Trong xã hội phụ thuộc vào công nghệ như ngày nay, tin tặc và khủng bố mạng là mối quan tâm lớn. Theo số liệu thực tế, các vị trí công việc bảo vệ an ninh mạng trên toàn thế giới chưa được “lấp đầy” ước tính lên đến hàng triệu, do sự khan hiếm nhân lực có trình độ đạt yêu cầu. Điều này chứng minh quản lý an ninh mạng là lĩnh vực đang được săn đón, vô vàn tiềm năng phát triển trong tương lai và thu nhập cao. Vậy hãy cùng khám phá qua bài viết sau đây để tìm hiểu an toàn thông tin mạng là gì và liệu ngành này có phù hợp với bạn không nhé!
Ngành an ninh mạng là gì?
An ninh mạng là hoạt động bảo vệ máy tính, máy chủ, thiết bị di động, hệ thống điện tử, mạng và dữ liệu khỏi các cuộc tấn công nguy hiểm.
Nó còn được gọi là bảo mật công nghệ thông tin hoặc an toàn thông tin điện tử. An ninh mạng áp dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau và có thể được chia thành một số loại phổ biến:
-
Bảo mật mạng: hoạt động bảo vệ mạng máy tính khỏi những kẻ xâm nhập, bao gồm những kẻ tấn công có chủ đích hay phần mềm độc hại.
-
Bảo mật ứng dụng: tập trung vào việc giữ cho phần mềm và thiết bị không bị đe dọa. Ứng dụng một khi bị xâm phạm sẽ báo đến hệ thống được thiết kế để bảo vệ quyền truy cập vào dữ liệu.
-
Bảo mật thông tin: bảo vệ tính toàn vẹn và quyền riêng tư của dữ liệu, cả trong quá trình lưu trữ và chuyển tiếp.
-
Bảo mật vận hành: bao gồm các quy trình xử lý và bảo vệ tài sản dữ liệu. Các quyền người dùng khi truy cập mạng, quy trình xác định cách thức và vị trí dữ liệu được lưu trữ hoặc chia sẻ đều thuộc phạm vi này.
-
Phục hồi sự cố: xác định cách một tổ chức ứng phó với sự cố an ninh mạng hoặc bất kỳ sự kiện nào khác gây ra mất hoặc rò rỉ dữ liệu.
-
Giáo dục người dùng: bất kỳ ai cũng có thể vô tình đưa virus vào một hệ thống an toàn khác nếu không tuân thủ các phương pháp bảo mật tốt. Hướng dẫn người dùng xóa các tệp đính kèm email đáng ngờ, không cắm ổ USB không xác định và nhiều bài học quan trọng khác quan trọng đối với sự bảo mật của bất kỳ tổ chức nào.
Ngành an ninh mạng học gì?
Hiện nay, quản lý an ninh mạng vẫn còn là ngành học có tuổi đời tương đối trẻ, trong khi thực tế tin tặc ngày càng tinh vi và sử dụng các kỹ thuật phức tạp hơn. Cách tiếp cận tốt nhất cho việc đào tạo từ các trường đại học – cao đẳng rất cần sát sao với kiến thức và tình huống trong đời thực. Tại hầu hết các quốc gia, thời gian đào tạo cử nhân an ninh mạng kéo dài từ 3 – 4 năm và 1 – 2 năm đối với chương trình đào tạo thạc sĩ. Bên cạnh đó, bằng tiến sĩ an ninh mạng thông thường yêu cầu 3 – 5 năm.
