MBA dưới con mắt người trong cuộc
Nhằm có được cái nhìn chân thật hơn về chương trình MBA, Hotcourses Việt Nam quyết định phỏng vấn một sinh viên đang trực tiếp theo học chương trình này tại Anh. Cuộc trò chuyện diễn ra với không khí cởi mở và chân tình. Hi vọng rằng tâm sự dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu hơn về những khó khăn cũng như những lợi ích mà chương trình này đem lại.
>> Tìm hiểu về các khóa học kinh doanh và quản trị
>> Học bổng MBA
>> Các chương trình Thạc sỹ tại nước ngoài
>> Bạn biết gì về MBA
Bạn có thể giới thiệu sơ qua về bản thân được không?
Mình tên là Trần Hồng Dương đang học chương trình MBA của trường đại học Arbedeen, Vương Quốc Anh. Trước khi đi học, mình đã có 4 năm kinh nghiệm đi làm, 2 năm làm kiểm toán và 1 năm tư vấn tài chính trong một công ty Big Four. Sau đó mình có 1 năm làm phân tích đầu tư trong một quỹ đầu tư.
Tại sao bạn lại chọn MBA chứ không phải một khóa học chuyên ngành nào khác, ví dụ như Tài Chính Đầu Tư phù hợp với kinh nghiệm bạn đã có?
Khi ở nhà, mình đã ấp ủ dự định học MBA sau khi có 3 tới 5 năm kinh nghiệm làm việc thực tế. Theo mình nhận định, kiến thức chuyên ngành có thể học được khi lấy các chứng chỉ chuyên môn như ACCA hay CFA chứ không cần thiết phải dành một năm để hoàn thành chương trình cao học. Một lý do cá nhân nữa là khóa học MBA thiên về kinh doanh, nó phù hợp với sở thích và đam mê bấy lâu của mình về việc tự khởi nghiệp.
Vậy tại sao lại không phải là một khóa MBA trong nước?
Bản chất của MBA là thiên về quản lý và cách xử lý các mối quan hệ. Nếu học trong nước thì cách nhìn nhận, xử lý vấn đề của giáo viên và bạn bè cùng học cũng như những vấn đề quan tâm sẽ bị giới hạn. Trong khi đó, nếu học tại môi trường nước ngoài, việc nhìn nhận và xử lý vấn đề sẽ đa dạng hơn, giáo trình mang tính cập nhật hơn và có khả năng tiếp cận với nhiều mối quan hệ tiềm năng.
Còn lý do bạn chọn Aberdeen?
Mình đi học chương trình tháng Một. Vì vậy khi so sánh các khóa MBA kỳ mùa xuân, Aberdeen là lựa chọn tốt nhất xét về cả danh tiếng và học phí. Học phí ở Aberdeen chỉ bằng 3/4 các trường tại London, trong khi xếp hạng trường thì cao hơn các trường ở London có mức học phí tương đương. Thêm vào đó, Aberdeen là trường đại học cổ thứ ba và là một trong bốn trường đại học cổ ở Scotland. Điều này phù hợp với sở thích cá nhân của mình là tìm hiểu về những điều mang tính lâu đời và cổ kín. Học ở Aberdeen cũng cho mình cơ hội tìm hiểu về lịch sử Scotland, quê hương của những người nổi tiếng như Adam Smith hay Charles Darwin. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên mình đi học nước ngoài, chắc chắn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ trong việc làm quen với môi trường sống và phong cách học tập giảng dạy mới. Aberdeen là nơi có cảnh quan đẹp, yên bình và khá hàn lâm nên chắc sẽ giúp mình tiếp thu bài học dễ hơn (cười). Mình cũng có sở thích chụp ảnh nên chắc chắn vẻ đẹp của Aberdeen sẽ là nguồn cảm hứng cho mình. Về khóa học, Aberdeen cung cấp nhiều môn học phù hợp với quan tâm và sở thích của mình đó là quản lý thay đổi và đổi mới (Management of Change and Innovation).
Bạn có thể cho biết sơ qua về lịch học và môi trường học tập?
Mình đến trường 5 ngày một tuần, lên lớp từ 2-4 tiếng tùy môn và tùy ngày. Mình dành thời gian còn lại để tự nghiên cứu trên thư viện hoặc tự học ở nhà. Sau khi vào học khoảng một tháng là đến thời gian chuẩn bị và viết bài luận. Mình thường phải dành trung bình 15-20 tiếng một tuần cho việc họp nhóm và tìm tài liệu.
Đa số các bạn bè quốc tế ở đây đều rất thân thiện và dễ gần, sẵn sàng giúp đỡ nhau kể cả trong việc học lẫn trong cuộc sống. Bọn mình thường chia sẻ nguồn tài liệu và thảo luận về các vấn đề được nêu ra trong bài giảng. Các cuộc thảo luận liên quan đến kinh doanh luôn rất sôi nổi và thú vị.
