Hackathon là sự kiện sôi nổi và đầy thách thức, nơi sinh viên công nghệ có cơ hội để trình diễn tài năng và sáng chế công nghệ. Đây là một cơ hội tuyệt vời để các bạn trẻ, đặc biệt là du học sinh, hòa mình vào môi trường đam mê công nghệ và khám phá những ý tưởng mới. Tìm hiểu Hackathon là gì qua bài viết của Huongnghiepcdm.edu.vn nhé.
Hackathon là gì?
Hackathon là một sự kiện công nghệ được hiểu như một cuộc thi sáng tạo và lập trình tập trung vào việc tạo ra giải pháp mới thông qua việc kết hợp các ý tưởng và mã lập trình. Thuật ngữ này được hình thành từ việc kết hợp hai từ “hack” và “marathon”. “Hack” thể hiện việc tìm kiếm giải pháp thông qua công nghệ lập trình, trong khi “marathon” mô tả tinh thần nỗ lực không ngừng trong một thời gian kéo dài.
Phiên bản đầu tiên của Hackathon được tổ chức vào ngày 4 tháng 6 năm 1999 bởi Niels Provos của OpenBSD tại Canada. Khi đó, nó được gọi là “ngày Hack” hoặc “Hackfest”. Khoảng mười người tham gia đã làm việc liên tục trong hai ngày để mã hóa phần mềm, tuân thủ các quy định bảo mật phần mềm của Mỹ. Sự kiện này đã trở thành một cột mốc quan trọng cho Hackathon đầu tiên trong lịch sử và từ đó, nó đã phát triển trở thành một phong trào toàn cầu, thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng công nghệ và sinh viên trên toàn thế giới.
Hackathons dần trở nên phổ biến với nhiều mục đích như:
-
Các công ty và nhà đầu tư mạo hiểm tìm kiếm giải pháp nhanh chóng và đổi mới
-
Thu hút nhà tài trợ, xây dựng mối quan hệ đối tác và thu hút nhà tuyển dụng
-
Cung cấp cơ hội thực hành, rèn kỹ năng thuyết trình, tham gia trò chơi và mạng lưới kết nối cho sinh viên
-
Cung cấp cơ hội tiếp cận với công nghệ cao, việc làm và rèn luyện kỹ năng trong một môi trường sáng tạo và đổi mới
Một số Hackathon nổi tiếng toàn thế giới mà các bạn sinh viên công nghệ sẽ biết tới là:
-
HackMIT: là cuộc thi hackathon thường niên được tổ chức bởi các sinh viên tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tại Hoa Kỳ.
-
Junction: là cuộc thi hackathon quy mô lớn được tổ chức tại Helsinki, Phần Lan và thu hút những người tham gia từ khắp nơi trên thế giới và tập trung vào việc tập hợp các nhà phát triển, nhà thiết kế và doanh nhân.
-
HackZurich: là một trong những cuộc thi hackathon lớn nhất ở Châu Âu, được tổ chức hàng năm tại Zurich, Thụy Sĩ. Cuộc thi tập hợp những người tham gia từ nhiều nền tảng khác nhau để hợp tác và tạo ra các dự án sáng tạo.
-
AngelHack: là một chuỗi cuộc thi hackathon toàn cầu diễn ra ở nhiều thành phố trên toàn thế giới, mang đến cho người tham gia cơ hội cạnh tranh để giành giải thưởng và kết nối với các chuyên gia trong ngành.
-
Hack the North: là cuộc thi hackathon lớn nhất của Canada, được tổ chức tại Đại học Waterloo và chào đón những người tham gia từ khắp nơi trên thế giới làm việc trong các dự án sáng tạo.
Cuộc thi Hackathon có mấy vòng?
Trước khi tổ chức Hackathon, ban tổ chức sẽ đưa ra những quy tắc rõ ràng cho người tham gia cũng như những mục tiêu cụ thể cần đạt được. Các đội sẽ được thông báo trước về địa điểm, nhiệm vụ, quy chế và thời gian để các đội có thể tạo được ra các sản phẩm tốt nhất. Thông thường, một cuộc thi Hackathon diễn ra với 3 vòng chính là:
-
Vòng 1 – Ý tưởng: Các đội thi sẽ tiến hành gửi cho ban tổ chức ý tưởng của sản phẩm. Nếu được họ đánh giá tốt về sự sáng tạo, có thể áp dụng vào thực tiễn,.. thì đội đó sẽ tiếp tục đến với vòng 2.
-
Vòng 2 – Code tập trung: Các đội tiếp tục tập trung tại một địa điểm để tiến hành code tập trung và biến các ý tưởng đó thành một sản phẩm cụ thể. Ở vòng này, giám khảo sẽ đánh giá sản phẩm cuối cùng, đồng thời sẽ tham gia với vai trò cố vấn, giúp các đội định hướng và phát triển ý tưởng theo mục tiêu mà ban tổ chức đề ra.
