Tại sao lại nên học Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin (IT) ở nước ngoài? Đâu là những hướng đào tạo trong lĩnh vực này? Nếu bạn quan tâm đến hai ngành học này, hãy đọc hướng dẫn toàn cảnh về các kĩ năng trong ngành để xem bạn có phù hợp không nhé…
>> Du học ngành Khoa học máy tính
>> 10 giải đáp của du học sinh ngành Khoa học máy tính ở Mỹ
Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin là gì?
Đúng như tên gọi, Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin bao gồm tất cả những gì thuộc về máy vi tính và các tiến trình ảnh hưởng của nó lên cuộc sống của chúng ta. Nhiều thập kỉ trước, người ta sáng tạo ra máy tính chỉ để… cho vui, nhưng ngày nay, chúng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng, chẳng hạn như: giúp giải quyết các vấn đề tính toán phức tạp, mang lại nhiều hiệu quả lao động hơn so với các quy trình vận hành bằng tay. Ngoài ra, các công nghệ may tính cũng là nguồn cội làm nên các ứng dụng giải trí thú vị.
Tại sao nên học Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin?
Hầu như chúng ta đều phụ thuộc vào máy vi tính trong cuộc sống hàng ngày. Hãy thử ngẫm lại xem đời sống của con người đã thay đổi thế nào trong vòng 10 năm trở lại đây với những cải tiến của công nghệ thông tin? Vậy nên, việc tiếp tục phát triển lĩnh vực IT là vô cùng quan trọng.
Dù cho bạn không trực tiếp làm việc trong một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ máy tính thì cũng nên nhớ rằng IT đóng một vai trò quan trọng trong cả những lĩnh vực khác, kể cả là thương mại hay tư vấn.
Ngày nay, bất kì người lao động nào cũng cần sở hữu những kĩ năng vi tính cơ bản nhất, vì thế theo học ngành này sẽ giúp bạn rất nhiều trong các công việc khác nhau, chẳng hạn như marketing trực tuyến.
Ai có thể học tốt Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin?
Những sinh viên có tính tò mò về cách vận hành của máy vi tính sẽ là những người có thể học tốt lĩnh vực này. Tương tự, một tính cách khác nữa của những sinh viên “tiềm năng” của ngành IT là việc luôn mày mò ra các giải pháp để giải quyết vấn đề.
Theo học ngành này, bạn sẽ phải ngồi hàng giờ trước màn hình vi tính và một khi đã đi làm thì bạn cũng đừng mong sẽ được đi thực tế ở ngoài trời, vì đơn giản lĩnh vực này đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải làm việc với chiếc vi tính 24/7.
Một số dự án còn đòi hỏi bạn phải làm việc một mình, viết code liên tục. Vậy nếu bạn thích phong cách làm việc này thì đây chính là ngành phù hợp.
Khi đi làm, nếu vai trò của bạn là hỗ trợ tin học cho một hoạt động kinh doanh nào đó của doanh nghiệp thì nhiều khả năng bạn sẽ phải làm việc với những đồng nghiệp không có nhiều kiến thức về IT.
>> Danh sách các trường cung cấp khóa học Khoa học máy tính
>> Danh sách các trường cung cấp khóa học Công nghệ thông tin
Đâu là những yêu cầu đầu ra của các chương trình Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin?
Để vào học các chương trình này, bạn sẽ phải có một lượng kiến thức cơ bản về máy tính, phần mềm và các ngôn ngữ lập trình.
Nếu bạn đang thiếu một trong những kĩ năng nào đó, chẳng hạn về ngôn ngữ lập trình, bạn có thể theo đuổi một khóa ngắn hạn để sẵn sàng cho khóa học. Một số trường có thể chỉ yêu cầu bạn giỏi ở các môn Toán và Lý. Hơn nữa, để được nhận vào học, bạn cũng phải thể hiện được sự ham thích của mình cho lĩnh vực này. Trong thư bày tỏ nguyện vọng cá nhân, hãy đề cập đến các dự án mà bạn đã từng tham gia khi rỗi rảnh, về các website bạn hay ghé thăm, các ứng dụng hay những phần mềm mà bạn đã tạo ra trước đây… Những trải nghiệm này sẽ giúp bạn tạo được nét riêng biệt cho hồ sơ ứng tuyển của mình so với các ứng viên khác.
Để có sự chuẩn bị thật tốt, bạn nên kiểm tra điều kiện đầu vào của các khóa học ở trên trang thông tin của chính trường Đại học cung cấp khóa học đó
Bạn có thể theo học những ngành cụ thể nào?
-
Khoa học máy tính (Computer Science)
-
Tin học (Computing)
-
Công nghệ thông tin (IT)
-
Đa phương tiện (Multimedia)
-
Phần mềm (Software)
Tôi có thể làm gì với một tấm bằng Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin?
Tất cả các doanh nghiệp đều cần bộ phận hỗ trợ Công nghệ thông tin để vận hành công việc kinh doanh. Bộ phận kinh doanh sẽ cần máy vi tính và các phụ kiện đi kèm để thương thảo hợp đồng hay trình bày trước khách hàng, những công việc liên quan đến trang web sẽ cần người giám sát để làm công việc bảo trì, các nhà thiết kế cần đến các phần mềm để sử dụng, các biên tập viên cần giúp đỡ thiết lập thông tin tài khoản khi họ lỡ quên…
Đó là lí do tại sao những sinh viên tốt nghiệp lĩnh vực này sẽ không sợ thiếu việc. Đó là chưa kể những ai theo đuổi ngành đa phương tiện và phần mềm còn có thể “nhảy việc” dễ dàng, từ đó tìm đến các chức danh khác như: phát triển ứng dụng, phát triển game, thử nghiệm phần mềm, bảo trì thông tin, chịu trách nhiệm tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), chuyên viên công nghệ…