Có bao giờ bạn tự hỏi những bộ phim hoạt hình được tạo ra như thế nào? Nếu bạn mong muốn làm ra được những thước phim hoạt hình với các màn hành động gây cấn hay những nhân vật có biểu cảm đa sắc thì hãy thử sức với ngành Animation. Cùng Huongnghiepcdm.edu.vn khám phá ngành Animation, nội dung các chương trình đào tạo ở các trường đại học và cơ hội nghề nghiệp tiềm năng của lĩnh vực này nhé!
Animation là gì?
Animation (hay còn gọi là hoạt hình, hoạt họa) là quá trình thiết kế, tạo hình, xây dựng bố cục và sắp xếp các chuỗi hình ảnh tĩnh để tạo ra ảo giác chuyển động. Animator (nhà làm phim hoạt hình) là người kể chuyện bằng hình ảnh, chuyên làm việc với các bản vẽ, những phần mềm chuyên dụng, mô hình con rối và chụp các chuyển động theo từng giai đoạn. Khi dựng phim, animator sẽ trình chiếu một loạt hình ảnh với tốc độ cao nhằm tạo cảm giác nhân vật như đang chuyển động.
Nhắc đến phim hoạt hình, có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến những bộ phim dành cho thiếu nhi nhưng thực chất không chỉ có như vậy. Animation còn được áp dụng trong những video giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ của rất nhiều doanh nghiệp với mức độ lan tỏa khá hiệu quả.
Các phương pháp tạo ra Animation
-
Đồ họa chuyển động (Motion Graphics): Các yếu tố đồ họa như hình khối và chữ sẽ chuyển động để truyền tải một thông điệp nhất định mà không cần phải có tạo hình nhân vật. Bạn sẽ thường thấy phương pháp này trong các quảng cáo truyền hình, video giải thích thông tin. Ví dụ như phân đoạn đồ họa chuyển động giới thiệu tên của biên tập viên thời sự hoặc hình hiệu của các chương trình truyền hình.
-
Hoạt hình truyền thống (Traditional Animation): Còn được gọi là classical animation, cel animation. Đây là phương pháp vẽ từng khung hình bằng tay để tạo ra những chuyển động liên tục của một nhân vật hoạt hình.
-
Vẽ Animation 2D: Các Animator sẽ sử dụng các phần mềm chuyên dụng để tạo hình nhân vật, vẽ phong cảnh, chèn kỹ xảo và lồng nhạc nền. Hoạt hình 2D tạo ra các chuyển động bằng cách sắp xếp các bản vẽ riêng lẻ theo trình tự thời gian.
-
Vẽ Animation 3D: Đồ họa 3D là kỹ thuật tạo hình các nhân vật hoạt động trong không gian ba chiều trên phần mềm máy tính. Nhân vật sẽ chuyển động trong một không gian có chiều sâu, khiến người xem cảm thấy thực tế hơn. Ngày nay, phương pháp vẽ đồ họa 3D được ứng dụng phổ biến trong hoạt động thiết kế game, làm phim hoạt hình…
-
Stop frame hoặc Stop motion: Thay vì vẽ, hình thức này sẽ chụp lại toàn bộ quá trình chuyển động tính-bằng-giây của mô hình, con rối hoặc các đối tượng 3D rồi ghép các tấm ảnh lại với nhau để tạo thành chuỗi chuyển động. Kỹ thuật này đã ra đời từ khi công nghệ làm phim xuất hiện.
Ngành Animation học gì và học ở đâu?
Chương trình đào tạo Animation sẽ trang bị cho bạn những kỹ năng và kiến thức giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng cho công việc như mô hình hóa, tạo họa tiết, sử dụng ánh sáng,… Giống như với hầu hết các chương trình, một số học phần là bắt buộc trong khi một số môn khác sẽ là tùy bạn chọn theo sở thích cá nhân. Các môn học chung có thể kể đến bao gồm:
-
Vẽ hoạt hình
-
Kỹ xảo điện ảnh VFX
-
Giới thiệu về hoạt hình 2D
-
Giới thiệu về hoạt hình 3D
-
Quy tắc kể chuyện
-
Dấu hiệu và ý nghĩa
-
Lý thuyết và lịch sử của hoạt hình
-
Phát triển tài liệu
-
Viết kịch bản
-
Các nguyên tắc cơ bản về thiết kế
-
Mô hình hóa và kết cấu
-
Quy trình trước và sau khi sản xuất phim
Trong năm cuối, bạn sẽ thực hiện một dự án phim hoạt hình để thể hiện tất cả các kỹ năng có được trong khóa học. Bạn còn được khuyến khích tham dự các hội nghị và sự kiện kết nối để phát huy triển vọng nghề nghiệp sau tốt nghiệp.
