Chị San Duong Adams hiện đang điều hành lớp học “IELTS and Beyond” tại Hà Nội với mong muốn giúp các bạn trẻ trang bị những kĩ năng cần thiết để thi IELTS. Chị đã tốt nghiệp ngành Giảng dạy tiếng Anh hệ Cử nhân của Đại học Buckingham và ngành Ngôn ngữ học Ứng dụng hệ Thạc sĩ của Đại học Newcastle ở Anh quốc. HCVN rất may mắn khi được chị San đồng ý chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình về công việc giảng dạy tiếng Anh. Bài phỏng vấn dưới đây được chia ra làm ba phần: bắt đầu từ đâu, cơ hội nghề nghiệp và thực tế làm việc.
BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?
Ngoài niềm yêu thích tiếng Anh, chị có thể cho biết những lý do khác khiến chị quyết chọn học ngành giảng dạy tiếng Anh ở bậc Đại học?
Mình đam mê tiếng Anh từ nhỏ và rất thích cảm giác được đứng trên lớp truyền cảm hứng cho người học và giúp họ tự tin hơn về khả năng tiếng Anh của mình. Chính vì vậy mà khi được hỏi muốn làm nghề gì thì lựa chọn của mình luôn là giáo viên tiếng Anh
Chúng ta đều biết người giỏi tiếng Anh chưa chắc đã dạy tiếng Anh giỏi. Theo chị, ngoài việc phải trau dồi ngôn ngữ thì các bạn sinh viên cần phải cải thiện và học hỏi thêm kĩ năng gì để có thể làm tốt công việc dạy tiếng Anh?
Để dạy tốt thì ngoài việc không ngừng trau dồi kiến thức thì mình nghĩ các bạn sinh viên cần phải có ba kĩ năng quan trọng sau đây.
Kĩ năng giao tiếp với học viên: Hiện nay rất nhiều trường lớp vẫn áp dụng phương pháp dạy ‘teacher-centered’ – có nghĩa trong lớp giáo viên là trung tâm. Với phương pháp này, sự tương tác giữa giáo viên và học viên rất hạn chế vì học viên chủ yếu lắng nghe và làm theo hướng dẫn. Từ đó, người học trở nên e dè và ngại ngùng khi tương tác với bạn cùng lớp và giáo viên. Để tạo ra môi trường học tiếng Anh tốt thì lớp học tiếng Anh cần lấy học viên làm trung tâm (student-centered) và tối đa hóa tương tác giữa học viên và giáo viên. Phương pháp này yêu cầu giáo viên sẽ phải giao tiếp, trao đổi với học viên nhiều hơn nên sẽ khiến họ cảm thấy thoải mái, tự tin hơn khi giao tiếp với bằng tiếng Anh.
Kĩ năng quản lý lớp học: Đa số các lớp học tiếng Anh đều có 10 học viên trở lên nên giáo viên cần hiểu rõ từng học viên của mình để quản lý lớp học hiệu quả. Ví dụ như việc xếp học viên theo nhóm như thế nào để tối đa hóa hiệu quả học nhóm hoặc cách sắp xếp các hoạt động trong lớp hợp lí để học viên hiểu rõ mục đích của bài học và đạt được mục tiêu chính mà giáo viên đưa ra trong mỗi buổi học.
Cuối cùng là ‘Empathic intellegence’ – khả năng nhìn nhận vấn đề bằng cách đặt mình vào vị trí và hoàn cảnh của người khác. Để có một môi trường học tiếng Anh tốt thì cần phải có sự kết nối và hợp tác giữa học viên và giáo viên. Điều này yêu cầu và học viên và giáo viên phải có sự đồng cảm. Giáo viên cần biết quan sát, theo dõi và lắng nghe học viên để phân tích, xử lí vấn đề một cách logic nhằm xây dựng sự tin tưởng và tôn trọng của người học.
