Đối diện những vấn đề xã hội nhức nhối trong thời đại ngày nay, các trường đại học đang tập trung đào tạo thế hệ lãnh đạo tiên phong – có khả năng mang lại những ảnh hưởng tích cực cho thế giới. Ngành doanh nghiệp xã hội (Social Entrepreneurship major) cũng ra đời với sứ mệnh này. Đây là ngành học đã phát triển tại các quốc gia châu Âu và Mỹ, tuy nhiên, khái niệm này còn khá mới mẻ tại các trường đại học châu Á.
Dưới góc nhìn của người trong cuộc từ bạn Thúy Hằng, du học sinh hiện theo học chương trình Doanh nghiệp Xã hội tại Đại học Thammasat, Thái Lan, Huongnghiepcdm.edu.vn sẽ giúp bạn lại gần hơn với ngành học mới mẻ nhưng cũng rất tiềm năng này.
>> Du học có phải đi thật xa, Thái Lan liệu có đủ xa?
Học gì tại chương trình GSSE – Global Studies and Social Entrepreneurship?
Đại học Thammasat chính là ngôi trường duy nhất tại Đông Nam Á cung cấp ngành học Doanh nghiệp xã hội và toàn cầu hóa. Chương trình học bao gồm tối thiểu 129 tín chỉ trong 4 năm học, được chia thành 8 mô-đun học phần (1 mô-đun/học kì).
Cụ thể, ở năm thứ nhất, chương trình tập trung học về con người và cộng đồng. Năm 2 xoay quanh các kiến thức liên quan tới xã hội và chính phủ, toàn cầu hó. Trong khi đó, năm 3 chủ yếu xoay canh những kỹ năng cần có của một doanh nghiệp xã hội như tài chính, lãnh đạo, chiến lược… Và đặc biệt với 2 mô đun cuối cùng vào năm cuối, sinh viên sẽ được xây dựng và phát triển doanh nghiệp xã hội của riêng mình.
Cái hay nhất của chương trình này đó là ngay từ năm nhất, người học sẽ được phát triển và rèn luyện các kỹ năng có thể áp dụng cho việc tự học suốt đời (lifelong learning skill) – vốn là những kỹ năng thiết yếu của thế kỷ 21 như nghiên cứu, tư duy phản biện, tranh luận, giao tiếp, đọc viết, cách cảm nhận nghệ thuật… Toàn bộ những kỹ năng này đều được áp dụng liên tục vào hầu hết các môn học trong xuyên suốt 4 năm đại học, giúp sinh viên phát triển thói quen, từ đó có thể vận dụng chúng vào việc giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.
Tiêu chí của trường là phát triển các doanh nhân xã hội trong tương lai, vì vậy chương trình học tập trung nhiều vào làm việc nhóm và tiếp xúc với cộng đồng. Hầu hết các môn học đều yêu cầu làm việc nhóm rất nhiều, giúp sinh viên phát triển khả năng lãnh đạo và xử lý tình huống. Chẳng hạn, để giải quyết được các vấn đề trong xã hội thì việc trải nghiệm thực tế với các vấn đề hay hoàn cảnh đó là điều rất quan trọng vì sinh viên sẽ có cái nhìn khách quan, tư duy mở thay vì chỉ tiếp cận vấn đề qua sách vở. Do đó, các môn học ở GSSE thường kết hợp các chuyến thực địa (fieldtrip) ví dụ như đến thăm nhà tù để tìm hiểu vấn đề của tù nhân ở Thái, hay thầy cô sẽ mời trực tiếp những lãnh đạo của một cộng đồng tới để chia sẻ về cuộc sống của họ ở địa phương.
Hay, vào kỳ nghỉ hè của học kì 3, sinh viên được sống chung với người dân ở một vùng sâu vùng xa của Thái Lan trong 20 ngày để phát triển khả năng hòa nhập với các môi trường khác nhau. Điểm hay là trước khi có những trải nghiệm thực tế, thầy cô sẽ hướng dẫn sinh viên các kiến thức lý thuyết, công cụ chuyên sâu để người học không bị bỡ ngỡ trong cách tư duy, suy nghĩ trong môi trường thực tiễn.
Đặc biệt, đọc, viết và làm việc nhóm là 3 yêu cầu chính của gần như tất cả các môn học. Nhờ đó, sinh viên không những được phát triển năng lực cá nhân thông qua nghiên cứu, tư duy và đánh giá mà còn phát triển tư duy cộng đồng thông qua xử lý tình huống, cảm thông và tôn trọng sự khác biệt.
