Google là một trong những công ty nổi tiếng nhất nhì thế giới trong lĩnh vực công nghệ nên để trúng tuyển vào công ty này không đơn giản nhưng không có nghĩa là bất khả thi. Với định hướng phát triển của công ty là tôn trọng sự đa dạng trong văn hóa, giới tính và tôn giáo thì Google luôn rộng tay chào đón các nhân sự đến từ khắp nơi trên thế giới. Bạn có lẽ không phải là người Việt đầu tiên muốn ứng tuyển vào Google nên cứ mạnh dạn thử sức mình nhưng hãy tham khảo những lưu ý sau đây để nhìn nhận mọi thứ một cách đa chiều hơn.
Nếu có thể, hãy xách vali lên và đi du học
Mặc dù Google là một trong các công ty lớn có chủ trương không đặt nặng vấn đề bằng cấp khi tuyển dụng nhưng với đối tượng là sinh viên quốc tế như bạn thì việc sở hữu một tấm bằng được quốc tế công nhận chắc chắn sẽ tạo một ấn tượng và sự an tâm nhất định trong mắt nhà tuyển dụng, từ đó khả năng cạnh tranh với những ứng viên khác cũng cao hơn. Thật vậy, tốt nghiệp từ một trường đại học ở nước ngoài đồng nghĩa với việc bạn đã có một nền tảng tiếng Anh tốt để giao tiếp với đồng nghiệp, kiến thức bạn được học đảm bảo chuẩn chỉnh nên không cần tốn thời gian đào tạo lại và đặc biệt là du học sinh thường có tinh thần sẵn sàng thích nghi với môi trường mới không phải là Việt Nam. Các trường đại học ở nước ngoài còn thường ký kết các chương trình hợp tác tuyển dụng với các công ty lớn như Google nên nộp hồ sơ ứng tuyển dưới danh nghĩa cựu học sinh của trường cũng làm tăng khả năng trúng tuyển của bạn hơn là tự ứng tuyển trực tiếp.
>> Các tỷ phú trên thế giới đã từng chọn học ngành gì?
Không nhất thiết phải học Công nghệ Thông tin hay Khoa học Máy tính
Tương tự như những công ty lớn khác, ngoài các vị trí thiên về kỹ thuật và chuyên môn cao như lập trình thì Google còn có nhiều bộ phận khác thì mới có thể vận hành trơn tru. Vậy nên để đầu quân vào Google bạn không bắt buộc phải theo học Công nghệ Thông tin hay Khoa học Máy tính mà còn vô số hướng đi khác như Truyền thông, Quảng cáo, Quản trị Kinh doanh, Thiết kế, Kế toán, Luật, Nhân sự, Báo chí,… Các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như lập trình mà Google còn không đặt nặng bằng cấp thì với các công việc còn lại công ty này cũng chủ yếu đề cao kinh nghiệm thực tế và năng lực làm việc hơn cả.
>> Phân biệt Công nghệ Thông tin và Khoa học Máy tính
Tìm “tấm vé” thực tập ở ngày hội việc làm
Bạn cần trúng tuyển công việc tốt thì Google cũng khao khát nguồn nhân lực chất lượng cao giúp công ty phát triển nên bản thân Google vẫn luôn chủ động đi đến hàng trăm trường đại học trên thế giới để tìm kiếm nhân tài. Nếu có mong muốn đầu quân vào Google từ đầu thì ở giai đoạn chọn trường bạn nên tìm hiểu xem trường đại học trong tầm ngắm có mối quan hệ đối tác với Google không. Nếu trường đại học có tổ chức ngày hội việc làm thì bạn nhớ vượt lười tham gia để tranh thủ nắm bắt các cơ hội thực tập ở Google nếu có để hành trình tìm việc sau tốt nghiệp đỡ gian nan hơn. Ngay cả khi Google không đến trường đại học của bạn thì vẫn còn lựa chọn là truy cập vào trang tuyển dụng dành riêng cho sinh viên được Google xây dựng chỉn chu với mục đích không muốn bỏ sót bất kỳ ứng viên tiềm năng nào trên thế giới.
Google không chỉ có trụ sở ở Bắc Mỹ
Ngoài Bắc Mỹ, Google còn đặt trụ sở ở nhiều khu vực khác như Mỹ Latinh, Châu Âu, Châu Á Thái Bình Dương, Ấn Độ và Trung Đông. Thử xét riêng khu vực Châu Á cho gần gũi thì Google có chi nhánh ở những thành phố lớn như Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok (Thái Lan),… Điều này có nghĩa bạn không nhất thiết phải đến Mỹ thì mới có thể làm việc cho Google. Tương tự, bạn cũng không cần phải chọn du học Mỹ thì mới đủ tiêu chuẩn để làm việc cho công ty này. Công tâm mà nói, số lượng sinh viên quốc tế mong muốn ở lại Mỹ làm việc khá đông nên tỷ lệ cạnh tranh lúc nào cũng cao chót vót. Do đó bạn có thể cân nhắc chủ động lựa chọn tấn công vào các thị trường lao động ít cạnh tranh hơn, cởi mở với người nhập cư và thậm chí còn gần Việt Nam để tiện cho việc về thăm nhà thì sẽ tốt hơn nhiều.
>> Trượt thị thực H-1B thì nên làm gì?
Cuối cùng, Google không phải là lựa chọn duy nhất
Ứng tuyển vào Google không hề dễ dàng nên nếu bạn không trúng tuyển thì đừng nên quá thất vọng mà hãy nhanh chóng tìm cơ hội tại các công ty công nghệ khác để có môi trường phù hợp hơn để phát triển bản thân tại thời điểm đó. Nếu bạn nhất quyết muốn trở thành một phần của Google, riêng với vị trí lập trình viên thì bạn sẽ cần phải đợi ít nhất một năm mới được phép ứng tuyển lại vì Google muốn bạn có thêm thời gian để trau dồi thêm kinh nghiệm thực tế. Huongnghiepcdm.edu.vn chúc bạn thật nhiều may mắn!