Chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) có lẽ là khóa học sau đại học phổ biến và được quảng bá rầm rộ nhất hiện nay. Cũng vì lý do đó nên mức học phí để học MBA cũng cao ngất ngưởng, có khi lên tới 150.000 USD/năm và không phải ai cũng có đủ năng lực tài chính để theo học. Do đó bài viết sẽ gợi ý một số lựa chọn học tập để bạn cân nhắc cho hành trình phát triển sự nghiệp của mình.
>> Du học MBA, bạn biết gì?
Vạch kế hoạch thay thế MBA
Để tìm một con đường thay thế cho MBA, bạn có thể thực hiện 3 bước như sau:
• Xác định vị trí hoặc tổ chức bạn muốn chinh phục
• Tìm hiểu những kĩ năng cần thiết để thành công ở vị trí đó
• Tra cứu những chương trình lãnh đạo ngoài MBA mà bạn có thể học những kỹ năng này
Bạn nên lưu ý bằng MBA đúng là sẽ tạo ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng rất tốt nhưng giá trị cốt lõi các nhà tuyển dụng cần vẫn luôn là người có thể đem lại lợi ích thực tiễn cho công ty. Bằng cấp cũng quan trọng nhưng những kỹ năng, phẩm chất và kinh nghiệm của bạn mới là yếu tố quyết định bạn có được trọng dụng và thăng tiến hay không. Những điều này thì có thể lĩnh hội ở bất kỳ đâu chứ không chỉ riêng ở chương trình MBA. Dưới đây là một số hướng đi thay thế MBA bạn có thể tham khảo:
1. Chương trình luân chuyển nhân sự và phát triển lãnh đạo của công ty
Những công ty lớn thường có các chương trình phát triển dành cho nhân sự trẻ có năng lực nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn hoặc chương trình đào tạo chung về năng lực quản lí. Với hình thức này, những nhân viên tiềm năng sẽ được luân phiên chuyển tới các phòng ban khác nhau sau mỗi chu kỳ 6 tháng nhằm tích lũy kinh nghiệm đa dạng. Ví dụ như một chuyên viên phân tích tài chính có thể được chuyển đến công tác ở phòng kiểm toán, kho bạc, phòng chiến lược sát nhập, hoặc phòng quan hệ đối tác.
Nhờ sở hữu kinh nghiệm phong phú mà những ứng viên trong chương trình này có nhiều khả năng được đề bạt cho các chức vụ quản lý hơn. Ưu điểm nữa là người tham gia được đào tạo không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào trong khi vẫn đi làm và nhận lương. Nếu bạn hứng thú với hướng đi này thì ngay từ đầu bạn nên chọn làm việc tại các công ty có các chính sách kể trên.
2. Chuyển ngành và học việc từ thực tế
Nhiều người học MBA chỉ vì muốn chuyển sang một lĩnh vực công việc mới như từ kế toán sang tiếp thị (marketing). Không phải doanh nghiệp nào cũng có chính sách tạo điều kiện cho nhân sự nội bộ được chuyển ngành/ban nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động mở rộng mạng lưới quan hệ và tìm kiếm cơ hội từ bên ngoài.
Tất nhiên việc chuyển ngành sẽ khiến bạn gặp nhiều khó khăn vào thời gian đầu nhưng sẽ đem đến cho bạn nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm mới. Nếu biết cách định hướng thì hồ sơ của bạn vẫn có thể ghi điểm với các nhà tuyển dụng mà không nhất thiết phải có nhiều kinh nghiệm về ngành nghề mới. Miễn là bạn có thể chứng mình mình có tố chất để phát triển ở vị trí mới, có tinh thần cầu thị và có lí do xin chuyển ngành thuyết phục thì cơ hội vẫn rất rộng mở.
3. Tham gia chương trình Thạc Sĩ Kinh Doanh khác
Các tấm bằng thạc sĩ trong lĩnh vực kinh doanh nói chung vừa có mức học phí phải chăng vừa có giá trị (khá) tương đương với MBA. Một số khóa học có thể kể đến như chương trình Thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế (MIB) hay chương trình Thạc sĩ Phân tích Kinh doanh.
>> Học bổng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh
>> Sự khác nhau giữa MBA và MSC Kinh tế?
Nếu chọn học các chương trình này bạn sẽ đỡ cảm thấy áp lực hơn trong việc “hoàn vốn” vì không phải đầu tư kinh phí quá lớn như khi chọn học MBA. Sau khi tốt nghiệp bạn vẫn được nhận bằng Thạc sĩ và hoàn toàn có đủ điều kiện để chinh phục những vị trí đòi hỏi bằng cấp cao.
4. Các chứng chỉ chuyên ngành và đào tạo ngắn hạn
Người đang đi làm có thể chọn học các khóa ngắn hạn để nâng cao chuyên môn hoặc tìm hiểu về chuyên ngành mới như:
• Chiến thuật đàm phán
• Năng lực lãnh đạo
• Nghệ thuật diễn thuyết
• Marketing
• Chiến lược Mở rộng Thị trường kinh doanh
Các khóa đào tạo bán thời gian này cho phép bạn có thể tìm hiểu về một lĩnh vực mong muốn và sau đó áp dụng ngay trong công việc thực tế để kiểm chứng. Một số công ty còn có chính sách hỗ trợ nhân viên theo học các chứng chỉ này để nâng cao năng lực nhân sự.
5. Các con đường “mưa dầm thấm lâu” khác
- Học từ các sếp và chuyên gia: Họ luôn là những con người thông thái và có cái nhìn sâu sắc về lĩnh vực của mình. Hãy chủ động gặp gỡ và kết nối với các tiền bối vì với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, họ sẽ cho bạn những lời khuyên tốt nhất.
- Tham gia các hội thảo/ hội nghị: Các hiệp hội ngành, câu lạc bộ doanh nhân, tổ chức cộng đồng và hội cựu sinh viên thường tổ chức các hội thảo và hội nghị để giúp cho các thành viên cập nhật nhiều xu hướng kinh doanh mới nhất và giải pháp tiên tiến.
- Tự học: Nếu siêng năng, bạn có thể tự mình tìm tòi học hỏi về sách vở và internet để nâng cao kĩ năng kinh doanh. Ví dụ, bạn có thể tranh thủ đọc sách trên tàu điện, hoặc lắng nghe audiobook khi đang lái xe đi làm.
Tóm lại, bạn có nhiều hơn một lựa chọn để trau dồi những kiến thức mà mình muốn nhằm phục vụ mục tiêu thăng tiến trong sự nghiệp. Đừng để rào cản về mặt kinh phí cản trở con đường học vấn cũng như ước mơ chinh phục những đỉnh cao mới của bạn.