Để có được góc nhìn cận cảnh từ những người trong ngành Kỹ xảo điện ảnh (VFX), Hotcourses đã kết nối cùng anh Phạm Ngọc Anh (Project Manager/ Motion Graphics Artist – PANAMOTION STUDIO) và anh Nguyễn Hoàng Anh (sáng lập FREAKY MOTION).
>> Ngành Kỹ xảo điện ảnh, bạn biết gì?
>> Nói chuyện nghề cùng các chuyên gia VFX làm việc ở nước ngoài
GÓI CÂU HỎI “BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?”
Làm sao để trở thành nghệ sĩ kỹ xảo điện ảnh (visual effects artist)? Cần học gì/làm gì hoặc có thể có những lựa chọn gì về ngành học?
Anh NGỌC ANH: Cần có hiểu biết chung về điện ảnh, quá trình sản xuất, tiền sản xuất đặc biệt là quy trình làm hậu kỳ, các phương pháp thực hiện kỹ xảo, các phần mềm chuyên dụng… Bên cạnh kiến thức về đồ họa máy tính thì con mắt thẩm mỹ là điều không thể thiếu. Một nghệ sĩ VFX thì cần có những đức tính như đam mê để không ngừng học hỏi, kiên trì để theo đuổi mục tiêu đến cùng & sự tỉ mỉ chi tiết cầu toàn để làm cho mọi thứ càng giống thật càng tốt. Nên theo học những ngành liên quan như: đồ họa, mỹ thuật, điện ảnh, hoạt hình, motion graphics, visual effects, lập trình, âm nhạc, kiến trúc…
Anh HOÀNG ANH: Đam mê, ý chí và sự kiên nhẫn. Các bạn đến với VFX hay bất kỳ một loại hình thiết kế nào trước hết phải từ tình yêu đối với hình ảnh, tình yêu đối với việc sử dụng hình ảnh để truyền tải thông điệp, sau đó phát triển lên những kỹ thuật thể hiện khác nhau và trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực. Đối với bản thân mình, những điều cơ bản luôn là nền tảng tốt nhất dù bạn hoạt động ở bất kỳ lĩnh vực nào trong thiết kế chứ không chỉ riêng VFX. Một nền tảng mỹ thuật tốt sẽ giúp khai mở tư duy sáng tạo cũng như khả năng chủ động xử lý công việc dựa trên một lượng kiến thức chắc chắn.
>> Du học ngành điện ảnh và truyền hình
>> Full Sail, trường làm phim nổi tiếng hàng đầu thế giới
Nếu được chọn học lại thì anh có chọn một hướng đi khác hay không (vẫn trong lĩnh vực VFX)? Nếu có thì là gì (ví dụ học nghề thay vì đai học/cao học, học 3D thay vì đồ họa, có quan trọng là phải bằng đại học hay cao học…) và tại sao?
Anh NGỌC ANH: Không quan trọng xuất phát điểm là học ngành gì. Rất nhiêù VFX artist có background từ nhiều ngành khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là niềm đam mê vô hạn, khao khát kiến thức. Họ tự đào tạo mình thông qua sách báo, internet, tham gia các khóa học ngắn hạn để luyện tập thành thục một kỹ năng nào đó. Tuy nhiên càng đi sâu thì càng phải nắm vững những nguyên lý cơ bản, bởi vậy những khóa học dài hạn nhằm cung cấp kiến thức đầy đủ về mỹ thuật, lịch sử, phương pháp tư duy, thực hành cũng rất cần thiết. Bản thân mình xuất phát điểm học lập trình. Tuy không còn theo đuổi loại công việc này nhưng nhờ sớm tiếp cận với tin học, máy tính nên cũng không lạ lẫm khi tìm hiểu về những vấn đề liên quan tới công nghệ. Nếu được chọn lại mình sẽ vẫn giữ nguyên quyết định này. Việc học cao đẳng hay đại học cũng không quan trọng. Thường thì những người trong nghề không quan tâm lắm việc bạn học giỏi trong trường tới mức nào hay tốt nghiệp trường nào mà quan trọng là bạn làm được gì, kể cả là các trường cao đẳng thực hành hay tự học từ internet.
