Bài viết chia sẻ của Lê Trung Hiếu, cựu du học sinh tại Southampton, Vương Quốc Anh về phương pháp học chủ động nói chung và ứng dụng trong trường hợp học tiếng Anh.
Một số bạn tinh ý khi nghe tiêu đề xong có thể đặt câu hỏi: “Đã là học chủ động, tức là tự mình học, vì sao lại còn phải nhờ người khác?” Trên thực tế, 2 điều này “học chủ động” và “nhờ người hướng dẫn” không đối lập, mà ngược lại, phối hợp với nhau tạo ra hiệu quả làm việc cao nhất cho mỗi cá nhân và cả tập thể.
Thời đại ngày nay, với việc bùng nổ của công nghệ thông tin, có một điều chắc chắn là có quá nhiều thứ bạn cần phải học, cần phải biết. Để tìm hiểu một vấn đề, bạn có thể lên mạng tìm các bài viết liên quan, đọc và nghiên cứu về nó. Nhưng do quá nhiều điều cần biết, bạn sẽ tự hỏi làm thế nào để tiếp thu thông tin, lĩnh hội kiến thức một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất?
Thông thường trong trường hợp này, việc có người hướng dẫn (mentor) là vô cùng quan trọng, vì nó sẽ giảm bớt thời gian mắc bạn măc sai lầm, tăng hiệu quả việc bạn học, hay nói như cách của Newton là mình có thể “đứng trên vai của những người khổng lồ”.
Nhưng làm thế nào để có được người hướng dẫn cho mình? Rất nhiều bạn trẻ muốn được hướng dẫn nhưng không phải ai cũng biết cách, phần lớn sau vài lần bị từ chối thì đã quyết định tự làm mọi việc và kết luận một cách phiến diện “Ở đời chẳng ai cho không ai cái gì”. Mình gặp không ít bạn có lỗi suy nghĩ tiêu cực kiểu này.
Cuộc sống không phải màu hồng nhưng cũng không hề đen tối. Có rất nhiều người ngoài kia sẵn sàng hướng dẫn bạn nhưng bạn PHẢI BIẾT CÁCH. Bạn phải nhận thức được khoảng trống giữa bạn và người bạn muốn nhờ hướng dẫn, chủ động tìm họ, chứng mình cho người ta thấy bạn nghiêm túc trọng việc muốn học, và bạn biết cách học một cách chủ động: tốn ít thời gian của người ta nhất mà bạn nhận được nhiều nhất. Để diễn đạt vấn đề một cách dễ hiểu hơn, mình sẽ lấy một số ví dụ trong việc học tiếng Anh, là một việc mà gần như tất cả các bạn trẻ ngày nay đều cần sự hướng dẫn.
Khoảng trống (gap) giữa người muốn được giúp và người muốn giúp
VD: Học tiếng Anh đã thành một phong trảo ở VN, mọi người đều biết học được tiếng Anh thì tốt, ai cũng muốn có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Nhưng đến khi biết phải làm những gì để học tiếng Anh thì không phải ai cũng sẵn sàng tiếp tục. Mình gặp không ít trường hợp nhờ mình giúp học tiếng Anh nhưng cố gắng nửa vời, chỉ được 1, 2 tuần là bắt đầu nản hoặc có những lý do nhất định để dừng. Một vài lần đầu mình hướng dẫn rất nhiệt tình, xong nhiều lần rồi thì mình cũng chán.
Những bạn hay giúp người khác chắc chắn cũng gặp phải vấn đề như mình: đó là bỏ ra nhiều công sức để hướng dẫn một vài người, rồi không thấy có tác dụng vì người được giúp không chịu cố gắng đến cùng. Và do đó, khi có bạn nào đó nhờ hướng dẫn, bọn mình đặt ra câu hỏi “Thực sự bạn ấy có cần giúp hay không?” ”Mình có nên cố gắng giúp đỡ không, hay lại là thêm một người chỉ giỏi nói và không thực sự muốn làm”? Xã hội có rất nhiều con người như vậy, nếu bạn muốn biết thêm có thể đọc bài của anh Vũ Đức Trí Thể trong link sau về “tư tưởng mỳ ăn liền” và “tư tưởng đòi hỏi” của rất nhiều bạn trẻ: http://www.vuductrithe.com/sinh-vien-ban-can-gi/
Trong khi đó những người thực sự muốn học hỏi lại gặp vấn đề: một là không dám tự tin đề nghị (do từng nhiều lần bị từ chối trước đó), hai là dám đề nghị nhưng không biết cách phân biệt mình với những kẻ “mỳ ăn liền”, dẫn đến việc không nhận được sự hướng dẫn.
Khoảng trống này kìm hãm sự phát triển của xã hội, và người phải lấp khoảng trống này, không ai khác, chính là các bạn, những người đang cần được hướng dẫn.
Cách thức đặt vấn đề
Việc nhờ một người khác giúp được ví như việc đi kêu gọi đầu tư thời gian. Trong kinh doanh, nhà đầu tư sẽ quyết định đầu tư vào hợp đồng nào có hiệu quả kinh cao nhất. Tương tự như vậy, những người hướng dẫn bạn là những nhà đầu tư thời gian, họ sẽ chọn những deal giúp đỡ mà thời gian người ta bỏ ra ít nhất, tác động của họ đat được là lớn nhất
Các bạn trong vai trò của người đi nhờ, cũng giống như người đi kêu gọi vốn đầu tư, phải chứng mình được điều đó, rằng mọi người đầu tư dành thời gian để giúp mình, họ sẽ nhận được hiệu quả cao nhất.
