Bất kể là xin việc làm thêm, xin thực tập hay xin việc chính thức thì những lá thư bày tỏ nguyện vọng cũng có một số quy tắc cần lưu ý dưới đây.
>> Viết SOP, khoe sao cho khéo?
>> Cover letter/Motivation letter là gì?
>> Những cách săn việc làm thông minh nhất
Thư xin việc là gì?
Trong tiếng Anh có cụm từ cover letter hay motivation letter, thường hay gửi kèm với CV khi nộp một hồ sơ ứng cử. Có thể dịch văn bản này là thư xin việc/thư bày tỏ nguyện vọng trong tiếng Việt.
Nếu CV giúp người đọc biết được những cột mốc bạn đã từng trải qua thì cover letter giúp họ hiểu rõ hơn về các kĩ năng, kinh nghiệm cũng như nguyện vọng làm việc của bạn. Tóm lại thì đây là thứ giúp bạn chứng tỏ với nhà tuyển dụng rằng mình phù hợp với vị trí đang ứng cử như thế nào. Thế nên, rất nhiều nhà tuyển dụng quan tâm đến thư nguyện vọng hơn là CV.
Một lá thư nguyện vọng đạt tiêu chuẩn phải nhắc lại và làm rõ điểm mạnh của mình đối với những nội dung bạn đã đề cập trong CV. Khi đó, bạn sẽ không chỉ liệt kê thời gian kinh nghiệm, vị trí đã đảm nhiệm, phòng ban đã công tác, mà còn những thành tựu mà bạn đã từng đạt được.
Đề cập về việc ứng tuyển như thế nào?
Có hai cách bắt đầu một lá thư xin việc nhiều người sử dụng nhất, đó là nói về thông tin tuyển dụng hoặc viết về bản thân mình.
Cách đi thẳng vào thông tin tuyển dụng:
– “Sau khi đọc được thông báo tuyển dụng của quý công ty tại trang web/báo… cho vị trí…, tôi viết thư này để gửi đến ông/bà hồ sơ ứng cử của mình”.
Cách nói về chính mình:
– “Tốt nghiệp ngành… tại trường…, tôi có mong muốn tìm được một công việc trong lĩnh vực… và đây là lí do tôi gửi đến ông/bà lá thư xin việc này”
Bắt đầu và kết thúc ra sao?
Nếu biết họ tên và chức danh người sẽ đọc hồ sơ ứng tuyển thì bạn hãy viết hẳn tên người đó ra. Điều này thể hiện rằng bạn rất lưu ý đến những chi tiết nhỏ nhặt trong tin tuyển dụng.
– “Kính gửi ông Nguyễn Văn A,”
Còn trong trường hợp bạn không biết đích xác ai là người đọc thư tuyển dụng thì có thể viết:
– “Kính gửi bộ phận nhân sự, công ty…”
Lưu ý là ở cuối thư bạn cũng phải đề câu kính ngữ:
– “Trân trọng cám ơn”
– “Xin chân thành cám ơn”
Thể hiện sự chủ động bằng cách nào?
Để khẳng định tinh thần sẵn sàng và nguyện vọng làm việc của bản thân, bạn nên sử dụng những mẫu câu chủ động, cụ thể như:
– “Tôi rất trông đợi phản hồi của quý công ty”
– “Tôi rất sẵn lòng cung cấp thêm các thông tin cần thiết trong buổi phỏng vấn”
– “Tôi rất mong được trình bày chi tiết hơn về các kĩ năng và kinh nghiệm của mình trong buổi phỏng vấn với quý công ty”
Viết gì khi có một số điểm không phù hợp với tiêu chí tuyển dụng?
Không phải khi nào bạn cũng có thể đáp ứng tất cả những yêu cầu tuyển dụng. Trong trường hợp chỉ thiếu 1, 2 kĩ năng yêu cầu, bạn vẫn hoàn toàn có thể ứng tuyển, với điều kiện thành thật chia sẻ về điểm cộng/điểm trừ của mình. Việc che giấu, lấp liếm sẽ khiến bạn gặp không ít rắc rối sau này, cho nên tốt nhất vẫn là nói thắng nói thật.
Dưới đây là một số cách “phản biện” nếu khả năng tiếng Anh của bạn không đạt số điểm yêu cầu:
– “Tuy điểm IELTS của tôi không đáp ứng được yêu cầu của quý công ty, nhưng tôi vẫn mong có được cơ hội phỏng vấn trực tiếp để có thể thể hiện khả năng ngoại ngữ nói của mình.”
– “Tuy không đạt đúng số điểm IELTS mà quý công ty yêu cầu, nhưng, cùng với kinh nghiệm làm việc trong môi trường tiếng Anh suốt … năm qua, tôi vẫn rất tự tin vào khả năng tiếng của mình.”
>> Kinh nghiệm luyện thi IELTS
>> Chia sẻ kinh nghiệm tự luyện 4 kĩ năng IELTS đạt 7.5
Tất nhiên những câu trên đây chỉ mang tính tham khảo. Để một lá thư xin việc thực sự thu hút, cách tốt nhất vẫn là “thổi” vào đó thật nhiều tính cá nhân.
Nếu có thắc mắc gì về việc viết đơn xin việc, đừng ngại ngần gửi câu hỏi cho Hotcourses nhé!