Dựa theo Tiêu chuẩn học thuật của NSA, chương trình đào tạo chuyên ngành An ninh mạng cần bao gồm các học phần:
-
Phân tích dữ liệu
-
Lập trình máy tính đại cương
-
Điện toán đám mây
-
Rủi ro trên không gian mạng
-
Phòng thủ trên không gian mạng
-
Nguyên tắc thiết kế bảo mật
-
Nguyên tắc bảo đảm thông tin
-
Mật mã học đại cương
-
Hệ thống công nghệ thông tin
-
Mạng lưới thông tin
-
Quản trị hệ thống
-
Chính sách, Pháp lý và Đạo đức
Một số trường sẽ tập trung vào lập trình, trong khi các trường khác sẽ tập trung vào pháp y kỹ thuật số (điều tra số), chính sách an ninh hay những khía cạnh rộng hơn trong lĩnh vực an ninh mạng. Khi xem xét một chương trình đào tạo chuyên ngành an ninh mạng, bạn cần chú ý tới giáo án chương trình giảng dạy. Hãy chắc chắn rằng giáo án đó bao gồm cả lập trình máy tính và cung cấp cho bạn kinh nghiệm thực tế bởi điều này sẽ vô cùng có giá trị cho sự nghiệp an ninh mạng của bạn trong tương lai.
Học ngành an ninh mạng ở đâu?
Ở Việt Nam, các trường đại học và cao đẳng không ngừng hoàn thiện chương trình giảng dạy chuyên ngành an ninh mạng nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy tốt và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Những trường có chương trình chuyên đào tạo ngành an ninh mạng tại nước ta phải kể đến: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật mật mã, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Công nghệ Thông tin – ĐH Quốc Gia TP HCM, Đại học FPT.
Nếu bạn có mong muốn theo đuổi tấm bằng quốc tế về ngành an ninh mạng, du học là một lựa chọn hợp lý. Sau đây là một số điểm đến chất lượng trên thế giới mà bạn nên xem xét:
-
Học ngành An ninh mạng ở Mỹ: Hoa Kỳ là một trong các “cường quốc” công nghệ trên thế giới, điều này cũng đồng nghĩa tội phạm mạng ngày càng tăng với thủ đoạn tinh vi hơn. Chính vì thế, chương trình An ninh mạng tại Hoa Kỳ được thiết kế nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng về bảo mật máy tính, bao gồm lý thuyết, công cụ và phương pháp thực hành tốt nhất. Một số trường đại học đi đầu về ngành này tại Mỹ như Carnegie Mellon University, Georgia Institute of Technology, Massachusetts Institute of Technology,…
-
Học ngành An ninh mạng ở Anh: Bằng an ninh mạng của Vương quốc Anh là một lựa chọn lý tưởng cho những sinh viên muốn theo đuổi nghề nghiệp chuyên môn về mạng máy tính và hệ thống an ninh thông tin, đồng thời mong muốn đóng góp tích cực trong chiến lược mạng quốc gia. Một số điểm đến bạn có thể tham khảo bao gồm Lancaster University, Heriot-Watt University, University of Southampton, University of York,…
-
Học ngành An ninh mạng ở Canada: Tính đến năm 2023, “xứ sở lá phong đỏ” đã đầu tư 875,2 triệu USD để bảo vệ, ngăn chặn và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng trên toàn quốc. Hơn nữa, quốc gia này cũng đứng thứ 13 trong số 75 quốc gia về chỉ số an ninh mạng. Nếu bạn đang cân nhắc theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực an ninh mạng ở Canada thì University of Guelph, Fanshawe College of Applied Arts and Technology, Northern College,… là một trong những lựa chọn tốt nhất.
Nếu bạn có thắc mắc về du học ngành an ninh mạng, các chuyên gia du học IDP giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn miễn phí.
Những điều bạn cần biết khi theo đuổi ngành an ninh mạng
Trí tò mò giúp bạn trở nên “xịn” hơn
An ninh mạng không giống như các công việc bình thường mà đòi hỏi sự tận tụy và nhiều nỗ lực để bắt kịp những phát triển mới nhất trong ngành. Một khía cạnh hay để phân biệt một chuyên viên xuất sắc và bình thường trong ngành an ninh mạng là trí tò mò. Hầu hết các vị trí trong lĩnh vực an ninh mạng đề đòi hỏi bạn phải đặt bản thân vào vị trí của tin tặc. Khi đã thành thạo lối suy nghĩ này, giữ cho bản thân tò mò thì giải pháp sẽ dễ dàng đến với bạn hơn. Hãy nhớ rằng những người làm việc trong lĩnh vực an ninh mạng phải luôn trong trạng thái sẵn sàng làm việc và tìm tòi ngay lập tức dù chỉ một dấu hiệu bất ngờ nhen nhóm.