Là người đi kêu gọi vốn, có 2 điều bạn quan trọng cần làm để chứng minh cho nhà đầu tư
1. Bạn cần thể hiện bạn nghiêm túc và quyết tâm trong việc thực hiện dự án của mình
2. Bạn cần trình bày xuất phát điểm của bạn và kế hoạch bạn sẽ thực hiện nó ra sao, chứng minh tính hiệu quả của nó
Tương tự, với người bạn muốn nhờ hướng dẫn bạn cần chứng minh 2 điều
1. Bạn thực sự nghiêm túc và quyết tâm muốn học
2. Bạn đã nghiên cứu vấn đề đến đâu, kế hoạch bạn sẽ cần nhờ người ta giúp như thế nào, chứng minh mình biết cách học tập chủ động – hiệu quả.
Ứng dụng trong việc học tiếng Anh
Tìm mentor
Tất cả những gì bạn cần là một người bạn nghe khá tiếng Anh hơn bạn, tạm gọi bạn ấy là English mentor.
Cách đặt vấn đề chứng minh bạn nghiêm túc trong việc học
Cách tốt nhất để thể hiện được thiện chí và xuất phát điểm của bạn là nghe một bài episode và đưa cho mentor thấy bạn nghiêm túc, bạn đã làm, đã bỏ công sức chứ không phải người chỉ biết nói.
Đưa ra kế hoạch: Bạn cam kết sẽ nghe episode liên tục trong vòng 6 tuần và sẽ nói chuyện với mentor 1 tuần 1 tiếng về các vấn đề liên quan đến bài nghe. Sự đều đặn và rõ ràng thể hiện sự quyết tâm .
Bạn cần chứng minh cho mentor biết bạn biết cách học tập một cách chủ động – và cách đó như sau
Học một cách chủ động
Đây là một trong những điều mấu chốt, cách học ở Việt Nam nói riêng và các trường phổ thông tại nhiều nước nói chung tạo ra những con người học tập thụ động. Bạn cần biết cách học chủ động.
Một cách thụ động, bạn sẽ nghe và đưa cho mentor sửa bài. Mentor sẽ phải tốn thời gian nghe lại bài episode và sửa cho bạn, trong lúc sửa sẽ phải comment giải thích vì sao bạn nghe sai, như vậy sẽ tốn của người ấy tầm 1h. Trong 1h nói chuyện, mentor sẽ giảng cho bạn lỗi bạn sai và bạn sẽ ngồi nghe một cách thụ động; có những chỗ người ấy nói bạn đã biết rồi, còn những chỗ bạn chưa biết thì lại không hỏi được. Như vậy người ấy sẽ mất 2h-2.5h/ tuần mà hiệu quả lại không cao.
Thay vì đó, nếu bạn biết sẵn đáp án đúng, bạn hãy so sánh và tỉm ra những chỗ sai. Khi nhìn thấy những chỗ sai này thì bạn phải tự đặt câu hỏi vì sao bạn lại nghe sai và tìm những yếu tố ngữ pháp hay từ vựng liên quan, nếu vẫn không thể tìm được hoặc không chắc chắn thì ghi nó lại, khi gặp mặt mentor thì hỏi. Như vậy khi gặp mentor, bạn chỉ cần hỏi những chỗ bạn chưa hiểu; số lượng thời gian mentor phải giúp bạn sẽ giảm đi đáng kể mà số lượng kiến thức truyền tải được lại rất cao. Mình trình bày rõ hơn về việc học cùng với đáp án trong video này: http://youtu.be/qpz02do7ZhU
Hiệu quả hơn nữa bạn tìm 1 bạn có sức học tương đương để học 1 nhóm, 2 bạn thảo luận với nhau trước khi hỏi mentor, mentor có thể không biết hết tất cả nhưng biết nhiều hơn các bạn, nếu người ấy băn khoăn có thể hỏi mentor của mentor, và người cuối cùng các bạn hỏi có thể là các bạn du học sinh, những bạn học về chuyên ngành tiếng Anh ở ĐH hoặc thây cô và người bản địa. Như vậy, cùng một công của mentor, họ có thể dạy được 2-3 người, tăng hiệu quả sử dụng thời gian của họ lên gấp đôi, gấp ba. Đây là cách mà sinh viên ở trường ĐH Southampton thường học: với bài về nhà, bọn mình giải bài một cách độc lập, vơi những bài không tự giải được (không ra đáp số đúng) thì hẹn nhau ngồi cùng giải, nếu cả nhóm không giải được thì lên gặp giáo sư. Đây là cách tuyệt vời nhất để bọn mình nắm chắc kiến thức và tốn ít thời gian của giáo sư nhất.
Kết luận
Trong bài, mình trình bày về cách học tập chủ động và cách thức đặt vấn đề khi nhờ hướng dẫn, cùng một ví dụ ứng dụng trong việc giúp học tiếng Anh.
Biết được phương thức này, bạn đã nắm trong tay 80% thành công khi đề nghị được hướng dẫn. (20% còn lại còn phụ thuộc vào việc người bạn chọn để nhờ có phù hợp hay không, lúc bạn nhờ họ có thời gian rảnh hay không, và khả năng thuyết phục của bạn).
May mắn không tự dưng sinh ra, tất cả đều đến với sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Hãy đặt câu hỏi vì sao có những người luôn gặp được người hướng dẫn khi họ cần.”
Bạn có thể tìm đọc bài viết gốc tại link sau: http://goo.gl/y448NB