Kỹ thuật là một lĩnh vực rộng lớn với nhiều chuyên ngành khác nhau nên bạn có thể sẽ cảm thấy hoang mang không biết nên đi theo hướng nào. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cơ bản về lựa chọn ngành học phổ biến, học phí, học bổng và cơ hội nghề nghiệp cho những ai quan tâm đến việc du học trong lĩnh vực Kỹ thuật.
>> Du học ngành Kỹ thuật và công nghệ
>> Các cơ sở đào tạo có cung cấp khóa học Kỹ thuật và công nghệ
Học Kỹ thuật là học gì?
Mục đích cơ bản của các ngành học liên quan đến kỹ thuật là giúp giải quyết vấn đề và sáng tạo ra các sản phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn đem lại lợi ích cho cuộc sống con người. Một số sản phẩm của lĩnh vực kỹ thuật mà mọi người thường biết là máy bay, tàu hỏa, tàu vũ trụ, điện thoại di động, máy tính bảng, máy giặt, lò vi sóng… Các chuyên ngành phổ biến bạn có thể cân nhắc theo đuổi như sau:
Khoa học vũ trụ (Aerospace Engineering)
Khoa học vũ trụ là ngành học liên quan đến việc nghiên cứu, thiết kế, phát triển, xây dựng, thử nghiệm khoa học và công nghệ của máy bay. Trong những năm gần đây, kỹ thuật hàng không và kỹ thuật du hành vũ trụ là hai lĩnh vực dẫn đầu của ngành Khoa học vũ trụ.
Cơ khí Hóa chất và Vật liệu (Chemical and Materials Engineering)
Đã bao giờ bạn tự hỏi các vật liệu như nylon và polyester được chế tạo từ đâu? Làm thế nào để giữ thực phẩm tươi lâu hơn? Các nhà máy xử lý nước hoạt động ra sao? Ngành học này sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc ấy. Và không chỉ thế, một kỹ sư cơ khí Hóa chất và Vật liệu còn là người thường quản lý các hoạt động kỹ thuật tại nhà máy sản xuất để tạo ra máy móc mới cũng như phát triển các sản phẩm mới với tiêu chí sử dụng các hợp chất hóa học an toàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Kỹ thuật xây dựng (Civil Engineering)
Xây dựng, quản lý và phát triển các công trình dân dụng như cầu cống, đập, đường bộ, đường hầm, mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng, không gian vệ tinh,… là những gì bạn sẽ được biết đến khi tham gia ngành học này.
Điện (Electrical Engineering)
Ngành kỹ thuật điện sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức về cách làm việc trong ngành công nghiệp điện, cũng như những kỹ năng, kỹ thuật công nghệ cần thiết để thiết kế, đánh giá và cải thiện hệ thống điện và điện tử.
Cơ khí (Mechanical Engineering)
Bạn đã bao giờ mơ ước chế tạo ra một con robot hay thiết kế một chiếc máy bay? Bạn có niềm đam mê với những chiếc xe đua và muốn góp phần sáng tạo cho những phiên bản Formula tương lai? Ngành học này thật sự phù hợp với những ai yêu thích công nghệ nano, tham gia phát triển việc sử dụng năng lượng bền vững, nghiên cứu về ô nhiễm âm thanh hay muốn góp tạo ra nhiều hình thức tiên tiến của trí tuệ nhân tạo.
Cần điều kiện gì để du học ngành Kỹ thuật?
Bởi vì Kỹ thuật tựu trung là một lĩnh vực mang lại giải pháp cho các vấn đề đời sống nên bạn cũng cần có tính cách mày mò giải quyết vấn đề để có thể học tốt. Dễ hiểu hơn, đây là ngành học phù hợp với những ai liên tục đưa thắc mắc về các sản phẩm vận hành xung quanh. Đầu óc phân tích, tính sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú cũng là thế mạnh cho sinh viên muốn theo đuổi ngành này.
