Nhận thức về các vấn đề bệnh tâm lý tại Việt Nam những năm gần đây đã tăng lên đáng kể. Cùng với đó, ngành Tâm lý học ngày càng được nhiều bạn trẻ theo đuổi vì sự tò mò đối với hành vi con người cũng như mong muốn giúp đỡ những người gặp vấn đề tâm lý. Trong bài viết dưới đây, cùng Huongnghiepcdm.edu.vn tìm hiểu 5 chuyên ngành tâm lý học phổ biến nhất mà bạn có thể theo đuổi.
>> Ngành Tâm lý học: Học gì, học ở đâu, và cơ hội nghề nghiệp
Tâm lý học tội phạm
Nếu bạn từng cảm thấy cuốn hút bởi những cuốn sách hay loạt phim truyền hình trinh thám như Criminal Minds, CSI, tâm lý học tội phạm có thể là chuyên ngành tâm lý học mà bạn sẽ hứng thú. Chuyên ngành nghiên cứu về suy nghĩ, hành vi của tội phạm và hoàn cảnh gây ra tội phạm. Thông qua công việc của mình, các nhà tâm lý học tội phạm hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ các bên có trách nhiệm và giúp giáo dục sâu hơn về tâm trí tội phạm.
Làm việc trong ngành tâm lý tội phạm, bạn có thể làm việc với tư cách là kỹ thuật viên khoa học pháp y – người khám nghiệm hiện trường vụ án để lấy bằng chứng hoặc phân tích bằng chứng từ hiện trường vụ án trong phòng thí nghiệm. Một số bạn có thể lựa chọn những công việc khác như phân tích dữ liệu liên quan đến vụ án và tạo lập hồ sơ tâm lý tội phạm, tư vấn cho các nhân viên thực thi pháp luật trong quá trình điều tra tội phạm, hay đánh giá tâm lý nghi phạm trong quá trình xét xử. Đồng thời, bạn cũng có thể theo đuổi công việc giảng dạy tại trường đại học, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tội phạm hay trở thành nhà tâm lý trị liệu, hỗ trợ họ trong quá trình cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Tâm lý học giáo dục
Tâm lý học giáo dục liên quan đến việc nghiên cứu cách mọi người học, bao gồm phương pháp giảng dạy và sự khác biệt của từng cá nhân trong học tập nhằm thấu hiểu cách mọi người học và lưu trữ thông tin. Nhánh tâm lý học này không chỉ liên quan đến quá trình học tập của trẻ nhỏ và thanh thiếu niên mà còn bao gồm quá trình nhận thức, tiếp thu thông tin trong suốt cuộc đời.
Các nhà tâm lý học giáo dục làm việc với các nhà giáo dục, giáo viên và sinh viên để tìm hiểu thêm về cách giúp mọi người học tập tốt nhất. Điều này thường liên quan đến việc xác định những học sinh cần hỗ trợ trong việc học, phát triển các chương trình cho học sinh đang gặp khó khăn, hay thậm chí là tạo ra phương pháp học tập, nội dung học tập mới. Bạn thậm chí có thể trở thành một nhà cố vấn, giúp học sinh đối phó trực tiếp với các rào cản học tập hoặc làm việc trong một tổ chức chính phủ như Bộ Giáo dục, góp phần vào những quyết định giáo dục mang tầm vĩ mô.
>> 7 học bổng ngành Tâm lý tại các quốc gia hàng đầu
hotcourses.vn
Tâm lý học lâm sàng
Nếu bạn thích làm việc với mọi người và có khả năng xử lý các xung đột tốt, tâm lý học lâm sàng có thể là lựa chọn tuyệt vời cho bạn. Chuyên ngành tâm lý học này liên quan đến việc đánh giá và điều trị hành vi bất thường và các vấn đề tâm thần. Lĩnh vực này tích hợp giữa khoa học tâm lý học và việc điều trị các vấn đề phức tạp của con người.
Các nhà tâm lý học lâm sàng có thể làm việc trong nhiều môi trường khác nhau (bệnh viện, phòng khám, cơ sở hành nghề tư nhân, trường đại học, v.v.). Các công việc trong ngành tâm lý học lâm sàng cũng rất đa dạng, bao gồm nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, phát triển và đánh giá chương trình, tham vấn, chính sách công, thực hành nghề nghiệp và các diễn đàn khác nhằm cải thiện sức khỏe tâm lý của các cá nhân, gia đình, nhóm và tổ chức. Trách nhiệm của họ bao gồm từ việc ngăn ngừa và can thiệp sớm các cuộc khủng hoảng nhỏ trong cuộc sống đến giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn.
