Với mong muốn giúp các bạn có cái nhìn toàn diện và cận cảnh về ngành “Kỹ sư phần mềm”, Huongnghiepcdm.edu.vn đã liên hệ với hai nhân vật trong nghề là anh Leo Trieu (sáng lập dự án Code4Startup) và anh Lê Quốc Việt (sáng lập dự án Code2Pro) để nhờ họ chia sẻ với các bạn những thông tin cần thiết về ngành học thú vị này. Đây là một chuỗi bài viết gồm ba phần, bài viết này là phần cuối: “Thực tế công việc”.
>> Du học ngành Khoa học máy tính
>> Các trường có ngành Khoa học máy tính
TRÒ CHUYỆN VỚI ANH LEO TRIEU
Cảm nhận lần đầu tiên của anh khi tham gia vào một dự án thực sự như thế nào?
Anh Leo Trieu: Tất nhiên là rất hưng phấn vì cuồi cùng cũng có cơ hội thể hiện năng lực bản thân!
Anh có thể nêu sự khác biệt giữa kiến thức đã học học và khi vào làm thực tế trong nghành này không?
Anh Leo Trieu: Anh ra trường năm 2007. Thời đó có lẽ còn nhìn thấy được nhiều sự khác biệt bởi kiến thức học trong trường Đại học vẫn còn nặng tính lý thuyết hàn lâm, chưa theo kịp xu thế về công nghệ, tiêu chí và yêu cầu thực tế của các công ty. Nhưng bây giờ các bạn có thể tiếp cận được nguồn tài nguyên mã nguồn mở khổng lồ trên internet nên chúng ta học hỏi được rất nhiều từ những dự án thực tế với những lập trình viên giỏi của thế giới. Ví dụ: các dự án trên github.com
Áp lực công việc trong ngành này là như thế nào? Được và mất khi làm công việc này là gì?
Anh Leo Trieu: Đã là áp lực công việc thì ở đâu cũng có, quan trọng là chúng ta biến nó thành niềm vui, sự say mê hứng thú trong việc lập trình, đưa ra các giải pháp cho các bài toán. Nếu các bạn không thể làm được điều này thì có lẽ chúng ta chưa tìm được đúng ngành để mình theo đuổi. Cá nhân anh không bao giờ suy nghĩ chuyện được mất khi theo đuổi ngành học hay công việc. Tất cả dựa vào sự đam mê, hứng thú và những thách thức thú vị mà công việc đem lại.
TRÒ CHUYỆN VỚI ANH LÊ QUỐC VIỆT
Theo anh, khoảng cách từ học đến làm của ngành Software Enginering có xa không? Các bạn sinh viên có thể rút ngắn khoảng cách đó bằng cách nào?
Anh Việt: Trường học được ví như phòng thí nghiệm, nơi mà các thí nghiệm được kiểm soát chặt chẽ và có các điều kiện gần như lí tưởng. Để việc học trở nên dễ tiếp thu, những khó khăn về quy mô sử dụng phần mềm, triển khai và phân phối phần mềm, tính tối ưu của sản phẩm đều được châm chước hay lược bỏ. Trong thực tế, sản xuất và cung cấp phần mềm không có khâu nào có thể lược bỏ hay châm chước vì liên quan đến các rủi ro như tài chính (tài khoản ngân hàng), an ninh (ví dụ nhà máy điện ở Ukraine bị hacker Nga tấn công) hay sức và khoẻ tính mạng (ví dụ phần mềm chụp X-quang bị lỗi và độ chiếu xạ tăng 1000 lần!).
Để giảm khoảng cách giữa trường học và thực tiễn thì:
-
Các trường nên tạo điều kiện cho sinh viên hoạt động ngoại khoá, tham gia thực tập ở các phòng thí nghiệm có uy tín, các công ty, các hãng công nghệ
-
Các sinh viên cần năng động tham gia làm thêm liên quan đến chuyên môn, đi thực tập, đi hackathon, đi workshop, đi training, học online và tự trau dồi không mệt mỏi
Áp lực công việc trong ngành này là như thế nào? Được và mất khi làm công việc này là gì?
