>> Các khóa học thiết kế thời trang
>> Trường Cao đẳng thiết kế Billy Blue
>> Học kinh doanh thời trang tại Singapore
Hơn 8 tiếng mỗi ngày ở Mod’Art
Tuy cơ sở vật chất không quy mô như những Đại học danh tiếng, nhưng trường Mod’Art International Paris vẫn sở hữu đầy đủ những trang thiết bị cần thiết: máy may, máy giặt, máy vắt sổ, máy làm khuy, máy dệt len, hệ thống máy ủi bằng hơi nước và nhiều người mẫu phục vụ cho việc học của sinh viên. Hệ thống giáo viên ở trường cũng gồm những người đang hoạt động trong ngành thời trang với nhiều vai trò khác nhau: nhà thiết kế, chuyên gia marketing, họa sĩ minh họa thời trang.
Vì đã từng theo học ngành thiết kế thời trang ở Việt Nam, Thúy An có cái nhìn so sánh về chương trình giảng dạy của hai nước. Theo An, các môn học chính giữa hai nước khá giống nhau, trong đó quá trình cho ra một bộ sưu tập cũng có những khâu ý tưởng, tìm tư liệu, tìm chất liệu, vẽ phác thảo. Môn may là môn học bắt buộc kèm theo các môn vẽ, đan, móc, marketing, lịch sử và văn hóa thời trang. Hai nhà thiết kế nổi tiếng, Quỳnh Paris và Đỗ Mạnh Cường, cũng từng là sinh viên tốt nghiệp từ trường Mod’Art Paris.
Thời khóa biểu của các nhà thiết kế thời trang tương lai khá nặng. Ngày học bắt đầu vào 9 giờ sáng và kết thúc vào 18h30. Trước khi đến lớp, họ phải chuẩn bị các tư liệu tham khảo (thường là các đề tài đồ án được giáo viên thông báo trước) cho buổi học ngày hôm sau.
Xuống đường tìm ý tưởng thời trang cao cấp
Mỗi đồ án thường kéo dài trong vòng 4 tuần và mỗi ngày sinh viên sẽ chỉ xử lí một công đoạn. Với những bài tập nhóm, khó nhất là khâu thống nhất đề tài bởi mỗi thành viên lại có một phong cách thiết kế riêng. Sau khi tìm được tiếng nói chung, cả nhóm sẽ cùng nhau “đi shopping”, dạo thăm hàng loạt những cửa hàng có phong cách liên quan để tham khảo kiểu dáng, chất liệu từ những nhà thiết kế đi trước.
Để kiếm tìm cho mình những ý tưởng thiết kế mới, An thường xuống đường nhìn ngắm trang phục của người dân Paris. Với cô, đường phố Paris chính là sàn biểu diễn thời trang sống động với những xu hướng thời trang luôn được cập nhật từ rất sớm: đồ họa tiết dân tộc, color block, áo khoác kiểu quân đội.
Năm học đầu tiên, An đã có một đề tài rất độc đáo cho môn Chất liệu với yêu cầu thể hiện Tête d’adolescent (tạm dịch: Vẻ mặt thiếu niên) qua chất liệu. Một trong những việc làm của An ngay khi nhận đề tài đó là xuống đường nhìn ngắm những gương mặt các bạn trẻ, đặc biệt là những người theo phong cách punk-gothic với tóc màu sặc sỡ, đeo khuyên ở khắp nơi trên cơ thể (tai, mũi, mắt…) Khi được giáo viên duyệt qua phần tư liệu, cô đã sử dụng các chất liệu như len, móc khóa, chỉ nhiều màu, hạt đá màu, dây kẽm, khuyên mắt cáo… để tạo thành một bức tranh thể hiện tinh thần nổi loạn của giới trẻ. Bài tập này của An đã được chọn trưng bày trong triển lãm Porte Ouvert (Ngày hội cửa mở) của trường.
Không còn nghi ngờ gì nữa, học thời trang ở Paris chính là một trong những lựa chọn hàng đầu. Một sinh viên chia sẻ trên trang web của của Mod’Art “Ở Mĩ tôi chỉ có thể tìm kiếm thông tin trên Internet, nhưng ở Paris tôi chỉ cần lang thang ngoài phố để sống và cảm nhận thời trang”.
Box thông tin về Mod’Art
Bạn có thể tham khảo các buổi trình diễn của Mod’Art tại đây
Phiếu thông tin đào tạo bằng tiếng Pháp và tiếng Anh của Mod’Art Paris
Đại học Hoa Sen thành phố Hồ Chí Minh cũng chính là một trong những đối tác của Mod’Art