Bạn có thể học Animation ở nhiều nơi trên thế giới với các khóa học có cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo tốt. Các điểm đến như Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand là một số địa điểm du học phổ biến nhất cho ngành Animation. Huongnghiepcdm.edu.vn gợi ý cho bạn những trường đại học uy tín sau đây:
Anh:
-
London Metropolitan University
-
Glasgow Caledonian University
-
University of Derby
Mỹ:
-
Shoreline Community College
-
Glendale Community College
Úc:
-
Queensland University of Technology (QUT)
-
RMIT University (Royal Melbourne Institute of Technology University)
Canada:
-
Langara College
-
Fanshawe College
New Zealand:
-
Nelson Marlborough Institute of Technology
-
Yoobee Colleges
Bằng cử nhân (Bachelor of Arts/ Fine Arts) sẽ kéo dài từ 3 – 4 năm trong khi bằng thạc sĩ (Master of Arts/ Fine Arts) thường sẽ mất 1 năm nếu học toàn thời gian. Chương trình thạc sĩ Animation sẽ yêu cầu sinh viên phải có bằng Animation hoặc ngành liên quan ở bậc đại học thì mới hợp lệ. Nếu bạn có hứng thú du học ngành Animation ở các nước tiên tiến trên thế giới, liên hệ ngay các chuyên gia du học IDP giàu kinh nghiệm sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn miễn phí.
Cơ hội nghề nghiệp của ngành Animation
Nhiều bộ phim hoạt hình thế giới được đầu tư chiếu rạp và đạt doanh thu đến hơn 1 tỉ USD, không hề thua kém phim hành động, tình cảm hay khoa học viễn tưởng. Điều đó cho thấy ngành công nghiệp Animation đang rất phát triển và có nhiều cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, kiến thức và kinh nghiệm về animation cũng được ứng dụng rất nhiều trong lĩnh vực như công nghệ game, thiết kế, quảng cáo, y học,…
Ngoài trở thành animator, bạn có thể cân nhắc lựa chọn một số nghề nghiệp tiêu biểu khác trong ngành animation bao gồm:
-
Nghệ sĩ VFX (VFX Artist): VFX là Hiệu ứng hình ảnh (Visual Effects). Nhiệm vụ của công việc này là đảm bảo chuyển động của các nhân vật hoạt hình trở nên chân thật hơn nhờ áp dụng các kỹ xảo và phần mềm kỹ thuật số. Bạn cần tích hợp những hiệu ứng đó vào các phiên bản live-action, truyền hình, phim điện ảnh và các trò chơi điện tử.
-
Nghệ sĩ làm Rigging: Rig là một thuật ngữ trong phim hoạt hình, chỉ quá trình tạo mối nối giữa các vật thể bằng phần mềm chuyên dụng để chuyển động trở nên mượt mà hơn. Nghệ sĩ Rigging sẽ tập trung vào việc dựng rig cho những đối tượng như nhân vật 3D, xe cộ, đạo cụ. Bên cạnh đó, họ cần đảm bảo việc tạo hình nhân vật sao cho “đời nhất” mà vẫn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và nghệ thuật của dự án.
-
Chuyên viên thiết kế video marketing: Với kỹ năng và kiến thức Animation, bạn sẽ sử dụng những bản thiết kế, công cụ tạo video, dựng nên những thước phim quảng cáo sinh động và thu hút.
Vì Animation có độ phủ lớn nên bạn cần hiểu rõ thế mạnh của bản thân để từ đó quyết định theo đuổi một ngách cụ thể.
Những kỹ năng cần thiết để làm trong ngành Animation
Óc sáng tạo cùng tư duy thiết kế: Trở thành người làm phim hoạt hình đòi hỏi bạn khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ, không theo trào lưu. Kỹ năng sử dụng phần mềm đơn thuần sẽ không đủ giúp bạn tiến xa trong ngành mà óc sáng tạo cùng tư duy thiết kế mới là những yếu tố giúp bạn sống lâu với nghề.
Khả năng truyền tải cảm xúc: Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, người làm phim hoạt hình có nhiệm vụ kết nối với người xem thông qua câu chuyện, hình ảnh, hiệu ứng đặt vào sản phẩm. Người làm trong ngành phải có sự thấu cảm với nghệ thuật, lối sống phong phú thì mới có đủ chất liệu để dẫn dắt cảm xúc và chiếm cảm tình từ người xem. Dù là phim hành động, kinh dị, lãng mạn hay hoạt hình thì cảm xúc chính là thứ giữ người xem đi đến cuối bộ phim.
Tỉ mỉ: Ngành này đòi hỏi người làm phim hoạt hình phải chịu khó chăm chút và tỉa tót cho sản phẩm để đảm bảo từng khung hình, cử chỉ nhân vật, hiệu ứng âm thanh lẫn ánh sáng trở nên nhất quán. Những chi tiết nhỏ như đánh ánh sáng từ đâu, sự vật đổ bóng như thế nào cũng có thể ảnh hưởng đến sự thành bại của từng khung hình.
Kỹ năng tổ chức: Dự án làm phim Animation tốn rất nhiều công sức và bao gồm ti tỉ công việc lớn nhỏ. Vì vậy kỹ năng tổ chức, sắp xếp kế hoạch cá nhân và tinh thần đồng đội cực kì quan trọng để dự án không rơi vào hoàn cảnh “nước đến chân mới nhảy”.