Bạn Lê Trung Hiếu – sinh viên trường Đại học Southampton – sẽ chia sẻ với chúng ta về lựa chọn nghề nghiệp của mình cũng như những lời khuyên về CV và phỏng vấn.
>> Chuyện tìm việc làm sau tốt nghiệp của du học sinh tại châu Âu
Bài phỏng vấn được thực hiện vào 25/3/2013 với SurgeRadio, đài phát thanh sinh viên của Đại học Southampton (đăng tải trên trang web của SurgeRadio) và lược dịch từ facebook của Hiếu.
Công việc Thiết kế tàu thuỷ và giàn khoan (Naval architect)
– Bạn đã học gì ở Southampton?
Tôi theo học chương trình Thạc sĩ tích hợp về Kĩ thuật trong vòng 4 năm ở Đại học Southampton. Tại đây tôi học trường Khoa học Tàu thuỷ (Ship Science School) với chuyên ngành Thiết kế tàu thủy và giàn khoan (hay gọi nôm na là ngành Vỏ). Sau khi tốt nghiệp, tôi theo chương trình đào tạo của London Offshore Consultants và hiện tại đang làm việc tại văn phòng Singapore.
– Công việc của bạn cụ thể là gì?
Công việc của tôi bao gồm 4 nhiệm vụ:
- Thiết kế (Design): Thiết kế các công trình thuộc các lĩnh vực hàng hải, ngoài khơi và năng lượng tái tạo, ví dụ như các tàu hỗ trợ giàn khoan, trang trại gió ngoài khơi, các giàn khoan dầu, các kho nổi, chứa, xử lý và xuất dầu (FPSO).
- Phân tích Nâng cao (Advanced Analysis): chẳng hạn như phân tích về thuỷ động lực học và sử dụng phương pháp phần tử hữu hạn (Finite Element Analysis).
- Điều tra tai nạn hàng hải (Casualty Investigation): điều tra các tai nạn ngoài biển như mắc cạn, va chạm hay lật tàu.
- Bảo đảm An toàn Hàng Hải (Marine Warranty Surveying): đánh giá các bản vẽ và đi khảo sát tại công trường, quyết định cung cấp chứng chỉ cho phép một hoạt động được tiếp tục hay dừng lại để đảm bảo độ an toàn của dự án.
– Trách nhiệm hằng ngày của bạn là gì?
Như tôi đã kể ở trên, hiện tôi đang trong năm đầu tiên của một chương trình đào tạo dài 4 năm. Do đó, công việc hàng ngày không giống nhau mà phụ thuộc vào dự án mà tôi đang tham gia. Có một số dự án yêu cầu sử dụng những phần mềm chuyên dụng như GHS, Moses hay các công cụ thiết kế ba chiều như Rhino3D. Những công việc khác lại đòi hỏi ứng dụng các quy tắc của đăng kiểm quốc tế như Lloyds Register (đăng kiểm Anh), Bureau Veritas (đăng kiểm Pháp), American Bureau of Shipping (đăng kiểm Mỹ) để tính toán tác động của hệ thống chằng buộc trong các cuộc điều tra tai nạn, …
Tất cả những công việc nói trên đều liên quan đến chương trình học của tôi tại Southampton, nhưng công việc cụ thể thì tôi lại chưa từng tiếp xúc. Vì vậy, có thể nói tôi phải tự học rất nhiều để có thể hoàn thành các dự án này. Tôi phải tự đọc hướng dẫn sử dụng phần mềm, tự thử nghiệm, học từ các đồng nghiệp lớn tuổi hơn – mặc dù họ rất bận nhưng họ luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc của tôi. Đây cũng chính là ý nghĩa của chương trình đào tạo mà tôi tham gia – các sinh viên mới ra trường phải học hỏi và tổng hợp kinh nghiệm để trở thành một chuyên gia tư vấn.
– Để đạt được vị trí như ngày hôm nay, bạn đã phải trải qua những gì?
Đó là một quá trình dài nên tôi không thể trả lời trong một bài phỏng vấn. Nói ngắn gọn thì từ năm đầu tiên, tôi đã nâng cao năng lực bản thân nhờ vào 2 điều.
Thứ nhất, tôi tạo nền tảng học thuật tốt bằng cách không bỏ sót một bài giảng nào trên lớp và nỗ lực giải quyết tất cả các vấn đề trong các bài tập được giao.
Thứ hai, tôi tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau với các vai trò như tình nguyện viên hay đại sứ sinh viên.
Đó là hai điều mà nhà tuyển dụng muốn thấy ở sinh viên mới ra trường.
– Nếu được chọn, bạn sẽ có 3 lời khuyên gì cho những ai đang muốn bước chân vào con đường của bạn?