Sinh viên được chọn học phần chuyên sâu sau khi kết thúc 3 năm học đầu tiên. 3 học phần chuyên sâu của chương trình này gồm có: can thiệp và đổi mới xã hội (intervention and social innovation), vận động và đổi mới xã hội (advocacy and social innovation), và công nghệ và đổi mới xã hội (technology and social innovation).
Chương trình Doanh nghiệp xã hội tại của Đại học Thammasat có những ưu thế nào?
- Về phương pháp đánh giá năng lực
Ở GSSE, điểm số của sinh viên sẽ được giữ kín, không công khai. Sinh viên sẽ biết kết quả học tập của cá nhân thông qua tài khoản online trên mạng. Điều này không những giúp làm giảm áp lực, so sánh và đánh giá về năng lực giữa sinh viên mà còn hướng sinh viên tới tư duy cố gắng vì đam mê thay vì chỉ tập trung vào điểm số.
- Về chất lượng giảng viên
Các giảng viên tại GSSE không những giỏi về học thuật (phần lớn đều đến từ các trường đại học lớn ở Mỹ như Harvard, West Point, Brown, John Hopkins) mà họ còn giữ rất nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức về doanh nghiệp xã hội, liên hợp quốc, phi chính phủ tại Châu Á. Có thầy cô đã từng làm hơn 30 năm tại Liên hợp quốc, là nhà sáng lập các tổ chức phi chính phủ tại Nepal, chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp hàng đầu tại Mỹ hay giám đốc trung tâm đổi mới sáng tạo châu Á.
Chính vì nhiều kinh nghiệm lâu năm và chuyên môn vững chắc liên quan tới lĩnh vực về doanh nghiệp xã hội nên các bài giảng của thầy cô rất cuốn hút và thực tế, truyền tải được các xu hướng và vấn đề mới nhất. Hơn nữa, các thầy cô có mối quan hệ rộng với các tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng trong ngành doanh nghiệp xã hội và luôn sẵn sàng kết nối với sinh viên. Đặc biệt là tất cả các thầy cô đều hoạt động và giảng dạy với đam mê và sứ mệnh cống hiến để giải quyết các vấn đề xã hội, do vậy, tư duy và tinh thần của các thầy cô luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để các sinh viên tạo ra những thay đổi.
- Về sinh viên
Cộng đồng sinh viên ở Đại học Thammasat đến từ các châu lục khác nhau như châu Á (Việt Nam, Nhật Bản, Campuchia, Myanmar, Bhutan, Nepal…) và cả châu Mỹ (Canada, Mỹ) cùng nhiều quốc gia khác nữa. Trong khi đó, sinh viên Thái Lan hầu hết tới từ các trường quốc tế nên đã có rất nhiều kinh nghiệm đi học trao đổi ở nhiều quốc gia trên thế giới (Đức, Ý, Mỹ, Anh, Hồng Kông, Ba Lan, Chile…) Nhờ vậy, môi trường học tập ở trường vô cùng sáng tạo và cởi mở, mỗi người có thể học được những điều tốt từ văn hóa khác để gỡ bỏ khuôn mẫu sẵn có và giải quyết vấn đề tốt hơn.
- Về cơ sở vật chất
Trường nằm ở khuôn viên Rangsit cách thủ đô Bangkok 40km, do vậy, khuôn viên trường vô cùng rộng lớn, có thể ví von nơi này như một thành phố thu nhỏ vậy (trường hướng tới xây dựng khuôn viên theo mô hình thành phố thông minh). Đây là nơi sinh viên có thể tìm thấy bệnh viện (bệnh viện trong trường học tại Thái Lan luôn là những bệnh viện hàng đầu cả nước), rạp chiếu phim, nhà sách, các khu chợ nhỏ mở cửa vào các dịp thứ 2 và thứ 5 hàng tuần, nhà hàng, công viên, bảo tàng đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu cho cả giảng viên lẫn sinh viên. Bên cạnh đó, trường còn có phòng gym, hồ bơi, sân địa hình skateboard, sân tập chạy đều được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế – và đây cũng chính là lí do trường Thammasat từng được chọn là nơi tổ chức thế vận hội thể thao châu Á năm 1998.
Trường cũng gần các trung tâm mua sắm, các siêu thị như Big C, Makro, Telsco. Đặc biệt là trường có rất nhiều hồ, nhiều cây nên không khí rất trong lành, có cảm giác không muốn ra khỏi khuôn viên trường một khi đã bước vào.
