Theo học những chuyên ngành liên quan đến kinh doanh sẽ giúp bạn phát triển nhiều kỹ năng và kiến thức bởi hoạt động kinh doanh luôn bao hàm nhiều lĩnh vực khác nhau và đòi hỏi sự phối hợp linh hoạt giữa các lĩnh vực đó. Cũng vì lí do đó, việc sở hữu một tấm bằng về quản trị kinh doanh sẽ mở ra cho bạn vô vàn cơ hội nghề nghiệp khác nhau tùy thuộc vào sở thích và thế mạnh của bạn. Cùng Hotcourses tìm hiểu học ngành quản trị kinh doanh ra trường có thể làm gì nhé!
> Du học ngành kinh doanh ở đâu tốt nhất với chi phí phải chăng?
> Ngành Quản trị Kinh doanh: Học gì? Học ở đâu? Cơ hội nghề nghiệp thế nào?
Kế toán
Nhiều bạn hỏi rằng học quản trị kinh doanh có làm được kế toán? Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, bạn hoàn toàn có thể theo đuổi con đường này. Nhiệm vụ chính của bạn là sử dụng những kiến thức và kĩ năng về tài chính trong các khoá học về kinh doanh để giúp công ty của bạn đưa ra những quyết định nhằm tiết kiệm chi phí và tối ưu hoá các nguồn lực tài chính. Ngoài ra, bạn có thể tiến hành những công việc kiểm toán, cung cấp dịch vụ tư vấn và lập kế hoạch thuế. Trở thành kế toán viên, bạn sẽ có cơ hội được thăng tiến lên các vị trí lãnh đạo trong bộ phần tài chính của các tổ chức.
Chuyên viên Marketing
Quản trị kinh doanh làm gì? Nếu bạn mong muốn làm việc trong một môi trường đòi hỏi sự thay đổi, sáng tạo không ngừng thì theo đuổi ngành Marketing chính là một lựa chọn cho bạn. Sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh có thể vận dụng những kỹ năng phân tích, viết báo cáo được mài giũa trong thời gian học để tiến hành nghiên cứu và phân tích thị trường, theo dõi và phân tích các đối thủ cạnh tranh nhằm xác định đối tượng khách hàng mục tiêu và định vị thương hiệu, sau đó phát triển các chiến lược về marketing như sản phẩm, giá cả, kênh phân phối hay chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng. Đồng thời, khi đảm nhiệm vị trí Marketing trong các doanh nghiệp, những kĩ năng liên quan đến giao tiếp, thuyết trình sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ với khách hàng và các đối tác.
Chuyên gia định phí bảo hiểm (Thẩm định rủi ro)
Với những khóa học kinh doanh thiên về nghiên cứu định lượng, sinh viên có thể lựa chọn làm việc trong ngành bảo hiểm dưới vai trò chuyên gia định phí bảo hiểm (hay chuyên gia thẩm định rủi ro).
Công việc của bạn sẽ bao gồm 2 mảng nghiệp vụ chính: định giá sản phẩm bảo hiểm và tính toán dự phòng cho các hoạt động bảo hiểm. Để thực hiện được công việc này, bạn sẽ cần sử dụng những kiến thức liên quan đến kế toán, tài chính, kinh tế và thực hiện những tính toán khoa học để xác định xác suất của những sự kiện rủi ro, sau đó đưa ra mức phí bảo hiểm cũng như mức bồi thường mà các công ty bảo hiểm có thể chi trả cho khách hàng. Bên cạnh đó, chuyên gia định phí bảo hiểm cũng có nhiệm vụ tính toán nhằm đảm bảo khả năng thanh toán hợp đồng bảo hiểm của công ty, cũng như đảm bảo mức tài chính dự phòng cho các hoạt động khác. Ngoài khả năng về tính toán, bạn cũng cần có sự nhạy bén nhất định về kinh doanh, thị trường để có thể đưa ra những sản phẩm bảo hiểm thiết thực đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Chuyên gia tư vấn chiến lược
Học ngành quản trị ra làm gì? Câu trả lời là trở thành chuyên gia tư vấn chiến lược!
Chiến lược kinh doanh đóng vai trò then chốt để tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Trở thành chuyên gia tư vấn chiến lược, bạn có nhiệm vụ hỗ trợ các nhà quản lý hay chủ doanh nghiệp trong việc đưa ra chiến lược kinh doanh đúng đắn nhằm đạt được những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp. Để trở thành chuyên gia tư vấn, bạn cần trau dồi những kĩ năng về nghiên cứu thị trường, thu thập và tổ chức thông tin, phân tích dữ liệu, soạn thảo báo cáo. Đồng thời, bạn cần sở hữu vốn kiến thức sâu rộng không chỉ về kinh doanh mà còn về các ngành nghề, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang theo đuổi.