Dương có thể chia sẻ với mọi người về khối lượng học tập và việc bạn sắp xếp thời gian học thế nào không?
Phải công nhận là khối lượng kiến thức và bài tập khá nặng nhưng không có nghĩa là không thể sắp xếp. Một kỳ mình học bốn môn, môn nào cũng có bài tiểu luận theo nhóm và bài tiểu luận cá nhân. Thường thì việc làm bài tập nhóm mất rất nhiều thời gian để họp bàn và thảo luận, đưa ra nhiều hướng đi và chưa kể thời gian tranh luận nếu có bất đồng rồi cố gắng ngồi lại để đưa ra định hướng chung… Ví dụ, khi mình học môn Kỹ năng lãnh đạo, nhóm của mình đã họp đến 13 lần và kết quả cuối cùng rất tốt. Làm việc nhóm đôi khi khá căng thẳng nhưng nhiều lúc cũng rất thú vị nhất là khi bạn nhận ra được mình đã học được thêm nhiều điều bổ ích trong đó có cả kỹ năng giao tiếp và kết thân thêm nhiều người bạn mới.
Điều gì bạn thấy học được nhiều nhất từ khóa học này?
Đối với mình đó là kỹ năng làm việc nhóm với những người có nền tảng chuyên môn khác nhau đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Do sự khác biệt này mà mỗi người sẽ có cách tiếp cận và giải quyết vấn đề khác nhau. Khác biệt vừa là rào cản, nhưng cũng là đòn bẩy giúp cho “làm việc nhóm” có giá trị hơn nhiều so với “làm việc độc lập” nếu bạn nhìn ra khả năng của mỗi thành viên và đặt họ vào đúng nhiệm vụ.
Ngoài kỹ năng làm việc nhóm, còn có điều gì bạn học được từ khóa học này nữa không?
Trong chương trình học MBA, rất nhiều người đã có kinh nghiệm làm việc tuy nhiên họ lại đến từ rất nhiều ngành nghề khác nhau như kỹ thuật, địa chất học, tài chính, marketing… Khi cùng đối diện với một vấn đề sẽ có những cách nhìn vô cùng khác biệt do vậy cần ý thức về điều này để tìm ra giải pháp chung. Đây là một thách thức rất lớn. Để làm được việc này, mình cũng phải quan tâm đến kỹ năng lãnh đạo. Khi hoạt động nhóm, mình luôn phải đảm bảo nhóm có một người đi đầu. Người này phải biết cách tạo ra định hướng chung dựa trên thảo luận của cả nhóm, sau đó hướng mọi người làm theo những gì đã đồng ý, tránh tình trạng mỗi người đi theo một hướng riêng và khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình.
Điều thứ hai mình học được là khả năng nghiên cứu độc lập. Mỗi môn học ở đây đều có bài tập lớn gọi là bài luận, chiếm từ 30 đến 40% tổng số điểm vì vậy đòi hỏi sinh viên phải có khả năng nghiên cứu độc lập cao. Khả năng này thể hiện ở nhiều khía cạnh. Khía cạnh đầu tiên mình muốn nói đến là kỹ năng đọc hiểu. Nghe có vẻ đơn giản nhưng khi bạn cần đọc 8 đến 10 quyển sách trong một thời gian ngắn thì việc nắm ý và đọc nhanh vẫn là điều rất quan trọng. Khía cạnh thứ hai là kỹ năng quản lý thời gian. Nó bao gồm cả việc quản lý thời gian học tập và thời gian sinh hoạt cá nhân. Nếu 3 tới 4 ngày bạn bận làm bài và họp nhóm mà không chuẩn bị đi siêu thị trước, việc thiếu đồ ăn cũng gây thêm stress trong quá trình ôn tập.
Bạn có đề cập đến sự đa dạng hóa khi nói về môi trường và kinh nghiệm học tập. Vậy bạn có thể cho biết sự đa dạng hóa đến từ môi trường quốc tế sẽ mang đến những kinh nghiệm khác biệt thế nào với việc học trong nước?
Trước tiên, do hầu hết mọi người đều có ý định quay về nước sau khóa học MBA nên không có sự đố kị quá cao trong quá trình học. Do vậy, mọi người rất thoải mái và sẵn sàng giúp đỡ nhau như giới thiệu công việc, chia sẻ kinh nghiệm làm việc và làm quen với những bạn mới trong môi trường quốc tế.
Hơn nữa, do đa số đã có kinh nghiệm đi làm nên mình có thể hỏi thăm về môi trường làm việc ở mỗi nước do vậy có thể so sánh với nhau và với những gì mình đã trải qua để học hỏi và tham khảo.
