Dạng văn Nghị luận (Argument Paper) là loại bài tập phổ biến nhất bậc Đại học, cho phép sinh viên thể hiện khả năng suy nghĩ logic và tư duy phản biện. Từ đó, giúp Giáo sư có cái nhìn khách quan và đánh giá được khả năng học thuật của sinh viên. Vậy cấu trúc và cách viết một bài văn Nghị luận ở bậc Đại học có những điểm gì cần chú ý? Cùng Hotcourses khám phá ngay nào!
Bố cục của bài văn Nghị luận gồm ba phần: Phần mở đầu, Phần thân bài và Phần kết luận.
Phần mở đầu
Phần mở đầu của bài văn Nghị luận phải giải thích được mục đích của bài viết, lí do người đọc nên đọc bài viết và đưa ra quan điểm của người viết về vấn đề được nhắc tới.
Cấu trúc của phần mở đầu :
- Bắt đầu bằng câu đặt bối cảnh : một bài nghị luận bắt đầu bằng một câu văn định hướng người đọc, cung cấp thông tin chung về nội dung chính của bài viết, giải thích tình huống để họ có thể hiểu được chủ đề cũng như những luận điểm mà bạn đưa ra và trình bày trong các phần tiếp theo
- Sau đó, hãy nêu mục đích của bài viết, giải thích lý do tại sao vấn đề sắp được đề cập trong bài đó lại quan trọng để cho người đọc biết tại sao họ nên quan tâm và tiếp tục đọc. Mục tiêu của bạn là tạo ra một bài luận hấp dẫn, rõ ràng và thuyết phục mà mọi người sẽ muốn đọc và có những hành động hay suy nghĩ, nghiên cứu sau khi đọc bài của bạn
- Cuối cùng, nêu luận điểm của bạn : bạn cần viết một hoặc hai câu nêu rõ quan điểm mà bạn sẽ ủng hộ hoặc phản đối. Phần thân bài sẽ là phần triển khai, giải thích và đi sâu hơn vào các luận điểm này.
Để đảm bảo viết đúng, hãy tham khảo và đọc kỹ hướng dẫn của Giáo sư nữa nhé!
Phần thân bài
Cấu trúc của thân bài: Phần thân bài bao gồm các đoạn. Mỗi đoạn có chức năng riêng giúp giải quyết vấn đề của đề bài.
Cấu trúc của phần thân bài nên được sắp xếp theo kiểu từ Chung chung (General) đến Cụ thể (Specific). Mỗi khi bạn bắt đầu một chủ đề mới, hãy nghĩ đến một kim tự tháp ngược – Phạm vi thông tin rộng nhất nằm ở trên cùng, và khi đoạn văn hoặc bài viết tiến triển, tác giả ngày càng tập trung hơn vào lập luận kết thúc với bằng chứng cụ thể. Cuối cùng, tác giả giải thích cách thức và lý do tại sao thông tin cô ấy vừa cung cấp kết nối và hỗ trợ luận án của cô ấy (tóm tắt ngắn gọn hoặc bảo đảm).
Cấu trúc của đoạn: Bốn yếu tố của một đoạn văn hoàn chỉnh
Phần thân bài được xây dựng từ nhiều đoạn văn. Mỗi đoạn văn tốt phải có ít nhất bốn yếu tố sau: Chuyển tiếp (Transition), Câu chủ đề (Topic sentence), Bằng chứng (Evidence) và phân tích cụ thể, và một câu tóm tắt ngắn gọn (Brief wrap-up). Cấu trúc này gọi là TTEB.
- Mỗi đoạn văn nên bắt đầu bằng một câu chuyển tiếp dẫn ý từ một đoạn văn trước đó để đảm bảo bài viết thật trôi chảy.
- Một câu chủ đề cho người đọc biết bạn sẽ trình bày điều gì trong đoạn văn.
- Bằng chứng và luận cứ hỗ trợ cho các luận điểm lớn và lý lẽ lập luận của người viết.
- Cuối mỗi đoạn văn nên có một câu tóm tắt ngắn gọn cho người đọc biết lý do tại sao thông tin đề cập trong đoạn văn này hỗ trợ luận điểm của toàn bài. Phần này rất quan trọng vì nó kết nối lý lẽ và lập luận với luận điểm, đồng thời cho thấy thông tin trong đoạn văn có liên quan đến quan điểm ở phần mở đầu và giúp bảo vệ quan điểm đó.
Phần phản đề
Để có được một bài viết thuyết phục, bạn cần phải dự đoán, nghiên cứu và phản bác lại một số lập trường (hay lập luận) phổ biến trái ngược với luận điểm của mình. Vì vậy, trước khi kết bài, bạn cần có một phần phản đề.
Cấu trúc phần phản đề
Khi bạn phản bác hoặc bác bỏ một quan điểm đối lập, hãy theo cấu trúc sau:
- Lập luận của đối thủ: Ở đầu đoạn phản đề, bạn cần trình bày một cách chính xác và công bằng những luận điểm chính mà bạn sẽ bác bỏ.
- Lập trường/Quan điểm của bạn: Phần này là để làm rõ bản chất lập luận của đối thủ. Bạn có thể chứng mình rằng lập luận của đối thủ có nhiều lỗ hổng hay còn gọi là ngụy biện. Một số lỗi trong lập luận bao gồm: Genetic fallacy (lỗi ngụy biện dựa vào tính kế thừa), Slippery slope (lỗi tuột dốc không phanh), Hasty generalization (lỗi khái quát hóa vội vã), v.v.
- Phản bác của bạn: Phần này là lý lẽ, lập luận để phản bác quan điểm đối nghịch. Nếu bạn phản đối bằng chứng của người viết, thì bạn phải trình bày bằng chứng mới hơn. Nếu bạn thách thức các giả định của đối thủ, thì bạn phải giải thích lý do tại sao giả thuyết đó sai. Nếu luận điểm đối nghịch chứa đầy các ngụy biện (fallacy), thì bạn phải trình bày và giải thích từng ngụy biện.
Phần Kết luận
Phần Kết luận tóm tắt những gì bạn đã thảo luận và trình bày trong bài viết của mình. Phần này tổng quát hóa các điểm chính trong lập luận và cũng có thể gợi ý thêm về các hành động hoặc nghiên cứu tổng quan có thể có trong tương lai.
Cấu trúc của phần Kết luận
- Nhắc lại chủ đề bài viết và tầm quan trọng của nó,
- Nhắc lại luận điểm / tuyên bố của bạn,
- Phản bác các quan điểm đối lập một lần nữa và giải thích lý do tại sao người đọc nên đồng ý với quan điểm của bạn
- Kêu gọi hành động hoặc đề xuất các khả năng nghiên cứu trong tương lai.
Nguồn Tham khảo: Purdue Owl