Tâm lý học tư vấn
Tâm lý học tư vấn tập trung vào việc hỗ trợ mọi cá nhân trong xã hội về việc đối phó với các vấn đề sức khỏe về thể chất và tinh thần. Tư vấn không phải là đưa ra lời khuyên hay ý kiến mà giúp người thăm khám hiểu rõ hơn về bản thân họ và tìm ra giải pháp của riêng mình để giải quyết tình trạng tâm lý. Các trạng thái không ổn có thể kể đến: trải qua những sự kiện khó khăn và đau buồn trong cuộc sống, chẳng hạn như mất người thân, ly hôn, các vấn đề về sức khỏe, các mối bận tâm về công việc, cảm giác lo lắng hoặc không hài lòng với cuộc sống.
Tùy thuộc vào chuyên môn và giấy phép của họ, các nhà tâm lý học tư vấn có thể làm việc trong các bệnh viện, viện dưỡng lão, trung tâm phục hồi chức năng, doanh nghiệp và trường học với các hình thức tư vấn trực tiếp, qua điện thoại hoặc trực tuyến. Họ sẽ cộng tác với y tá, nhân viên xã hội và các chuyên gia sức khỏe tâm thần khác để tìm ra kế hoạch điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, đôi khi kết hợp các khía cạnh của nhiều liệu pháp. Ví dụ, trong khi một số nhà tâm lý học tập trung vào liệu pháp nhận thức, một số khác có cách tiếp cận tích cực hơn và làm việc để thay đổi hành vi của bệnh nhân.
Ngoài ra, còn có các liệu pháp hiện đại được đánh giá hiệu quả vượt trội như:
-
Giải mẫn cảm và tái xử lý cử động mắt (EMDR)
-
Hệ thống gia đình nội bộ (IFS)
-
Liệu pháp soma
-
Liệu pháp đứa trẻ bên trong
Tâm lý học Tổ chức – Công nghiệp
Nếu bạn quan tâm đến việc áp dụng các nguyên tắc tâm lý học vào bối cảnh thực tiễn trong doanh nghiệp, bạn có thể xem xét theo học chuyên ngành tâm lý học Tổ chức – Công nghiệp (Industrial-Organizational Psychology). Thường được gọi là tâm lý học I-O, lĩnh vực này tập trung vào việc cải thiện hiệu suất công việc và sức khỏe cho nhân viên tại nơi làm việc, từ đó mang lại lợi ích cho toàn tổ chức.
Hai khía cạnh chính của tâm lý học I-O bao gồm:
-
Khía cạnh công nghiệp: tập trung vào việc hiểu vai trò công việc cụ thể phù hợp với từng cá nhân như thế nào. Các nhà tâm lý học tổ chức-công nghiệp sẽ đánh giá các đặc điểm của nhân viên, sau đó kết hợp những cá nhân này với những công việc mà họ có khả năng thực hiện tốt. Ngoài ra, họ cũng chịu trách nhiệm đào tạo nhân viên, phát triển các tiêu chuẩn thực hiện công việc và đo lường hiệu quả.
-
Khía cạnh tổ chức: tập trung vào việc hiểu cách mà tổ chức ảnh hưởng đến hành vi cá nhân. Cơ cấu tổ chức, chuẩn mực xã hội, phong cách quản lý và kỳ vọng về vai trò là các yếu tố có thể ảnh hưởng đến cách mọi người hành xử trong tổ chức.
Bên cạnh vấn đề về tâm lý, một khái niệm khác khá phổ biến là tâm thần – là bệnh lý do rối loạn hoạt động não bộ gây ra những biến đổi bất thường về lời nói, tác phong, tình cảm, hành vi, ý tưởng… Vì thế, bạn cần biết những khác biệt chính khi là bác sĩ tâm lý và bác sĩ tâm thần như sau:
- Bác sĩ tâm thần là bác sĩ y khoa – tiến hành đánh giá sức khoẻ, chẩn đoán, kê toa thuốc và cung cấp nhiều liệu pháp cho tình trạng tâm thần từ nhẹ (rối loạn lo âu, OCD, ADHD, nghiện,…) cho đến nghiêm trọng và phức tạp; trong khi nhà tâm lý học thì tập trung vào việc cung cấp liệu pháp tâm lý (liệu pháp nói chuyện) để giúp bệnh nhân.
- Thời gian đào tạo để trở thành bác sĩ tâm thần là khoảng 10 năm hoặc hơn; trong khi đó, nhà tâm lý học phải học và thực tập ít nhất 6 – 8 năm bao gồm khoảng thời gian học đại học và khoảng thời gian ban đầu mới ra trường hành nghề dưới sự giám sát của các nhà tâm lý có kinh nghiệm.
Nguồn tham khảo: Online Psychology Degrees, Very Well Mind
*Bài viết được cập nhật và chỉnh sửa bởi Võ Quỳnh Hương vào ngày 19/01/2023.