Cơ hội được nhận vào học của bạn sẽ rất cao nếu bạn có điểm số cao thời cấp 3 ở các môn Toán và Khoa học. Một số trường đại học yêu cầu sinh viên phải vượt qua các bài kiểm tra đầu vào toán và vật lý. Tùy thuộc vào ngành học chuyên môn mà bạn theo đuổi, bạn có thể phô bày các hiểu biết và kinh nghiệm để ghi điểm cho hồ sơ ứng tuyển của mình. Để nắm được thông tin chi tiết, bạn có thể kiểm tra điều kiện đầu vào của ngôi trường mà mình cho vào tầm ngắm.
Du học lĩnh vực Kỹ thuật ở đâu?
Nếu học ngành Kỹ thuật tại Việt Nam, bạn có thể nộp đơn vào các trường đại học có thế mạnh của ngành như Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM, Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM. Bạn hoàn toàn có thể học Đại học ở Việt Nam rồi sau đó tìm kiếm cơ hội để ra nước ngoài du học bậc cao hơn.
Tùy vào định hướng sự nghiệp mà bạn nên có sự lựa chọn thích hợp về điểm đến du học. Chẳng hạn như Nhật nổi tiếng là quốc gia có nền công nghệ đặc biệt phát triển, đặc biệt là về kỹ thuật robot và máy tính cũng như kỹ thuật động đất. Trong khi đó, nếu nhắc đến kỹ thuật hàng không thì Mỹ là quốc gia số 1.
Ở nước ngoài, hầu như điểm đến du học nổi tiếng nào cũng sở hữu những ngôi trường hàng đầu về Kỹ thuật. Ở Vương quốc Anh có University of Oxford, Imperial College London,… Mỹ có California Institute of Technology, Massachusett Institude of University… Nhật Bản tự hào với những cái tên hàng đầu như Đại học Tokyo, Học viện Công nghệ Tokyo và Đại học Kyoto.
Chi phí trung bình và cơ hội học bổng ngành Kỹ thuật
Có vô vàn lựa chọn về trường học cho ngành Kỹ thuật, đặc biệt ở các nước Anh, Canada, Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Đức,… nên hãy chọn cho mình những khóa học phù hợp với ngân sách của gia đình. Mức học phí trung bình sẽ rơi vào tầm 15,000 – 40,000 USD (347 triệu – 926 triệu dồng) /năm. Mức học phí cụ thể sẽ có sự thay đổi tùy thuộc vào địa điểm du học cũng như bản thân khóa học.
Ví dụ như chương trình Cử nhân Kỹ thuật cơ khí (bao gồm một năm dự bị) ở Đại học South Wales (Vương quốc Anh) có mức học phí cho kỳ mùa thu niên học 2020 – 2021 là 13,500 bảng Anh/ năm (khoảng 409 triệu đồng). Trong khi đó, cũng nội dung khóa học với thời gian học kéo dài tương tự thì mức học phí của Đại học New South Wales (Úc) là khoảng 47,760 AUD /năm (khoảng 758 triệu đồng).
Nếu muốn du học bằng học bổng, bạn có thể tìm hiểu một số học bổng dành riêng cho ngành Kỹ thuật của các trường Đại học chú trọng trong đào tạo lĩnh vực này. Ở Nhật Bản có học bổng Kỹ sư bật tiến sĩ của Đại học Công nghệ KUT. Trường Đại học Waseda có Ting Hsin Scholarships. Đại học quốc gia Singapore cũng cấp học bổng Kỹ sư cho những sinh viên quốc tế hàng đầu. Ở xứ sở hoa tulip, TU Delft cấp học bổng xuất sắc cho các kỹ sư tương lai.
