Với mong muốn giúp các bạn có cái nhìn toàn diện và cận cảnh về ngành “Kỹ sư phần mềm”, Huongnghiepcdm.edu.vn đã liên hệ với hai nhân vật trong nghề là anh Leo Trieu (sáng lập dự án Code4Startup) và anh Lê Quốc Việt (sáng lập dự án Code2Pro) để nhờ họ chia sẻ với các bạn những thông tin cần thiết về ngành học thú vị này. Đây là một chuỗi bài viết gồm ba phần, bài viết này là phần hai: “Cơ hội nghề nghiệp”
>> Du học ngành Khoa học máy tính
>> Các trường có ngành Khoa học máy tính
Hai anh có thể cho biết các nhà tuyển dụng trong ngành này chọn ứng viên dựa trên tiêu chí gì? Dự đoán cơ hội, tiềm năng lĩnh vực này trong thời gian tới?
Anh Leo Trieu: Tùy từng vị trí và trách nhiệm công việc cụ thể mà các nhà tuyển dụng sẽ có những yêu cầu và tiêu chí riêng biệt. Về mặt bằng chung, yếu tố tiên quyết vẫn là khả năng tư duy tốt, có khả năng làm việc độc lập cao (lúc cần thiết thì một mình phụ trách mà không có team hỗ trợ) và kĩ năng làm việc với nhóm. Cơ hội và tiềm năng cho ngành này đang rất lớn và phát triển, nhất là làn sóng Tech Startups (các công ty công nghệ khởi nghiệp) đang ngày một lên cao ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Anh Việt: Anh có đi phỏng vấn ở nhiều nơi (ngân hàng, quỹ đầu cơ, Google, Facebook, Amazon, …) và bản thân anh cũng là người phỏng vấn các sinh viên và các ứng cử viên có kinh nghiệm. Anh thấy điểm chung các ứng cử viên được chọn là:
-
Có khả năng tư duy phản biện và xem xét vấn đề ở nhiều khía cạnh.
-
Biết đặt ra nhiều câu hỏi thú vị để khai thác thông tin về hệ thống nhằm hiểu hệ thống một cách chính xác thay vì giả định và không hỏi gì.
-
Biết cách chia nhỏ vấn đề và giải quyết từng bài toán nhỏ rồi gộp lại thành giải pháp đồng bộ.
-
Có thể tự tin và viết code trên bảng hay trên máy tính một cách thuần thục và điêu luyện.
-
Có kỹ năng giao tiếp tốt và có thể thuyết trình và trao đổi tự tin và mạch lạc.
-
Thành thạo ít nhất 2 ngôn ngữ lập trình.
-
Thực sự đam mê về công nghệ và dành nhiều thời gian để lập trình và nâng cao trình độ.
-
Có các sản phẩm hay dự án được đăng online (website, github, bitbucket, blog, …)
Hai anh đánh giá thế nào về môi trường kỹ sư phần mềm cũng như cơ hội làm việc trong ngành này tại Việt Nam? Ngoài việc làm cho các công ty phần mềm, có cơ hội nào khác cho các kỹ sư phần mềm/ lập trình viên theo đuổi hay không?
Anh Leo Trieu: Kỹ sư phần mềm ở đâu cũng có cơ hội. Không chỉ ở Việt Nam, Đông Nam Á mà còn cả trên thế giới như Châu Âu hoặc Thung lũng Silicon ở Mỹ. Thậm chí là chúng ta có thể tự tạo ra cơ hội cho chính mình bằng cách tự khởi nghiệp. Chúng ta mới chỉ nghe nhiều đến Facebook, Google, Snapchat mà ít hoặc không biết rằng hàng ngày trên thế giới có không ít các bạn trẻ còn đang ngồi trên giảng đường nhưng đã tự phát triển các sản phẩm ứng dụng và kêu gọi vốn hàng trăm nghìn đến hàng triệu đô la. Cơ hội và rủi ro luôn song hành với nhau. Lựa chọn thế nào là ở chúng ta.
Anh Việt: Hiện nay nước nào cũng khát nhân lực kỹ thuật, và trong đó có Công nghệ Thông tin. Khác với các bạn ngành tài chính, luật, nghiên cứu xã hội, … các bạn ngành kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin có rất nhiều cơ hội di chuyển để phục vụ nghề nghiệp. Luật mỗi nước một khác, nhưng máy tính khắp nơi trên thế giới đều có những điểm chung. Đó cũng là điều may mắn và hãnh diện với những ai học Công nghệ Thông tin.
