Exploratory paper là dạng tiểu luận giúp sinh viên nâng cao kỹ năng đặt câu hỏi và nghiên cứu, thu thập thông tin để có thể trả lời những câu hỏi này. Mục đích chính của dạng tiểu luận này không phải là tìm ra câu trả lời duy nhất, chắc chắn cho câu hỏi mà tập trung vào khai thác một chủ đề, thu thập thông tin và chia sẻ thông tin đó với độc giả.
Cấu trúc của một bài luận Exploratory cũng gồm ba phần : Mở đầu, Thân bài và Kết luận.
Phần mở đầu
Cấu trúc phần mở đầu
- Câu đặt bối cảnh – cung cấp thông tin chung về ý chính, giải thích tình huống để người đọc có thể hiểu chủ đề và câu hỏi bạn sẽ đưa ra.
- Sau đó, nêu lý do tại sao ý chính lại quan trọng – cho người đọc biết tại sao họ nên quan tâm và tiếp tục đọc. Mục tiêu của bạn là tạo ra một bài luận hấp dẫn, rõ ràng và mang tính giáo dục mà mọi người sẽ muốn đọc và nghiên cứu về sau.
- Cuối cùng, nêu rõ vấn đề bạn đã khám phá – soạn một hoặc hai câu hỏi trình bày rõ ràng những gì bạn muốn khai thác và lý do bạn quan tâm đến chủ đề này.
Bạn có thể thêm một câu giới thiệu tổng quan về các loại nguồn bạn đã sử dụng để trả lời câu hỏi nghiên cứu của bạn. Ngoài ra, bạn nên thảo luận ngắn gọn về
- một số nguyên nhân có thể xảy ra của vấn đề;
- các tổ chức và những người liên quan đến vấn đề;
- một số giải pháp khả thi cho vấn đề.
Phần thân bài
Các đoạn thân bài nên thảo luận về quá trình tìm hiểu để nghiên cứu vấn đề của bạn.
Cấu trúc phần thân bài gồm hai phần chính
Phần Một: Giải thích Tình huống
- Người đọc: Khán giả quan tâm đến câu hỏi này là ai? Tại sao độc giả lại quan tâm đến câu hỏi này?
- Tác giả: Những người viết về câu hỏi này là ai? Điểm chung giữa tác giả và độc giả (khán giả) là gì?
- Hạn chế: Thái độ, niềm tin, hoàn cảnh, truyền thống, con người hoặc sự kiện nào hạn chế cách chúng ta có thể nói về chủ đề này? Những ràng buộc có tạo ra điểm chung hay chúng khiến mỗi người có một quan điểm riêng?
- Bối cảnh tranh luận về vấn đề: Hiện tại, những sự kiện hay hoàn cảnh nào khiến chúng ta quan tâm đến câu hỏi này? Lịch sử của vấn đề này và câu hỏi là gì? Sự quan tâm đến câu hỏi này đã thay đổi như thế nào theo thời gian? Cuộc tranh luận này liên quan đến những giá trị lâu dài nào (những vấn đề lớn trong cuộc sống)?
Phần hai: Giải thích và phân tích các quan điểm
- Giới thiệu nguồn nghiên cứu (tiêu đề, tác giả, thể loại, nhà xuất bản, ngày xuất bản, v.v.) và lý do bạn chọn sử dụng nguồn đó trong bài viết của mình.
- Thông tin quan trọng bạn tìm thấy trong nguồn liên quan đến vấn đề của bạn
- Tại sao thông tin lại quan trọng và đáng tin cậy
- Giải thích cách các nguồn thông tin đó đã cho bạn có một suy nghĩ khác về vấn đề, hoặc thậm chí có thể phản lại quan điểm ban đầu của bạn, hoặc có thể không đạt được kỳ vọng và dẫn bạn đến một hướng mới trong nghiên cứu, hình thành bước chuyển tiếp sang nguồn nghiên cứu tiếp theo.
Phần kết luận
Phần kết luận nên trình bày lại vấn đề mà bạn đã khám phá, phác thảo một số nguyên nhân có thể xảy ra, xem xét các tổ chức và những người liên quan, đồng thời nêu bật một số giải pháp khả thi.
Nếu vẫn có bất kỳ câu hỏi nào về vấn đề chính, bạn có thể giới thiệu và chia sẻ lý do tại sao bạn cho rằng mình vẫn còn thắc mắc liên quan đến vấn đề bạn đã khám phá, những nguồn có thể trả lời những câu hỏi này và những hình thức nghiên cứu khác mà bạn sẽ phải thực hiện.