Khi học trong các nhóm nhỏ (tutor), yếu tố này cũng được thể hiện rõ. Một lớp nhỏ như vậy thường có khoảng từ 20 đến 30 người và sau đó sinh viên được chia thành các nhóm nhỏ nhơn hơn từ 3 đến 5 người để thảo luận. Đóng góp của các thành viên trong nhóm rất hữu ích khi mọi người luôn cổ vũ mình nói ra suy nghĩ cá nhân ngay cả khi nó chưa hoàn chỉnh. Điều này làm bản thân mình thay đổi khá nhiều. Mình chịu khó đặt câu hỏi hơn và ngay cả khi chưa có câu trả lời hoàn hảo thì vẫn cố gắng trình bày và cảm thấy dễ dàng hơn khi tiếp nhận thêm ý kiến khác.
Tuy vậy sự đa dạng hóa cũng mang đến nhiều khó khăn. Do ai cũng có kinh nghiệm làm việc mà lại khác nhau về văn hóa và khả năng chuyên môn nên cách nhìn nhận rất khác nhau, cần có thời gian để hiểu và chấp nhận ý kiến.
Vậy với những bạn đang có ý định học MBA, bạn có lời khuyên nào dành cho họ?
Bố trí thời gian đi chơi và nghỉ ngơi cho phù hợp nếu không với một chương trình học căng thẳng với hạn nộp bài dồn dập sẽ khiến bạn dễ bị stress, không đảm bảo được sức khỏe và tinh thần cho các kỳ học tiếp theo. Bạn nên có một thời gian biểu hợp lý và lên kế hoạch đi du lịch từ sớm để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học tập.
Bạn nên chuẩn bị tinh thần và thể lực để đối mặt với các kỳ thi ngay từ đầu kỳ vì các kỳ thi khá căng thẳng và khối lượng bài vở lớn. Tỉ lệ thi đậu của một số môn khá là thấp, thậm chí có vài người phải thi lại đến lần thứ ba (tất nhiên chỉ là cá biệt). Do vậy, bạn cần có phương pháp học tập hiệu quả.
Những người học MBA nên mong đợi điều gì?
Môi trường học ở đây luôn đòi hỏi bạn phải động não suy nghĩ để đặt câu hỏi. Nói cách khác, sinh viên luôn được khuyến khích để thách thức mọi điều có sẵn chứ không dễ dàng chấp nhận. Khi viết bài thi, sinh viên cũng nên đưa ra quan điểm của mình và dẫn chứng cụ thể. Các câu trả lời theo lối mòn hoặc coi câu hỏi là đúng (begging answer) thường không được đánh giá cao.
MBA là khóa học nhằm giúp bạn củng cố và phát triển suy nghĩ logic, nhanh nhạy và sắc bén. Khóa học cũng mang đến nhiều công cụ để tiếp cận và giải quyết vấn đề. Tuy vậy việc chọn công cụ, kết hợp chúng như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào từng người và từng hoàn cảnh. Bạn không nên mong đợi một đáp số cụ thể hay duy nhất cho từng vấn đề. Việc học bên này vì thế mang tính gợi mở để sinh viên nghiên cứu thêm và thực sự thời gian tự nghiên cứu mới là thời gian mình “vỡ” ra nhiều thứ mà ngay cả khi nghe giảng cũng chưa thấy được hết. Nguồn tư liệu bên này rất phong phú và luôn sẵn sàng để bạn tiếp cận. Câu hỏi đưa ra bạn là bạn có dành đủ thời gian để tìm hiểu hay không, nếu không, sẽ có thể có cảm giác học ở đây chẳng khác gì ở Việt Nam, thậm chí có khi còn thấy nhàm chán hơn.
Nhiều người cho rằng cứ học MBA xong là chắc chắn và chỉ có thể phù hợp với vị trí quản lý. Bạn nghĩ sao về quan điểm này?
Học MBA để làm quản lý mình thấy đúng với những người có trình độ chuyên môn đã vững. Họ thường là những người có chuyên môn cao và khi mới được đề bạt vào vị trí quản lý sẽ gặp những khó khăn nhất định về các vấn đề liên quan đến quản lý và xử lý tình huống vì vậy chương trình MBA sẽ rất hữu ích đối với họ.
Tuy vậy, mặc dù hầu hết các sinh viên chương trình MBA đều đã có ít nghiều kinh nghiệm, một số sinh viên trẻ mới ra trường chọn MBA vì chưa có định hướng rõ rệt về tương lai. Đối với mình, MBA đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phát triển tư duy và nhận thức, giúp có những suy nghĩ định hướng về nghề nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp MBA sẽ có khả năng nhận biết đánh giá một vấn đề từ nhiều góc độ, điều này giúp họ dễ hòa nhập và làm quen với môi trường làm việc mới. Đây là điều được đánh giá cao từ phía lãnh đạo quản lý công ty.
Cám ơn bạn đã dành thời gian cho buổi nói chuyện
(*): Ảnh do nhân vật cung cấp