Quản trị rủi ro trong doanh nghiệp vẫn còn là một ngành nghề khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng hứa hẹn tiềm năng phát triển bùng nổ trong tương lai. Vậy quản trị rủi ro là gì? Ngành nghề này có điểm gì thú vị đáng để theo đuổi? Hãy tham khảo bài viết dưới đây từ Huongnghiepcdm.edu.vn để có cái nhìn tổng quan về ngành quản trị rủi ro nhé!
Quản trị rủi ro là gì?
Quản trị rủi ro là ngành đào tạo sinh viên cách quản trị rủi ro trong doanh nghiệp. Nó bao gồm quá trình xác định, đánh giá và kiểm soát các rủi ro tài chính, pháp lý, chiến lược và an ninh đối với vốn và thu nhập của tổ chức. Những mối đe dọa hoặc rủi ro hoạt động này có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm sự không chắc chắn về tài chính, trách nhiệm pháp lý, lỗi quản lý chiến lược, tai nạn và thiên tai.
Ngành quản trị rủi ro học gì?
Mục đích của quản trị rủi ro là đào tạo sinh viên có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để xác định và đánh giá các yếu tố rủi ro cũng như thực hiện các kế hoạch chiến lược nhằm ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tổn thất.
Một vài môn học bắt buộc của ngành quản trị rủi ro bao gồm:
-
Nghiên cứu hành chính, tính liên tục trong kinh doanh
-
An ninh và quản lý rủi ro
-
Thiết lập cơ cấu tổ chức về quản trị rủi ro
-
Các kỹ thuật đánh giá rủi ro
-
Các bước triển khai kế hoạch xử lý rủi ro cho doanh nghiệp
Vì sao nên học quản trị rủi ro?
Quản lý rủi ro trong doanh nghiệp đang trở nên ngày càng quan trọng. Các doanh nghiệp đều cần xác định các rủi ro tiềm ẩn cũng như tìm ra biện pháp kịp thời để đối phó và giảm thiểu thiệt hại trước khi chúng trở thành vấn đề lớn. Do đó, rất nhiều các doanh nghiệp ngày nay, đặc biệt là các ngân hàng hay các tổ chức liên quan đến tài chính, đều cần nhân sự quản lý rủi ro. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ có rất nhiều cơ hội thử sức trên chặng đường nghề nghiệp sau này. Hơn nữa, đây chắc chắn sẽ là một công việc thú vị, khiến cho cuộc sống đi làm hàng ngày của bạn không còn lặp lại một cách nhàm chán. Bạn được tự mình phân tích cũng như tìm ra nhiều cách tiếp cận sáng tạo khác nhau để kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu tổn thất có thể xảy ra do rủi ro.
Bạn có phù hợp với ngành quản trị rủi ro?
Để trở thành nhà quản trị rủi ro giỏi, bạn nên sở hữu những phẩm chất sau:
-
Kỹ năng giải quyết vấn đề: Quản lý rủi ro là công việc mang tính chiến lược. Để tìm ra giải pháp và xây dựng quy trình quản lý rủi ro cho doanh nghiệp, bạn cần sở hữu kỹ năng giải quyết vấn đề để có thể tiếp cận vấn đề một cách đa chiều và giải quyết vấn đề hiệu quả.
-
Khả năng phân tích: Để quản lý rủi ro tốt, bạn cần phải phân tích rủi ro trước tiên. Từ những kết quả phân tích, bạn sẽ tìm ra các tác động tiềm ẩn của chúng và tìm cách giảm thiểu các tác động của chúng đến doanh nghiệp.
-
Khả năng toán học: Phân tích rủi ro liên quan nhiều đến các con số và phép tính. Bạn không cần quá giỏi trong lĩnh vực này, tuy nhiên nhanh nhạy với các con số là một điểm cộng.
Học quản trị rủi ro ở đâu?