Anh Việt: Áp lực chính là mình cần đảm bảo sản phẩm có chất lượng và trong thời gian thoả thuận. Các ngành lao động trí óc và ngồi nhiều đều có đặc điểm giống nhau là làm thưa tóc và tăng chiều ngang, phá vỡ vóc dáng của các bạn. Hiện nay công ty anh có cung cấp bàn đứng để ai có nhu cầu giữ eo có thể đứng và làm việc. Cái được lớn nhất là hàng ngày tiếp xúc với các bạn thông minh và yêu đời. Kỹ sư thường rất thẳng thắn và lạc quan.
Để phục vụ công việc từ lúc mới ra trường đến những cấp bậc cao hơn, các bạn nên học lên thêm (cao học, chứng chỉ,…) không? Và các bạn nên trau dồi rộng ra hay sâu hơn khi dấn thân vào lĩnh vực?
Anh Việt: Học là việc rất riêng tư và cũng là việc đầu tư có tính toán và kèm theo các chi phí cơ hội. Các bạn nên tự cân nhắc. Bản thân anh không học Master hay PhD nhưng tự học và đọc sách vì mình thích là chính. Mark Twain có nói câu vừa hài vừa đúng: “I will not let my schooling interfere with my education”. Trường học hay các trung tâm là nơi cấp bằng, còn mình có thể tự học ở khắp nơi. Nên rèn tính tự học, tự nghiên cứu khi còn học đại học.
Bản thân là người đã trải nghiệm công việc ở cả châu Á và châu Âu, anh có thể cho độc giả Huongnghiepcdm.edu.vn biết sự tương đồng lẫn khác biệt trong môi trường làm việc ở hai nơi?
Anh Việt: Anh thấy ở Singapore và London có nhiều điểm tương đồng:
-
Rất cạnh tranh
-
Có nhiều người giỏi làm cùng mình và luôn có cơ hội học hỏi
-
Có nhiều cơ hội trưởng thành và thăng tiến ở cả trong và ngoài công ty
-
Các công ty săn đầu người luôn mời gọi và giang tay đón bạn
-
Cực kỳ chuyên nghiệp và quy củ
Một số điểm khác biệt:
-
Ở London không phải về sau sếp và không bị đánh giá nếu về sớm hơn sếp. Cứ đủ giờ hay xong việc là về.
-
Ở Singapore nếu mình là sếp thì sẽ được nhân viên nể sợ hơn là ở London.
>> Du học ngành Công nghệ Thông tin
Anh có lời khuyên nào đế giúp các bạn nhanh thích nghi với công việc này?
Anh Việt: Cần xây dựng mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp, và những người có kinh nghiệm để giúp mình hoà nhập và thích nghi. Thời gian đầu đi làm mình cũng sẽ phải thức khuya dậy sớm chút để học hỏi nhiều hơn.
Trong dự án Code2Pro của anh, có nhiều bạn nữ tham gia học không? Anh nghĩ các bạn ấy có những lợi thế nào khi học và trở thành Kỹ sư Phần mềm?
Anh Việt: Anh chưa quảng bá rộng Code2Pro nhưng đã có một số bạn được người quen giới thiệu và có cả nam và nữ. Anh thấy ai học lập trình cũng rất đáng khích lệ. Các bạn nữ chăm chỉ và cẩn thận nên theo học sẽ nhanh và đúng bước. Nữ giới nhìn chung có kho tàng ngôn ngữ phong phú hơn nam giới nên một khi biết lập trình thì sẽ có khả năng thuyết phục rất cao. Anh và rất nhiều đồng nghiệp đều rất nể các đồng nghiệp nữ nói riêng và các bạn nữ biết lập trình nói chung.
Mọi người thường hình dung các Kỹ sư Phần mềm với cặp kính cận thật dày và cắm mặt suốt ngày vào máy tính, hầu như không giao thiệp với xã hội. Anh nghĩ sao về điều này?