Anh HOÀNG ANH: Mình may mắn được bắt đầu với những thứ cơ bản và mình không nghĩ sẽ chọn lại khi có cơ hội. Cao đẳng/ đại học/ cao học cũng chỉ là cấp bậc và khối lượng lý thuyết. Điểm quan trọng là nội dung chứ không phải là chọn cấp bậc gì, nếu chọn sai nội dung mình muốn thì dù có học lên trên cả cao học thì cũng không để làm gì. Đây là một ngành đặc biệt mà cần có kinh nghiệm, trải nghiệm mới có thể làm tốt.
Ở Việt Nam thì nên học ngành này ở đâu? Quan điểm của anh/chị về việc đào tạo lĩnh vực này tại VN? Liệu có thể tự học?
Anh NGỌC ANH: Có một số khóa học ở Việt Nam nhằm cung cấp kiến thức ban đầu theo chiều rộng hoặc mang tính chất khởi điểm như FPT Arena Multimedia, khoa đồ họa các trường mỹ thuật công nghiệp, kiến trúc, khoa hoạt hình trường sân khấu điện ảnh, các khóa học đồ họa ngắn hạn. Nếu muốn học chuyên sâu thì nên ra nước ngoài. Nếu không có điều kiện thì tự học qua internet là tốt nhất. Có rất nhiều khóa học online vô cùng phong phú & đa dạng với một lượng kiến thức khổng lồ. Ngay cả sau khi tốt nghiệp từ trường học thì vẫn cần học tiếp những khóa học online để không ngừng cập nhật kiến thức mới. Khác biệt duy nhất giữa theo một khóa học bài bản & tự học đó là việc tìm hiểu vấn đề một cách có hệ thống, nếu tự học bạn chủ yếu là tự mày mò.
Anh HOÀNG ANH: Mình không nắm rõ thị trường ở Việt Nam. Tuy nhiên, cảm giác mà đào tạo Việt Nam của mình mang lại đấy là dạy nghề nhiều hơn dạy chữ. Đôi khi có nhiều nơi lợi dụng để làm tài chính và đó là một điều thực sự tệ. Việt Nam có rất nhiều người giỏi, cũng có nhiều bạn được học hành cẩn thận ở nước ngoài và rất nhiều anh chị có kinh nghiệm và năng lực ngang ngửa với thế giới. Vậy có nên tập hợp những người đó và chung tay xây dựng một hệ thống kiến thức đào tạo để giúp đỡ thế hệ tiếp sau. Tạo dựng cho cộng đồng thay vì chi lo sợ bị mất đi kiến thức thì sẽ không kiếm được việc. Tự học là một giải pháp hay nhưng cần sự kiên trì cao và một khả năng phân tích tốt. Điểm quan trọng cuối là tiếng Anh – Các bạn cần phải học tiếng Anh, tri thức của thế giới hầu hết phổ biến ở loại ngôn ngữ này. Giỏi tiếng tức là bạn đã hơn những người gặp khó khăn trong vấn đề tiếng rất nhiều rồi.
Có nhất nhiết phải học đại học, cao học hay có thể học ngắn hạn (6 tháng? 1 năm…) không?
Anh NGỌC ANH: Tất nhiên, không nhất thiết phải mất nhiều thời gian ở trường đại học, cao học nếu cảm thấy không hiệu quả. Hiện có rất nhiều khóa ngắn hạn online từ các trường VFX nổi tiếng như Gnomon (bạn có thể tìm kiếm từ khóa VFX Courses online sao cho phù hợp với túi tiền). Nếu có điều kiện, tôi vẫn khuyên bạn nên đi học bài bản ở nước ngoài như một số trường đào tạo VFX ở Van Couver, Canada. )
>> Các khóa học Truyền thông số
>> Các khóa học ngành Ảnh động/ Nhiếp ảnh/ Sản xuất phương tiện truyền thông
GÓI CÂU HỎI VỀ LỰA CHỌN VÀ TRIỂN VỌNG NGHỀ NGHIỆP
Tại sao anh/chị lại quyết định đi theo con đường này? Điều gì đã truyền cảm hứng cho anh/chị theo đuổi công việc này?