Hiện nay và trong tương lai FinTech (financial technology – tài chính công nghệ thông tin), trí tuệ nhân tạo (AI), robotics, drones (máy bay không người lái), khoa học dữ liệu (data science), big data, agri-tech (công nghệ nông nghiệp) đều rất hấp dẫn. Chưa bao giờ công nghệ thông tin là thuần tuý lập trình cho vui hay chỉ phục vụ công ty phần mềm. Công nghệ Thông tin được áp dụng vào ngành cụ thể và các phần mềm của mỗi ngành có đặc thù riêng. Bản thân anh rất mong lĩnh vực agri-tech phát triển để có nhiều rau sạch. Agri-tech sẽ cần rất nhiều kỹ sư phần mềm tài năng để tự động hoá và tăng năng suất, đảm bảo chất lượng đồng đều.
Liệu có nhiều người Việt làm công việc lập trình ở nước ngoài không? Khi làm việc này ở nước ngoài, người Việt có những khó khăn và thuận lợi gì?
Anh Leo Trieu: Có rất nhiều người Việt đang là kỹ sư phần mềm làm việc ở Singapore, châu Âu, Mỹ và thậm chí là ở các công ty danh tiếng thế giới như Facebook, Google, IBM. Trong lần làm việc tại thung lũng Silicon ở Mỹ, anh đã gặp và nói chuyện với rất nhiều bạn mới ra trường nhưng đã được nhận vào làm tại Facebook, Google và phải công nhận là các bạn rất giỏi, tư duy sáng tạo và nhạy bén.
Tiếng Anh có lẽ là một trong những trở ngại lớn nhất đối với người Việt chúng ta khi ra nước ngoài làm việc. Có điều may mắn là đặc tính ngành này cũng không đòi hỏi quá nhiều giao tiếp nên trong ngắn hạn, chúng ta chỉ cần đáp ứng được mức độ cơ bản trong giao tiếp để có thể trao đổi công việc.
Liệu có cơ hội thực tập nào dành cho sinh viên tại các công ty phần mềm lớn không? Lời khuyên cho các bạn trẻ mới ra trường trong quá trình tìm việc trong ngành này.
Anh Leo Trieu: Hoàn toàn có thể. Lời khuyên là chúng ta nên tìm kiếm các cơ hội trên mạng và luôn tự tin vào chính mình. Các bạn nên tìm kiếm ngay trên chính các trang tuyển dụng hoặc theo dõi các trang tuyển dụng của từng công ty cụ thể (nếu có).
Các bạn nên tạo LinkedIn Profile mô tả rõ ràng và chính xác về kĩ năng, kiến thức, quá trình học tập và làm việc của mình. Điều này đặc biệt có lợi cho những bạn muốn hướng đến thị trường nước ngoài bởi ngày nay các nhà tuyển dụng của các công ty thường tìm kiếm nhân sự qua LinkedIn. Các đơn xin việc nên được chăm chút chi tiết với từng vị trí ứng tuyển cụ thể. Nên tránh trường hợp làm đại trà cho xong một bản mẫu và gửi cho tất cả các vị trí.
Anh Việt: Các cơ hội thực tập có rất nhiều. Ngày nay công ty lớn hay nhỏ lại không quan trọng bằng bạn học được gì và làm được gì trong kỳ thực tập. Nhiều công ty start-up vừa và nhỏ có nhiều công nghệ mới rất hấp dẫn vì họ dễ thay đổi và dễ cập nhật hơn các công ty lớn.
Các bạn sinh viên chú ý xây dựng:
-
GitHub/BitBucket profile – Hãy viết code thật nhiều và viết ra những sản phẩm có giá trị, dù là nhỏ đi nữa (Twitter client, chat bot, phần mềm theo dõi sức khoẻ, to-do list, …). Sau đó công bố lên hai trang này, đặc biệt là GitHub. Hiện nay rất nhiều cty có phần mềm tìm ra ứng cử viên qua GitHub.
-
Xây dựng quan hệ với những người đi trước, những người ở các công ty bạn muốn làm việc. Hay đi các hackathon, các workshop, các buổi trò chuyện chia sẻ, BarCamp, Bootcamp, coding challenge.
-
Portfolio – các sản phẩm nhỏ và hữu ích, website bạn tự design, phần mềm điện thoại bạn tự viết,…
-
Profile trên HackerRank, CodeChef, TopCoder,… – Luyện code và giải các thuật toán thật nhiều trên các trang này.
-
LinkedIn profile
Anh Leo Trieu có thể giới thiệu sơ lược về dự án Code4Startup? Mục đích của dự án là gì? Tại sao anh lại thành lập nó?