Chị có cho rằng các bạn sinh viên phải du học về giảng dạy tiếng Anh không hay chỉ cần học trong nước là đủ? Vì sao?
Mình nghĩ nếu có thể theo học ngành giảng dạy tiếng Anh ở các nước sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thì sinh viên không những được sống trong môi trường tiếng Anh mà còn có thể mở rộng hiểu biết của mình về ngôn ngữ này hơn. Ngoài ra, các bạn sinh viên cũng được tiếp cận với môi trường học và cách giảng dạy khác để từ đó tìm ra phương pháp giảng dạy mà bản thân cảm thấy phù hợp và hiệu quả nhất.
Tại sao chị chọn Anh là địa điểm du học ngành giảng dạy tiếng Anh mà không phải là Mỹ hay Úc? Chất lượng đào tạo ngành này ở Anh có điểm gì nổi bật và khác biệt?
Mình không đi du học ở Úc hay Mỹ nên sẽ chỉ đưa ra nhận xét, đánh giá về du học Anh về ngành này. Mình sang Anh du học sau khi nhận được học bổng A-levels và từ đó trở đi quyết định theo học ngành giảng dạy tiếng Anh ở đây. Một phần vì quen với cuộc sống ở đất nước này nhưng lí do chính là vì môi trường học ngành English Studies for Teaching của trường đại học Buckingham rất khác biệt. Số lượng học viên mỗi lớp ít hơn rất nhiều so với các trường đại học khác. Ví dụ như lớp mình học không quá 10 người nên học viên có thể trao đổi với giáo viên nhiều hơn. Đối với học sinh quốc tế như mình thì đây là một lợi ích rất lớn. Ngoài ra, thị trấn Buckingham còn khá yên bình và mọi người cũng thân thiện nên mình dễ tập trung học hơn.
Các bạn sinh viên bắt buộc phải có tố chất gì nếu muốn trở thành giáo viên dạy tiếng Anh?
Tố chất thì rất nhiều nhưng mình xin nhấn mạnh một số yếu tố quan trọng nhất:
-
Niềm đam với ngôn ngữ và sự nghiêm khắc với bản thân để không ngừng trau dồi kiến thức và cải thiện kĩ năng tiếng Anh của mình.
-
Người dạy phải có tâm với nghề thay vì dạy học kiểu thương mại hóa.
-
Kiên nhẫn và đồng cảm.
-
Phải sáng tạo. Có không ít giáo viên dạy theo sách giáo khoa và ít có sự thay đổi về tài liệu giảng dạy. Tuy nhiên, không có học viên nào giống nhau nên có lớp học khá trầm và có lớp học lại rất sôi nổi. Vì vậy giáo viên cần phải chỉnh sửa chương trình giảng dạy để phù hợp với đối tượng học.
TUYỂN DỤNG/CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP
Chị có thể cho biết các nhà tuyển dụng thường chọn ứng viên dựa trên tiêu chí gì? Yêu cầu TOEFL/ IELTS / CELTA…? Chị đã có kinh nghiệm xin việc ở cả Anh và VN, chị có thể chia sẻ sự khác biệt trong quá trình tuyển dụng ở 2 quốc gia này?
Điều kiện cơ bản mà các trường học, trung tâm có quy mô khá lớn thường đưa ra là bằng CELTA. Khi 22 tuổi mình có dạy ở ACET thì chứng chỉ CELTA của Cambridge và bằng cử nhân chuyên ngành là 2 yêu cầu cơ bản. Ở thời điểm đó thì đối với những ai học trong nước thì cần phải có cả bảng điểm IELTS.
Sau khi hoàn thành xong khóa Thạc sĩ ngành Ngôn ngữ học Ứng dụng thì mình dạy khóa English for Academic Purposes (tiếng Anh dành cho mục đích học thuật) ở đại học Sunderland dành cho các sinh viên quốc tế cần cải thiện tiếng Anh trước khi học Cử nhân, Thạc sĩ. Điều kiện xin việc giảng dạy ở các trường đại học bên Anh thường là bằng CELTA, bằng Cử nhân, Thạc sĩ chuyên ngành và kinh nghiệm giảng dạy trước đó.
