Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) là đại học chuyên ngành kỹ thuật đầu ngành tại Việt Nam. Trực thuộc Bộ giáo dục và Đào tạo và được xếp vào nhóm các đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam. Hơn 60 năm xây dựng và đổi mới phát triển, Đại học Bách Khoa Hà Nội ngày càng trở nên vững mạnh và chiếm được lòng tin của các bậc phụ huynh và sinh viên. Năm 2014, trường đứng đầu Việt Nam về chỉ số đổi mới, sáng tạo trong bảng xếp hạng Scimago. Cùng Huongnghiepcdm khám phá có gì bên trong ngôi trường nổi tiếng này nhé !
Tổng quan về Đại học Bách khoa Hà Nội
Giới thiệu chung
- Tên Trường : Đại học Bách khoa Hà Nội
- Tên tiếng Anh: Ha Noi University of Science and Technology
- Mã trường: BKA
- Loại trường: Công lập
- Hệ đào tạo: Đại học – Sau đại học – Văn bằng 2 – Tại chức – Liên kết nước ngoài
- Địa chỉ: Số 1 Đại Cồ Việt, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
- SĐT: 024 3869 4242
- Website: https://www.hust.edu.vn/
- Fanpage Facebook: https://www.facebook.com/dhbkhanoi/
Lịch sử phát triển
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được thành lập theo Nghị định số 147/NĐ vào ngày 6-3-1956 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyên Văn Huyên ký. Đây là trường đại học kỹ thuật đầu tiên của nước ta, có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư công nghiệp cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam. Cùng điểm qua các giai đoạn lịch sử của nhà trường:
- Ngày 6/3/1956: Bộ trưởng Giáo dục quốc gia Nguyễn Văn Huyên ký Nghị định số 147/NĐ về việc thành lập trường Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa.
- Ngày 15/3/1960: Khởi công xây dựng trụ sở tại đường Đại Cồ Việt do Liên Xô tài trợ.
- Năm 1965: Trường ĐHBK Hà Nội gồm 7000 người cùng hàng trăm tấn thiết bị, đồ dùng học tập thực hiện cuộc hành quân lịch sử rời Hà Nội (khu A) sơ tán lên Lạng Sơn (khu C) lấy tên là Trường văn hóa Hà Huy Tập
- 1966 -1967: Chính phủ quyết định tách 2 khoa Xây dựng và Mỏ-Địa chất tách thành trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Mỏ – Địa chất. Các bộ môn Dệt và Thực phẩm tách thành trường Đại học Công nghiệp nhẹ.
- 1969 – 1970: Từ khu C Lạng Sơn trở về Trường.
- Năm 1972: Sơ tán lần 2 về Hưng Yên và Hà Bắc.
- Năm 1977: Trường Công nghiệp nhẹ sát nhập lại vào trường Đại học Bách khoa Hà nội.
- Năm 2021: Thành lập 3 Trường Cơ khí, CNTT-TT, Điện-Điện tử thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội.
Thành tích đạt được
- Năm 2012: Vào bảng xếp hạng Scimago về hoạt động NCKH ở các trường/viện nghiên cứu.
- Năm 2015: Trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội AOTULE.
- Năm 2016: Xếp hạng 1 Việt Nam và hạng 577 Thế giới trong bảng xếp hạng SCImago.
- Năm 2017: Xếp hạng 1 Việt Nam trong bảng xếp hạng Webometrics.
- Năm 2019: 3 nhóm ngành trong Top 401 – 550 thế giới – QS WUR 2019.
- Top 301-400 thế giới trong lĩnh vực Kỹ thuật và công nghệ – THE WUR 2020.
- Top 801-1000 thế giới các trường ĐH tốt nhất – THE WUR 2020.
- Năm 2020: 4 nhóm ngành trong Top 351 – 500 thế giới – QS WUR 2020.
- Top 300 thế giới các trường ĐH tốt nhất tại các nước có nền kinh tế mới nổi – THE Emerging Economies University Rankings 2020.
- Top 200 trường đại học trong “độ tuổi vàng” tốt nhất thế giới – THE Golden Age University Rankings 2020.