- Thứ nhất, bạn sẽ phải đi lại rất nhiều để học hỏi kinh nghiệm. Vì vậy, nếu bạn không muốn di chuyển, tốt nhất bạn đừng nên tham gia vào ngành này.
- Thứ hai, bạn cần phải có kiến thức nền tảng tốt để có thể tính toán mà không cần đến máy tính. Đừng cười khi bạn thấy những câu hỏi yêu cầu tự lập công thức trong các bài kiểm tra, bởi điều đó sẽ giúp ích bạn rất nhiều trong tương lai.
- Thứ ba, bạn sẽ phải sử dụng nhiều phần mềm trong tương lai, do đó hãy bỏ thời gian thử qua một số phần mềm tại trường như AutoCAD, Solidwork, một số ngôn ngữ lập trình như Matlab, Pythons. Nghe có vẻ mất thời gian nhưng những kĩ năng này sẽ giúp bạn về sau rất nhiều.
Lời khuyên về CV và kĩ năng phỏng vấn
– Làm thế nào bạn chắc chắn rằng CV của mình sẽ nổi bật?
Theo tôi, một CV nổi bật phải có 3 đặc điểm.
Điểm thứ nhất nằm ở nội dung của CV. Để CV nổi bật, trước hết bạn cần phải là người nổi bật. Rõ ràng bạn không thể hi vọng rằng CV của bạn sẽ nổi bật nếu bạn không hề làm bất cứ việc gì. Chất lượng của CV đến từ trình độ học vấn xuất sắc và các hoạt động ngoại khoá mà bạn đã tham gia. Đặc biệt, bạn phải thể hiện được khả năng làm việc nhóm và lãnh đạo của mình trong đó.
Điểm thứ hai, CV phải được trình bày rõ ràng, ngắn gọn và thống nhất. Bạn có thể xuất sắc trong những hoạt động bạn tham gia, nhưng nếu bạn không biết cách trình bày nó, mọi người sẽ không hiểu được. Tôi khuyên bạn nên đến tham dự các hội thảo về CV để biết cách viết CV chuẩn mực.
Điểm cuối cùng là chất lượng. Một CV tốt cần đảm bảo về mặt chính tả và ngữ pháp. Bên cạnh đó, hãy đảm bảo các nội dung trên CV là chính xác. Bạn đừng nói mình là thành viên của một tổ chức nếu sinh viên chỉ có thể làm cộng tác viên hoặc các vị trí tương đương. Ngoài ra, nếu bạn phải ghi đầy đủ tên của một tổ chức, đừng ghi sai. Lấy ví dụ, RINA là Cơ quan Kiến trúc sư Hải quân Hoàng gia (Royal Institution of Naval Architects), không phải là “Học viện” (Institute).
– Bạn thể hiện mình ở buổi phỏng vấn như thế nào?
Bạn cần phải chuẩn bị kĩ lưỡng, cần phải biết công ty của mình là ai, đối thủ của họ là ai, công việc của họ hiện tại như thế nào. Hãy đọc kĩ thông tin về công ty và cả những bài báo để có sự hiểu biết rộng về cả ngành công nghiệp mà công ty đang tham gia.
Sau đó, bạn cần phải thể hiện được sự tự tin khi giao tiếp. Hãy luyện tập với bạn bè, với những người từng làm ở ngành này hoặc đi phỏng vấn thử. Bạn sẽ hiểu một buổi phỏng vấn diễn ra như thế nào.
Bạn cũng cần phải thống nhất trong các câu trả lời. Nhà tuyển dụng rất biết cách tìm ra sự thiếu nhất quán, từ đó xác định xem bạn có đang nói dối hay không.
Nếu bạn biết một số câu trả lời có thể đem lại bất lợi cho bạn, đừng nói ra, trừ khi người phỏng vấn hỏi. Nhưng trong trường hợp bị hỏi thì đừng giấu đi sự thật. Trong một buổi phỏng vấn, điều quan trọng là phỏng vấn viên hiểu con người bạn và bạn cũng sẽ hiểu thêm về văn hoá của công ty. Họ sẽ không nói “bạn là một ứng viên giỏi hay dở”; họ chỉ đang giúp bạn tìm được công ty lý tưởng của mình.
– Kinh nghiệm làm việc đóng vai trò quan trọng như thế nào?
Bạn cần có kinh nghiệm làm việc bởi điều đó sẽ cho thấy bạn không cần quá nhiều thời gian để thích ứng với môi trường làm việc. Đó cũng là tín hiệu cho thấy bạn là một nhân viên tốt, một ứng viên tiềm năng bởi bạn có suy nghĩ về công việc của mình ngay từ những ngày học đầu tiên.