Ngoài ra, vòng phỏng vấn cũng có nhiều câu hỏi và tình huống bất ngờ yêu cầu người xin việc không những phải có kiến thức chuyên môn mà còn phải nghiên cứu, nắm được thông tin về nhà tuyển dụng cũng như tiêu chí mà họ đặt ra mới có thể giải quyết được.
>> Thạc sĩ TESOL: Làm sao để lựa chọn chương trình phù hợp?
Người Việt có xu hướng thích học người nước ngoài, điều này có gây khó khăn gì cho chị trong quá trình xin việc hay không dù chị có bằng cấp của nước ngoài?
Có rất nhiều trung tâm ‘sính ngoại’ thay vì chú trọng vào kĩ năng sư phạm của người xin việc. Nếu chỉ ‘sính ngoại’ và nhận giáo viên bản xứ mà không xét đến bằng cấp và kĩ năng sư phạm của họ thì mình nghĩ cũng không nên xin việc ở những trung tâm như vậy. Bản thân mình cũng đã từng rất lo khi xin việc ở đại học Sunderland sau khi hoàn thành khóa học vì phải cạnh tranh với những ứng viên người bản xứ. Tuy nhiên, mình đam mê ngôn ngữ này và khá tự tin với kiến thức chuyên môn của mình nên thể hiện rất tốt trong lần phỏng vấn xin việc và được nhận vào làm. Mình nghĩ nếu có bị ‘từ chối’ bởi những trung tâm ‘sính ngoại’ nói ở trên thì các bạn không nên cho đó là thất bại mà hãy lấy đó làm cơ hội để chọn nhà tuyển dụng coi trọng tài năng của bạn.
Chị có thể gợi ý cho độc giả HCVN một số nguồn tìm việc của nghề này?
Các bạn có thể vào trang TEFL để cập nhật những công việc giảng dạy ở các nước trên thế giới trong đó có cả Việt Nam.
Lời khuyên của chị cho các bạn muốn “dấn thân” trong lĩnh vực này mà chưa hề có kinh nghiệm là gì? Nên thử sức mình ở đâu và như thế nào?
Có câu ‘Pratice makes perfect’ nên các bạn chưa có kinh nghiệm có thể bắt đầu bằng việc gia sư hoặc trợ giảng và nên đọc sách chuyên môn để có thêm hiểu biết. Mình ngoài việc mở lớp giảng dạy IELTS ở Hà Nội thì còn tạo điều kiện cho một số cựu học viên có tiềm năng và đam mê với nghề làm trợ giảng. Trong đó có một cựu học viên đạt 8.5 IELTS được mình nhận làm trợ giảng khoảng 6 – 7 tháng trước khi sang học chuyên ngành tiếng Anh ở UK. Bạn ấy hoàn thành vai trò làm trợ giảng rất tốt và tự tin hơn rất nhiều.
NHỮNG GÌ ĐƯỢC HỌC VS. THỰC TẾ LÀM VIỆC
Được biết chị đã từng dạy tiếng Anh trực tuyến. Chị có thể chia sẻ thuận lợi cũng như khó khăn khi giảng dạy và học tập theo hình thức này?
Về thuận lợi thì mình nghĩ dạy trực tuyến có thể giúp nhiều học viên từ các tỉnh thành khác nhau. Tuy nhiên, bất lợi rất lớn là đường truyền internet không ổn định và tương tác trong lớp bị hạn chế. Đối với những bạn mới học tiếng Anh thì cần có môi trường học tối đa hóa tương tác giữa học viên và giáo viên. Học online nhiều khi không tránh khỏi phân tâm nên những đối tượng học online ngoài việc có đường truyền internet ổn định thì cần có nơi học yên tĩnh, khả năng tập trung cao độ, tinh thần tự giác và quyết tâm cao.
