Lĩnh vực Thiết kế đồ họa thường bị mọi người hiểu lầm ở một số khía cạnh nên để nhìn nhận đúng đắn về thực tế làm nghề thì bạn nên tham khảo bài viết dưới đây. Huongnghiepcdm.edu.vn không phủ nhận Thiết kế đồ họa là ngành học thời thượng nhưng bạn không nên vì thế mà lựa chọn một cách vô tội vạ khi chưa có góc nhìn đầy đủ và toàn diện về nghề.
>> Thiết kế đồ họa: Mọi điều bạn cần biết
“Làm thiết kế đồ họa không cần học đại học”
Các trung tâm đào tạo nghề Thiết kế đồ họa ngắn hạn từ 6 tháng đến 1 năm mở ra ngày càng nhiều nên khiến một số người cho rằng lĩnh vực này không nhất thiết phải theo học hệ Cử nhân trong 4 năm. Hình thức học nghề đúng là giúp bạn tiết kiệm thời gian lẫn tiền bạc trước mắt nhưng con đường Cử nhân cũng đem lại cho bạn vô vàn lợi ích khác xứng đáng để cân nhắc.
Đặt lên bàn cân so sánh, vì các chương trình nghề vốn có thời lượng ngắn nên nội dung đào tạo chắc chắn sẽ không sâu sát từ cơ bản đến nâng cao mà chỉ tập trung vào mục tiêu học viên sau khi tốt nghiệp phải làm được việc ngay. Nhưng thực tế cho thấy, nếu muốn đi đường dài trong bất kỳ nghề gì thì bạn đều phải có kiến thức nền vững chắc được tích góp qua nhiều năm học tập. Vậy nên để tránh việc tụt hậu sau khi tốt nghiệp trường nghề thì bạn vẫn phải tiếp tục tự trau dồi kiến thức nhưng lúc này sẽ không có người nào trực tiếp hướng dẫn.
Ngược lại, chương trình Cử nhân Thiết kế đồ họa sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ các kiến thức đại cương, trong đó quan trọng nhất là rèn luyện và bổ sung cho bạn tư duy thẩm mỹ đúng đắn mà các chương trình học ngắn hạn khó có thể truyền đạt được. Với những kiến thức cơ bản lẫn nâng cao ở chương trình Cử nhân, bạn sẽ tự biết cách học thêm một cách bài bản để bổ trợ cho nghề về lâu về dài.
Chốt lại, nhận định “muốn làm thiết kế đồ họa không cần học đại học” vẫn có phần đúng nhưng cần thêm một vế quan trọng là “tuy nhiên để tiến xa hơn với nghề thì lựa chọn học Cử nhân sẽ sáng suốt hơn”.
“Làm thiết kế đồ họa cần phải biết vẽ đẹp”
Vị trí chuyên viên thiết kế đồ họa thường xuyên làm việc với hình ảnh nên thường bị hiểu nhầm là phải vẽ đẹp thì mới có thể thành công trong nghề. Thực ra thì vẽ tay không phải là yếu tố bắt buộc của lĩnh vực thiết kế đồ họa mặc dù đó là một lợi thế không phải bàn cãi. Công việc đề cao kỹ năng vẽ tay chính là họa sĩ nên nếu cần một bức tranh chất lượng thì người làm thiết kế đồ họa hoàn toàn có thể chủ động hợp tác với một họa sĩ khác thì sẽ tốt hơn.
Với vị trí thiết kế đồ họa, trách nhiệm chính vẫn là biết cách lựa chọn, sắp xếp và trình bày các yếu tố thị giác như hình ảnh, chữ nghĩa và màu sắc để thể hiện đúng thông tin muốn truyền tải trong ấn phẩm của mình. Người làm thiết kế đồ họa chủ yếu cần biết cách sử dụng công cụ máy tính để thể hiện các ý tưởng chứ không bắt buộc phải biết dùng cọ một cách điêu luyện, làm chủ các kỹ thuật tô màu trên mọi loại giấy hay sở hữu nét vẽ riêng biệt như họa sĩ.
Tóm lại, kỹ năng vẽ tay sẽ rất tốt cho công việc thiết kế đồ họa nhưng không là yếu tố then chốt. Việc bạn biết chọn tranh hay họa sĩ nào phù hợp cho sản phẩm hình ảnh mình đang làm mới thực sự quan trọng với cương vị của thiết kế đồ họa.