Thu nhập càng cao, trọng trách càng lớn
Do nguy cơ tấn công mạng ngày càng gia tăng trên toàn thế giới, các công ty và tổ chức cần phải không ngừng nỗ lực để tự bảo vệ mình bằng các biện pháp an ninh mạng hiệu quả. Không phải ngẫu nhiên mà khi các tổ chức, công ty sẵn sàng chi trả cho nhân lực trong lĩnh vực an ninh mạng với mức lương thưởng hậu hĩnh. Thu nhập và vị trí trong ngành này càng cao đồng nghĩa với trách nhiệm sẽ càng tăng lên. Bạn cần nhận thức được là một “trận đấu” có tính rủi ro và vô cùng không công bằng khi bạn phải chiến đấu với những đối thủ giấu mặt. Chỉ một sai lầm hay sự chậm trễ cũng có thể gây ảnh hưởng rất lớn và đôi lúc là những thiệt hại là không thể đo đếm được. Cố gắng làm hết mình với tinh thần trách nhiệm cao độ là điều rất cần thiết.
Giữ mình trước những cám dỗ trục lợi thông tin
“Data là vàng” – điều mà xã hội phát triển dần nhận ra. Có kiến thức, kỹ năng về an ninh mạng là một chuyện, sử dụng và dùng chúng đúng cách, đúng chỗ lại là một chuyện khác. Và đứng trước những cơ hội vàng như vậy, lắm lúc những bạn trẻ sẽ dễ sa ngã và bắt đầu con đường trở thành hacker mũ đen – tin tặc. Vì thế, khi tìm hiểu ngành an ninh mạng, bạn cũng cần hiểu rõ những ảnh hưởng tiêu cực, hậu quả và hình phạt của tấn công mạng nói chung, từ đó có định hướng đúng đắn với công việc.
Học an toàn thông tin ra làm gì?
Với nhu cầu bảo mật ngày càng cao của các tổ chức, doanh nghiệp, an ninh mạng đã không chỉ còn là vấn đề riêng của lĩnh vực công nghệ thông tin mà còn là của rất nhiều các lĩnh vực khác như: Ngân hàng, giáo dục, dịch vụ online, thương mại điện tử, khách sạn, hàng không, quốc phòng, y tế,… Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực của ngành này còn đang rất thấp. Vậy nên, sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành an ninh mạng sẽ tìm được cơ hội việc làm ở rất nhiều lĩnh vực và vị trí khác nhau cùng mức thu nhập hấp dẫn. Cùng điểm qua những vị trí công việc phổ biến trong ngành an ninh mạng:
-
Chuyên viên bảo mật cơ sở dữ liệu, an ninh mạng
-
Chuyên viên kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin
-
Chuyên viên công nghệ thông tin
-
Kỹ sư mạng
-
Kỹ sư phân tích an ninh mạng
-
Kỹ sư kiểm tra xâm nhập
-
Chuyên viên quản trị hệ thống
-
Tư vấn an ninh
-
Phân tích pháp y máy tính – điều tra số
-
Kỹ sư bảo mật
-
Chuyên viên phản hồi sự cố
-
Lập trình viên phát triển phần mềm bảo mật
-
Chuyên viên kiểm tra thâm nhập
-
Kiến trúc sư bảo mật
-
Quản trị viên hệ thống an ninh
-
Giám đốc thông tin an ninh
Công việc an ninh mạng là một trong những cơ hội nghề nghiệp phát triển nhanh nhất ở Mỹ. Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ dự đoán những công việc thuộc ngành này sẽ tăng 31% trong mười năm tới, tức là nhanh hơn 7 lần so với tốc độ tăng trưởng việc làm trung bình trên toàn quốc. Theo salary.com, mức lương trung bình đối với vị trí Kỹ sư an ninh mạng ở Mỹ dao động từ 136.298 – 167.508 USD và có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ học vấn, chứng chỉ, số năm kinh nghiệm trong nghề,…