Marketing là một trong những ngành nghề phổ biến đối với các bạn trẻ. Sở hữu một tấm bằng marketing sẽ là bước khởi đầu tuyệt vời để bạn thực hiện tốt các công việc marketing sau này. Vậy học marketing ra trường làm gì? Để giúp bạn có một định hướng nghề nghiệp rõ ràng, sau đây là 7 công việc của ngành marketing mà bạn có thể lựa chọn trong tương lai. Cùng tìm hiểu xem học ngành marketing ra làm gì nhé!
> Ngành Marketing: Học gì, ở đâu, cơ hội nghề nghiệp thế nào?
> Tổng hợp học bổng ngành Marketing tại các quốc gia hàng đầu
Digital Marketing
Để thích nghi với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng như những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng, doanh nghiệp ngày càng nhận rõ tầm quan trọng của digital marketing. Vì thế, các cơ hội việc làm trong ngành này vô cùng rộng mở.
Lĩnh vực này trải dài các công việc của marketing như quản lý truyền thông xã hội, SEO, quảng cáo pay-per-click (PPC), mobile marketing, affiliate marketing, v.v… Công việc sẽ đòi hỏi bạn phải giao tiếp qua email, điện thoại, hội nghị khá thường xuyên nhưng bù lại, giờ làm việc sẽ thoải mái hơn. Là một digital marketer, bạn sẽ có cơ hội hiểu hơn về các nền tảng kỹ thuật số hiện có, tăng khả năng giao tiếp một cách hiệu quả với đồng nghiệp và khách hàng, đồng thời rèn trí sáng tạo trong xây dựng ý tưởng hay nội dung. Vị trí này cũng giúp cải thiện kỹ năng phân tích, sáng tạo của bạn một cách đáng kinh ngạc!
> Tìm hiểu ngành Ngành Digital Marketing
Truyền thông (Communication)
Truyền thông là phương thức mà công ty sử dụng để truyền tải thông điệp một cách chính xác, độc đáo tới khán giả về sản phẩm, dịch vụ của họ. Làm truyền thông là việc sử dụng một loạt các kênh truyền thông như email, TV, báo chí, sự kiện, v.v… để thu hút sự chú ý của những khách hàng tiềm năng và chia sẻ thông tin cần thiết.
Để bước chân vào lĩnh vực này, bản thân bạn trước hết phải là người có khả năng giao tiếp tuyệt vời, dù là trực tiếp gặp mặt hay gián tiếp qua các kênh phương tiện khác. Ngoài ra, để có thể đại diện doanh nghiệp giao tiếp một cách hiệu quả với khách hàng, bạn còn cần rèn giũa sự nhạy bén với tâm lý và hành vi giao tiếp của đám đông để hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
> Ngành truyền thông: Học gì, học ở đâu và cơ hội nghề nghiệp
Tổ chức sự kiện
Với tầm bằng marketing, bạn có thể theo đuổi ngành tổ chức sự kiện. Giống như cái tên, công việc này bao gồm tất cả các nhiệm vụ liên quan đến lên kế hoạch tổ chức sự kiện. Đám cưới, hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo chuyên môn, hội họp, các sự kiện quảng bá, v.v… đều yêu cầu người tổ chức phải lường trước nhu cầu và sở thích của những người tham dự. Nếu bạn đã có kinh nghiệm tổ chức và quảng bá các sự kiện khi còn học ở trường, bạn hoàn toàn có thể ứng tuyển vào vị trí này sau khi ra trường với tấm bằng marketing.
Nghiên cứu thị trường
Bạn có khả năng phân tích số liệu và kỹ năng nghiên cứu thuần thục? Bạn là một sinh viên marketing đam mê nghiên cứu trong lĩnh vực sáng tạo, và muốn hiểu biết về người tiêu dùng? Những công việc nghiên cứu thị trường là dành cho bạn. Tấm bằng marketing sẽ đem đến cho bạn những kiến thức, kĩ năng nền tảng về nghiên cứu thị trường, khách hàng và đối thủ cạnh tranh.
