Biết thêm một ngoại ngữ ngoài tiếng Anh sẽ hỗ trợ rất nhiều cho cuộc sống của bạn, từ chuyện xoay sở khi du lịch nước ngoài cho đến cả những cơ hội việc làm thú vị dưới đây.
>> Lợi ích của việc thành thạo hai ngoại ngữ (trở lên)
>> Nói nhiều thứ tiếng sẽ mang lại cho bạn 7 lợi thế này
1. Người dịch game (Game Translator)
Hồi nhỏ bạn có say mê Nintendo? Nghe quen đúng không, đây chính là hãng game “điện tử 4 nút” thần thánh một thời vừa trở lại càn quét cộng đồng mạng Việt Nam những ngày qua với Pokémon Go. Còn gì tuyệt hơn nếu có thể làm “dịch game viên” cho những công ty hay ho như thế? Công việc của bạn khi đó sẽ là dịch nội dung game từ tiếng Anh sang tiếng Nhật hoặc các ngôn ngữ khác – một việc làm quá tuyệt, cho phép bạn trải nghiệm môi trường làm việc tại một hãng lớn, đồng thời tăng cường khả năng ngoại ngữ ngay trên “sân nhà”.
2. Chuyên gia thương hiệu ở các ngành công nghệ (Brand Specialist)
Là một trong những tập đoàn có môi trường làm việc tốt nhất, Google luôn tìm kiếm các chuyên gia thương hiệu có khả năng làm việc ở những thị trường nước ngoài. Nhiệm vụ chính của các chuyên gia thương hiệu là làm việc với khách hàng đến từ mọi nơi trên trái đất, phục vụ cho quá trình hoàn thiện các sản phẩm của Google, đưa các sản phẩm này phủ sóng mạnh mẽ và hiệu quả ở bất cứ đâu.
Nếu bạn có khả năng sử dụng những ngôn ngữ “khó nhằn” như tiếng Ả Rập, tiếng Hungary… cùng với hành trang kinh nghiệm dày dặn, biết đâu một ngày đẹp trời nào đó Google sẽ gõ cửa nhà bạn?
3. Tiếp viên hàng không (Flight Attendant)
Vừa có cơ hội du lịch khắp nơi vừa nhận được mức lương cao ngất, còn nghề gì hấp dẫn hơn tiếp viên hàng không chứ? Và để có thể phục vụ các hành khách nước ngoài, ngoại ngữ không đơn thuần chỉ là yêu cầu bắt buộc mà đặc biệt còn phải thật giỏi khi bạn làm việc ở những hãng hàng không quốc tế. Ngoại ngữ giúp bạn kết nối với khách hàng tốt hơn, truyền bá hình ảnh của hãng rộng rãi hơn, dịch vụ theo đó cũng ngày càng hiệu quả. Càng biết thêm nhiều thứ tiếng ngoài Anh ngữ, bạn càng tự tin và cơ hội thăng tiến cũng nhiều hơn.
4. Trưởng ban điều phối tại các tổ chức phi chính phủ quốc tế (Lead Coordinator)
Các tổ chức phi chính phủ như Pencils of Promise được thành lập với mục tiêu chính là giúp đỡ các nước đang phát triển trên thế giới. Có rất nhiều quốc gia nơi tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức nên việc biết thêm một ngoại ngữ khác như tiếng Campuchia, Thái Lan hay Bhutan… sẽ cho bạn lợi thế cực lớn khi muốn làm việc ở các NGOs này. Khả năng ngoại ngữ của bạn sẽ là cầu nối tuyệt vời để “chạy” các dự án của tổ chức và việc kết nối của bạn với người dân địa phương cũng sẽ gắn bó hơn.
5. Chuyên viên phân tích lĩnh vực tài chính-ngân hàng (Analyst/ Associate)
Ngân hàng là “hệ thống dịch chuyển” của thế giới, nơi mà bạn phải làm việc với rất nhiều người đến từ các đất nước và nền văn hóa khác nhau. Khả năng ngoại ngữ sẽ hỗ trợ đắc lực cho bạn khi cần đàm phán thương mại hay kí kết hợp đồng. Nếu biết thêm một thứ tiếng ngoài tiếng Anh, cơ hội đảm nhiệm công việc phát triển một thị trường mới chẳng phải sẽ dễ dàng với bạn hơn sao?
