Bạn đang là sinh viên năm cuối đang băn khoăn về việc đổi ngành khi đi du học, hoặc cũng có thể bạn là học sinh cấp 3 đang đứng giữa hai lựa chọn “chọn ngành học theo đam mê bản thân hay nhu cầu thị trường”. Thử lắng nghe chia sẻ của những diễn giả của chương trình tọa đàm số 1 – Study Abroad Forum (SAF) nói gì nhé!
>> 4 buổi tọa đàm về du học mà bạn không nên bỏ lỡ mùa hè này
Anh Nguyễn Thái Dương, golfer chuyên nghiệp – chọn Mỹ để vừa học đại học vừa tập thể thao chuyên nghiệp
Nếu không trò chuyện với anh Thái Dương, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết ngành học chính của anh ở bậc Đại học thời du học Mỹ là kinh tế. Bất ngờ hơn nữa là khi anh đã xác định đi theo con đường golf thủ chuyên nghiệp trước khi vào Đại học và có định hướng du học Đức, vốn nổi tiếng về những giá trị cơ bản và tính kỷ luật trong giáo dục. Đứng trước hai lựa chọn giữa Đức và Mỹ, cuối cùng anh đã đổi hướng sang Mỹ – vì hệ thống thi đấu giữa các trường Đại học sẽ cho phép anh tham gia vào các giải đấu chuyên nghiệp. Cũng theo chia sẻ của anh Nguyễn Thái Dương, trên thế giới, các vận động viên thể thao ở Mỹ phần lớn đều tốt nghiệp đại học, thậm chí là các trường đại học danh tiếng, ví dụ như Tiger Woods ở Stanford, Jeremy Lin ở Harvard.
– “Thế nhưng, tại sao anh lại chọn ngành kinh tế?”
Rất đơn giản, là vì “Mỹ là đất nước có nền kinh tế dân chủ và cạnh tranh khắc nghiệt nhất trên thế giới, nên theo học kinh tế ở Mỹ là lựa chọn hàng đầu. Hơn nữa, đây còn là đất nước duy nhất có thể vừa học đại học vừa tập thể thao chuyên nghiệp cùng một lúc”. Nhưng quan trọng hơn, anh Thái Dương đã lên đường du học với tất cả đam mê dành cho nghiệp chơi golf, cùng với quan điểm cởi mở rằng kiến thức là không bao giờ thừa. Sau này, chính những kiến thức về quản trị và kinh tế đã mang lại cho anh những kĩ năng thành lập và quản lý doanh nghiệp. Học viện golf Hà Nội do chính anh thành lập sau này khi về nước cũng cần đến những nền tảng ấy. Anh Thái Dương cho biết: “Học viện golf Hà Nội được mở ra nhằm phát triển golf trẻ ở Việt Nam, tuy nhiên để tồn tại, nó cần phải hoạt động như một công ty, phải có lãi. Đây chính là lúc kiến thức mình tích lũy qua những năm tháng ở học đường được đưa vào sử dụng.” Tuy nhiên, cũng theo anh Dương, dù bạn theo bất cứ lĩnh vực nào thì cũng phải đam mê, phải khát khao, phải chăm chỉ mới có thể thành công. Đừng chạy theo xu hướng!
Và nếu bạn quan tâm đến con đường thể thao chuyên nghiệp hay một ngành học “bàn giấy”, anh Thái Dương chính là nhân vật diễn giả mà bạn nên đặt câu hỏi thật nhiều cho buổi tọa đàm số 1.
Ngô Di Lân, học bổng toàn phần bậc tiến sĩ trường Đại học Brandeis: “Tôi chỉ khám phá ra đam mê đích thực của mình từ thời cấp 3”
Ngô Di Lân phiên bản trẻ con rất mê máy vi tính nên ai hỏi sau này làm nghề gì, Lân vẫn trả lời rằng mình muốn trở thành Kĩ sư tin học. Chỉ khi lên cấp 3, Di Lân mới thật sự khám phá được đam mê đích thực của bản thân. Sau bốn năm học Quan hệ quốc tế ở University College Maastricht, Hà Lan, Di Lân vừa nhận được học bổng tiến sĩ của trường Đại học Brandeis 2015 -2015.