Ngoài ra, chị cũng có kinh nghiệm dạy tiếng Anh cho người nước ngoài đến từ Ý, Trung Quốc,… Chị có thể chia sẻ những khó khăn và thử thách khi dạy tiếng Anh cho đối tượng này so với các bạn Việt Nam?
Khi mình dạy học sinh đến từ Ý độ tuổi 14 – 17 thì thấy khó khăn lớn nhất là khiến những học sinh này tập trung vào bài học và tôn trọng giáo viên. Mình thuộc tuýp người nhỏ con còn các học sinh này rất cao to nên rất dễ bị học sinh lấn át. Đối với nhóm sinh viên Trung Quốc cũng vậy, đa số đều to và nhìn già hơn so với tuổi nên nhiều khi nhìn lại ảnh chụp kỉ niệm mà không biết đâu là cô giáo đâu là học sinh. Tuy nhiên, khi đứng lớp mình rất nghiêm khắc và có kỉ cương rõ ràng nên dù cô giáo có bé nhỏ thì học viên vẫn tôn trọng.
Một khó khăn khác là sự khác biệt trong cách tư duy. Rất nhiều học viên khi mới vào học rất lười suy nghĩ và khi viết thường có ý tưởng khá giống nhau. Vậy nên việc giúp các học viên phát triển kĩ năng tư duy, lập luận không hề dễ và mất khá nhiêu thời gian. Chính vì vậy mà để giảng dạy hiệu quả cho những đối tượng này cần phải kiên nhẫn và sáng tạo trong phương pháp dạy.
>> 9 công việc trả lương để bạn chu du thế giới
Trong thời gian chị dạy tiếng Anh ở trung tâm, giáo án giảng dạy thường do phía trung tâm chịu trách nhiệm hay chị phải tự soạn?
Khi dạy ở trung tâm hay các trường đại học thì giáo viên thường sẽ theo một giáo án nhất định. Ở một số trung tâm thì giáo án rất chi tiết như dạy những gì, theo trình tự nào và dùng hoạt động nào trong lớp học. Tuy nhiên, mình không thích dạy kiểu rập khuôn nên khi còn dạy ở trung tâm mình thích tự soạn bài giảng nhưng vẫn đảm bảo đạt mục tiêu mà chương trình học đưa ra.
Theo chị thì dạy tiếng Anh như thế nào là hiệu quả nhất?
Theo mình không có một phương pháp dạy tiếng Anh hiệu quả nhất định. Lí do vì mỗi người học có nhu cầu và ưu, nhược điểm khác nhau. Một phương pháp có thể hiệu quả đối với nhóm học viên này nhưng không có nghĩa là sẽ hiệu quả với nhóm học viên khác. Giáo viên cần phải hiểu rõ học viên để giúp họ phát huy ưu điểm và khắc phục dần nhược điểm của mình.
Áp lực công việc trong nghề này như thế nào? Được và mất khi chị làm công việc dạy tiếng Anh là gì?
Chấm bài và soạn bài là hai trong số những áp lực lớn nhất. Để soạn ra chương trình học phù hợp thì giáo viên cần nghiên cứu rất nhiều. Khi dạy xong thì phải chấm bài, căng thẳng nhất là phải chấm bài nào nhiều lỗi sai vì viết ẩu hoặc do không nghe kĩ bài giảng trên lớp. Tuy nhiên, niềm vui đến với mình khi thấy được sự tiến bộ của học viên trong quá trình học, sự tự tin của các em và khi học viên thông báo kết quả thi tốt và chia sẻ tin vui khi du học.
Hiện tại, chị đang điều hành một trung tâm Anh ngữ riêng tên là “IELTS and beyond”. Theo chị, ngoài chuyên môn là cái bắt buộc phải có thì còn cần những yếu tố và điều kiện gì để có thể thành lập một trung tâm Anh ngữ của riêng mình?