- Top 33 thế giới về lĩnh vực Năng lượng sạch và chi phí hợp lý THE Impact Rankings 2020.
Mục tiêu phát triển
Đại học Bách khoa Hà Nội nỗ lực với mục tiêu đến năm 2025:
- Phát triển thành một đại học nghiên cứu đa lĩnh vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, trong đó các đơn vị chuyên môn được tổ chức thành một số trường và khoa; viện và trung tâm nghiên cứu trực thuộc.
- Xây dựng hình mẫu thành công, phát triển bền vững của một đại học tự chủ toàn diện với mô hình quản trị tiên tiến, hệ thống tài chính vững mạnh, hạ tầng khuôn viên và cơ sở vật chất hiện đại ngang tầm khu vực.
- Xây dựng môi trường học thuật sáng tạo, cởi mở và quốc tế hóa; thu hút sinh viên ưu tú, học giả xuất sắc trong nước và quốc tế đến học tập, nghiên cứu và làm việc.
- Nâng chất lượng của tất cả các chương trình đào tạo đạt mức cao theo các tiêu chuẩn kiểm định khu vực hoặc quốc tế; đưa Trường lên nhóm đầu khu vực theo xếp hạng khả năng việc làm của người tốt nghiệp.
- Hình thành một trung tâm sáng tạo công nghệ xuất sắc của khu vực, thu hút mạnh tài trợ và đầu tư của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; đưa Trường lên nhóm đầu khu vực theo xếp hạng năng lực sáng tạo.
Cơ sở vật chất HUST
Cơ sở vật chất của HUST chính là thế mạnh đầu tiên nếu ai muốn theo học ngôi trường này. Trường đã đầu tư cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại phục vụ cho công tác dạy học và nghiên cứu khoa học. 80% giảng đường được đầu tư hệ thống điều hòa công suất lớn với máy chiếu hiện đại, đảm bảo sức khỏe cho sinh viên yên tâm học tập. Hệ thống phòng thí nghiệm đồng bộ với trang thiết bị máy móc hiện đại.
-
- Khuôn viên Trường có tổng diện tích 26 ha (lớn nhất trong các trường đại học khu vực nội thành Hà Nội
- Hơn 200 giảng đường, phòng học, hội trường lớn và hệ thống phòng hội thảo; gần 200 phòng thí nghiệm, trong đó có 12 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và khoảng 20 xưởng thực tập, thực hành.
- Toàn bộ giảng đường được trang bị đầy đủ điều hòa và thiết bị giảng dạy cùng hệ thống wifi miễn phí trong khuôn viên Trường.
- Thư viện điện tử Tạ Quang Bửu với diện tích 37.000 m2, có thể phục vụ đồng thời 2.000 sinh viên với 600.000 cuốn sách, 130.000 đầu sách điện tử. Sinh viên được truy cập miễn phí CSDL từ các nguồn như Science Driect, Scopus…
- Khu ký túc xá với 420 phòng, đủ khả năng đáp ứng chỗ ở cho khoảng 4500 sinh viên.
- Khu liên hợp thể thao có diện tích 20.000m2 với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm: sân bóng, bể bơi, sân tennis tiêu chuẩn quốc gia và nhà thi đấu đa năng tiêu chuẩn Đông Nam Á.
Chương trình đào tạo và cơ hội việc làm
Đội ngũ giảng viên tại HUST
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có đội ngũ, viên chức trình độ chuyên môn cao, có bề dày kinh nghiệm, tâm huyết trong hoạt động đào tạo nghiệp vụ và quản lý, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Tính đến tháng 01/2021, đội ngũ cán bộ của Trường có 1.748 cán bộ, giảng viên. Phần lớn giảng viên của Trường được đào tạo từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới (Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Nhật Bản…), trong đó gần 74% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên (đạt tỷ lệ cao nhất trong các cơ sở đào tạo tại Việt Nam). Cụ thể:
- Giáo sư: 23
- Phó Giáo sư: 217
- Tiến sĩ: 790
Cấu trúc chương trình đào tạo
Tại đại học Bách khoa Hà Nội, đặc điểm chung là các chương trình đào tạo được xây dựng theo chuẩn quốc tế, định hướng ngành rộng, cung cấp các kiến thức nền tảng và cốt lõi, chú trọng các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và khả năng thích ứng của người học trong môi trường quốc tế.