Trả lời phỏng vấn của Hotcourses, anh chàng sáng lập – chủ tịch của Tổ chức Hợp Tác thanh niên Việt Nam (VYCO) chia sẻ về lí do thực sự khiến Di Lân theo đuổi lĩnh vực Quan hệ quốc tế. Thời cấp 3, Di Lân theo gia đình sang Thụy Điển và may mắn được học với hai thầy giáo người Mỹ dạy môn Lịch sử quan hệ quốc tế. Đó là những bài học đầy cảm hứng.
Hơn nữa, việc lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm việc trong lĩnh vực Ngoại giao cũng là một lợi thế lớn. Di Lân thẳng thắn chia sẻ: “Nếu nhà có truyền thống ngoại giao thì khả năng cao là ngày từ nhỏ bạn đã được đi chu du khắp bốn phương trời rồi. Khi bạn đã quen với cuộc sống đa văn hoá, với nhiều ngoại ngữ khác nhau, việc giao du, kết nối với những người bạn quốc tế dễ dàng hơn rất nhiều. Điều này sẽ có lợi nếu bạn muốn trở thành một nhà ngoại giao. Thứ hai, đương nhiên là nếu bố mẹ/anh chị em của bạn là cán bộ ngoại giao thì nhất định bạn sẽ được họ chỉ bảo rất tận tình về mọi mặt rồi. Không có gì tuyệt vời hơn khi được học từ những người có trải nghiệm thực tế. Chính vì thế nếu bạn muốn trở thành một nhà ngoại giao thì cần học hỏi từ những nhà ngoại giao thực thụ. Cuối cùng, nền tảng gia đình sẽ tạo dựng các mối quan hệ xã hội có lợi cho sự nghiệp của bạn sau này, điều này đúng với mọi ngành nghề chứ không riêng gì ngoại giao cả!”
Tuy nhiên, đối với Di Lân, đây không phải là yếu tố quyết định, vì tài năng và đam mê quan trọng hơn nhiều là nền tảng gia đình. Trên thực tế, những người thuộc thế hệ những nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam như ông Nguyễn Cơ Thạch đâu có nền tảng gia đình gì đâu nhưng vẫn trở thành một nhà ngoại giao lỗi lạc đấy thôi!
– “Vậy thì làm thế nào để biết mình đam mê ngành nghề nào và làm thế nào để theo đuổi nó?”
Di Lân: “Trước hết, hãy bình tĩnh lắng nghe chính mình. Có những người chỉ tìm thấy đam mê của họ sau một cái duyên gặp gỡ, một trải nghiệm nào đó. Bạn không thể nào ép đam mê của mình xuất hiện ngay lập tức được. Và khi bạn biết mình yêu thích một ngành nghề gì đó rồi, ví dụ như Quan hệ quốc tế, thì hãy bám lấy nó và tận dụng mọi cơ hội để phát triển đam mê của mình. Hãy đi nghe những buổi hội thảo về biển Đông, hãy chịu khó xem thời sự hay tham gia những chương trình mô phỏng họp Liên Hợp Quốc như VYMUN. Cái quan trọng là bạn nuôi dưỡng đam mê của mình khi đã tìm được rồi. Và khi bạn đã cảm thấy vững tin vào bản thân, hãy đặt ra các mục tiêu cụ thể cho bản thân. Khi đã có mục tiêu rồi thì hướng đi đơn giản là cách ngắn nhất để đạt được các mục tiêu đó thôi. Con đường ngắn nhất đó là gì, điều này phụ thuộc vào sự sáng tạo của các bạn.”
Chị Nguyễn Trung Hà, người có kinh nghiệm làm tư vấn giáo dục ở IDP và ATS: “Ngành học tốt nhất là ngành phù hợp nhất với bản thân các bạn, chứ không phải là ngành mốt”.
Với kinh nghiệm làm việc hơn 14 năm trong lĩnh vực tư vấn giáo dục, chị Trung Hà đã có một khoảng thời gian làm quản lý nhân sự ở một trong những khách sạn năm sao đầu tiên của Hà Nội. Đây chính là trải nghiệm giúp chị gặp gỡ những người trẻ “rất có khả năng, nhưng bỏ lỡ mất cơ hội để được học và được đào tạo trong những môi trường quốc tế, hoặc đã chọn sai ngành học dẫn đến không phát huy được hết khả năng”. Khi đó, chị đã chủ động tiếp xúc với gia đình của các bạn để trò chuyện về những lựa chọn ngành học và định hướng nghề của con em họ.