>> Ngoại ngữ nào tốt nhất để đầu tư vào học?
>> 10 bí quyết luyện ngoại ngữ của chàng trai nói 9 thứ tiếng
6. Nhiếp ảnh (Photographer)
Nếu bạn hiểu được ngôn ngữ của thế giới trước ống kính hoặc có thể dùng ngôn ngữ để trò chuyện với nhân vật chính, bạn sẽ nắm bắt chủ thể tốt hơn, câu chuyện trong bức ảnh cũng sẽ tròn đầy, ý nghĩa hơn. Từ đó mà những “a picture is worth thousand words” lần lượt ra đời. Đặc biệt, những tài liệu hay nhất về nhiếp ảnh, đôi khi lại không có phiên bản tiếng Anh mà là tiếng Ý hoặc tiếng Pháp, do đó những nhiếp ảnh giá sử dụng được các ngoại ngữ này sẽ có thể tự mở ra cho mình những cánh cửa tri thức rộng lớn. Và tất nhiên, nếu bạn muốn đi tận cùng thế giới với chiếc máy ảnh của mình, tốt hơn hết vẫn là biết một thứ tiếng nước ngoài để có thể vừa du lịch vừa thỏa sức làm việc với đam mê nhiếp ảnh.
7. Chuyên viên nhập hàng, lĩnh vực thời trang (Fashion Buyer)
Bạn có thật sự đam mê thời trang và hiểu rõ về các thương hiệu nổi tiếng xung quanh mình? Bước chân vào ngành công nghiệp toàn cầu này, bạn sẽ phải làm việc với rất nhiều người nói các thứ tiếng khác nhau trên thế giới, vì thế khả năng ngoại ngữ là vô cùng cần thiết. Tiếng Ý, Tiếng Đức, Tiếng Tây Ban Nha… là những ngôn ngữ tuyệt vời để học tập và lĩnh hội kiến thức nếu bạn muốn đi sâu vào lĩnh vực này, cũng như trở thành một nhà tiêu dùng thông minh.
8. Nhà tuyển dụng (Recruiter)
Nền kinh tế thế giới ngày càng nhiều cạnh tranh thì nhu cầu về nhân sự ngày càng khắc nghiệt. Nếu muốn “bành trướng” cơ cấu công ty ra thị trường quốc tế, các nhà tuyển dụng phải luôn là người nhanh nhạy trong việc tìm kiếm các nhân tài đến từ khắp nơi. Tùy theo từng khu vực địa lý mà công ty dự định đặt trụ sở, nếu có khả năng về ngoại ngữ bản địa ở đấy, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng thu hút nhiều ứng viên tiềm năng.
9. Phóng viên đại diện ở nước ngoài (Foreign Correspondents)
Nếu bạn là người yêu thích kể chuyện và lan tỏa thông điệp cũng như đam mê du lịch khắp mọi nơi, phóng viên có lẽ là công việc hấp dẫn dành cho bạn. Khả năng ngoại ngữ ở nhiều vùng miền khác nhau sẽ cho bạn cơ hội biết đến những câu chuyện bản địa có-một-không-hai trên từng chặng đường bạn qua, từng con người bạn gặp, hẳn sẽ “cứu cánh” bạn rất nhiều những khi “bí” chủ đề. Hiểu thêm một ngôn ngữ, là hiểu thêm về thế giới, cũng từ đó mà tiếng nói của chính bạn và mọi người xung quanh được chia sẻ rộng rãi hơn, bạn lại có thêm nhiều trải nghiệm quý giá trong đời.
Vậy đấy, biết thêm một thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh, nghĩa là bạn đã cho bản thân cơ hội được chạm đến một thế giới khác mới lạ hơn với những trải nghiệm nghề nghiệp thú vị. Hãy tự tin bắt đầu học một ngôn ngữ mới, thế giới sẽ rộng cửa đón bạn!