‘IELTS and Beyond’ không phải là trung tâm mà là một lớp học qui mô nhỏ do mình mở ra với mục đích giúp học viên trang bị những kiến thức và kĩ năng cần có cho kì thi IELTS và còn có thể áp dụng được những kĩ năng này khi du học.
Để đảm bảo chất lượng và uy tín lớp học thì ngoài việc có phương pháp giảng dạy tốt và kiến thức chuyên môn thì giáo viên cần phải nói không với ‘thương mại hóa’ bằng việc giới hạn số lượng học viên mỗi lớp và đánh giá trình độ học viên thật kĩ lưỡng. Về số lượng học viên, mỗi lớp mình dạy không quá 10 người để tối đa hóa tương tác giữa học viên và giáo viên. Đây là điều rất quan trọng vì học viên rất cần nhận xét, đánh giá chi tiết của giáo viên khi học kĩ năng Speaking và Writing. Nếu một lớp học quá đông thì giáo viên sẽ khó mà chỉ ra lỗi sai và sửa bài cho từng học viên nên không giúp học viên khắc phục được nhiều vấn đề gặp phải.
Đối với qui trình kiểm tra đầu vào, giáo viên cần phải đưa ra tiêu chí đánh giá học viên rõ ràng. Đầu tiên là việc chọn bài kiểm tra đầu vào phù hợp để giúp giáo viên hiểu rõ khả năng tiếng Anh của học viên ở mức nào và xếp học viên vào lớp học phù hơp. Ví dụ nếu chỉ yêu cầu học viên làm bài trắc nghiệm thì sẽ khó mà phân tích được ưu, nhược điểm của người học.
Ngoài khả năng tiếng Anh thì một tiêu chí nữa mình đặt ra là ý thức học. Nếu trình độ đầu vào đạt yêu cầu nhưng ý thức học kém thì sẽ ảnh hưởng đến các bạn học cùng lớp và không giúp học viên phát huy tối đa khả năng của mình.
MỘT SỐ CÂU HỎI NGOÀI LỀ
Những “bệnh nghề nghiệp” trong nghề này theo chị là gì?
Đối với mình thì là dùng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Mình học tập và làm việc ở Anh gần 10 năm nên đa số thời gian từ hồi đi du học đến giờ mình sử dụng tiếng Anh và chỉ dùng tiếng Việt khi nói chuyện với bố mẹ hay anh chị em trong nhà. Khi dạy sử dụng tiếng Anh và về đến nhà thì cũng dùng tiếng Anh nói chuyện với chồng.
Nếu có thể khuyên các bạn sinh viên muốn theo đuổi nghề này một câu duy nhất, chị sẽ khuyên câu gì?
Vì vợ chồng mình đều là giáo viên tiếng Anh nên có cùng lời khuyên là “Set high standards for yourself so that you can develop a reputation for reliability”. Câu này xin để nguyên văn sẽ hay hơn là dịch sang tiếng Việt.
Các bạn có thể đọc thêm các bài viết về học tiếng Anh của cô giáo San tại hồ sơ tác giả của cô.
>> Top 12 nơi lý tưởng nhất cho công việc dạy tiếng Anh
>> Dạy tiếng Anh: Vẫn làm tốt nếu không có bằng Sư phạm!
HCVN chân thành cảm ơn chị San rất nhiều!
Profile nhân vật:
San Duong Adams
- Tốt nghiệp Cử nhân ngành Giảng dạy tiếng Anh của Đại học Buckingham
- Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Ngôn ngữ học Ứng dụng của Đại học Newcastle
- Hiện đang điều hành lớp học “IELTS and Beyond” ở Hà Nội
- Website: www.IELTSandBeyond.com
- Facebook: Virtual English Lessons with San Adams