Anh NGỌC ANH: Những loại công việc mang tính sáng tạo, nhiều thử thách, phải động não tư duy thường xuyên, luôn cập nhật những vấn đề công nghệ mới nhất là động lực quan trọng để mình quyết định lựa chọn con đường này. Ngoài ra cái hay cái đẹp trong những sản phẩm hình ảnh luôn khiến mình cảm thấy hào hứng, thỏa mãn trí tò mò, óc tưởng tượng bay bổng…
Anh HOÀNG ANH: Chọn con đường này vì mình thích hoạt hình từ khi 9~10 tuổi và thực sự muốn là người có thể tạo ra những hình ảnh sống động như Disney hay Warner Bros. Khi trưởng thành, dần tiếp xúc nhiều hơn thì cảm thấy yêu công việc làm hình ảnh, thích thú với những hình ảnh có thể nhảy múa hoặc những hiệu ứng gây ấn tượng về thị giác. (Hoặc có thể nói mình vô dụng với những ngành khác và chỉ có thể làm được ở ngành này 😀 )
Các nhà tuyển dụng ở Việt Nam tuyển dụng trong ngành này dựa trên tiêu chí gì? Dự đoán cơ hội, tiềm năng lĩnh vực này trong thời gian tới. Lời khuyên cho các ứng viên và các bạn trẻ đang ấp ủ giấc mơ theo đuổi lĩnh vực này.
Anh NGỌC ANH: Có mắt thẩm mỹ tốt, có đam mê, thành thạo một lĩnh vực nào đó, có tính tỉ mỉ chi tiết, cầu toàn với những sản phẩm mình làm ra, có tính kiên trì. Việt Nam sớm muộn gì cũng trải qua các giai đoạn phát triển như ở nước ngoài. Ngay tại thời điểm này nhu cầu về loại hình công việc này cũng rất cao, đa dạng & phong phú. Lời khuyên là nếu bắt đầu sớm thì có thể nắm bắt được nhiều cơ hội.
Anh HOÀNG ANH: Đối với bên mình thì tiêu chí sẽ là tư duy độc lập, sáng tạo và thái độ chuyên nghiệp. Lời khuyên cho các bạn là hãy thực tế, tự tin vào bản thân, xây chắc những gì mình biết, nghe và học những gì mình thiếu, đặt mục tiêu nhỏ cho đến lớn và phải thực tế. Đừng quá viễn vông khi thấy chỉ hơi chạm vào nước là cho rằng mình biết bơi. Nó sẽ khiến cho các bạn dễ bị chìm hoặc khiến cho thị trường và cộng đồng bị ảnh hưởng khi những người ngoài không biết nhìn vào sẽ đánh giá cả một tập thể chỉ qua một vài cá nhân.
Anh chị có thể gợi ý một số từ khóa (ví dụ Animation& Visualisation, VFX, Visual Effects, Computer Animation…) cũng như nguồn tham khảo/diễn đàn về học/kết nối/tìm việc trong ngành này?
Từ khóa:
History of Design
Principles of Design
Principles of Animation
Light in the movies
The Art of Rendering
Nguồn:
http://motionographer.com
http://fromupnorth.com/
http://www.fxguide.com
filmmaking.com.vn
idesign.vn
rgb.vn
Anh/chị đánh giá thế nào về môi trường kỹ xảo điện ảnh cũng như cơ hội làm việc trong ngành này tại Việt Nam? Ngoài các dự án phim ảnh, có cơ hội/dự án nào khác cho các nghệ sĩ/kỹ sư thực hiện tại Việt Nam?