Tại Vương quốc Anh, các học bổng danh giá nhất có thể kể đến là Arkright Scholarship Trust dành riêng cho sinh viên theo đuổi lĩnh vực Kỹ thuật, IET Awards and Scholarships cấp học bổng và giải thưởng cho những sáng tạo xuất sắc. Các trường Đại học ở Vương quốc Anh cũng cấp học bổng cấp trường để thu hút và khuyến khích sinh viên quốc tế, như Imperial College London, Queen Mary – University of London, Đại học Manchester…
Cũng như Vương quốc Anh, bên cạnh các học bổng trường cũng có học bổng được cấp bởi các tổ chức uy tín như IIE Scholarships and Fellowships, ASME Mechanical Engineering Scholarships,… và cũng không thể bỏ qua nước Úc với Học bổng Kỹ thuật dành cho sinh viên quốc tế của Đại học Curtin, học bổng nghiên cứu dành cho nữ giới Australia APEC Women in Research Fellowships của Đại học RMIT… Và một cái tên cũng vô cùng nổi tiếng với giới trẻ Việt Nam đó là Đại học Công nghệ Swinburne, ngôi trường đã đào tạo nhiều lớp quán quân xuất sắc bước ra từ cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”.
>> Swinburne, trường Đại học của các quán quân Olympia
Cơ hội làm việc cho sinh viên theo đuổi ngành Kỹ thuật
Kỹ thuật là nhóm ngành thuộc STEM (cụm từ viết tắt của Khoa Học, Công Nghệ, Kỹ Thuật và Toán Học), có vai trò thiết yếu trong sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nữa trong đời sống. Các sinh viên tốt nghiệp Kỹ thuật thường có cơ hội tìm việc làm trong nhiều lĩnh vực, có trách nhiệm thiết kế sản phẩm cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Hơn nữa, sở hữu tấm bằng Kỹ sư còn có thể giúp bạn có nhiều cơ hội xin thị thực ở lại làm việc tại nước sở tại sau tốt nghiệp.
Soi chiếu vào ngành Kỹ thuật xây dựng, có thể thấy sinh viên tốt nghiệp ngành này là bộ não đằng sau tất cả các công trình lớn nhất và quan trọng như các tòa nhà, mạng lưới giao thông, cung cấp năng lượng và nước… Thế nên, độ “hot” của ngành này chưa bao giờ giảm. Trong những năm gần đây, lĩnh vực kỹ thuật đang khát nguồn lao động chất lượng cao nên cơ hội làm việc cho bạn luôn rộng mở sau khi tốt nghiệp.
Sở hữu một tấm bằng Kỹ sư, ngoài việc theo đuổi chức danh này, bạn cũng có thể chuyển sang các công việc khác như thiết kế, sản xuất và thử nghiệm các sản phẩm mới. Ngoài ra, bạn cũng nên ghi nhớ một điều là các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao khả năng phân tích và suy nghĩ logic của những sinh viên tốt nghiệp Kỹ sư. Điều này cho phép bạn chuyển nghề trong lĩnh vực Kỹ sư một cách dễ dàng. Những “lãnh địa” ngoài kỹ sư như hậu cần, quản lý vận hành và quản lý chuỗi cung ứng cũng là những phương án mà bạn có khả năng theo đuổi.
Danh sách khóa học phổ biến trong lĩnh vực Kỹ thuật
-
Khoa học vũ trụ (Aerospace Engineering)
-
Cơ khí Y sinh (Biomedical Engineering)
-
Cơ khí Hóa chất và Vật liệu (Chemical and Materials Engineering)
-
Kỹ thuật xây dựng (Civil Engineering)
-
Cơ điện tử (Electronic Engineering)
-
Công nghệ môi trường (Environmental Engineering)
-
Sản xuất (Manufacturing and Production)
-
Kỹ thuật hàng hải (Marine Engineering)
-
Cơ (Mechanical Engineering)
-
Luyện kim/Sản xuất kim loại (Metallurgy)
-
Khai khoáng và vận hành dầu khí (Mining and Oil & Gas Operations)
-
Kỹ thuật điện và năng lượng (Power and Energy Engineering)
-
Kỹ thuật vận tải (Vehicle Engineering)