Hầu hết mọi người hẳn đã từng nghe đến nghề “chuyên viên tư vấn tài chính” nhưng không phải ai cũng hiểu đầy đủ mọi khía cạnh liên quan đến công việc này. Nếu bạn cảm thấy hứng thú với vị trí “chuyên viên tư vấn tài chính” thường xuyên làm việc với đồng tiền thì hãy tham khảo bài viết dưới đây để nắm được những yêu cầu cơ bản từ khi bắt đầu sự nghiệp đến thực tế làm nghề.
Muốn làm chuyên viên tư vấn tài chính thì phải học ngành gì?
Bạn có thể theo đuổi một số nghề bằng cách “trăm hay không bằng tay quen” hay nói cách khác là không cần qua trường lớp. Tuy nhiên riêng với công việc liên quan đến tiền bạc như chuyên viên tư vấn tài chính thì bạn buộc phải có ít nhất bằng Cử nhân về các ngành liên quan như Quản trị Kinh doanh, Kế toán hoặc Tài chính. Khách hàng chắc chắn sẽ khó đặt niềm tin để nghe lời tư vấn của một người chưa từng trải qua một trường lớp chính quy nào về tiền tệ.
Trong quá trình học Cử nhân, bạn sẽ có cơ hội tham gia chương trình thực tập tại các công ty tài chính để học hỏi kinh nghiệm cũng như xác định xem bản thân có thực sự phù hợp với hướng đi này không. Vì lẽ đó nên con đường học tập một cách quy củ luôn đem đến cho bạn nhiều lợi ích trong sự nghiệp tương lai. Sau khi tốt nghiệp, nếu muốn tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường việc làm thì bạn có thể phải học thêm một số chứng chỉ chuyên môn bổ trợ nghề để làm đẹp CV và tạo niềm tin với khách hàng tiềm năng. Một số chứng chỉ đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm thực chiến thì mới được học nên nhìn chung thì nếu muốn theo nghề này bạn sẽ phải học, học nữa, học mãi.
>> Phân biệt Kinh tế, Tài chính và Quản trị Kinh doanh
Nên học các ngành liên quan đến tài chính ở đâu?
Ở Việt Nam có nhiều trường đại học chính quy uy tín đào tạo các ngành liên quan đến tài chính như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc tế, Đại học Ngoại thương, Đại học Ngân hàng TP.HCM, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng,… Nhưng nếu có cơ hội, bạn hoàn toàn có thể cân nhắc định hướng du học ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển dẫn đầu thế giới nhằm góp nhặt những điều hay.
Ví dụ như nếu bạn muốn theo học ngành Tài chính thì dưới đây là một số trường đại học nổi trội ở nước ngoài để bạn và gia đình tham khảo:
Úc:
-
Deakin University
-
University of Canberra
-
University of Wollongong
-
Griffith College
-
Edith Cowan University
Canada:
-
University of Northern British Columbia
-
Trent University
-
Lakehead University
-
George Brown College
-
NorQuest College
Anh:
-
International College Portsmouth
-
University of York
-
ONCAMPUS Reading
-
Manchester Metropolitan University
-
University of Roehampton
Mỹ:
-
George Washington University
-
University of Illinois Chicago
-
New Jersey Institute of Technology
-
Texas Tech University
-
University of Cincinnati
Trong trường hợp bạn cảm thấy khó khăn trong việc chọn trường đại học phù hợp để du học ngành Tài chính thì có thể liên hệ trung tâm IDP để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Công việc hàng ngày của chuyên viên tư vấn tài chính là gì?
Trách nhiệm của chuyên viên tư vấn tài chính nôm na là giúp khách hàng đưa ra các quyết định sử dụng tiền đúng đắn sao cho đạt được mục tiêu cá nhân. Tất nhiên mục đích của mỗi khách hàng sẽ khách nhau nên hướng tư vấn phải linh động thay đổi phù hợp với từng hoàn cảnh. Một số công việc hàng ngày của chuyên viên tư vấn tài chính bạn có thể tham khảo như:
-
Tổng hợp thông tin về thu nhập, chi tiêu, hợp đồng bảo hiểm, thuế, rủi ro tài chính và các yếu tố khác của khách hàng để vạch ra kế hoạch sử dụng tiền phù hợp
-
Trả lời thắc mắc của khách hàng về chiến lược đầu tư
-
Xem xét lại hồ sơ của khách hàng sau khi nhận thông báo về thay đổi trong cuộc sống của họ như kết hôn, sinh con và chuyển việc
-
Tìm kiếm nguồn khách hàng mới
-
Theo dõi xu hướng thị trường tài chính
-
Tìm tòi các cơ hội đầu tư phù hợp cho khách hàng
Các chuyên môn của công việc tư vấn tài chính là gì?
Một số chuyên môn phổ biến của nghề tư vấn tài chính bao gồm đầu tư cổ phiếu, kế hoạch nghỉ hưu, giáo dục, tất toán thuế, bảo hiểm và bất động sản. Thông thường một chuyên viên tư vấn tài chính sẽ chọn một mảng thế mạnh để theo đuổi trong công việc. Đối với một số sự kiện có quy mô lớn, như đám cưới chẳng hạn, thì một số khách hàng vẫn có thể tìm đến tư vấn viên tài chính để nhờ vạch ra kế hoạch chi tiêu phù hợp và hiệu quả với ngân sách hiện có.
Cần có các tố chất gì để làm chuyên viên tư vấn tài chính?
Kỹ năng truyền đạt, thuyết phục và chăm sóc khách hàng
Dù bạn tư vấn cho khách hàng về định hướng đầu tư bất động sản hay kế hoạch nghỉ hưu thì toàn bộ quy trình đều khá phức tạp. Diễn giải cho khách hàng thuộc mọi trình độ có thể hiểu và tin tưởng không phải là chuyện đơn giản. Chuẩn bị tâm thế khách hàng sẽ luôn trong trạng thái đề phòng và nghi ngại những gì bạn tư vấn là điều nên làm vì kế hoạch bạn đưa ra sẽ ảnh hưởng đến hầu bao cũng như tương lai của họ. Vậy nên khả năng truyền đạt thông tin một cách chính xác, đủ sức thuyết phục để khách hàng nghe theo và luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của khách là các yếu tố quan trọng trong việc thành hay bại của bạn trong nghề.
Đạo đức nghề nghiệp
Nghề nghiệp nào cũng có những cám dỗ nhất định, nhất là với ngành nghề liên quan đến tiền bạc thì bạn luôn cần có một lý trí mạnh mẽ để biết rõ đúng sai nhằm tránh đưa ra những quyết định có lợi cho bản thân nhưng lại gây thiệt hại cho khách hàng. Bạn phải luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu trong mọi trường hợp để xây dựng sự uy tín về lâu về dài cho bản thân. Một lần bất tín trong nghề có thể khiến bạn không còn trụ được trong giới tài chính nữa.
Quản lý sổ sách
Thông thường thì cùng một lúc bạn sẽ phải làm việc với nhiều người nên kỹ năng quản lý sổ sách cẩn thận vô cùng quan trọng để tiết kiệm thời gian cho chính mình lẫn khách hàng. Điều này cũng có nghĩa vị trí tư vấn tài chính sẽ phải làm việc với giấy tờ và tài liệu nhiều nên chỉ phù hợp với những bạn không ái ngại việc đọc số liệu mỗi ngày.
>> 7 nghề nghiệp làm việc với tiền dành cho bạn
Nguồn tham khảo: Rasmussen, The Street