Chị Nguyễn Hiền Linh tốt nghiệp Thạc sỹ ngành Kinh doanh quốc tế và Phát triển bền vững của trường Đại học London Metropolitan University và có bằng Cử nhân ngành tiếng Anh Thương mại của trường Đại học Ngoại thương Hà Nội . Tuy ngành học thuộc về lĩnh vực Kinh doanh và đã làm việc hai năm tại London trong lĩnh vực doanh nghiệp nhưng hiện tại chị Linh vẫn gắn bó với công việc giảng dạy tiếng Anh nói riêng và lĩnh vực Giáo Dục nói chung. Các bạn hãy cùng HCVN lắng nghe những chia sẻ chân thành của chị về việc làm trái ngành thông qua bài phỏng vấn dưới đây nhé!
BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Chuyên ngành học của chị không phải là Sư phạm Ngoại Ngữ, vậy thì lí do nào đã đưa chị đến với công việc giảng dạy tiếng Anh và quyết định gắn bó với công việc này?
Mình có một cảm hứng đặc biệt mỗi khi đứng trên bục giảng. Sau khi kết thúc một buổi học, mình thường thấy vui cho dù buổi dạy có làm mình mệt đi chăng nữa. Mỗi khi dạy học, mình thấy như được tiếp thêm sức sống vậy. Ngoài ra, mình yêu thích việc được truyền dạy kiến thức và giáo dục cho người khác. Ngày xưa mình đã từng làm gia sư, nhiều lần làm diễn giả và nhận được nhiều lời khen khi tự tin giảng hoặc nói về chủ đề yêu thích với nhiều nhiệt huyết. Thấy mọi người nhận được giá trị mình mang lại, mình quyết định thử sức ở lĩnh vực không phải chuyên ngành này.
Theo chị, các bạn sinh viên có nhất thiết phải học chuyên ngành Sư phạm thì mới có thể làm tốt công việc dạy tiếng Anh? Những người học Sư phạm sẽ có lợi thế gì so với những người học ngành khác trong việc dạy tiếng Anh?
Những người học ngành sư phạm có lợi thế hơn ở bằng cấp đúng chuyên ngành. Điều này không thể chối cãi vì khi thi tuyển vào làm giáo viên của bất cứ các trường chính quy nào người ta đều xét yếu tố bằng cấp đầu tiên và là điều kiện cần.
Tuy nhiên mình biết một số trường đặc biệt (các trường quốc tế chẳng hạn) họ không coi trọng bằng cấp bằng khả năng giảng dạy và nhân tố đạo đức của giáo viên. Do đó, bằng cấp là một lợi thế lớn nhưng không phải điều kiện tiên quyết và yếu tố quyết định. Theo mình, nếu có lòng yêu nghề và một ý chí quyết tâm theo đuổi thì những người học trái ngành vẫn hoàn toàn có thể làm tốt công việc giảng dạy tiếng Anh.
Mình biết có bạn có bằng Sư phạm nhưng ra trường làm việc vẫn hay kêu ca rằng chế độ giáo dục của Việt Nam đã dập tắt niềm đam mê của mình. Tuy nhiên, theo mình việc đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài không làm mọi việc tốt đẹp hơn. Ngược lại, có nhiều bạn trẻ tốt nghiệp giỏi ở các trường không chuyên Sư Phạm, hay đã từng đi du học nhưng với niềm yêu nghề và sự xông xáo trong công việc, các bạn ấy đã vượt qua được những khó khăn và làm việc tốt hơn rất nhiều. Với thái độ này, các bạn có thể chủ động chọn nơi mình muốn dạy, chọn dạy cái mình muốn và tạo thay đổi tích cực cho người học.
Chúng ta đều biết người giỏi tiếng Anh chưa chắc đã dạy tiếng Anh giỏi. Theo chị, ngoài việc phải trau dồi ngôn ngữ thì các bạn sinh viên cần phải cải thiện và học hỏi thêm kĩ năng gì để có thể làm tốt công việc dạy tiếng Anh?
Câu hỏi của bạn rất hay! Theo mình thì các bạn cần có kĩ năng độc lập, dám thử dám làm, tự tin không ngần ngại, và nhất là quyết tâm không bỏ cuộc. Đó cũng là những kĩ năng cơ bản các bạn cần có khi muốn thành công ở bất cứ lĩnh vực nào trong cuộc sống. Nếu không dám thử và phạm sai lầm thì mình sẽ mãi ở trong một cái hộp tối, không biết thế giới bên ngoài như thế nào. Không độc lập thì sẽ mãi mãi phụ thuộc vào giáo viên và người khác nên dễ dẫn tới thói quen thích đổ lỗi. Tự tin và không ngần ngại sẽ có được khi mình chủ động trong mọi việc. Yếu tố quyết tâm thì đã được khoa học chứng minh là yếu tố cần thiết để thành công, trên cả IQ, tài năng và năng khiếu. Các bạn có thể xem thêm video về “Grit – The key to success” để có thêm động lực.