Anh NGỌC ANH: Môi trường làm việc ở Việt Nam không thực sự chuyên nghiệp như ở nước ngoài nên có nhiều mặt hạn chế, thiếu nhân lực có trình độ hoặc nếu có thì cũng không được phát huy hết khả năng. Tuy nhiên khi làm việc tại Việt Nam lại có nhiều cơ hội & dễ dàng hơn để thử sức với nhiều vị trí, loại hình công việc khác nhau. Ngoài kỹ xảo điện ảnh thì có thể làm việc trong ngành thiết kế, quảng cáo, truyền hình, games, phát triển ứng dụng điện thoại, trình diễn visual art…
Anh HOÀNG ANH: Việt Nam là một môi trường mở cũng như một thị trường tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên cần một cộng đồng vững mạnh để giúp đỡ chia sẻ và thay đổi cách nhìn của các nhà sản xuất hay khách hàng về năng lực của người Việt. Ngoài các dự án phim ảnh, còn có rất nhiều các loại hình quảng cáo hay ca nhạc giải trí để những người trong nghề có cơ hội làm việc. Nhưng như quan điểm của mình, cộng đồng chung vững mạnh là vô cùng quan trọng. Đừng kéo cả một cộng đồng xuống với giá rẻ mạt, hay học hỏi và nâng giá cả một cộng đồng lên. Ai cũng có điểm hay và đặc biệt, và khách hàng sẽ chọn dựa vào năng lực và điểm riêng của mỗi người chứ không phải cứ rẻ thì làm.
Liệu có cơ hội thực tập nếu là sinh viên không? Và nếu có thì tìm ở đâu? Các công ty có sẵn sàng tạo điều kiện cho các bạn sinh viên thực tập? Lời khuyên cho các bạn trẻ mới ra trường trong quá trình tìm việc trong ngành này (tìm ở đâu? Bắt đầu tìm như thế nào? Nên tạo profile ở đâu? Làm sao để nổi bật….).
Anh NGỌC ANH: Điều quan trọng là hãy biết tự PR hay còn gọi là tự “bán mình”. Nếu bạn là một sản phẩm có giá trị thì chắc chắn các nhà tuyển dụng luôn mong đợi bạn. Hiện nay các công ty luôn thiếu người, đặc biệt là người có trình độ. Tuy nhiên vẫn luôn mở rộng cửa chào đón những bạn trẻ có đam mê tới thực tập. Nên tự tin & năng động, chủ động tìm tới các nhà tuyển dụng để tự quảng cáo cho chính mình. Hãy tạo portfolio online, viết sẵn CV, chuẩn bị showreel, lập trang web cá nhân, tạo hồ sơ trên vimeo, behance, tham gia các cuộc thi, lập danh sách & tìm hiểu các công ty trong ngành, gửi showreel & thông tin cá nhân tới nhà tuyển dụng, tham gia các diễn đàn để trao đổi thông tin…
Anh HOÀNG ANH: Google! Hãy học cách google hiệu quả – đây là bài học đầu tiên của mình khi tham gia học tập ở nước ngoài, do chính trường của mình yêu cầu dạy. Hãy tạo một profile riêng, chia sẻ những tư duy đánh giá của bản thân dưới quan điểm thẳng thắn và kiến thức ở mức độ hiện tại của bạn. Hãy cố gắng tạo ra một thứ tốt nhất, không cần nhiều để nói rằng mình biết. Chỉ cần một, ngắn gọn, xúc tích, thể hiện chính bản thân bạn chứ không phải lên mạng làm theo các bài hướng dẫn rồi lấy đó đi làm profile. Bạn chỉ có thể nhận được công việc tốt khi người khác nhìn thấy bạn có năng lực thực sự. Các nhà tuyển dụng có đủ tầm để biết những gì bạn show ra đến từ đâu.
VIỄN CẢNH VS. THỰC TẾ LÀM VIỆC
Cảm nhận lần đầu tiên của anh khi tham gia vào một dự án thực sự như thế nào?
Anh NGỌC ANH: Choáng vì phải làm quá nhiều việc với yêu cầu quá cao & deadline thì không tưởng, khác xa với lúc còn trong trường học.
Anh có thể nêu sự khác biệt giữa học và làm trong nghành này không?
Anh NGỌC ANH: Khi ở trường học thì có thể mắc sai lầm & có thể sửa, có nhiều thời gian để chơi với những thứ mình muốn & tự đặt ra cho mình yêu cầu, deadline… Khi làm việc thực tế sẽ làm việc liên tục với nhiều dự án trong một khoảng thời gian 2-3 tháng mới được nghỉ ngơi, khi mắc sai lầm nghĩa là có người nào đó sẽ phải chịu trách nhiệm hoặc mất tiền vì những sai lầm đó, phải cân đối giữa thứ mình muốn & mong muốn của khách hàng, deadline là deadline không thể thay đổi được.