Anh Việt: Anh lại rất quan tâm đến thời trang, ẩm thực và thích chụp hình, đi du lịch. Đồng nghiệp của anh cả nam và nữ có nhiều người rất sành ăn mặc và chơi thể thao giỏi, quảng giao. Lập trình cũng không khác gì các ngành tài chính vì đều có quy trình, công thức, và cần phải giao tiếp nhiều để trao đổi ý tưởng và hợp tác.
Anh có thường xuyên bị mất cân bằng trong cuộc sống khi công việc khá nặng và yêu cầu độ chính xác cao?
Anh Việt: Đến gần deadline thì ai cũng bị deadline rượt đuổi cả ngày lẫn đêm. Còn lại một ngày anh chỉ làm 9 tiếng thôi rồi đi chơi.
Nếu có thể khuyên các bạn sinh viên muốn theo đuổi ngành này một câu duy nhất, anh sẽ khuyên câu gì?
Anh Việt: Khổ luyện và đổi mới liên tục.
Được biết có hàng chục ngôn ngữ lập trình, anh có bí quyết nào để thành thạo và hiểu rõ tất cả những ngôn ngữ đó?
Anh Việt: Chỉ có thể chọn được vài ngôn ngữ phù hợp và theo học thật sâu. Chú ý đến lĩnh vực mình làm và xu hướng để mình không bị lạc hậu. Tuổi thọ nghề của kỹ sư rất ngắn, ngắn hơn cả nghề người mẫu nếu không chịu học và đổi mới.
Có phải chỉ những ai rất thông minh mới có thể học và làm Kỹ sư Phần mềm?
Anh Việt: Để thành kỹ sư phần mềm chỉ cần chăm chỉ và tuân thủ quy trình là đủ. Trên thế giới không thiếu những người như vậy. Hôm trước anh đi hackathon gặp một bạn sinh viên học A-level (cỡ 16-17 tuổi). Bạn ấy làm một website để kết nối với tài khoản ngân hàng Mondo và tích hợp với Google Maps rất ấn tượng. Như vậy lập trình không quan trọng tuổi tác. Để thành kỹ sư phần mềm giỏi thì cần có tư chất và khổ luyện thì mới điêu luyện được.
Huongnghiepcdm.edu.vn xin chân thành cảm ơn hai anh vì đã đồng ý thực hiện chuỗi bài phỏng vấn này.
>> Đọc lại phần đầu: Ngành Kỹ sư phần mềm – “Bắt đầu từ đâu?”
>> Đọc lại phần hai: Ngành Kỹ sư phần mềm – “Cơ hội nghề nghiệp”
PROFILE NHÂN VẬT
Leo Trieu
- Tốt nghiệp ngành CNTT Đại học Thủy Lợi
- Tốt nghiệp Thạc sĩ Tài chính quốc tế Đại học Deakin (Melbourne, Australia)
- Có 9 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành IT ở Việt Nam, Australia và Mỹ.
- Hiện đang là CEO và Founder của Code4Startup, một code school dạy lập trình, trụ sở ở Melbourne, Australia.
- Website: www.code4startup.com
Những thành tích Code4Startup đạt được:
- Fund thành công $25,000 trong 30 ngày trên KickStarter
- Xuất hiện trên trang ProductHunt nổi tiếng của Mỹ
- Xuất hiện trên trang công nghệ Sliconrus của Nga
- Xuất hiện trên trang appgiga của Nhật Bản
Viet Le
Chuyên môn:
- Các phần mềm giao dịch chứng khoán tốc độ cao.
- Phần mềm tài chính định giá sản phẩm tài chính phái sinh.
- “Nội dung câu trả lời là quan điểm cá nhân của tôi, không đại điện cho công ty tôi đang làm hay những công ty trước và các khách hàng trước. Tôi cung cấp thông tin và quan điểm với tư cách cá nhân, các công ty và đối tác có thể có những quan điểm tương đồng hoặc quan điểm khác.”