Công việc của người nghiên cứu thị trường là thiết kế, thực hiện các đánh giá về phản ứng của người tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ mới hoặc những thay đổi về tính chất, bao bì, quảng cáo sản phẩm. Những xu hướng mới trên thị trường cũng được xem xét để giúp công ty lên những kế hoạch marketing hiệu quả. Tóm lại, phân tích thị trường giúp chỉ ra sản phẩm, dịch vụ nào nên được bán ra và làm thế nào để bán ra chúng.
Quan hệ công chúng (PR)
Mục tiêu cơ bản của quan hệ công chúng là xây dựng, giữ gìn và quản lý hình ảnh của doanh nghiệp, tổ chức trong mắt công chúng. Để làm được điều ngày, người làm quan hệ công chúng sẽ cần xác định đối tượng khán giả là ai, từ đó bạn cần phân tích những vấn đề được họ quan tâm, kỳ vọng, đồng thời tìm ra những phương tiện, nền tảng truyền thông phù hợp để giao tiếp với đối tượng.
Rõ ràng rằng, bạn sẽ phù hợp với công việc này nếu bạn sở hữu khả năng nghiên cứu chuyên sâu cùng với sự nhạy bén trong giao tiếp doanh nghiệp. Trong quá trình làm việc, khả năng viết lách, đặc biệt là báo cáo với khách hàng, cùng với kỹ năng diễn thuyết trước đám đông hay tổ chức sự kiện của bạn sẽ được nâng cao.
> Ngành Quan hệ Công chúng: Học gì, học ở đâu, và cơ hội nghề nghiệp
Phát triển sản phẩm
Nếu như bạn muốn quan sát và trực tiếp tham gia và quá trình xây dựng một sản phẩm từ đầu tới cuối, đây sẽ là một vị trí thú vị. Bạn sẽ được đưa các ý tưởng trở thành những sản phẩm thực tế dựa trên kinh nghiệm về ngành, mối quan hệ với khách hàng và những tiềm năng về tương lai sản phẩm đó. Nghe có vẻ sáng tạo là vậy, nhưng nhiệm vụ đòi hỏi sự đảm bảo về thời gian lẫn kinh phí, và quan trọng nhất, tăng lợi nhuận sản phẩm cho công ty.
Để là một nhà phát triển sẩn phẩm thành công, bạn cần phải hiểu rõ sản phẩm của mình một cách cụ thể như lòng bàn tay. Cùng lúc đó, kĩ năng nghiên cứu, nắm bắt xu thế thị trường cũng là yếu tố quan trọng để thành công. Sở hữu những điều này là lúc bạn sẵn sàng nắm bắt các cơ hội. Một lưu ý cho bạn là trong thời đại hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm công nghệ đang ngày một tăng cao, nên nhà phát triển cần phải có những dự đoán và hiểu biết về lĩnh vực này.
Nhân viên kinh doanh
Bạn có biết bạn có thể làm…nhân viên kinh doanh với tấm bằng marketing? Trong trường hợp bạn dự định đầu quân và các công ty chuyên cung cấp các giải pháp marketing, vị trí tương ứng với nhân viên kinh doanh được gọi là account based marketing (gọi tắt account). Đối với công ty đó, account giúp tập trung nguồn tài nguyên marketing vào các đối tượng khách hàng cụ thể một cách hiệu quả nhằm tăng doanh thu trong khoảng thời gian ngắn.
Người làm account, như một nhân viên kinh doanh bình thường, cần có tính cách năng nổ, khả năng giao tiếp doanh nghiệp và thuyết trình xuất sắc để thu hút, đảm bảo mối quan hệ giữa công ty – khách hàng. Ngoài ra, account đòi hỏi bạn phải được trang bị kiến thức về marketing để đem đến sự tư vấn chính xác, thiết thực nhất cho khách hàng.
Nguồn: The Balance Careers