Chương trình đào tạo Cử nhân kỹ thuật có mục tiêu và nội dung được xây dựng theo hướng kiến thức nền tảng cơ bản, kiến thức cơ sở chuyên môn vững chắc để có thể thích ứng tốt với lĩnh vực rộng của ngành học, chú trọng đến năng lực thiết kế và phát triển hệ thống, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật.
Chương trình Cử nhân có thể tốt nghiệp đại học trong thời gian 4 năm, bao gồm Cử nhân kỹ thuật, Cử nhân khoa học (ngành Hóa học), Cử nhân nhóm ngành Kinh tế-Quản lý và Cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh.
Chương trình tích hợp Cử nhân-Thạc sĩ (5,5 năm) hoặc Cử nhân-Kỹ sư (5 năm) với mong muốn có được các kiến thức chuyên môn sâu, năng lực chuyên môn vững chắc để trở thành các kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, nhà quản lý, doanh nhân, giảng viên đại học, nhà nghiên cứu, vv.
Các chương trình tiên tiến được giảng dạy bằng tiếng Anh với các ngành: Kỹ thuật Cơ điện tử; Kỹ thuật Ô tô; Khoa học và Kỹ thuật vật liệu; Công nghệ thông tin (ICT); Kỹ thuật Điều khiển, tự động hóa và hệ thống điện; Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông và Kỹ thuật y sinh.
Cơ hội việc làm sau khi ra trường
Theo như kết quả khảo sát được đăng tải chính thức trên trang web của ĐH Bách Khoa Hà Nội gần đây nhất mà Edureview cập nhật được thì 91% sinh viên HUST ra trường làm đúng ngành sau 6 tháng ra trường, chỉ 4% quyết định học lên các bằng cấp cao hơn, và chỉ 5% là chưa có việc làm.
Đại học Bách khoa Hà Nội là trường kỹ thuật đa ngành tốp đầu của Việt Nam, một trong 13 thành viên của Hiệp hội các trường đại học kỹ thuật hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương AOTULE (Asia-Oceania Top University League on Engineering), chính vì vậy sinh viên tốt nghiệp sau khi ra trường với tấm bằng đại học tại đây sẽ có vô vàng doanh nghiệp liên hệ tuyển dụng.
Bên cạnh đó, nhà trường thường tổ chức rất nhiều ngày hội việc làm. Với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và các nhà tuyển dụng. Nhằm giúp sinh viên tiếp cận và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên. Trọng tâm là các lĩnh vực, ngành nghề kỹ thuật – công nghệ. Đặc biệt là các ngành công nghệ cao, công nghệ 4.0.
Thông tin tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội 2023
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến: 7.985 sinh viên
Nhà trường dự kiến tuyển sinh 2023 theo 3 phương thức tuyển sinh sau:
-
- Phương thức xét tuyển tài năng (XTTN) chiếm 20 – 30% tổng chỉ tiêu
- Phương thức xét tuyển dựa theo kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy (ĐGTD) chiếm 60 – 70% tổng chỉ tiêu
- Phương thức xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 (THPT) chiếm 30 – 40%
Học phí tại HUST
Học phí đại học Bách Khoa Hà Nội (học phí HUST) sẽ được quy định tùy theo từng nhóm ngành và chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học và không vượt quá mức 10%/năm học đối với từng chương trình đang triển khai đào tạo để phù hợp lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo vào học phí đến năm 2025.
Học phí năm học 2022-2023 dự kiến như sau:
-
- Chương trình Đào tạo CHUẨN khoảng 22 – 28 triệu đồng/năm.
- Chương trình ELiTECH khoảng 40 – 45 triệu đồng/năm.
- Chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp QUỐC TẾ khoảng 45 – 50 triệu đồng/năm.
- Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng khoảng 50 – 60 triệu đồng/năm.
Học bổng
- Học bổng khuyến khích học tập (KKHT): Nhà trường dành khoảng 60-70 tỷ đồng làm quỹ học bổng KKHT cho những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt.