Chị có cho rằng các bạn sinh viên phải du học về giảng dạy tiếng Anh không hay chỉ cần học trong nước là đủ? Vì sao?
Mình nghĩ đi du học sẽ là lợi thế khi giảng dạy vì mình có thể chia sẻ và truyền cảm hứng cho sinh viên về trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, đó không phải yếu tố bắt buộc. Những bạn học tốt trong nước, có tố chất, phẩm chất giáo dục tốt và có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống vẫn có thể truyền dạy được cho học sinh và giảng dạy tiếng Anh hiệu quả.
Các bạn sinh viên bắt buộc phải có tố chất gì nếu muốn trở thành giáo viên dạy tiếng Anh?
Theo mình thì các bạn cần có lòng yêu nghề, quan tâm tới học sinh (có tâm), có khả năng ngôn ngữ tốt và tư tưởng cầu tiến không ngừng hoàn thiện khả năng giảng dạy và phát triển mình để cùng phát triển với học sinh.
Chị có thể chia sẻ một số mẹo học tiếng Anh hiệu quả của mình với các độc giả của HCVN?
Thứ nhất, học cần đi đôi với hành. Nếu học nói và nghe mà có cơ hội nói chuyện với người nước ngoài thì phải nắm lấy cơ hội thực hành ngay, đừng ngại tiếng Anh mình chưa hoàn thiện và đừng chờ tới khi tiếng Anh hoàn hảo mới nói chuyện với người nước ngoài!
Thứ hai, có niềm vui trong học tập, kết hợp sở thích của mình với việc học. Ví dụ, thích xem phim hay nghe nhạc thì tìm những phim nước ngoài hay nhạc nước ngoài mình thích và học tiếng Anh qua đó. Điều này sẽ tạo ra hứng thú học thay vì sức ép. Cứ yêu môn học này đi rồi mình sẽ thấy mình giỏi lúc nào không biết.
Thứ ba, đơn giản hóa: Cứ học ít và từ từ, không cần phải vội vì chất lượng hơn số lượng. Không cần học quá cao siêu mà chỉ học cái mình cần và thấy hợp lý. Việc này sẽ tạo cho bạn một nền tảng tốt, rồi từ đó xây dựng lên từ từ vì học và làm cái gì giỏi cũng cần có một quá trình. Mình không thể nhồi nhét để giỏi tiếng Anh trong vài tháng, điều đó có thể đạt được nhưng chưa chắc đã bền vững.
Các bạn sinh viên có nhất thiết phải sở hữu chứng chỉ TESOL hoặc điểm TOEFL/ IELTS cao thì mới được các trung tâm ngoại ngữ tuyển dụng? Nếu có thì chị có thể gợi ý một số nơi đào tạo TESOL/TOEFL/IELTS uy tín tại Việt Nam và cả nước ngoài?
Mình thấy có nhiều bạn trẻ không có các chứng chỉ trên nhưng vẫn có thể trúng tuyển vào giảng dạy hay đi lên từ việc làm trợ giảng. Đúng là bằng IELTS 8.0 giúp mình rất nhiều trong quá trình tuyển dụng vào các trung tâm ngoại ngữ. Hiện nay mình cũng mong muốn tham gia học TESOL/CELTA hoặc một số chứng chỉ khác để xây dựng thêm nền tảng nghề nghiệp cho mình.. Theo mình những chứng chỉ đó sẽ giúp hồ sơ của mình vững hơn, tăng khả năng trúng tuyển, và có thể thương lượng được mức lương cao hơn.Tuy nhiên, với mình thì mục đích chính tham gia học những chứng chỉ nên là để xây dựng chất lượng ngoại ngữ và giảng dạy tốt hơn cho bản thân, thay vì là để tăng khả năng trúng tuyển vào một nơi nào đó. Với kiến thức và chất lượng tốt, bạn giữ quyền chủ động chọn nơi phù hợp với mình, thay vì chờ để được chọn.
>> Các trường có khóa học TESOL
>> Thạc sĩ TESOL: Làm sao để lựa chọn chương trình phù hợp?