Nhưng gắn bó với sinh viên hơn cả chính là Learning Center với hệ thống thư viện to và đẹp, cung cấp đầy đủ cơ sở vật chất như máy tính, phòng tự học, phòng học nhóm, máy lạnh 24/7 và wifi tốc độ cao miễn phí. Thư viện có nhiều sách, đặc biệt các đầu sách về khoa học và chính trị (Thammasat là trường đại học đứng đầu Thái Lan về ngành học này) và trường nằm trong hệ thống Interlibrary Loan và World Cat nên sinh viên có thể mượn sách ở những trường khác – trong trường hợp thư viện trường không sẵn có.
- Về đất nước Thái Lan
Theo học ngành Doanh nghiệp xã hội tại Thái Lan là một sự lựa chọn hợp lý, bởi Thái Lan nổi tiếng với chính sách kinh tế vừa đủ (sufficient economy) nên phát triển bền vững là yếu tố trọng tâm trong cách chính sách phát triển của quốc gia này. Khi đó, bạn sẽ học được rất nhiều kiến thức, sáng kiến và mô hình phát triển bền vững trong chính xã hội nơi bạn đang theo học. Hơn nữa, Thái Lan là đất nước Phật giáo nên họ đề cao tinh thần cộng đồng, giúp đỡ mọi người – một trong những tiêu chí quan trọng mà doanh nghiệp xã hội cần có.
Và một ưu điểm cũng không kém phần quan trọng nữa, đó là bộ phận chăm sóc sinh viên tại GSSE rất tận tình. Họ sẽ đảm bảo chuẩn bị chu đáo cho bạn các hồ sơ, tài liệu cần thiết ví dụ hồ sơ visa cho sinh viên quốc tế, học phí và liên tục cập nhập để phản hồi mọi thắc mắc của sinh viên.
Cơ hội phát triển quốc tế với ngành doanh nghiệp xã hội
Ngành doanh nghiệp xã hội mang đến người học nhiều cơ hội để phát triển từ các cuộc thi, chương trình trao đổi, học bổng tới nghề nghiệp. Kể từ năm 2015 khi liên hợp quốc phát triển 17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs và hướng tới đạt mục tiêu vào năm 2030, có rất nhiều các cuộc thi, chương trình, học bổng dành cho người trẻ về doanh nghiệp xã hội nhằm lan rộng và nhanh chóng đạt được các mục tiêu đó theo đúng thời hạn. Sẽ hiệu quả và đáng giá hơn khi bạn được học bài bản các kiến thức về doanh nghiệp xã hội và áp dụng vào những cơ hội sẵn có đó.
Hiện nay, các chương trình fellowship hay các quỹ hỗ trợ đang rất mở cho các ý tưởng, mô hình doanh nghiệp xã hội. Không chỉ vậy, sau khi hoàn thành chương trình cử nhân Doanh nghiệp Xã hội tại Thái Lan, bạn có thể tìm kiếm các học bổng thạc sĩ tại châu Á Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ, hay thậm chí là học bổng của các quốc gia phát triển như Anh (Đại học Oxford), Mỹ (Đại học Yale, Đại học Stanford)…
Cơ hội nghề nghiệp cho ngành học này cũng vô cùng đa dạng. Bên cạnh việc có thể tự xây dựng một doanh nghiệp riêng cho mình, bạn có thể làm việc tại các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phát triển quốc tế như UNDP, UNESCAP, ILO, hay tại các cơ quan chính phủ, công ty tư vấn, … Bản đồ mô tả chi tiết về cơ hội nghề nghiệp xem tại đây.
Vậy còn cơ hội học bổng cho ngành doanh nghiệp xã hội (GSSE) tại Thammasat?
GSSE có 7 kỳ ứng tuyển khác nhau và liên tục trong 1 năm (bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 4) và mỗi học sinh sẽ chỉ được ứng tuyển 1 lần/năm. Để chuẩn bị hồ sơ, bạn cần đảm bảo có điểm học bạ cấp 3, các hoạt động ngoại khóa, chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL và portfolio thể hiện thành tích, con người bạn. Có rất nhiều các học bổng khác nhau từ toàn phần đến bán phần, và những suất học bổng này sẽ được cấp dựa trên thành tích cá nhân, bài phỏng vấn với trường và hoàn cảnh gia đình. Xem chi tiết về các vòng phỏng vấn và yêu cầu tại đây.