“Du học xong nên ở lại hay trở về Việt Nam?” là nỗi trăn trở của nhiều du học sinh khi hoàn thành chương trình học tại nước ngoài. Dù không phải là một vấn đề mới nhưng băn khoăn này vẫn chưa bao giờ nguôi trong mỗi sinh viên xa nhà. Thực tế là mỗi người sẽ có quyết định của riêng mình dựa trên nhiều yếu tố cá nhân, tuy nhiên sẽ có những câu hỏi chính mà du học sinh sẽ phải cân nhắc trong quá trình đưa ra quyết định. Cùng tham khảo bài viết của Huongnghiepcdm.edu.vn để biết đâu sẽ giúp bạn đưa ra được lựa chọn đúng đắn cho mình về việc nên về nước hay ở lại.
Bạn có cơ hội phát triển sự nghiệp ở nước ngoài tốt hơn Việt Nam không?
Ngành bạn theo học là yếu tố cần xem xét đến khi cân nhắc trở về Việt Nam hay tìm cơ hội làm việc/ định cư ở đất nước mà bạn du học. Những ngành kỹ thuật cao như: Vật lý nguyên tử (chế tạo chất nổ), phần mềm xử lý dữ liệu lớn (PLM/PDM software) cho doanh nghiệp, hệ thống máy tính khổng lồ (Supercomputing), nghiên cứu và chế tạo Robot thông minh… thì có lẽ chưa nên về vội. Hiện nay công nghệ, cơ sở vật chất, máy móc kỹ thuật ở Việt nam chưa thực sự đầy đủ và tân tiến, hoặc chưa có nhu cầu áp dụng trong thời gian gần nên du học sinh về sẽ không có đất để “dụng võ”. Kiến thức không được dùng sẽ bị mai một khi phải chờ đến lúc Việt Nam có nhu cầu phóng tên lửa, làm chuyên cơ hay robot giúp người già…
Hay ngành chăm sóc sức khỏe cộng đồng như Y tá/Điều dưỡng, công việc chính là làm việc trong các khu dưỡng lão và bệnh viện. Nếu các bạn làm việc như một điều dưỡng viên tại các nước phát triển đang cần nhân lực lớn trong lĩnh vực này như Đức, Canada, Nhật Bản… thì cơ hội định cư cao, đồng thời dễ tìm được công việc ổn định và mức thu nhập tốt hơn nhiều so với trở về làm điều dưỡng ở Việt Nam.
Còn đối với những khối ngành kinh tế, công nghệ phát triển phần mềm thì Việt Nam đang thật sự phát triển và cần những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này. Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển với nhiều quỹ đầu tư, vì thế liên tục thu hút nguồn nhân lực IT chất lượng cao. Hơn nữa công việc trong các lĩnh vực này tại nước ngoài khá cạnh tranh do lực lượng lao động đông đảo từ người bản xứ đến sinh viên quốc tế nên về nước là một quyết định hợp lý nếu bạn mong muốn tìm và phát triển công việc nhanh chóng.
Các ngành nghề về văn hóa, kiến trúc và quy hoạch đô thị đang và sẽ được đề cao trong tương lai gần. Vì thế, du học sinh về nước sẽ thấy được ngày càng nhiều cơ hội phát triển và trở thành thế hệ tiên phong trong những lĩnh vực trên.
>> Du học ngành Công nghệ Thông tin
>> Phân biệt Kinh tế, Tài chính và Quản trị Kinh doanh
Mục tiêu của cuộc đời bạn sau tốt nghiệp có phải là tiếp tục trải nghiệm thế giới không?
Mục tiêu cuộc đời của bạn đôi lúc sẽ là yếu tố tiên quyết dẫn đến quyết định lựa chọn ngành nghề cũng như việc về nước hay ở lại sau khóa học. Một số bạn xác định mục tiêu đi du học ngay từ đầu là để trở về nước lập nghiệp, nhiều người khác lại muốn định cư tại nước ngoài để được hưởng điều kiện sống và phúc lợi xã hội tốt hơn cũng như có cơ hội trải nghiệm thế giới.
Khi bạn quyết định ở lại không có nghĩa là không góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Bởi thực tế cho thấy có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài chính là các du học sinh lập nghiệp tại nước ngoài thành công. Du học sinh tốt nghiệp cũng có thể cân nhắc về việc ở lại làm thêm vài ba năm hoặc di chuyển sang một số nước khác để làm giàu thêm những trải nghiệm sống.
Bạn có thực sự thích nghi tốt với cuộc sống ở nước ngoài không?
Nếu như bạn chỉ thích ăn những món thuần Việt, không muốn sống xa gia đình, họ hàng, bạn bè … thì tốt nhất bạn nên về nước. Cuộc sống ở nước ngoài chỉ phù hợp nếu bạn thực sự có khả năng thích ứng cao về văn hóa, mong muốn tiếp tục hưởng chế độ an sinh – xã hội, giáo dục chất lượng cao,… hay đôi khi chỉ là có được cảm giác tự do ở trời Tây. Đôi khi quá trình tìm việc sau tốt nghiệp sẽ hơi khó khăn và bạn chấp nhận làm trái ngành để có visa ở lại cho đến khi tìm được việc tốt hơn hay đạt được thẻ thường trú – định cư. Đổi lại, sau thời gian cố gắng và có cơ hội định cư vĩnh viễn ở nước ngoài, bạn sẽ cảm thấy rất xứng đáng và hài lòng với thành quả mình mong muốn.
Lời kết
Nếu bạn trả lời CÓ cho ít nhất 2 trong 3 câu hỏi trên thì nên ở lại, còn không thì về nước sau khi du học sẽ hợp lý hơn. Câu trả lời cho câu hỏi “Đi hay ở?” vẫn chưa bao giờ có mẫu số chung, bởi động lực và cơ hội ở từng thời điểm với mỗi người lại khác nhau. “Tiền bạc, thời gian, tuổi trẻ là ba thứ không thể lãng phí nên bạn cần xem xét kỹ về trình độ, khả năng, mục đích và hoàn cảnh của mình để có thể quyết định đúng đắn.