>> 5 công việc bạn có thể làm trực tuyến ở bất kỳ đâu
“Làm thiết kế đồ họa lúc nào lương cũng cao”
Nghề nào cũng vậy, nếu bạn thật sự có tài thì thu nhập mới cao chứ không phải cứ làm thiết kế đồ họa là lương tháng ngàn đô rót vào tài khoản. Nhìn chung thì bạn không nên quá đặt nặng vấn đề lương bổng để chọn ngành học vì mức thu nhập cụ thể sẽ phụ thuộc vào năng lực và khả năng lao động của mỗi người.
Thay vào đó, bạn chỉ nên chọn ngành Thiết kế đồ họa vì thích làm việc với hình ảnh và có khát khao sáng tạo thì sẽ hợp lý hơn. Niềm yêu thích này sẽ góp phần giúp bạn có động lực vượt qua các khó khăn trong giai đoạn đầu mới lập nghiệp như thu nhập hạn chế, tốc độ thăng tiến chậm hay nguồn khách hàng chưa ổn định.
Năng lực của một chuyên viên thiết kế đồ họa được đánh giá dựa vào sản phẩm từng làm nên nếu bạn cố gắng chăm chút cho từng ấn phẩm của mình ngay từ khi đi học thì khả năng nhận được công việc với thu nhập tốt sẽ cao hơn. Ngoài năng lực chuyên môn thì bạn nên chú tâm trau dồi khả năng thương thảo về giá để bảo vệ quyền lợi cho công sức của mình. Xét trên cùng một sản phẩm, người biết cách báo giá sẽ chốt được một mức thù lao hậu hĩnh còn ai thiếu kinh nghiệm sẽ chỉ nhận được khoản chi phí chưa xứng tầm.
Thiết kế đồ họa vốn đã khó nhưng để bán được sản phẩm của mình với mức giá tốt sẽ càng nan giải hơn. Vậy nên bạn cứ chuẩn bị tinh thần đối diện với sự thật không mấy dễ chịu là lương bổng của vị trí thiết kế đồ họa có thể sẽ không cao như mình kỳ vọng.
“Thiết kế đồ họa là công việc nhàn hạ”
Chỉ cần tra cứu trên Google là bạn có thể dễ dàng tìm được danh sách những logo và bộ nhận diện thương hiệu có giá trị tính bằng đơn vị triệu đô (USD) mà các nhãn hàng sẵn sàng chi trả cho bộ phận thiết kế. Hầu hết các logo đắt đỏ đều có họa tiết và đường nét đơn giản nên nếu bạn thầm nghĩ công việc thiết kế đồ họa làm ít nhưng thu nhập khủng thì thật sự nhầm to. Chuyên viên thiết kế đồ họa dù có được trả lương cao bao nhiêu thì vẫn không bao giờ là vị trí nhàn hạ, nhất là với những hợp đồng có trị giá triệu đô.
Để cho ra được sản phẩm cuối cùng như bạn thấy, người làm thiết kế đồ họa phải vắt óc sáng tạo ra rất nhiều phương án để khách hàng lựa chọn và cân nhắc. Mức lương càng cao thì đòi hỏi của khách hàng càng lớn nên có thể bạn sẽ phải chịu khó sửa đi sửa lại nhiều hơn. Việc thuyết phục khách hàng đồng thuận với các mẫu thiết kế của mình là một thử thách không nhỏ trong nghề. Nếu vào nghề lâu năm bạn có thể sẽ sở hữu nhiều kinh nghiệm để làm cho khách hàng nhanh chóng phê duyệt từ những lựa chọn ban đầu để tiết kiệm thời gian và công sức cho đôi bên.
Đó là chưa kể chuyên viên thiết kế đồ họa nào cũng đều có trách nhiệm bàn giao sản phẩm đúng thời hạn nên áp lực về thời gian không hề nhỏ. Do đó nếu bạn hy vọng có công việc nhàn nhã thì thiết kế đồ họa chắc chắn không phải là lựa chọn lý tưởng.
>> Chọn ngành du học cho người sáng tạo
Nguồn tham khảo: U Creative, Leff Communications, MarStudio