-
Du học quản trị rủi ro ở Anh: Vương Quốc Anh là một trong những lựa chọn hàng đầu nếu bạn đang có ý định du học quản trị rủi ro. Nơi này nổi tiếng với nền giáo dục hàng đầu và có danh tiếng về những khối ngành liên quan đến kinh tế. Bạn có thể cân nhắc lựa chọn khóa học này ở các trường như University of Salford, Loughborough University, University of Essex,…
-
Du học quản trị rủi ro ở Úc: Rất nhiều trường đại học lớn ở Úc đã cập nhật lĩnh vực quản lý rủi ro này trong chương trình học của mình, vậy nên bạn có thể dễ dàng lựa chọn cho mình một điểm đến phù hợp để gửi gắm 4 năm đại học. Các trường có ngành học này có thể kể đến như UNSW, Đại học Melbourne, Đại học Quốc gia Úc,…
-
Du học quản trị rủi ro ở Mỹ: Quốc gia này cũng là một trong những điểm đến hàng đầu dành cho những bạn sinh viên theo đuổi ngành quản trị rủi ro. Bạn có thể học ngành này tại University of Cincinnati, St. John’s University, Saint Louis University,…
Sinh viên quản trị rủi ro làm gì khi ra trường?
Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị rủi ro, bạn có thể thử sức với 1 trong các vị trí công việc sau đây:
-
Chuyên viên quản lý rủi ro: Người quản lý rủi ro thực hiện nghiên cứu và phân tích chuyên sâu nhằm xác định và giảm thiểu rủi ro của công ty. Họ ngăn chặn hoặc kiểm soát mọi sự cố có thể ảnh hưởng đến danh tiếng, tài chính hoặc sự ổn định của tổ chức.
-
Chuyên viên điều tra khiếu nại: Công việc chính là xem xét các yêu cầu bồi thường của các công ty và cá nhân đối với các công ty bảo hiểm. Họ đánh giá mức độ thiệt hại thực sự và xác định xem người yêu cầu bồi thường có được bồi thường hay không.
-
Đại diện kiểm soát tổn thất: Nhiệm vụ của người đại diện kiểm soát tổn thất là tiến hành đánh giá tại chỗ các tòa nhà thương mại hoặc công nghiệp để xác định rủi ro mất mát và thiệt hại có thể xảy ra trước khi ban hành hoặc gia hạn hợp đồng bảo hiểm.
-
Chuyên gia phân tích tài chính: Các nhà phân tích tài chính hướng dẫn người sử dụng lao động đưa ra các quyết định đầu tư khôn ngoan mang lại lợi nhuận đáng kể. Họ nghiên cứu các xu hướng kinh tế và dự đoán kết quả của một quyết định kinh doanh.
-
Nhân viên bảo lãnh bảo hiểm: Thông qua đánh giá các rủi ro liên quan đến việc bảo hiểm cho khách hàng, nhân viên bảo lãnh bảo hiểm sẽ xác định việc chấp thuận hoặc từ chối đơn đăng ký của họ. Họ cũng đặt ra các điều khoản và điều kiện bảo hiểm và xác định số tiền bảo hiểm phù hợp.
Cơ hội nghề nghiệp và mức lương của quản trị rủi ro tại Việt Nam và trên thế giới
Quản trị rủi ro là ngành đặc thù, đòi hỏi nhân sự phải có những kiến thức, kỹ năng chuyên môn nhất định. Vì vậy, mức lương cũng đa dạng tùy thuộc vào số năm kinh nghiệm và khả năng làm việc của mỗi người.
Tại Việt Nam, mức lương trung bình của một chuyên viên quản trị rủi ro rơi vào khoảng 19 triệu đồng/ tháng. Với người mới ra trường hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm, mức lương thấp nhất sẽ khoảng 7 triệu đồng và mức lương này cũng có thể lên đến 50 triệu đồng với những người làm việc lâu năm.
Tại Mỹ, theo Careerexplorer.com, mức lương trung bình cho một Chuyên viên quản trị rủi ro hiện nay là khoảng 69.700 USD/ năm và theo Payscale là 70.851 USD/ năm. Nếu sở hữu thêm chứng chỉ CFA, mức lương cho vị trí này có thể dao động từ 66.000 – 94.000 USD/ (theo workopolis.com).