-
Vòng 3 – Thuyết trình sản phẩm: Việc thuyết trình cũng như demo sản phẩm mà các bạn đã tạo ra trước sự chứng kiến của ban giám khảo và những đội thi khác. Sản phẩm đạt tiêu chí sáng tạo và tính thực tiễn cao sẽ dành chiến thắng.
hotcourses.vn
Bạn sẽ học được gì khi tham gia Hackathon?
Môi trường học hỏi và thực hành thực tiễn
Xu hướng công nghệ thay đổi liên tục, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng trau dồi kiến thức. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có môi trường để ứng dụng công nghệ mới vào thực tế.
Hackathon không chỉ dành cho những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, mà còn là một sân chơi cho những người đang tiếp cận xu hướng mới. Môi trường, công cụ, kiến thức và sự tư vấn từ đồng đội cũng như cố vấn sẽ tạo ra những cơ hội tuyệt vời để học hỏi và thực hành kiến thức của bạn.
Sân chơi giúp bạn bước khỏi “vùng an toàn”
Sự sáng tạo bức phá thường được tạo ra dưới áp lực. Chỉ trong vòng 48 giờ, bạn sẽ phải tìm ra giải pháp công nghệ để giải quyết bài toán được đề ra. Những giải pháp quá an toàn sẽ khó thu hút được sự chú ý của ban giám khảo, nhưng đối với những dự án sáng tạo vượt ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân, bạn hoàn toàn có cơ hội giành chiến thắng.
Cơ hội networking và teamwork
Networking là một trong những mục tiêu hàng đầu của các cuộc thi Hackathon. Với số lượng người tham gia đông đảo, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều người tài năng. Ngoài ra, khi trải qua 48 giờ cùng nhau, với áp lực và sự sáng tạo, bạn có thể tìm thấy những đối tác hoặc cộng sự tiềm năng cho doanh nghiệp của mình!
Hackathon cũng tạo điều kiện cho bạn rèn kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, quản lý thời gian và giải quyết vấn đề nhanh chóng. Những kỹ năng này sẽ rất hữu ích trong sự nghiệp công nghệ và cũng có thể giúp bạn xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với những người cùng quan tâm và có cùng đam mê.
Cơ hội việc làm trong tương lai với mức lương hậu hĩnh
Đối với sinh viên đã, đang hoặc chuẩn bị tốt nghiệp, việc tham gia Hackathon được coi là một yếu tố được đánh giá cao bởi các nhà tuyển dụng, đặc biệt khi bạn còn thiếu kinh nghiệm làm việc. Ngoài ra, Hackathon không chỉ thu hút người chơi, mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, vì họ đang tìm kiếm những ứng cử viên xuất sắc cho công ty.
Khám phá xu hướng công nghệ mới
Hackathon thường là nơi để thử nghiệm và khám phá những xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, blockchain và nhiều hơn nữa. Sinh viên có cơ hội tiếp cận và làm việc với các công nghệ tiên tiến, giúp họ nắm bắt được xu hướng và cập nhật kiến thức mới nhất.
Có những loại hình Hackathon nào?
Các loại hình hackathon dưới đây đều nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, hợp tác và phát triển công nghệ thông qua các dự án và thử thách, tạo cơ hội cho các cá nhân và nhóm thể hiện khả năng và ý tưởng của bạn.
Dành cho các lập trình viên chuyên nghiệp
Các cuộc thi Viết Mã Cho ngôn Ngữ Lập Trình (Coding) có thể diễn ra trực tuyến hoặc tại địa điểm cụ thể. Cuộc thi trực tuyến có thể kéo dài từ một tháng đến nửa năm, trong khi cuộc thi tại địa điểm cụ thể thường chỉ kéo dài trong ngày hoặc một tuần.
Một số cuộc thi kết hợp cả hai hình thức trực tuyến và tại địa điểm như Cuộc thi viết mã của Google và Cuộc thi Kaggle. Mục tiêu chung của các cuộc thi này là tìm ra giải pháp hiệu quả và/hoặc tạo ra hệ thống kết quả chính xác nhất, theo tiêu chí đánh giá từ ban tổ chức.
Dành cho doanh nghiệp
Tổ chức bởi các công ty hoặc tổ chức kinh doanh, Hackathon này tập trung vào việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ hoặc giải pháp công nghệ liên quan đến mục tiêu kinh doanh và tạo ra giá trị cho khách hàng.
Dành cho sinh viên và người mới bắt đầu
Hackathons là cuộc thi thân thiện với cả người mới bắt đầu giúp thanh thiếu niên và sinh viên có cơ hội tham gia. Chương trình sẽ có các cố vấn hàng đầu và chuyên gia trong ngành tham dự và cố vấn các hội thảo với các chủ đề đa dạng. Đặc biệt, giải thưởng hấp dẫn từ các nhà tài trợ cũng tạo nên tính cạnh tranh cao giữa các đội tham dự.