Anh HOÀNG ANH: Ảo tưởng có lẽ là điểm khác biệt mà mình thấy. Học chỉ là lý thuyết, dù ở Tây hay ta cũng vậy, Tây có thực tế nhưng cũng vẫn chỉ là học. Vậy nên nhiều bạn nghĩ trả bài được là ngon rồi, ra trường là cứng rồi. Nhưng như thế không phải, ngay trong quá trình học, các bạn nên tham gia nhiều các diễn đàn về lĩnh vực các bạn đang học và hãy cố gắng chia sẻ thật nhiều thành phẩm của quá trình học. Cộng đồng sẽ giúp bạn tốt lên. May mắn hơn, các nhà tuyển dụng sẽ để ý.
Áp lực công việc trong ngành này là như thế nào? Được và mất khi làm công việc này là gì?
Anh NGỌC ANH: Áp lực lớn, làm việc cường độ cao, luôn phải tìm tòi & học hỏi vì công nghệ liên tục thay đổi. Được chơi với những thứ mình thích bất kể ngày đêm.
Anh HOÀNG ANH: Áp lực nhiều về thời gian. Khách hàng phần lớn là người không biết về ngành, và vì họ không biết nên mới cần chúng ta. Nhưng như thế tức là bạn và họ có nhiều ràng buộc mà mặc nhiên bạn phải chấp nhận để có thể có được công việc và quan hệ với họ. Sự thúc ép, deadline diễn ra liên tục, sẽ khiến bạn cảm thấy nản và mệt mỏi. Lời khuyên là hãy tạo ra một kế hoạch cụ thể chắc chắn và cộng thêm 30% số ngày backup vào thời gian biểu để tránh tình trạng không kịp xoay trở. Được và mất – với cá nhân mình, đó là mất đi thời gian vui chơi, nhưng không quan trọng vì mình cảm thấy được kiến thức đã là chơi. Chỉ có những người lười mới không nghĩ rằng được làm việc chính là nghỉ ngơi!
Anh/chị có thể bật mí mức lương trung bình cho sinh viên mới ra trường trong lĩnh vực này, và mức lương trung bình cho nhân viên làm việc trong ngành công nghiệp này?
Anh HOÀNG ANH: Thị trường không ổn định và cộng đồng chưa mạnh nên nói cụ thể con số là rất khó. Thử việc 500.000 ~ 1.000.000 cũng có mà lương 1000 ~ 2000$ cũng sẽ có. Mình nghĩ con số sẽ rơi vào khoảng 300~350$ là hợp lý.
Còn đối với những người thực sự làm trong ngành này ở nước ngoài , một tuần có thể kiếm từ 500 ~ 5000$ tuỳ theo vị trí và năng lực. Có thể thấy chênh lệch là rất nhiều giữa trong nước và quốc tế.
Để trở thành senior như hiện nay anh/chị đã phải trải qua những gì? Ở VN những sinh viên mới ra trường nên bắt đầu như thế nào?
Anh NGỌC ANH: Cần đọc nhiều sách báo chuyên ngành, bổ sung kiến thức cơ bản về mỹ thuật, điện ảnh, công nghệ… luyện tiếng Anh cho thật tốt đặc biệt là thành thạo kỹ năng nghe & đọc, làm các job freelance, tham gia nhiều dự án khác nhau từ đơn giản tới phức tạp, luyện việc lập kế hoạch & quản lý thời gian, luyện tính ngăn nắp cẩn thận, tham gia khóa học trung & ngắn hạn về đồ họa hoặc phim ảnh, tự học qua internet.
Anh HOÀNG ANH: Kinh nghiệm nghề nghiệp, kinh nghiệm ứng xử, quan hệ cuộc sống. Có rất nhiều thứ phải trải qua để có được chút ít kiến thức mà mình có thể tự tin với nó. Các bạn hãy bắt đầu một cách thực tế, chọn những công việc phù hợp và đặt mục tiêu thật rõ. Các bạn phải đạt được mục tiêu đó rồi mới bước tiếp thay vì thay đổi liên tục chỉ vì các yếu tố xung quanh ( chưa đến mức là thiên tai địch hoạ ) tác động lên !
