Bất kì ai, từ những người đã, đang hay sẽ du học cũng đều có thể kể ra hàng loạt những ích lợi của việc du học, chẳng hạn “bằng cấp giá trị”, “trải nghiệm quý giá”, “các khoảnh khắc tuyệt vời”… Tuy nhiên, bạn sẽ không thể cho những điều ấy trong CV của mình. Nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến những điều cụ thể, có dẫn chứng rõ ràng.
Vậy thì đâu là những điều mà bạn không nên quên cho vào CV?
>> 4 cách tìm việc làm hữu hiệu cho du học sinh về nước
>> Đi phỏng vấn xin việc cũng như một cuộc hẹn hò!
#1: Nhắc tới trường đại học và chương trình học
Đây là thông tin đắt giá, luôn được đặt lên hàng đầu trong phần học vấn. Tuy nhiên, bên cạnh thông tin về tên khóa học (tên bằng cấp) và trường Đại học, bạn cũng nên cho vào tên thành phố và ngành chuyên môn.
Loại thông tin này nên được lựa chọn sao cho phù hợp với mục đích của CV. Nếu đây là CV xin việc và vị trí mà bạn đang ứng cử có liên quan đến một môn học nào đó thì chi tiết này cũng nên được kể ra – kể cả đó có thuộc phạm vi học “chính thống” hay chỉ trong khuôn khổ một chương trình trao đổi ngắn ngủi.
Một số chi tiết khác mà bạn nên nhắc tới là tên đề tài nghiên cứu và số điểm trung bình.
#2: Đề cập trải nghiệm thực tập/làm việc
Nếu bạn đã từng tham gia các chương trình có tính quốc tế như là đi học trao đổi, đi thực tập ở nước ngoài hay dự các hoạt động học thuật đa văn hóa thì hãy cho vào mục kinh nghiệm chuyên môn.
Thử ngồi nhớ lại xem suốt thời gian du học bạn có tham gia chương trình học thuật nào của văn phòng quan hệ quốc tế tổ chức không.
Một số người chọn kết hợp cả kinh nghiệm chuyên môn lẫn cá nhân vào phần thứ hai này. Nếu bạn cũng có cùng quan điểm như họ thì đây là nơi có thể “chèn” thông tin về các hoạt động ngoại khóa: tình nguyện, làm thêm, tham dự hội nghị hội thảo hay các cuộc thi có liên quan đến ngành học (hoặc không). Loại thông tin này sẽ giúp bạn tạo ấn tượng là người năng động, cởi mở với các nền văn hóa trước nhà tuyển dụng.
#3: “Khoe” kỹ năng
Kỹ năng quan trọng nhất nên đề cập trong phần thứ ba này là ngoại ngữ. Bên cạnh mỗi ngoại ngữ cũng cần cung cấp trình độ chung (tổng điểm IELTS, TOEFL…) hay thậm chí là ghi rõ trình độ của từng kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết (nếu kết quả của bạn khả quan, hoặc vì đơn vị tuyển dụng yêu cầu).
Dạng kỹ năng phổ biến thứ hai là công nghệ thông tin. Tùy vào hiểu biết của bạn mà nên nhắc đến các chương trình tin học, phần mềm, ứng dụng…
Trong phần này, một số người cũng khuyên nên thêm thông tin về kỹ năng sống và làm việc nhóm. Chẳng hạn như kỹ năng làm việc trong một nhóm đa văn hóa, kỹ năng hòa nhập ở môi trường sống mới, kỹ năng vượt qua rào cản ngôn ngữ, kỹ năng giải quyết khủng hoảng…
#4: Chọn người giới thiệu là người nước ngoài
Ở phần đề xuất nhân vật tham khảo, bạn nên tận dụng các mối quan hệ quốc tế để chọn những người giới thiệu là người nước ngoài.
Họ có thể là giáo sư, người hướng dẫn, người tuyển dụng cũ, đồng nghiệp hay nhà tổ chức chương trình tình nguyện mà bạn từng tham gia – tóm lại là một người đã từng làm việc trực tiếp với bạn và có thể làm nhân chứng cho khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa cũng như những ưu điểm của bạn!