- Học bổng Trần Đại Nghĩa: Học bổng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xét cấp cho sinh viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn (hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn khác), có kết quả học tập và rèn luyện tốt.
- Học bổng tài trợ: Hàng năm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhận được khoảng từ 5-7 tỷ đồng học bổng, giải thưởng từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Giải thưởng “Honda Yes”, học bổng Sumitomo, Samsung, Toyota, Microsoft, Kova, Mitsubishi, Nitori, Vallet, BIDV, VietinBank, PTSC,…
- Học bổng trao đổi sinh viên quốc tế: sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội có cơ hội nhận học bổng trao đổi sinh viên và học chuyển tiếp tại các trường đối tác quốc tế.
Hoạt động của sinh viên
Ngoài môi trường học tập tuyệt vời. HUSH còn là nơi lý tưởng để phát triển kỹ năng thông qua các hoạt động ngoại khóa sôi nổi của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Nhà trường.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức nhiều hình thức hoạt động phong phú, khuyến khích sinh viên tích cực học tập và tham gia các phong trào của trường tổ chức. Nhà trường hiện có gần 60 câu lạc bộ sinh viên trực thuộc Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên và các Khoa, Viện trực thuộc, trong đó có hơn 40 CLB học thuật hoạt động tích cực (như CLB tiếng Trung, CLB Hoá học, CLB thuyết trình, CLB Yêu sách Bách Khoa, CLB Thư pháp, CLB Sinh viên NCKH,…). Các cuộc thi Olympic, Hội chợ việc làm được tổ chức thường xuyên có sự tham gia của đông đảo sinh viên.
Những năm gần đây, Đoàn trường đẩy mạnh việc phát triển kỹ năng cho sinh viên. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp và các trường đại học trong và ngoài nước nhằm chia sẻ kỹ năng, giao lưu học tập trải nghiệm.
Cựu sinh viên nổi bật
Sự thành công của HUST không gì khác hơn sự thành công của các anh chị cựu sinh viên. Niềm tự hào của trường đại học cũng đến một phần lớn từ cựu sinh viên. Bởi vì thông qua họ, cộng đồng có được cái nhìn chân thực nhất về những giá trị mà trường đại học mang lại cho xã hội. Cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành công và mang lại nhiều giá trị tích cực đến cho xã hội có thể kể đến như:
- Nguyễn Hà Đông (sinh năm 1985 tại Hà Nội) là tác giả của trò chơi trên smartphone nổi tiếng toàn cầu Flappy Bird từng được tải đến 2-3 triệu lượt mỗi ngày.
- Shark Hưng – Phạm Thanh Hưng sinh năm 1972. Hiện đang là chủ tịch công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Thế Kỷ CENINVEST, Phó Chủ tịch hội đồng quản trị CENGROUP.
- Ông Hoàng Việt Anh – Tổng Giám đốc Công ty Phần mềm FPT
Lời kết
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học kỹ thuật hàng đầu miền Bắc và là ngôi trường đại học trọng điểm quốc gia. Từ khi thành lập đến nay HUST đã đào tạo ~ 35.000 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh 65 chuyên ngành đại học, 47 chuyên ngành cao học, 32 chuyên ngành tiến sĩ. Hợp tác với hơn 200 trường Đại học, Trung tâm nghiên cứu khoa học và tổ chức Giáo dục của 32 quốc gia. Tạo điều kiện cho 500 cán bộ, sinh viên học tập, nghiên cứu, trao đổi quốc tế.
Với đội ngũ giảng viện giàu kinh nghiệm, cùng với chất lượng đào tạo được công nhận đạt chuẩn quốc tế. HUST thực sự là một sự lựa chọn tuyệt vời cho khoảng thời gian thanh xuân của bạn. Trên đây là toàn bộ thông tin về trường Đại học Bách khoa Hà Nội mà Huongnghiepcdm tìm hiểu được. Mong rằng với những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về HUST cũng như các ngành nghề được đào tạo tại trường. Từ đó có thể chọn được cho mình chuyên ngành mà bản thân mình yêu thích nhất.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Đại Học Bách Khoa Hà Nội – HUST của Huongnghiepcdm nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.
Nguồn: https://edureview.vn/review/dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-hust