Mặc dù vậy, nếu bạn không có bất kì kinh nghiệm nào, hãy tận dụng những hoạt động tình nguyện của mình. Điều đó sẽ cho nhà tuyển dụng thấy bạn không hoạt động độc lập như một “con mọt sách”, mà trái lại bạn có thể trở thành một nhân viên tốt và đóng góp nhiều cho công ty.
– Trong lúc làm việc, bạn tạo ấn tượng tốt như thế nào?
Tôi rất muốn được nói nhiều hơn về những ấn tượng tốt và xấu mà tôi đã tạo ra trong quá trình thực tập tại BP và LOC. Ở đây tôi chỉ nói hai điểm chính.
Thứ nhất, bạn cần phải có sự cân bằng giữa học và làm. “Cân bằng” ở đây không phải là 50:50. Ở trường, khi bạn tham gia vào một dự án, điều quan trọng là bạn học được gì chứ không phải là điểm của bạn như thế nào. Sự học hỏi là quan trọng nhất. Tuy nhiên, khi bạn đi làm, sẽ rất tốt nếu bạn học được điều gì đó nhưng quan trọng là bạn đóng góp được gì cho công ty. Bạn cần phải đặt lợi ích của công ty lên hàng đầu. Thực tập thật ra là một cuộc phỏng-vấn-mở-rộng để bạn cho công ty thấy bạn có thể làm được gì cho họ. Đó không phải là nơi để bạn ưu tiên cho việc học tập.
Thứ hai, bạn cần chứng tỏ cho đồng nghiệp thấy khả năng của bạn. Làm theo lời họ nói là chưa đủ, hãy cho họ thấy bạn có thể làm gì. Cho họ biết bạn sẵn sàng giúp họ chứ đừng tạo áp lực cho họ bằng quá nhiều câu hỏi. Khi bạn thật sự thắc mắc, hãy cho họ những lựa chọn thay vì chỉ chờ đợi họ sẽ trả lời như thế nào. Điều đó sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian và cho họ thấy bạn thật sự suy nghĩ về thắc mắc của mình trước khi hỏi họ.
– Làm thế nào bạn tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp? Bạn sẽ khuyên gì tới các tân cử nhân trong năm nay?
Tôi đã ứng tuyển vào nhiều vị trí, tham gia vào rất nhiều buổi phỏng vấn, vào đến vòng tuyển dụng cuối của một số công ty, nhận được 2 thư mời và cuối cùng tôi chọn công việc mà tôi yêu thích nhất. London Offshore Consultants là công ty tôi đã từng thực tập trong năm thứ ba, tôi biết rất rõ văn hoá của họ, con người của họ, mong muốn được quay trở lại và lời đề nghị của họ cũng rất tuyệt, nên tôi đã đồng ý.
Vào thời điểm tôi viết bài này, nếu các bạn vẫn chưa bắt đầu tìm việc thì bạn sẽ không thể ứng tuyển vào chương trình đào tạo của các công ty lớn. Họ thường mở đơn đăng kí khá sớm (thông thường là tháng 12, một số nơi thậm chí còn sớm hơn) nên bạn cần phải chuẩn bị từ trước đó.
Mặc dù vậy, nếu bạn chưa nộp hồ sơ hoặc đã gặp nhiều thất bại, đây chưa phải là dấu chấm hết. Bạn nên quý trọng tất cả những kinh nghiệm mà mình có. Có thể cơ hội bạn mong chờ chưa tới, vì vậy hãy hỏi thăm những người xung quanh, hỏi thăm giảng viên, bạn bè của mình. Có thể bạn sẽ tìm thấy những cơ hội thú vị hay thậm chí là một vị trí trong mơ.
Với những bạn đã có việc làm, xin chúc mừng các bạn và hãy dành trọn mùa hè cuối cùng của mình cho những hoạt động bạn mong muốn, vì bạn sẽ không bao giờ được nghỉ ngơi một khi bắt đầu làm việc.
– Lời khuyên của bạn dành cho các bạn muốn làm việc ở nước ngoài là gì?
Thế giới này đang ngày càng “phẳng”, và để làm việc tốt, bạn cần phải biết suy nghĩ của những người đến từ phía bên kia thế giới.
Thời gian ở Singapore đã giúp tôi nói chuyện với nhiều người từ nhiều nước khác nhau, và họ đều trân trọng những kinh nghiệm mà họ có khi làm việc tại nước ngoài.
Tôi nghĩ câu trả lời thích hợp nhất cho câu hỏi này là “Thế giới này là một quyển sách, và nếu bạn không đi du lịch, bạn mới chỉ đọc được một trang mà thôi.”