NHỮNG GÌ ĐƯỢC HỌC VS. THỰC TẾ LÀM VIỆC
Cảm nhận lần đầu tiên của chị khi đứng lớp như thế nào?
Lần đầu tiên đứng lớp, mình thấy rất hồi hộp, lo lắng và sợ học sinh hỏi khó rồi không trả lời được, sợ cháy giáo án… Tuy nhiên, cảm nhận này là hoàn toàn bình thường và đối với mình đây là yếu tố tích cực chứng tỏ mình đang thử sức một lĩnh vực mình thật sự cảm thấy hứng thú. Đó cũng là cơ hội tốt để chinh phục nỗi sợ, dũng cảm làm việc mình muốn làm. Mình đã chiến thắng được nỗi sợ đó và cứ thế tiếp tục làm. Với thái độ cầu tiến đó nên mình đã tổ chức được CLB tiếng Anh phát triển bản thân và đạt được danh hiệu “The Outstanding Teacher of the Year” năm 2015 khi dạy ở RockIt Online chỉ sau 2 tháng làm việc.
Theo chị, những gì nên làm và những gì cần tránh khi giảng dạy tiếng Anh?
Nên bám sát theo học sinh, nhạy bén và lắng nghe học sinh thực sự cần gì để điều chỉnh cách dạy và bài giảng của mình sao cho phù hợp với học viên nhất có thể.
Tránh cứng nhắc theo một khuôn khổ cố định hoặc quá thoải mái với học sinh và đi quá giới hạn khiến lớp học không trật tự còn học sinh thì thiếu tôn trọng giáo viên.
Áp lực công việc trong nghề này như thế nào? Được và mất khi chị làm công việc dạy tiếng Anh là gì?
Áp lực của công việc là phải chuẩn bị giáo án làm sao cho bài giảng thật hay nhằm tạo hứng thú cho học sinh nhưng vẫn có thể truyền đạt được nội dung mình muốn còn học sinh nhận được những bài học bổ ích.
Những cái “được” là niềm vui và cảm giác tràn đầy sau mỗi buổi học dù có mệt tới đâu. Mình cảm thấy hạnh phúc khi nhìn học sinh tiến bộ, trưởng thành hơn và hứng thú với những gì mình dạy. Việc học viên biết ơn mình vì đã tạo ra được sự thay đổi tích cực ở họ khiến bản thân mình cảm thấy rất tự hào.
Những cái “mất” thì không có đáng kể. Nếu so sánh với những người làm ở vị trí cao hơn và nhiều tiền hơn nhưng luôn cảm thấy ức chế hay không hạnh phúc thì đương nhiên mình thấy làm công việc này tốt hơn.
>> 9 công việc trả lương để bạn chu du thế giới
>> Top 12 nơi lý tưởng nhất cho công việc dạy tiếng Anh
MỘT SỐ CÂU HỎI NGOÀI LỀ
Những “bệnh nghề nghiệp” trong nghề này theo chị là gì?
Đôi khi mình thích giảng dạy cho những người không phải học sinh của mình trong khi họ không thực sự muốn nghe! (Cười)
Theo quan sát của chị thì số lượng nam và nữ theo đuổi công việc này chênh lệch ra sao? Thuận lợi và bất lợi khi nữ hoặc nam theo đuổi công việc này là gì?
Mình thấy nữ theo đuổi công việc này nhiều hơn nam. Mình không thấy thuận lợi hay bất lợi gì đặc biệt nhưng có vẻ như nữ hay tham gia nhiều hơn nam vào các công tác xã hội, tình nguyện, và giáo dục. Đó là nhận định riêng của mình, tuy nhiên mình rất hứng thú nếu được nghe những quan điểm trái chiều về vấn đề này.
Nếu có thể khuyên các bạn sinh viên muốn theo đuổi nghề này một câu duy nhất, chị sẽ khuyên câu gì?
Cứ thử sức nếu thích. Đi dạy rất vui nhưng nhớ cần có cái tâm nữa.
HCVN xin chân thành chị Hiền Linh vì đã thực hiện bài phỏng vấn này.
>> Dạy tiếng Anh: Cần có kĩ năng giao tiếp, quản lý và cảm thông!
Profile nhân vật:
Nguyễn Hiền Linh
-
Tốt nghiệp Thạc sỹ ngành Kinh doanh quốc tế và Phát triển bền vững trường London Metropolitan University
-
Tốt nghiệp Cử nhân ngành tiếng Anh Thương mại trường Đại học Ngoại thương
-
Hiện đang làm Tư vấn viên phát triển tài năng tại Golden Path Academics
-
Website: http://hailielinhnguyen.blogspot.com/