Trong khi đang “cố nhét” kiến thức vào đầu cho những bài kiểm tra cuối năm, có thể bạn cũng bắt đầu mơ mộng về những gì mình sẽ làm cho kỳ nghỉ hè. Có thể là một chuyến du lịch bằng xe lửa hoặc cơ hội làm thực tập sinh ở một công ty nào đó. Và cũng nhiều khả năng là bạn đang muốn theo một chương trình tình nguyện ở nước ngoài. Vậy thì đâu là những điều bạn nên cân nhắc trước khi đâm đầu vào kế hoạch này?
>> Học Thạc sĩ thực tế phát triển (Master of Development practice) ở Úc
>> Kinh nghiệm học Thạc sĩ ngành Phát triển tại Anh
1. Làm thế nào để chọn được tổ chức tử tế hay công việc phù hợp?
Hãy nhận những lời khuyên từ trường Đại học của bạn. Natasha Stein, sáng lập viên của Responsible Volunteering khuyên rằng bạn nên bắt đầu nói chuyện với các giáo sư hay tư vấn viên trong trường đại học của mình để có được những gợi ý và lời khuyên tốt.”
Ngoài ra, bạn cũng có thể chủ động tiếp cận tổ chức. Marielle Ali, người đã tham gia tình nguyện khi đang học Thạc sĩ về các vấn đề toàn cầu tại Đại học New York, khuyên bạn nên tìm đến những tổ chức phi chính phủ ở cấp địa phương để có thể hiểu hơn về nguyện vọng của tổ chức. “Tôi biết mình muốn làm việc với một tổ chức tập trung về nạn buôn bán người, nhưng bây giờ tôi muốn ra ngoài xã hội và lắng nghe câu chuyện của mọi người. Qua Google, tôi đã tìm thấy the Mirror Foundation ở Thái Lan. Sau khi liên lạc với tổ chức này, tôi hiểu rằng họ không có khả năng nhận tình nguyện viên cho đội chuyên giải quyết nạn buôn người, nhưng lại cần tình nguyện viên giúp đỡ những bộ tộc miền núi có được quyền công dân Thái Lan”.
Nếu không liên hệ, có lẽ cô sẽ vẫn được nhận vào làm tình nguyện viên, nhưng không chắc sẽ thực sự hữu ích cho tổ chức.
>> Tâm sự của một tình nguyện viên Việt Nam ở Nhật: Mình đi học ở đâu?
>> Tình nguyện viên không biên giới với giấy, nước và đất sét
2. Công việc và đóng góp của mình sẽ làm được gì cho cộng đồng?
Tìm hiểu về những người mà bạn sẽ làm việc cùng, nói chuyện với họ về vị trí bạn muốn ứng cử sẽ cho phép bạn hiểu rằng mình có phù hợp với vị trí đó hay không. Cần lưu ý là kỹ năng ngôn ngữ vô cùng quan trọng trong quá trình đi làm tình nguyện. Ali đã gặp rào cản vì không biết nói tiếng Thái trong khi vai trò chính của cô là viết báo cáo, tài liệu cho tổ chức phi chính phủ. Vì thế, cô luôn cần ai đó giúp phiên dịch.”
Một vấn đề cần tỉnh táo suy nghĩ nữa đó là khoản phí mà bạn sẽ bỏ ra trong quá trình làm từ thiện (trong trường hợp đây là chương trình tình nguyện có nộp phí). Cho dù tiền của bạn đang tạo công ăn việc làm cho những người dân địa phương đi chăng nữa, Brook nói, thì bạn cũng phải biết liệu gia đình mà bạn đang sống cùng có được trả tiền và người tài xế lái xe của bạn có được trả một khoản tiền công xứng đáng hay không? Nếu số tiền của bạn chỉ được dùng vào việc quảng bá cho chương trình để thu hút thêm nhiều tình nguyện viên trong tương lai, bạn có thể chủ động đặt câu hỏi với đại diện tổ chức.
Ngay cả khi chương trình của bạn được trợ cấp một phần nào đó bởi chính phủ hoặc trường đại học, bạn vẫn có quyền hỏi về bảng chi phí chi tiết.
>> Kinh nghiệm đi trao đổi quốc tế từ một thành viên AIESEC
3. Khoảng thời gian làm tình nguyện của tôi có quá ngắn hay không, và sẽ thế nào khi tôi rời đi?
Bạn chỉ có 2 tuần rảnh rỗi? Hãy tình nguyện tại nhà thay vì đi nước ngoài! “Sự phát triển bền vững cần nhiều năm, không phải nhiều tuần!” Hudson nói.
Stein cũng đồng ý rằng “Nếu bạn đang làm việc với mọi người thì cố gắng làm càng lâu càng tốt. Bạn cần phải có thời gian để thích nghi với văn hóa và xây dựng những mối quan hệ. Khi tôi làm việc tại Voluntary Services Overseas (VSO – Dịch vụ tình nguyện quốc tế), chúng tôi đã nghĩ đến việc rút ngắn thời gian làm việc từ 2 năm xuống còn 1 năm, nhưng những tình nguyện viên đáp lại rằng chừng đó thời gian vẫn chưa đủ lâu.”
Ali cũng chia sẻ: “Tôi đã gặp một vài tình nguyện viên chỉ dạy học trong vòng 2 tuần. Những giáo viên mới liên tục xuất hiện cách tuần làm những đứa trẻ khó mà tiếp nhận được bài học.”
Vậy nên, hãy tìm hiểu xem bạn cùng với chương trình tình nguyện có đồng quan điểm phát triển với nhau không. Hãy hỏi xem chương trình có những định hướng ra sao, liệu có tình nguyện viên nào sẽ thay thế bạn ngay khi bạn rời đi, và họ sẽ thay thế bạn trong bao lâu…
Tóm lại, đừng vội vàng đăng ký một chương trình tình nguyện nào khi chưa hiểu thấu đáo về đường hướng hoạt động của tổ chức đó, những điều kiện tham gia và cả các vấn đề an toàn cho bản thân bạn.