Nói về xu hướng chạy theo ngành học có cơ hội ở lại sau khi tốt nghiệp của các bạn du học sinh hiện nay, thay vì học những ngành thực sự yêu thích. Chị Hà bày tỏ: “Một trong những thách đố của người tư vấn là tâm lý chọn ngành học theo xu thế các ngành đang “hot” hoặc cho phép định cư lại nước ngoài sau tốt nghiệp. Có nhiều bạn trẻ dù đam mê một ngành nhưng vẫn buộc phải theo yêu cầu của bố mẹ để học ngành khác, hoặc ngược lại, có những bạn chọn học ngành mà số đông hoặc bạn bè đang theo học. Có nhiều các bạn và các gia đình, chưa có sự nghiên cứu và phân tích về xu hướng của thị trường lao động trong nước trong tương lai, vào thời điểm sinh viên ra trường mà chỉ hướng tới việc một số các ngành nghề hiện đang cho thu nhập cao hay những ngành nghề giúp cho học sinh ở lại nước sở tại hay nhập cư. Nếu đây là tiêu chí quan trọng cho việc chọn ngành học thì người học sẽ có những rủi ro nhất định như: khó khăn khi tìm việc làm do sự bão hòa của những ngành có quá nhiều người theo học hay sự thay đổi của chính sách nhập cư của các quốc gia dẫn đến mục tiêu định cư không thể thực hiện được”.
– “Vậy thì chị có lời khuyên nào dành cho những bạn còn đang loay hoay tìm hướng đi cho mình trong khâu chọn ngành?”
Chị Trung Hà: “Chị khuyên các bạn nên ưu tiên chọn ngành mà các bạn đam mê và các bạn có khả năng thành công. Nếu đam mê, các bạn sẽ học tốt và nếu ngành học liên quan đến sở trường thì các bạn dễ thành công. Bất cứ ngành nghề nào nếu các bạn thực sự làm tốt, là nơi các bạn chứng tỏ được khả năng và chứng tỏ được bản thân đều mang đến cơ hội các bạn được thăng tiến và cùng với đó là mức thu nhập tốt. Xã hội luôn vận động, thế giới luôn thay đổi, nhu cầu của con người cũng luôn không dừng lại nên nhu cầu về lao động cũng biến động. Ngành học tốt nhất là ngành phù hợp nhất với bản thân các bạn, chứ không phải là ngành mốt hay ngành đang được ưa chuộng”.
Đôi nét về Study Abroad Forum (SAF)
SAF là chuỗi 4 sự kiện được tổ chức từ ý tưởng của những du học sinh Việt Nam đã và đang học tại nước ngoài. Tháng 6 và tháng 7 năm 2015 sẽ là thời điểm diễn ra 4 buổi tọa đàm trực tiếp giữa các bạn học sinh, sinh viên trong nước và các bạn du học sinh Việt ở nhiều nơi trên thế giới. Ngoài ra, những diễn giả khách mời là những người làm việc lâu năm trong ngành giáo dục quốc tế, những anh chị có kinh nghiệm khởi nghiệp ở nước ngoài… cũng sẽ tham gia thảo luận. Trong lần đầu tổ chức tại Việt Nam, SAF lấy chủ đề “Ước mơ du học” xuyên suốt 4 sự kiện để “kể” về câu chuyện của một sinh viên từ khi mới bắt đầu quyết định đi du học đến khi ra trường, kiếm việc với mong muốn đưa ra một “bức tranh” toàn cảnh về du học cho các bạn học sinh, sinh viên.
>> Thông tin về sự kiện trên trang web chính thức của Student Life Care
>> Thông tin sự kiện và hướng dẫn nhận vé trên Facebook
>> Những câu hỏi thường gặp về Study Abroad Forum SAF
“Định Hướng Bản Thân – chọn nghề phù hợp theo đam mê, hoài bão hay xu thế của xã hội” là chủ đề buổi tọa đàm đầu tiên trong chuỗi 4 số chương trình Student Abroad Forum (SAF), được tổ chức bởi công ty Studentlifecare.Thời gian: 8h30 sáng thứ 7 ngày 13/06/2015Địa điểm: Hanoi Tower Conference Center, 49 Hai Bà TrưngEmail: contact@studentlifecare.com |