MỘT SỐ CÂU HỎI VUI NGOÀI LỀ (TỪ ĐỌC GIẢ HCVN)
Gọi anh như thế nào cho… chuẩn? Kỹ sư hay nghệ sĩ? Anh/chị thích được gọi như thế nào và tại sao?
Anh NGỌC ANH: Nửa nọ nửa kia, mỗi thứ một nửa.
Anh HOÀNG ANH: Là kỹ sư hay nghệ sĩ… Kỹ sư phù hợp với những người làm về tự nhiên. Nghệ sĩ lại thiên về xã hội. Ngành này thì cả tự nhiên và xã hội. Mình nghĩ là người thiết kế sẽ phù hợp. Vì dù bạn làm gì cũng vẫn là một người sử dụng hình ảnh để trao đổi thông tin, từ 2D cho đến 3D , từ hoạt hoạ cho đến kỹ xảo. Chúng ta đều là người thiết kế, thiết kế ra ý tưởng và chuyển thể nó.
Người ta nói những người trong nghề này khá là “cuồng công nghệ” (geek), có tình huống dở khóc dở cười nào mà anh chị đã từng gặp trong cuộc sống vì “bệnh nghề nghiệp” này không? Hoặc anh có bị ảnh hưởng bởi “bệnh nghề nghiệp” trong cuộc sống không?
Anh NGỌC ANH: Cũng không có gì nhiều, ngoại trừ việc thích rửa bát hoặc làm vài việc vặt khi có việc gì đó cần động não, những ý tưởng hay ho hoặc giải pháp cho những vấn đề hóc búa thường xuất hiện vào những lúc không ngờ. Xem phim thì phải cố tránh việc phải nghĩ cảnh này có phải là thật hay không, làm như thế nào… cơ bản là nghĩ xong thì thấy chả còn gì hay ho vì toàn đồ giả.
Anh HOÀNG ANH: Mình là một người nghiện việc. Đó là bệnh chứ không phải là tự nhận cho oai. Mình thích ngồi với không gian của mình nhiều hơn là chạy loanh quanh làm những cái khác. Luôn khiến bản thân bận rộn với các dự án khác nhau, cá nhân hay khách hàng. Vậy nên cũng không có nhiều thời gian cho gia đình, người thân, bạn bè. Lời khuyên là hãy học cách đứng dậy, ra ngoài và trao đổi với thế giới. Hiện tại mình cũng đang học làm điều đó 🙂 !
Trong đội ngũ của anh có nữ không? Anh/chị có cân nhắc tuyển nữ nhân viên cho công việc này không?
Anh HOÀNG ANH: Team mình có nữ. Và mình cũng thích tuyển nhân viên nữ. Điều đó khiến cho màu sắc công việc vui vẻ hơn, mềm mại hơn. Ở nước ngoài, phụ nữ làm thiết kế luôn rất giỏi 2D , họ tham gia nhiều trong vẽ concept , design 2D hay matte painting , như vậy vai trò là rất lớn chứ không phải nhỏ. Khả năng của những người phụ nữ trong công việc đó đôi khi tốt hơn cả đàn ông, vì sức bền của họ rất lớn.
BOX THÔNG TIN NHÂN VẬT
Phạm Ngọc Anh
Project Manager / Motion Graphics Artist – PANAMOTION STUDIO
Kỹ sư CNTT Hệ Thống Thông Tin – HVKTQS (2002-2007)
ADIM – FPT Arena Multimedia (2005-2009)
Diploma of Motion Graphics & Visual Effects (Media Design School, Auckland, NZ. 2010-2011)
Giải thưởng Industry (NZ) – Excellence in Motion Graphics
“Không quan trọng xuất phát điểm là học ngành gì. Rất nhiều VFX artist có background từ nhiều ngành khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là niềm đam mê vô hạn, khao khát kiến thức.”
Nguyễn Hoàng Anh
Sáng lập Freaky Motion
“Các bạn đến với VFX hay bất kỳ một loại hình thiết kế nào trước hết phải từ tình yêu đối với hình ảnh, tình yêu đối với việc sử dụng hình ảnh để truyền tải thông điệp, sau đó phát triển lên những kỹ thuật thể hiện khác nhau và trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực.”