên dịch viên hạng 3, Phóng viên hạng 3, Đạo diễn truyền hình hạng 3, có hệ số loại A1, từ 2,34-4,98 mức lương là từ 3.486.600 đồng đến 7.420.200 đồng/tháng.
Với thị trường báo chí nước ngoài, những bạn mới ra trường thì có thu nhập khoảng 36,000 USD/ năm. Người làm việc lâu năm lên chức quản lý có thể kiếm được 70 – 90,000 USD/ năm. Nhưng các con số trên nhìn chung chỉ là tương đối vì nếu có năng lực và biết nắm bắt cơ hội bạn thậm chí có thể kiếm được nhiều hơn mức thu nhập ước tính đó. Bằng chứng là trưởng ban biên tập của tạp chí thời trang Vogue nổi tiếng Anna Wintour có thu nhập lên đến… 2 triệu USD/ năm với tổng tài sản trong suốt sự nghiệp là 36 triệu USD.
Bài được viết lại bởi Do An Khang vào ngày 10 tháng 8 năm 2019.
*Bài viết được cập nhật và chỉnh sửa bởi Võ Quỳnh Hương vào ngày 16/05/2024.
Nguồn tham khảo: Way Up, Top Universities