Dù thời thế có thay đổi thế nào thì Y Dược luôn là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong xã hội. Để trở thành bác sĩ hoặc các vị trí khác trong ngành Y thì bạn sẽ phải vượt qua nhiều thử thách trong thời gian học tập lẫn làm việc. Nếu bạn đang có dự định dấn thân vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thì cần nắm rõ 7 đặc thù riêng về ngành được nêu trong bài viết dưới đây trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Y Dược là ngành học có tỉ lệ chọi siêu cao
Y dược không những là lĩnh vực chuyên môn cao đòi hỏi ứng viên phải có năng lực học tập tốt mà số lượng hồ sơ ứng tuyển lúc nào cũng trong tình trạng vượt chỉ tiêu nên điều kiện tuyển sinh ngành Y tất nhiên luôn gắt gao hơn so với những ngành học khác. Theo báo cáo của Hiệp hội Đại học Y của Hoa Kỳ (American Association of Medical Colleges), chỉ có 41 % sinh viên trúng tuyển trường Y trong niên học 2019 – 2020 vừa qua.
Điều này có nghĩa để trúng tuyển ngành Y vào một trường đại học nước ngoài thì bạn buộc phải có thành tích học tập từ xuất sắc đến xuất chúng để mới đủ sức cạnh tranh. Với cương vị là sinh viên quốc tế, bạn còn phải cạnh tranh với sinh viên bản địa vốn có nhiều lợi thế hơn về ngôn ngữ và nhiều mặt khác. Mỗi quốc gia sẽ có những yêu cầu khác nhau về điểm số và các kỳ thi chuẩn hóa nhưng trước hết bạn cần cố gắng đạt điểm trung bình trong những năm cấp ba ở Việt Nam càng cao càng tốt.
Y dược là ngành học tốn nhiều chi phí và thời gian
Chi phí du học ngành Y không có con số cụ thể nhưng chắc chắn không hề phải chăng, nhất là với sinh viên quốc tế luôn phải đóng khoản phí cao hơn so với sinh viên bản địa. Học phí tại các trường Y ở Mỹ dao động từ 30,000 USD (695 triệu đồng) lên đến 50,000 USD (1,1 tỷ đồng) một năm. Để có thể chuyên tâm theo đuổi ngành học này ở nước ngoài, bạn cần chuẩn bị cho bản thân một nguồn tài chính thực sự vững vàng.
Bên cạnh chi phí đắt đỏ, thời gian học của ngành cũng dài hơi hơn so với các ngành khác. Cụ thể ở Mỹ bạn sẽ phải học 4 năm Cử nhân, 4 năm trường Y và học nội trú trong 3 đến 7 năm mới có thể chính thức trở thành bác sĩ. Tổng cộng bạn sẽ phải dành ra đến gần 15 năm cho việc học để được hành nghề ở Hoa Kỳ. Lấy số học phí nhân lên cho thời gian học bạn sẽ biết được mức học phí dự trù là bao nhiêu để du học Y.
Bạn phải thực sự ham học thì mới du học Y thành công
Khối lượng kiến thức liên quan đến ngành Y rất bao la và rộng lớn nên những bạn quen với áp lực học tập căng thẳng sẽ dễ dàng theo đuổi ngành này hơn. Chưa kể với một sinh viên quốc tế như bạn thì việc học những từ ngữ chuyên ngành hoàn toàn bằng tiếng Anh chắc chắn là một thử thách không nhỏ. Thời gian học dài cũng đồng nghĩa với số lượng kỳ thi bạn phải tham gia cũng nhiều hơn. Sau khi có bằng hành nghề bạn vẫn sẽ phải tiếp tục trau dồi kiến thức để cập nhật những phát minh mới của nhân loại. Nếu xác định theo đuổi nghề Y bạn sẽ phải chịu khó tìm tòi và học hỏi suốt cả đời.
Bạn sẽ bắt đầu sự nghiệp chậm trễ hơn người khác
Với thời gian học như trên, bạn sẽ bắt đầu sự nghiệp của mình ở tầm 30 tuổi nên sẽ muộn màng hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Đây là điều bạn buộc phải chấp nhận vì yêu cầu khắt khe của nghề nghiệp liên quan đến tính mạng con người. Nếu bạn nhận thấy bản thân không đủ kiên nhẫn và đam mê với nghề để có thể vượt qua một hành trình dài như vậy thì nên cân nhắc chọn một con đường khác hoặc một vị trí khác ít tốn thời gian hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Dưới đây là một số chuyên ngành khác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bạn có thể theo đuổi mà không phải tốn quá nhiều thời gian học tập:
-
Hồi sức
-
Tư vấn sức khỏe
-
Nha khoa
-
Nghiên cứu sức khỏe
-
Bảo vệ và sức khỏe
-
Hộ sản
-
Y tá và điều dưỡng
-
Dinh dưỡng và sức khỏe
-
Nhãn khoa
-
Dược khoa
-
Sinh lý học
-
Vật lí trị liệu
-
Tâm lí học
-
Y công cộng
Tính chất công việc của ngành Y có thể sẽ không hợp với lối sống của bạn
Công việc trong ngành buộc bạn phải tiếp xúc với nhiều người bệnh thuộc mọi tầng lớp, độ tuổi và tình trạng sức khỏe khác nhau nên nếu bạn nằm trong nhóm không thích giao du với quá nhiều người thì sẽ khó có thể yêu nghề. Trị bệnh và đối xử với bệnh nhân là hai phạm trù hoàn toàn riêng biệt. Đối với “trị bệnh”, bạn có thể học mọi thứ từ sách vở để có thể hoàn thành công việc còn với “đối xử với bệnh nhân” bạn cần phải tự trau dồi khả năng giao tiếp của mình để biết cách trấn an người bệnh.
Chưa hết, chuyện phải làm việc tăng ca hay thêm giờ là hoàn toàn bình thường với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Trong một số trường hợp, bạn hoàn toàn có thể sẽ bị triệu tập đột ngột và buộc phải bỏ dở mọi thứ đang làm để xử lý một ca cấp cứu hoặc hỗ trợ bệnh viện khi đang thiếu người. Vì lẽ đó nên việc cân bằng cuộc sống cá nhân với công việc này không hề dễ dàng, nhất là ở những năm đầu trong sự nghiệp của bạn. Đây là điều các bạn cần phải suy nghĩ thật thận trọng trước khi quyết định theo đuổi ngành này.
Bạn phải chịu trách nhiệm cho tính mạng của người khác
Mạng sống của bệnh nhân nằm trong tay bạn nên đây là một trọng trách rất nặng nề bạn phải đối mặt hàng ngày trong công việc. Rủi ro trong công việc liên quan đến tính mạng con người luôn tồn tại nên lĩnh vực này chứa đựng rất nhiều áp lực, nhất là ở khoa hồi sức cấp cứu nơi mạng người chỉ được tính bằng giây. Nếu bạn cảm thấy bản thân không thể chịu đựng được áp lực lớn khi phải chịu trách nhiệm cho tính mạng của người khác thì tốt nhất bạn nên chọn một hướng đi khác nhẹ nhàng hơn.
Nguồn tham khảo: SGU