Anh Leo Trieu: Code4Startup (C4S) là một dự án cá nhân anh làm vào mỗi tối sau khi đi làm về với mong muốn xây dựng một nền tảng dạy học lập trình. Nhưng thay vì dạy một cách lý thuyết về các ngôn ngữ, nền tảng, anh dạy người học bằng cách xây dựng luôn một ứng dụng thực tế, dựa trên những dự án rất nổi tiếng trên thế giới như AirBnb, TaskRabbit, Tinder,… Cách đây hơn 2 tháng, anh đã nghỉ việc làm full-time và mang C4S đến thung lũng Silicon của Mỹ. Ở đó, C4S được rất nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đánh giá cao. Giờ đây C4S là một nền tảng dạy học lập trình theo một cách rất riêng và có tiếng trên thế giới với một cộng đồng hơn 21,000 người đăng ký từ 100 nước.
>> Du học ngành Công nghệ Thông tin
Anh có thể bật mí mức lương trung bình cho sinh viên mới ra trường trong lĩnh vực này, và mức lương trung bình cho nhân viên làm việc trong ngành này?
Anh Việt: Hiện nay việc lương bổng không còn là bí mật. Mọi người có thể xem trên Glassdoor hoặc PayScale.
Anh Việt đã từng làm rất nhiều dự án từ khi còn là sinh viên của NUS, anh đã học được gì từ những dự án đó?
Anh Việt: Anh học được rất nhiều điều bổ ích và đáng chú ý nhất là:
-
Khách hàng trả tiền cho sản phẩm chứ không phải cho kiến thức. Được điểm A ở lớp và làm hài lòng khách hàng là hai điều khác nhau. Cần phải lắng nghe và thấu hiểu khách hàng cần giải quyết vấn đề gì.
-
Xây dựng portfolio thật tốt cho các CLB hay bạn bè người quen trước khi nghĩ đến chuyện kiếm tiền. Một khi có uy tín thì sẽ được người quen và bạn bè giới thiệu các mối khách tốt. Phần lớn khách của anh là được giới thiệu và họ rất tin tưởng.
-
Nếu thấy không phù hợp hãy dừng ngay từ đầu. Đừng nghĩ kiếm chút tiền rồi nghỉ sau, sẽ không tốt cho cả bạn và khách hàng. Nên giới thiệu cho bạn bè phù hợp như vậy cả bạn bè và khách hàng đều quý mình và mình có cơ hội làm dự án khác phù hợp hơn.
-
Ra giá cao hơn người khác và bảo vệ quan điểm của mình. Khách hàng họ tin tưởng người làm được việc và tự tin với giá cao, hơn là với người lấy giá rẻ mà không tự tin.
-
Không ôm đồm. Chất là nhất. Nhiều phần mềm anh viết cho khách, sau 3-4 năm họ bảo vẫn hài lòng vì chạy tốt và ít cần nâng cấp hoặc dễ nâng cấp.
-
Hãy kiên nhẫn với khách hàng khó tính và đừng nói xấu khách hàng. Anh thấy những người này họ sẽ nhớ mình và nói tốt cho mình nhiều nhất khi mình làm xong với họ.
>> Đọc lại phần một: Ngành Kỹ sư phần mềm – Bắt đầu từ đâu?
>> Đọc tiếp phần ba: Ngành Kỹ sư phần mềm – Thực tế công việc
PROFILE NHÂN VẬT
Leo Trieu
- Tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin ở Đại học Thủy Lợi
- Tốt nghiệp Thạc sĩ Tài chính quốc tế Đại học Deakin (Melbourne, Australia)
- Có 9 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành IT ở Việt Nam, Australia và Mỹ.
- Hiện đang là CEO và Founder của Code4Startup, một code school dạy lập trình, trụ sở ở Melbourne, Australia.
- Website: www.code4startup.com
Những thành tích Code4Startup đạt được:
- Fund thành công $25,000 trong 30 ngày trên KickStarter
- Xuất hiện trên trang ProductHunt nổi tiếng của Mỹ
- Xuất hiện trên trang công nghệ Sliconrus của Nga
- Xuất hiện trên trang appgiga của Nhật Bản
Viet Le
Chuyên môn:
- Các phần mềm giao dịch chứng khoán tốc độ cao.
- Phần mềm tài chính định giá sản phẩm tài chính phái sinh.
- “Nội dung câu trả lời là quan điểm cá nhân của tôi, không đại điện cho công ty tôi đang làm hay những công ty trước và các khách hàng trước. Tôi cung cấp thông tin và quan điểm với tư cách cá nhân, các công ty và đối tác có thể có những quan điểm tương đồng hoặc quan điểm khác.”