> 10 khoá học phân tích kinh doanh hàng đầu thế giới (bậc Thạc sĩ)
Chuyên gia phân tích tài chính
Nếu những khóa học liên quan đến kế toán, tài chính, kinh tế hay toán học là thế mạnh của bạn, trở thành chuyên gia phân tích tài chính là con đường phù hợp với bạn. Theo học chuyên ngành quản trị kinh doanh, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và công cụ chuyên môn để biết cách đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp cũng như phân tích, dự đoán xu hướng phát triển của nền kinh tế nói chung và các ngành công nghiệp khác nhau nói riêng. Chính vì thế, sinh viên ngành kinh doanh có thể tận dụng những kỹ năng đó để đánh giá các công ty, các ngành công nghiệp và các khoản đầu tư liên quan. Theo đuổi con đường trở thành chuyên gia phân tích tài chính, bạn sẽ sử dụng báo cáo tài chính của doanh nghiệp để tính toán các số liệu cần thiết và viết báo cáo đề xuất những phương án đầu tư, phân bổ nguồn lực cho công ty.
Chuyên viên nhân sự
Sở hữu tấm bằng về kinh doanh, bạn có thể theo đuổi những công việc trong lĩnh vực nhân sự như đào tạo, tuyển dụng, quản lý tổ chức hay đánh giá hiệu suất và khen thưởng. Những công việc trong ngành nhân sự đòi hỏi không chỉ kỹ năng giao tiếp khéo léo, khả năng làm việc với con người mà còn đòi hỏi bạn cần có những kiến thức cơ bản về hoạt động và quản lý kinh doanh, kiến thức về luật lao động và các quy định của công ty.
Giảng viên kinh doanh
Nếu bạn yêu thích công việc giảng dạy và truyền đạt kiến thức, trở thành giảng viên dạy các môn liên quan đến quản trị kinh doanh là một lựa chọn cho bạn. Ngoài sự hiểu biết rộng rãi về marketing, quản lí, tài chính hay kế toán, bạn cũng cần nâng cao kỹ năng thuyết trình và giao tiếp bằng ngôn ngữ nói để thu hút và tạo hứng khởi cho sinh viên của mình.
Phóng viên kinh doanh
Tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh, cộng với sự đam mê về truyền thông, bạn có thể cân nhắc con đường trở thành phóng viên kinh doanh. Nếu như bạn cảm thấy có hứng thú với việc phân tích dữ liệu về các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, từ đó tổng hợp nên những bản báo cáo, tóm tắt bằng văn bản khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thì rất có thể phóng viên kinh doanh là vị trí phù hợp dành cho bạn. Bên cạnh đó, bạn sẽ cần trau dồi những kĩ năng về giao tiếp, thuyết trình, trình bày lưu loát để giúp sản phẩm của bạn đến gần hơn với người đọc, người xem.
Luật sư doanh nghiệp
Chuyên ngành quản trị kinh doanh sẽ cung cấp cho bạn nền tảng kiến thức vững chãi về kinh doanh, giúp bạn dễ dàng theo đuổi con đường trở thành luật sư doanh nghiệp hay luật sư tư vấn kinh tế. Ngoài ra, bạn sẽ được trang bị nền tảng kiến thức vững chắc về các lĩnh vực của luật doanh nghiệp như phá sản, chứng khoán, kí kết hợp đồng, mua bán và sáp nhập, nhượng quyền thương hiệu,… Để trở thành một luật sư doanh nghiệp, bạn cũng cần sở hữu kĩ năng nghiên cứu, viết và trình bày tuyệt vời.
Khởi nghiệp
Nếu bạn mong muốn theo đuổi con đường khởi nghiệp và sở hữu một doanh nghiệp cho riêng mình, còn chuyên ngành nào phù hợp hơn chuyên ngành này? Theo học chuyên ngành quản trị kinh doanh, bạn sẽ sở hữu một nền tảng kiến thức về mọi hoạt động trong doanh nghiệp, từ chiến lược trong kinh doanh, tài chính, kế toán đến marketing, nhân sự,… Đặc biệt, những khoá học về kinh doanh luôn trang bị cho bạn kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng đưa ra quyết định – những yếu tố vô cùng quan trọng khi bạn muốn bắt đầu công việc kinh doanh của bạn.
> 4 khoá học quản trị kinh doanh tốt ở châu Á
Nguồn: The Balance Careers, Top Universities