Tận dụng các mối quan hệ, cập nhật website hoặc like các trang tìm việc online là một trong những phương pháp tìm việc làm hiệu quả.
>> Chuyện tìm việc làm sau tốt nghiệp của du học sinh tại châu Âu
>> Đi phỏng vấn xin việc cũng như một cuộc hẹn hò
1. Rà soát những mối quan hệ cũ
Đi du học tức là đã bẵng đi một thời gian bạn không còn liên hệ với mọi người ở nhà, thậm chí là với cả những bạn bè du học sinh đã về nước trước bạn một vài năm, vậy nên bạn chắc chắn sẽ không thể cập nhật tình hình từng người một cách đầy đủ nhất được. Hãy rủ họ đi uống café, cập nhật thông tin trên linkedin hay đơn giản là một câu thăm hỏi trên mạng Xã hội để họ biết là bạn đã trở về (và đang tìm việc).
Một lời hỏi thăm chẳng mất gì, nhưng bù lại bạn đang tự mở ra rất nhiều cơ hội cho bản thân. Chính mình đã tìm được việc làm chỉ sau đôi ba dòng trao đổi trên skype với sếp cũ (mà người chủ động hỏi chuyện thậm chí còn không phải là mình trước!)
>> Tạo dựng quan hệ với người bản xứ trước khi đi du học
2. Đăng ký nhận thư của các chuyên trang tuyển dụng
Chưa bao giờ việc theo dõi thông tin cơ hội việc làm lại đơn giản như thế. Chỉ cần google là bạn có thể tìm ra nhiều trang thông tin việc làm khác nhau – có trang tập trung các công việc chuyên ngành Nhà hàng Khách sạn, có trang chuyên tổ chức từ thiện và phi chính phủ, có trang lại tập trung theo vùng miền địa lý tách biệt, lại cũng có trang do các cơ quan nhà nước “chủ quản”…
Khi lên những trang chuyên nghiệp (như vietnamworks chẳng hạn), bạn còn có thể chọn chức năng đăng ký nhận thư báo mỗi ngày (Email Me Jobs). Đều đặn, hàng ngày bạn sẽ nhận được danh sách những công việc cập nhật và phù hợp với hồ sơ của mình.
Thực sự là thao tác tìm việc đã thuận tiện hơn rất nhiều với công cụ “đăng ký nhận thư”. Nếu chịu khó điền hồ sơ lý lịch của mình trên các trang này, bạn thậm chí chỉ cần ứng tuyển chỉ sau một cú nhấp chuột gửi hồ sơ đi!
3. Like các Fanpage, đăng ký làm thành viên group việc làm
Nếu bạn thường xuyên lên Facebook thì các kênh Fanpage và Group việc làm là dành cho bạn. Cá nhân mình thấy đây là kênh “chạy” nhất hiện nay. Cũng như các trang web việc làm, Fanpage hay nhóm được lập ra để phục vụ cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Điển hình có các trang Tuyển dụng nhân sự Tiếng Pháp, group việc làm của các thành phố, trang Fanpage chuyên cập nhật thông tin việc làm trong lĩnh vực marketing truyền thông, Group về các cơ hội thực tập ở Việt Nam…
“Like” các trang chuyên tin việc làm chưa đủ, bạn cũng nên like trang chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp mà bạn quan tâm vì đây cũng chính là nơi họ tung tin tuyển dụng. Từ khách sạn, khu nghỉ mát, trang Fanpage của tổ chức xúc tiến việc làm thành phố, trang của các Đại sứ quán cho đến các trung tâm văn hóa nước ngoài và cả những Fanpage người nổi tiếng cũng là nơi bạn có thể tìm thấy công việc trong mơ của mình.
4. Cập nhật tình hình các công ty cho vào tầm ngắm
Tất nhiên không phải công ty nào cũng cho tin tuyển dụng lên Fanpage mà lại chuộng hình thức đăng tin trên trang web chính thức của công ty hay qua các kênh truyền thông đại chúng hơn. Một khi đã để mắt tới họ, tốt nhất là bạn chăm chỉ vào thăm mục tuyển dụng/ nhân sự của trang web công ty đó để kịp nắm thời cơ.
Một khi bắt sóng được tình hình “thời sự” của công ty, bạn sẽ biết họ sắp sửa tổ chức ngày hội việc làm ở đâu, vào ngày tháng năm nào để không bỏ lỡ. Và tất nhiên đã gọi là “cập nhật tình hình” thì hoàn toàn có thể đến từ nhiều nguồn, trong đó có thể áp dụng cả cách số 1 (hỏi han bạn bè đang làm cho công ty đó) kết hợp với cách số 3 (like Fanpage của họ) hay cả những cách khác như là đem hồ sơ đến tận phòng nhân sự hay… kết bạn với sếp tổng của công ty đó trên linkedin chẳng hạn!
>> Mạng Xã hội chuyên biệt và cơ hội nghề nghiệp?
>> 5 công cụ số sẽ giúp bạn tìm thấy công việc đầu đời